Làm thế nào để nuôi con một mình - vượt qua những thách thức bằng chiến lược hạnh phúc

Làm thế nào để nuôi con một mình trong xã hội hiện đại dù không còn là một vấn đề hiếm gặp để bàn nữa, nhưng thực tế vẫn là một nỗi niềm đầy khắc khoải. Thách thức trong việc nuôi dạy một đứa trẻ thành người, bất kể bạn là bố hay mẹ đơn thân đều là cực kỳ lớn. 

banner ads

Mẹ suy tư
Làm thế nào để nuôi con một mình là nỗi niềm đầy khắc khoải của nhiều người. Ảnh Internet 

1. Thách thức mà những người nuôi con một mình đối mặt

Thực tế, thách thức trong việc nuôi dạy con cái không chỉ dành cho bạn - những ông bố bà mẹ đơn thân hay những ai đang trong tâm thế này. Nuôi dạy một đứa trẻ nên người là thử thách lớn nhất trong cuộc đời mỗi người, khi ở vai trò làm cha mẹ. Hẳn nhiên trong đó, những khó khăn mà cha hoặc mẹ đơn thân đối mặt sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn. Cụ thể và điển hình nhất là 3 vấn đề lớn mà bạn chắc chắn sẽ gặp nếu làm bố/ mẹ đơn thân như sau:

  • Làm bố mẹ đơn thân bạn sẽ người có trách nhiệm duy nhất với mọi vấn đề trong việc chăm sóc trẻ hàng ngày và nuôi con khôn lớn.
  • Áp lực, căng thẳng và sự mệt mỏi về mọi mặt của cha mẹ đơn thân sẽ là gấp đôi với những cặp cha mẹ cùng nuôi nấng chăm sóc con cái.
  • Các gia đình đơn thân cũng gặp nhiều khó khăn thử thách về mặt xã hội, hay các mối quan hệ trong gia đình lớn, thậm chí cả về tài chính. 
Mẹ đơn thân và thách thức
Nuôi con một mình bố/ mẹ nào cũng đối phó nhiều thách thức. Ảnh Internet 

2. Làm thế nào để nuôi con một mình - Chiến lược hạnh phúc là điều bạn nên nghĩ đến và bắt đầu ngay

Dù thử thách cho bố mẹ đơn thân là rất nhiều trong việc nuôi dạy con cái, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không thể làm tròn trách nhiệm, hay không thể thực hiện hoặc sống hạnh phúc với thiên thần bé nhỏ của mình. Thực tế cho thấy, có không ít ông bố bà mẹ đơn thân trên toàn thế giới có thể gọi là thành công, trong việc nuôi dạy những đứa con của mình thành người, thành tài. Và, nếu bạn trong trường hợp phải nuôi con một mình, bạn cũng có thể làm được như vậy.

Dù, ngay ở thời khắc này, có thể bạn đang còn gặp nhiều áp lực, bối rối, thậm chí là lo sợ, nhưng, bạn không có nhiều thời gian và sức lực cho điều này, nếu muốn cả bản thân mình cùng con có một ngày mai tươi sáng hơn. Nên, việc bạn cần làm bây giờ là đứng dậy ngay, thiết lập một chiến lược phù hợp nhất mà nhờ đó, bạn có thể chăm sóc con lẫn chính mình được tốt hơn. Vậy chiến lược đó như thế nào, chúng ta từng bước tham khảo những gợi ý chia sẻ ngay sau đây nhé. 

