Một trong những lý do quan trọng, theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM, bởi vì vaccine Quinvaxem đã thành lập nên hàng rào miễn dịch cộng đồng vững chắc so với các loại vaccine công nghệ vô bào khác.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM (bên phải). Ảnh từ interntet
Mô hình bệnh tật mỗi nước khác nhau
Thưa ông, nhiều người dân đặt câu hỏi: Vì sao cứ phải là Quinvaxem trong khi nước sản xuất không sử dụng nó?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Vào thời điểm được cấp phép (2006), Quinvaxem là vaccine 5 trong 1, trong đó có thành phần ho gà công nghệ toàn tế bào dạng lỏng, dễ sử dụng; là vaccine đa giá trị giúp giảm mũi tiêm, giảm hao phí, giảm dung tích bảo quản, giảm nguy cơ nhiễm trùng do tiêm nhiều mũi; là lựa chọn tốt nhất cho lịch tiêm chủng tại các quốc gia đang sử dụng các loại vaccine với công nghệ toàn tế bào.
Để đánh giá vấn đề sử dụng vaccine của mỗi quốc gia, người ta dựa trên bốn tiêu chí. Thứ nhất là gánh nặng bệnh tật; thứ hai là tính sinh miễn dịch - khả năng bảo vệ trước bệnh tật; thứ ba là tính an toàn và cuối cùng là tính sẵn có cũng như tích hợp trong hệ thống y tế, kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Dựa trên bốn tiêu chí này, mỗi quốc gia đưa ra chiến lược sử dụng vaccine cho mình.
Đối với Hàn Quốc có nhiều chỗ khác với Việt Nam. Về gánh nặng bệnh tật: Trong Quinvaxem phòng năm bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan và viêm màng não mủ (Hib). Phòng bệnh Hib, Hàn Quốc đưa sử dụng trong chương trình tiêm chung quốc gia vào năm 2013, trong khi cấp phép vắc xin này năm 2006.
Về tính sinh miễn dịch: mô hình bệnh viêm gan B của Hàn Quốc và Việt Nam khác nhau. Đối với Hàn Quốc, mô hình bệnh tật chủ yếu lây qua người lớn. Còn Việt Nam chủ yếu lây truyền từ mẹ sang con. Như vậy, chiến lược tiêm ngừa viêm gan của Hàn Quốc là 0-1-6, nghĩa là mới sinh ra, sau một tháng và sau sáu tháng phải tiêm để giảm khoảng cách các mũi tiêm và miễn dịch mang tính lâu bền. Còn Việt Nam phải tiêm ngay sau khi sinh và phải tiêm liên tục để đảm bảo tính miễn dịch sớm cho các đối tượng, do đó sử dụng lịch tiêm: mũi sơ sinh và 3 mũi 2-3-4 như lịch tiêm Quinvaxem.
Hơn nữa, Hàn Quốc đang sử dụng vắc xin phòng bệnh ho gà bằng công nghệ vô bào (khác thành phần ho gà trong Quinvaxem).
Đối với hệ thống tiêm chủng quốc gia, lịch tiêm chủng cần ổn định vì nó ảnh hưởng đến các hoạt động khác của tiêm chủng. Hàn Quốc lịch tiêm là 2-4-6 và nó mang tính ổn định trong việc kiểm soát bệnh tật.
Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng Quinvaxem, vắc xin đã hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và được WHO tiền thẩm định, được cơ quan quản Hàn Quốc cấp phép cho xuất khẩu. Và chương trình tiêm chủng quốc gia Hàn Quốc không sử dụng vắc xin 5 trong 1 hay 6 trong 1 của ai mà họ chỉ sử dụng 4 trong 1 (DTaPIPV) và 3 trong 1 (DTaP).
Thành phần ho gà dễ gây phản ứng
Có phải chúng ta thấy rẻ lỡ mua rồi nên phải sử dụng?
Khác nhau cơ bản trong Quinvaxem với các vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 khác, chủ yếu là thành phần ho gà toàn tế bào gây nhiều phản ứng hơn vô bào, tuy nhiên chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình còn mức độ nặng thì hiếm gặp và cả hai đều như nhau. Các thành phần khác gần như là tương đồng. Thành phần ho gà khác nhau là công nghệ vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn) và toàn tế bào (vẫn còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn). Đây là vấn đề vẫn còn đang tranh cãi và thậm chí hoàn toàn mâu thuẫn nhau.
