1. Tiêm phòng các vắc xin phòng bệnh có ý nghĩa gì?
1.1 Ý nghĩa của việc tiêm phòng
Ba mẹ có biết, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm vì hệ thống miễn dịch của cơ thể con vẫn còn quá non yếu và chưa được hoàn thiện. Vì thế, việc tiêm phòng cho trẻ ngay khi còn nhỏ là cách hiệu quả nhất giúp bảo vệ con tránh khỏi rất nhiều bệnh nguy hiểm khác nhau như sởi, cúm, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, uốn ván, sốt bại liệt,... Khi trẻ được tiêm chủng định kỳ thì cơ thể sẽ tạo đủ miễn dịch để tự bảo vệ mình khỏi những bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo có khả năng để lại những di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.
Ngoài việc tránh được những bệnh nguy hiểm đó thì việc được tiêm ngừa đầy đủ còn giúp tạo điều kiện cho cơ thể con phát triển mạnh mẽ và không bị mắc các di chứng, dị tật ảnh hưởng đến thể chất và trí não. Đặc biệt, chi phí tiêm chủng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc điều trị cho con khi bị nhiễm bệnh.
1.2 Điều gì sẽ xảy ra khi bé không được tiêm phòng đầy đủ
Dạo gần đây có rất nhiều thông tin trái chiều rằng tiêm vắc xin sẽ khiến trẻ bị bệnh, nhưng trên thực tế, khi một loại vắc xin phòng bệnh ra đời, nó đã phải trải qua rất nhiều cuộc kiểm tra nghiêm ngặt nhằm đảm bao an toàn và có lợi cho trẻ em. Nếu việc tiêm chủng không được thực hiện thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vì hệ thống miễn dịch không được cũng cố và còn quá yếu để chống lại sự xâm nhập của virus gây bệnh. Thậm chí, một số trẻ không được tiêm ngừa mà nhiễm bệnh còn là nguyên nhân lây truyền bệnh cho những người xung quanh. Để việc tiêm ngừa được diễn ra an toàn, bố mẹ hãy đưa trẻ đến những cơ sở y tế chất lượng và uy tín trong lĩnh vực này nhé.
2. Lịch tiêm phòng năm 2019 cho bé theo từng giai đoạn
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng , Bộ Y tế đã đưa ra thông tư về 10 loại vắc-xin bắt buộc cho trẻ từ 0 đến 5 năm tuổi, đó là:
- Viêm gan B
- Bệnh lao
- Bệnh bạch hầu
- Bệnh ho gà
- Bệnh uốn ván
- Bệnh bại liệt
- Bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B
- Bệnh sởi
- Viêm não Nhật bản B
- Rubella.
Và ngay dưới đây sẽ là lịch tiêm phòng cho bé trong năm 2019, cha mẹ cùng theo dọi nhé.
2.1 Lịch tiêm phòng cho bé năm 2019
Trẻ sơ sinh:
- Phòng lao
- Phòng viêm gan B
Trẻ 2 tháng tuổi:
- Phòng bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Viêm gan B - Hib mũi 1
- Phòng bại liệt mũi 1
Trẻ 3 tháng tuổi:
- Phòng bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Viêm gan B - Hib mũi 2
- Phòng bại liệt mũi 2
Trẻ 4 tháng tuổi:
- Phòng bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Viêm gan B - Hib mũi 3
- Phòng bại liệt mũi 3
Trẻ 5 tháng tuổi:
- Bại liệt tiêm (IPV)
Trẻ 9 tháng tuổi:
- Phòng sởi mũi 1
Trẻ 18 tháng tuổi:
- Phòng bạch hầu - Uốn ván - Ho gà mũi 4
- Phòng sởi - Rubela
Trẻ 1 - 5 tuổi:
- Phòng viêm não Nhật Bản mũi 1
- Phòng viêm não Nhật Bản mũi 2 (1-2 tuần sau mũi 1)
- Phòng viêm não Nhật Bản mũi 3 (1 năm sau mũi 2)
2.2 Những thay đổi về việc tiêm phòng cho bé trong năm 2019
2.2.1 Thay thế vắc-xin Quinvaxem bằng ComBE Five
Từ năm 2019 Việt Nam có vắc-xin thay thế vắc-xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng 2019. Theo đó, vắc xin 5 trong 1 (có tên thương mại là ComBE Five) được lựa chọn để thay thế vắc-xin Quinvaxem.
Lịch tiêm vắc xin ComBE Five trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.