Lên chiến lược
Hãy bắt đầu lên chiến lược cho mình. Ảnh Internet 

2.1. Suy nghĩ tích cực

Nếu bạn để ý bạn sẽ thực sự nhận ra rằng, một vết thương trên da thịt đã lành nhưng những ấn tượng về vết thương đó kể cả có cảm giác như còn đau vẫn còn ở lại với bạn lâu hơn. Chuyện này đề cập có vẻ không liên quan gì nhiều đến chuyện nuôi con một mình, song thực nó lại có liên quan đấy - tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ và tư duy của bạn.

banner ads

Bạn hoàn toàn có thể thử nghiệm điều này trong một ngày bằng cách, buổi sáng chỉ suy nghĩ mọi vấn đề theo chiều hướng tích cực nhất, còn buổi chiều thì ngược lại. Khi đó, bạn dễ dàng nhận ra, những suy nghĩ của bạn ảnh hưởng và chi phối rất nhiều đến các hoạt động của bản thân sau đó, kể cả làm việc hay thái độ của chính mình với con cái.

Suy nghĩ tích cực là hạt giống gieo mầm những cảm xúc có vẻ tươi sáng và nguồn năng lượng tích cực cho bạn. Cho dù nguyên nhân dẫn đến việc bạn nuôi con một mình là gì, hay bạn đang quá lo lắng cho việc làm sao để nuôi con một mình đây, hãy gạt bỏ điều này qua một bên và tập trung vào những khía cạnh tích cực khác, chẳng hạn bạn đang may mắn có một hoặc vài thiên thần nhỏ bên cạnh mình. Những đứa trẻ xinh đẹp, ngoan ngoãn, ngây thơ là những món quà vô giá mà bạn không thể bằng cách nào khác có thể nhận được. Chỉ một yếu tố này thôi, có lẽ cũng đủ để bạn vực mình dậy, trở nên can đảm hơn và cương quyết hơn, nỗ lực hơn trong việc chuẩn bị những điều cần thiết cho cuộc chiến mình đương đầu. 

Suy nghĩ tích cực
Bạn cần suy nghĩ tích cực. Ảnh Internet 

2.2. Lạc quan

Tích cực thôi chưa đủ, lạc quan cũng là yếu tố rất cần thiết để nhờ đó, bạn cảm nhận hạnh phúc mà mình đang có thay vì đau khổ buồn bã và lo âu.

Chắc chắn nói bao giờ cũng dễ hơn hành động nhưng nếu trong việc nói, suy nghĩ của bạn chỉ có một màu xám xịt, thì hẳn nhiên hành động hay hoạt động của bạn chắc gì đã tươi sáng hơn, hay làm cho bạn sống vui, hoặc ít nhất chấp nhận cuộc sống của mình ở hiện tại là như thế.

Lạc quan là một bí quyết tuyệt hảo để giúp con người chúng ta sống hạnh phúc. Vậy, nuôi con một mình không phải là một nhiệm vụ bất khả thi hay một ngõ cụt. Vì thế, hãy lạc quan để trải nghiệm và bước qua, hay ít nhất là điềm tĩnh đối phó với những khốn khó mà ta gặp phải, thì mọi việc sẽ khiến ta dễ thở hơn phải không nào. Và, bạn cần nhớ rằng, lúc này, bạn không thể thay đổi được việc bạn đang là bố hoặc mẹ đơn thân nữa. Vậy thì hà tất phải ủ dột, sầu hận vì bất cứ lý do gì phải không! 

Mẹ đơn thân lạc quan
Lạc quan là yếu tố rất cần thiết cho hành trình nuôi con một mình của bạn. Ảnh Internet 

2.3. Thể hiện yêu thương, xây dựng mối quan hệ tích cực với con cái

2.3.1. Tận dụng thời gian tối đa hàng ngày với con

Thể hiện yêu thương với con bạn không chỉ để con bạn cảm thấy ấm áp đầy đủ mà thực hiện điều này, chính bản thân bạn cũng được an ủi, được đong đầy những cảm xúc phong phú màu sắc và hân hoan. Bạn không nhất thiết phải làm những điều quá lớn lao mới gọi là thể hiện yêu thương với con. Tận dụng thời gian hàng ngày có thể để ở cạnh con. Đôi khi ngồi chơi cùng con ít phút, kể chuyện bé nghe trước khi con ngủ, hay cùng thư thái dùng với con bữa sáng mỗi ngày, cũng là cách rất thiết thực để thể hiện niềm yêu của mình với con trẻ. 