Người dân xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (Tp.HCM) đưa con đi tiêm vaccine Quinvaxem. Ảnh: TÙNG SƠN
Đặt giả dụ vì sao không đưa công nghệ vô bào cho thành phần ho gà vào Quinvaxem để giảm phản ứng? Để phòng ho gà, mỗi quốc gia chọn công nghệ mang tính phòng bệnh hiệu quả cho một số nước có gánh nặng bệnh tật lớn, tạo miễn dịch bền hơn, miễn dịch cộng đồng tốt hơn, phù hợp với lịch tiêm chủng cũng như hệ thống tiêm chủng đang có.
Nhưng tại sao vaccine toàn tế bào có nhiều rủi ro hơn vaccine vô bào nhưng chúng ta vẫn chọn?
Mỗi quốc gia người ta chọn vaccine dựa trên khuyến cáo của WHO: Đối với đất nước đã sử dụng vaccine toàn tế bào thì cân nhắc khi chuyển sang vô bào vì phải lường trước khả năng bùng phát dịch bệnh, phải đảm bảo nguồn lực tiêm nhắc lại (4-6 tuổi, 11-12 tuổi, kể cả tiêm cho phụ nữ mang thai) và phải tính sự chấp nhận của cộng đồng khi tiêm nhắc lại. Theo báo cáo của WHO, đối với đất nước có lịch tiêm chủng quốc gia bốn mũi trở xuống thì nên tiêm tiếp tục vaccine ho gà toàn tế bào, không nên chuyển đổi. Như vậy, Việt Nam đang tiêm vaccine toàn tế bào hơn 30 năm qua và có hiệu quả. Trước năm 1980, hằng năm có hơn 96.000 trường hợp mắc bệnh ho gà nhưng hơn 30 năm triển khai tiêm chủng bệnh ho gà bằng vaccine theo công nghệ toàn tế bào và Quinvaxem, từ năm 2010, số mắc ho gà mỗi năm luôn ở mức dưới ba con số, giảm trên 1.000 lần.
Các nước sử dụng vaccine như thế nào, thưa ông?
Từng quốc gia chọn vaccine với chủng virus khác nhau, công nghệ sản xuất khác nhau, lịch tiêm cũng khác nhau nên việc đánh giá không phải dễ dàng. Cái chính là mỗi quốc gia khi sử dụng mang tính hiệu quả cao thì nên tiếp tục sử dụng. Theo đánh giá của WHO qua khảo sát 19 nước (bốn nước thu nhập trung bình khá và 15 nước thu nhập cao) cho thấy dù không có sự bùng phát dịch ho gà trên toàn cầu nhưng lại gia tăng tại một số nước.
Thí dụ, có bốn nước có dịch ho gà xảy ra và gia tăng gồm Úc, Anh, Bồ Đào Nha, Mỹ dù tỉ lệ tiêm chủng cao, tiêm nhắc nhiều lần bằng vaccine vô bào. Mỹ hằng năm vẫn ghi nhận từ 10.000 đến 40.000 người mắc ho gà, 10-20 trường hợp tử vong. Trong khi đó tại Úc có 11.000-23.000 người mắc/năm... Riêng Chile sử dụng vaccine toàn tế bào vẫn xảy ra dịch là do tỉ lệ tiêm chủng ở nước này quá thấp.
Tại sao không bỏ Quinvaxem?
Như ông nói thì một số lượng trẻ em Việt Nam đang tiêm ho gà bằng vaccine vô bào, liệu có lo lắng?
Chúng ta đang sử dụng vaccine toàn tế bào và đã tạo ra được nền miễn dịch cộng đồng vững chắc, tác nhân gây bệnh không lây lan. Hiện nay có 8% dân số tiêm vaccine vô bào. Theo hướng dẫn của WHO vào tháng 7-2014, các nghiên cứu tại Úc, Anh, xứ Wales và Mỹ cùng các thực nghiệm trên khỉ đầu chó tiêm vaccine công nghệ vô bào cho thấy khả năng bảo vệ từ đối tượng được tiêm vaccine sang đối tượng chưa tiêm thông qua cơ chế lây nhiễm thụ động là rất hạn chế. Do vậy miễn dịch cho cộng đồng là không đảm bảo so với vaccine công nghệ toàn tế bào. Điều này cho thấy việc chuyển đổi từ vaccine toàn tế bào sang vaccine vô bào có thể liên quan với sự tái bùng phát của bệnh ho gà tại một số nước phát triển, những người đã tiêm vắc xin vô bào nên tiếp tục tiêm nhắc lại để đảm bảo khả năng phòng bệnh.