2.2.2 Triển khai vắc-xin bại liệt IPV theo đường tiêm
Từ tháng 6/2019, trẻ sẽ được tiêm một mũi vắc-xin bại liệt tiêm IPV lúc 5 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng. Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng 2019 là vắc xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất. Đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
2.2.3 Sử dụng vắc xin sởi – rubela do Việt Nam tự sản xuất
Trong năm 2019, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia sử dụng vắc-xin sởi-rubella (MR) do Việt Nam sản xuất tại các điểm tiêm chủng mở rộng toàn quốc, cho trẻ từ 18 – 24 tháng tuổi. Và theo lịch tiêm chủng, mũi sởi thứ nhất sẽ được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
Đây là vắc-xin sởi-rubella đầu tiên được sản xuất thành công tại Việt Nam trong dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản hỗ trợ.
3. Những loại vắc xin ngăn ngừa khác mà ba mẹ cũng cần chú ý
Ngoài những loại vắc xin theo lịch tiêm phòng cho trẻ thì trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, bố mẹ cũng cần lưu ý các loại vắc xin ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như:
- Vắc xin phế cầu
- Vắc xin phòng thủy đậu
- Vắc xin phòng viêm gan siêu vi A
- Vắc xin HPV - phòng ung thư cổ tư cung dành cho bé gái từ 9 tuổi trở lên.
- Vắc xin thương hàn
- Vắc xin phòng cúm
- Vắc xin phòng tiêu chảy do vi rút Rota gây ra.
Tuy nhiên, không phải bệnh viện hay trung tâm y tế nào cũng sẽ có đầy đủ những loại vắc xin kể trên, đặc biệt là vào những đợt cao điểm. Để tránh mất công, bố mẹ có thể liên hệ trước với các cơ sở y tế trước khi đưa bé đi tiêm chủng. Hoặc là đăng ký giữ vắc-xin cho con, nhất là với những loại vắc-xin thường rơi vào tình trạng khan hiếm như Pentaxim , viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu,...
4. Bố mẹ cần làm khi khi quên lịch tiêm phòng cho bé
Trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, do tới ngày tiêm con bị bệnh hoặc do bố mẹ quên lịch tiêm chủng của con.
Theo như các khuyến cáo, khi phát hiện bé đã bị quên một mũi tiêm thì cần phải liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và đưa ra hướng giải quyết thích hợp. Tuy theo loại bệnh và loại vắc xin, các bác sĩ sẽ khuyên bố mẹ cho trẻ được tiêm bù.
Chính vì vậy, trong việc chăm sóc bé sau sinh , ghi nhớ lịch tiêm phòng cho bé là rất quan trọng nhằm giúp con được bảo vệ một cách tốt nhất, tránh việc lây nhiễm đáng tiếc xảy ra khi lỡ quên một mũi tiêm, bố mẹ nhé. Và hiện này cũng có rất nhiều ứng dụng miễn phí giúp ghi nhớ và nhắc nhở lịch tiêm phòng cho con, bố mẹ cũng có thể tham khảo thêm.
5. Những trường hợp nào mà trẻ không thể được tiêm ngừa
Việc tiêm chủng cho trẻ bắt đầu từ lúc mới sinh cho đến những năm đầu đời là rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trường hợp trẻ không được tiêm phòng do:
- Trẻ đang bị cảm cúm hoặc sốt cao.
- Mắc các bệnh về não, động kinh.
- Mắc các bệnh cấp tính hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu do hóa trị liệu.
- Bé bị bệnh tim hay những bệnh lý khác.
- Phản ứng nghiêm trọng với lần tiêm phòng trước.
Cách tốt nhất khi đưa bé đi tiêm phòng thì bố mẹ nên kiểm tra sức khỏe định kỳ khoảng 2-3 tháng/ lần cho trẻ, để biết được trẻ đang mắc các bệnh có nguy cơ dẫn đến sốc phản vệ khi tiêm hay không. Và điều quan trọng nhất là bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ mọi vấn đề của con (nếu có) để có hướng giải quyết tốt nhất.
Tiêm vắc-xin đầy đủ và nắm rõ lịch tiêm phòng cho bé là việc làm hết sức quan trọng, nhằm giúp bảo vệ con một cách tốt nhất trong những năm tháng đầu đời. Yeutre.vn hi vọng bài viết này đã có thể giúp ích thật nhiều cho bố mẹ trong việc tiêm phòng cho bé. Chúc bố mẹ và bé luôn hạnh phúc và khỏe mạnh.
Hiền Anh tổng hợp