Bố ở bên con gái
Tận dụng thời gian tối đa hàng ngày ở bên con. Ảnh Internet 

2.3.2. Quan tâm đến trẻ bằng sự chân thành

Bố mẹ nào cũng có niềm thương yêu vô bờ với con cái và chắc chắn bạn cũng vậy nhưng không phải ai cũng thể hiện được hoặc quan tâm đến trẻ một cách phù hợp và chân thành nhất. Sự chân thành được đề cập ở đây là việc hãy đặt để tâm trí và tình yêu vào khoảnh khắc bạn quan tâm đến trẻ, đừng thực hiện bởi đó là nghĩa vụ hoặc điều bạn phải làm. Trẻ rất nhạy cảm và cảm nhận chính xác sự quan tâm của bạn đấy - hãy thật thận trọng về điều này.

Dùng sự quan tâm chân thành của mình dành cho con ngày ngày, sẽ là một trong những cách giúp bạn xây dựng mối liên kết chặt chẽ với trẻ theo hướng tích cực nhất. Dần dần, bạn sẽ thấy nỗ lực xây dựng này của mình được đền đáp và bạn thấy nó rất đáng. 

Chân thành với con
Luôn quan tâm đến trẻ bằng sự chân thành. Ảnh Internet 

2.3.3. Khuyến khích và khen ngợi trẻ

Dù là bố mẹ nào cũng cần phải thực hiện điều này. Với bố mẹ đơn thân thì càng nên chú ý đến việc khen ngợi và khuyến khích trẻ đúng lúc, khi cần thiết. Bạn khen ngợi hoặc khuyến khích con, không chỉ giúp con vui vẻ, hạnh phúc, tích cực hơn, ngoan hơn mà còn giúp cho trẻ cảm thấy rất an toàn, tin cậy bạn ngay cả khi chỉ có bạn ở bên mà không phải là đầy đủ cả bố lẫn mẹ.

Ví dụ, khi con có chuyện buồn, hãy khuyến khích trẻ tâm sự với bạn rằng "mẹ/ bố rất tự hào khi con chia sẻ với mẹ/ bố về cảm giác/ điều con đang nghĩ/ đang gặp phải"

Hoặc, khi con làm một việc tốt như hoàn thành việc mẹ nhờ giúp, lau bàn/ phụ mẹ úp chén,...bạn có thể nói với con "con thật giỏi và mẹ rất vui khi được con giúp."

Sự khích lệ hay khen ngợi của bạn đôi khi còn có thêm tác dụng là giúp trẻ thêm chu đáo, quyết tâm thực hiện trách nhiệm của mình một cách cương quyết hơn. 

Khen ngợi trẻ
Luôn khuyến khích và khen ngợi trẻ. Ảnh Internet 

2.3.4. Công nhận cảm xúc của trẻ và chia sẻ với con cảm xúc của bản thân

Hãy để cho con được thể hiện cảm xúc tức giận, buồn bã hoặc thất vọng vào lời nói của mình. Bạn nên đáp lại bằng thái độ thấu hiểu và lắng nghe. Bạn có thể thừa nhận những cảm giác này của trẻ nhưng cũng hãy cảnh giác và tỉnh táo là điều này sẽ không đi đôi với việc chấp nhận hành vi không phù hợp.

Ví dụ, bạn có thể nói với trẻ "Mẹ/ bố thấy con đang tức giận nhưng việc con hét vào mặt mẹ/ bố là không được." Hãy cùng trẻ hít thở sâu và cùng nhau thảo luận về rắc rối đang diễn ra một cách thẳng thắn, tôn trọng.

Khi bạn làm như trên, cảm xúc của con sẽ được giải tỏa, bạn và con có thể tìm ra được cách giải quyết, đồng thời tạo lập được sự liên đới gắn kết mật thiết hơn.