Trong vụ dịch 2010 tại California (Mỹ) hay vụ dịch năm 2009-2011 xảy ra tại Queensland (Úc) cho thấy trẻ đã từng tiêm ho gà vô bào có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ đã tiêm ho gà toàn tế bào và trong trường hợp tiêm thay thế nhau (từ ho gà vô bào sau đó chuyển sang toàn tế bào hoặc ngược lại), nếu mũi đầu tiên là ho gà toàn tế bào hiệu quả bảo vệ sẽ cao hơn so với lịch ho gà vô bào. Như vậy, ngoài việc không bảo vệ được cho cộng đồng, tiêm vắc xin ho gà vô bào cũng không bảo vệ chính người được tiêm như ho gà toàn tế bào trong trường hợp có dịch xảy ra và việc tiêm ho gà toàn tế bào dù chỉ 1 mũi và tiêm đầu tiên - vẫn cho hiệu quả tốt hơn.
Nhưng tại sao người ta vẫn chuộng vaccine vô bào?
Khi chương trình tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả cao thì người ta không còn phân biệt giữa lợi ích tiêm chủng và bệnh tật. Nghĩa là người ta không mường tượng bệnh tật có thể diễn ra. Lúc đó phụ huynh quan tâm nhiều đến sưng, đau, đỏ, sốt… Chính những phản ứng của vaccine toàn tế bào nhiều hơn vaccine vô bào tác động trực tiếp đến phụ huynh khiến họ chọn tính an toàn sao cho giảm sưng đau, đỏ, sốt và thế là vaccine vô bào được “ưa chuộng”.
Vắc xin Quinvaxem sau khi đưa vào lưu hành tại Việt Nam, Viện Pasteur Tp.Hồ Chí Minh cũng đã đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch trên người Việt Nam. Kết quả cho thấy mũi một tỷ lệ sốt trên 380 là 18,4%, dễ kích thích 7,9%, các mũi tiêm thứ 2, thứ 3 các phản ứng trên giảm dần.
Tiêm vaccine công nghệ toàn tế bào có thể tạo miễn dịch cộng đồng tốt hơn, phòng lây lan sau tiêm tốt hơn. Ngoài ra còn mang tính nhân văn là bảo vệ cho những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới hai tháng tuổi) và những người có chống chỉ định hoặc hoãn tiêm.
Nhiều người “phản ứng” cho rằng Quinvaxem cần dừng lại để xem xét thấu đáo sau hàng loạt “phản ứng” từ vong sau tiêm?
Đó là ý kiến đúng, bởi sau khi sự cố xảy ra chúng ta phải tạm dừng nơi tiêm chủng để xử lý trường hợp tai biến. Nhưng chúng ta phải nhìn thấy có 94 nước trên thế giới sử dụng vắc xin Quinvaxem với gần 450 triệu liều gần 10 năm qua; đều đánh giá rằng tính an toàn, hiệu quả. Vì vậy, khi xảy ra sự cố thì phải nhìn nhận nó là do thực hành tiêm chủng, bệnh nền hay các vấn đề khác. Phần lớn các trường hợp xảy ra trong thời gian qua cho thấy quy trình tiêm chủng đảm bảo, vắc xin cũng không nghĩ đến. Do vậy, cần phải đánh giá kỹ hơn.
Bài học ở Anh năm 1974 khi thấy rằng các phản ứng sau tiêm chủng, 12 bệnh liên quan đến chậm phát triển, bệnh não… người ta tạm dừng tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng tử 81% xuống còn 31%, lúc ấy dịch bệnh bùng phát với 100.000 trường hợp mắc và 31trường hợp tử vong.
Một ví dụ khác, tại Nhật, năm 1975, Bộ y tế Nhật đã quyết định ngưng sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào để điều tra 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin và 3 năm sau, ghi nhận 13.000 trường hợp mắc, 113 trường hợp tử vong do ho gà; trong khi 3 năm trước 1975 ghi nhận 400 trường hợp mắc, 10 trường hợp tử vong.
Xin cám ơn ông.
So với tỉ lệ phản ứng đối với vaccine DPT có thành phần ho gà toàn tế bào, tỉ lệ phản ứng sốc là 20/1 triệu liều, khóc > 3 giờ với tỉ lệ (Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương)Khi quyết định dừng sử dụng vaccine thì phải cân nhắc giữa bệnh tật và lợi ích. Nếu dừng mà chưa có gì thay thế, bệnh tật bùng phát ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thì phải tiếp tục sử dụng.
PGS-TS PHAN TRỌNG LÂN
Theo Duy Tính
Nguồn PLO