Giải quyết cảm xúc của con quan trọng và giải quyết cảm xúc của chính bạn cũng nghiêm trọng không kém. Khi bạn buồn phiền tức giận, con cũng có thể nhìn vào đó mà thay đổi cảm xúc theo. Vì thế, hãy chia sẻ để con hiểu rằng, bạn cũng sẽ có những lúc phải trải qua những khoảnh khắc như thế, nhưng bạn vẫn tiếp tục dù có khó khăn thế nào.

Nếu con đủ lớn, bạn có thể chia sẻ với con nếu như bạn đã phải trải qua một ngày làm việc tồi tệ hoặc gặp một vấn đề nào đó làm bạn cảm thấy thực sự rất khó khăn. Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, con cũng sẵn lòng lắng nghe và an ủi bạn theo cách của mình.

Ai cũng có thể mắc sai lầm kể cả bạn. Điều quan trọng nhất là, hãy để cho trẻ nhận ra, dù có thế nào, bạn vẫn rất yêu thương trẻ, còn cảm giác tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày đôi khi xảy ra là không thể tránh khỏi. Điều này sẽ phần nào an ủi trẻ, trấn an con rằng mọi thứ rồi sẽ trở nên tốt hơn và bạn luôn nỗ lực vì điều đó. 

Con an ủi mẹ buồn
Nếu con đủ lớn, hãy chia sẻ cảm xúc của chính bạn với con. Ảnh Internet 

2.3.5. Thiết lập quy tắc

Việc lập ra các quy tắc là rất cần thiết khi chăm sóc nuôi dạy trẻ. Có thể trước đây bạn và người bạn đời có cùng quy tắc khi nuôi dạy con. Khi chỉ còn lại bạn, bạn hoàn toàn có thể thiết lập lại quy tắc này cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại hơn. Hoặc, bạn hãy trao đổi cùng con, thống nhất rõ ràng về quy tắc bạn đặt ra, trong đó có những quy tắc áp dụng trong gia đình riêng của bạn, có thể cộng thêm những quy tắc còn lại khác ứng xử chung, khi con ở trong gia đình lớn hoặc ở các mối quan hệ liên đới khác.

Ví dụ, bạn có thể đặt ra quy tắc sử dụng điện thoại hay tivi hoặc đồ chơi hay tiền tiêu vặt cho trẻ. Khi con ở cùng bạn, áp dụng những quy tắc này như bạn đã thỏa thuận cùng con. Tuy nhiên, các quy tắc này sẽ không áp dụng khi con đến ở nhà bố/ mẹ hay nhà ông bà nội ngoại, mà sẽ tuân thủ theo quy tắc ở đấy. Để con không bối rối hoặc cảm thấy áp lực về các quy tắc giữa các bên, bạn hãy trao đổi với bố/ mẹ hay ông bà của trẻ để giúp con phân định rõ ràng.

Và bạn biết không, khi trẻ nắm được các quy tắc đã được thiết lập rõ ràng đó, trẻ sẽ dễ dàng chấp hành và có trách nhiệm khi thực hiện hơn. 

Thỏa thuận quy tắc
Thiết lập quy tắc và thỏa thuận với con về quy tắc đó. Ảnh Internet 

2.3.6. Sự nhất quán

Sự nhất quán trong các vấn đề ứng xử và mối quan hệ với trẻ là rất cần thiết. Vì điều này sẽ giúp trẻ cư xử tốt hơn. Có thể đôi lúc vì sự phân chia quy tắc của các bên mà trẻ có biểu hiện thoái thác thực hiện, đưa ra yêu sách thương lượng,...tùy trường hợp bạn có thể nhân nhượng nhưng không phải là tất cả.

Luôn bình tĩnh nhắc nhở bản thân về những quy tắc đã thiết lập và bám sát chúng. Vì, trẻ con rất thông minh, con có thể tận dụng kẽ hở và sự mềm yếu của bạn trong một số trường hợp để phá vỡ các quy tắc đang có, ngay cả khi chúng nhận thức được việc tuân thủ quy tắc đặt ra là cần thiết.

2.4. Thiết lập thói quen tốt

Thiết lập thói quen tốt cho trẻ và cho chính bạn là rất cần. Vì, như đề cập khi làm bố mẹ đơn thân bạn chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề liên quan tới trẻ. Việc thiết lập các thói quen từ ăn uống, ngủ nghỉ, giờ chơi và nhiều thói quen khác sẽ giúp bạn và con đi vào nề nếp sinh hoạt nhẹ nhàng gọn ghẽ, mà không phải đối mặt với những vấn đề bất cập xảy ra như muộn giờ, cập rập thời gian chuẩn bị cho các sự kiện hay hoạt động nào đó trong ngày, không đủ thời gian cho kế hoạch trong ngày và nhiều vấn đề khác nữa. 

Thiết lập thói quen tốt
Thiết lập thói quen tốt là điều rất cần thiết. Ảnh Internet 

2.5. Đặt ra những giới hạn

Giới hạn là một yếu tố rất cần thiết trong việc chăm sóc nuôi dạy con nói chung, bạn càng cần có điều này khi nuôi con một mình. Chẳng hạn, bạn nêu rõ cho con biết sự kỳ vọng của bạn vào con. Bạn tôn trọng trẻ và giữ lời như giới hạn đã được thoản thuận và thiết lập.

Nếu con rất thích dùng điện thoại hay các thiết bị thông minh khác, bạn có thể đưa ra một khoảng thời gian có giới hạn cho trẻ và thỏa thuận về điều đó. Khi con tuân thủ, đồng nghĩa với việc con học được cách chấp nhận những gì phù hợp, cũng như xây dựng tinh thần trách nhiệm với các vấn đề được thỏa thuận, có giới hạn hơn.

2.6. Tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt

Có thể bạn không chỉ là bố hoặc mẹ đơn thân mà còn là rất đơn độc trong hành trình của mình. Đừng ngại ngần khi tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân, bạn bè và những người thân cận khác ở chừng mực có thể.

Trường hợp bạn không có người thân ở bên để giúp đỡ hay nương tựa hỗ trợ, lúc này tìm đến những sự hỗ trợ khác qua các dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt và uy tính như tìm người giúp việc trông trẻ phụ, tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia chăm sóc trẻ em, để tìm ra các phương án tốt nhất trong vấn đề chăm sóc nuôi dạy con. Tất cả họ đều có thể đồng hành với bạn bằng cách này hay cách khác và nhờ đó, hành trình của bạn bớt đơn độc hơn, trẻ cũng nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ và tốt hơn. 

Tìm kiếm sự hỗ trợ
Tìm kiếm và nhận sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Ảnh Internet 

2.7. Chăm sóc bản thân và đừng mặc cảm

Bạn chỉ có thể chăm sóc con tốt, dạy con nên người khi bạn có đủ sức khỏe và một tinh thần tốt. Điều này chỉ có được khi bạn cũng biết tự chăm sóc bản thân mình một cách chỉn chu và khoa học. Hãy chú ý dinh dưỡng, thiết lập thói quen của mình, thời gian làm việc, tập quán xuyến mọi việc khoa học hơn và dành thời gian nhất định để nghỉ ngơi. Dành thời gian để gặp gỡ bạn bè khi có thể, duy trì một sở thích nào đó để luôn tạo năng lượng tích cực cho bản thân.

Bạn cũng đừng đổ lỗi cho bản thân về tình cảnh đơn thân của mình. Hay bạn cũng tránh đổ lỗi cho việc vì đơn thân mà làm hỏng con, dạy con không được, chăm sóc con không tốt,...Sự mặc cảm và đổ lỗi này là dấu hiệu tiêu cực và ảnh hưởng không hề tốt đến vai trò của bạn với con mình, thậm chí với chính bản thân nữa. Lỗi phải gì cũng đã qua đi rồi, việc bạn cần làm là tập trung vào cuộc sống của bạn và con sao cho tốt nhất có thể. Mà như thế, hẳn nhiên bạn cũng không còn đủ thời gian để trách móc hay đổ lỗi hoặc ngồi nghiền ngẫm những lý do khiến mình rơi vào tình cảnh đơn thân này đâu. 

Chăm sóc bản thân
Bạn cũng cần chăm sóc bản thân. Ảnh Internet 

2.8. Gặp bác sỹ khi cần thiết

Tại sao điều này cần có trong chiến lược sống hạnh phúc khi làm bố hoặc mẹ đơn thân của bạn? Sự thật là, nhiều nghiên cứu thực tế cho thấy, trẻ em nhất là thanh thiếu niên trong các gia đình đơn thân thường có nguy cơ trầm cảm cao hơn và lòng tự trọng thì lại thấp hơn.

Triệu chứng trầm cảm ở trẻ có thể bao gồm sự cô lập xã hội, cảm thấy buồn bã, cô đơn hoặc không được yêu thương, cáu gắt và cảm giác vô vọng. Nếu bạn thấy các triệu chứng này ở trẻ bất kể ở mức độ nào, thời điểm nào, độ tuổi nào của con, đều cần phải thật cảnh giác và cần trao đổi ngay với các chuyên gia tâm lý, bác sỹ của trẻ để giải quyết vấn đề ngay từ sớm.

3. Nói với con việc ly thân hoặc ly hôn

Cuộc sống hiện đại có rất nhiều trường hợp làm cha mẹ đơn thân vì những lý do khác nhau. Có thể kế hoạch hoặc mong muốn cuộc đời bạn là như thế, nhưng cũng có thể bạn bắt buộc phải lựa chọn như vậy, hoặc buộc phải bước ra khỏi cuộc hôn nhân của mình tức đơn thân là kết quả của li dị, ly thân. Tùy vào độ tuổi của con, bạn có thể từ từ chia sẻ một cách phù hợp về tình trạng ly thân hay li dị của mình và những vấn đề bạn đang phải đối mặt. 

Trẻ đang suy tư
Chia sẻ về tình trạng ly thân hoặc ly hôn với trẻ theo cách phù hợp. Ảnh Internet 

Hãy trả lời trẻ một cách trung thực về tình trạng hiện tại, tuy nhiên, bạn cần tránh những chi tiết không cần thiết hoặc tế nhị vì trẻ vẫn là trẻ, con chưa trưởng thành đủ để có thể thấu hiểu với bạn tất cả. Tránh những chỉ trích hoặc đưa ra những nhận xét, thông tin tiêu cực về người còn lại. Đồng thời, bạn cũng cần nhắc nhở con rằng, con không làm gì hoặc không phải là nhân tố gây ra sự đổ vỡ và bạn luôn rất yêu con.

Nếu con bạn cần đến người thứ 3 mới có thể tiếp nhận thông tin và chia sẻ, bạn cũng đừng bối rối mà hãy tìm một cố vấn hay một người đáng tin cậy để cùng tham gia giúp trẻ, bên cạnh trẻ. Điều này vô cùng cần thiết để giúp con tránh được những sợ hãi, lo âu và những cảm xúc phức tạp khác về tình trạng chia ly của cha mẹ mình. Mặt khác, bạn cũng có thể trao đổi cùng người bạn đời cũ của bạn, đặt mục tiêu vì con cái lên trên hết để con có thể qua được giai đoạn khó khăn hiện tại.

4. Tránh đề cập những vấn đề của người lớn

Vấn đề người lớn ở đây có thể bao gồm vấn đề tài chính, ngoại tình, xung đột với bố/ mẹ của trẻ hay gia đình nội ngoại đôi bên. Bạn không nên thảo luận hay thể hiện các vấn đề này trước mặt trẻ hoặc để trẻ tham gia. Vì, trẻ chưa đủ lớn để có thể cùng trải qua với bạn những vấn đề như thế.

Các vấn đề khó khăn của người lớn như trên thường rất dễ tác động theo chiều hướng cực kỳ tiêu cực đến trẻ ở nhiều khía cạnh. Con có thể sẽ cảm thấy rất lo lắng, khủng hoảng thậm chí là có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm. Do đó, hãy thảo luận với bố/ mẹ của trẻ và các người lớn liên quan khác về nguyên tắc chung này nhé. 

Bố nói chuyện điện thoại
Tránh đề cập đến những vấn đề của người lớn khi có mặt trẻ. Ảnh Internet 

5. Nếu bạn hẹn hò

Nếu bạn là một ông bố hoặc bà mẹ đơn thân đang hẹn hò, hãy thận trọng. Việc xem xét mối quan hệ hiện tại hay đối tượng của bạn cùng những ứng xử của họ với con bạn là rất quan trọng. Bạn cần được tôn trọng và con bạn cũng vậy bất kể bạn đang trong mối quan hệ với ai đó. Thường, theo các chuyên gia, các bố mẹ đơn thân nên cân nhắc và chờ đợi cho đến khi thiết lập được mối quan hệ vững chắc với một ai đó, trước khi giới thiệu người đó với trẻ.

Khi bạn đã sẵn sàng giới thiệu mối quan hệ mới và người mới với con bạn, hãy giải thích một số phẩm chất tích cực của người đó với trẻ. Tuy nhiên, bạn cũng không nên trông đợi hai người họ trở nên thân thiết ngay từ lần đầu tiếp xúc. Bạn cần cho họ có thời gian để tìm hiểu nhau, nhất là để cho trẻ có cơ hội tiếp nhận sự thật rằng, người mới này rõ ràng không hề cố gắng thay thế cha hoặc mẹ của bé. 

Mẹ nói chuyện với con gái
Hãy giải thích một số phẩm chất tích cực của người bạn hẹn hò với trẻ. Ảnh Internet 

6. Vấn đề tài chính

Có thể nói rằng, vấn đề tài chính là phần đáng sợ nhất của bố mẹ đơn thân. Thậm chí, đây là vấn đề đầu tiên mà tất cả ông bố bà mẹ đơn thân đều nghĩ đến, khi tự đặt ra cho mình câu hỏi làm thế nào để nuôi con một mình. Nói cách khác, chiến lược hạnh phúc trong hành trình làm bố mẹ đơn thân để nuôi nấng con nên người sẽ chẳng thể thành nếu như chúng ta không có giải pháp cho bài toán tài chính.

Như đề cập từ đầu bài viết, bạn làm bố mẹ đơn thân tức là bạn chịu trách nhiệm toàn bộ mọi vấn đề trong việc chăm sóc nuôi nấng trẻ, trong đó đương nhiên bao gồm cả vấn đề tài chính. Vậy, vấn đề tài chính sẽ được nhìn nhận và có cách giải quyết như thế nào để bạn cùng con có thể tồn tại và sống tốt với các đáp ứng vật chất? Dưới đây tiếp tục là những lời khuyên rất giá trị cho bạn:

6.1. Đơn thân không có nghĩa là bạn và con phải sống ở trong tầng hầm, nhịn ăn nhịn tiêu

Có thể điều này khiến nhiều người thốt lên và cho rằng đây là một sự chia sẻ hay lời khuyên phi lý. Nhưng bạn ạ, xác định đi con đường chỉ có một mình nuôi dạy con, thì trước tiên, tư tưởng của bạn cần xác định rằng, bạn và con vẫn cần phải được ăn đủ, ngủ đủ và không đói rét. Đây là bước đầu tiên để bạn vững vàng hơn trong việc thiết lập một kế hoạch tài chính phù hợp như đề cập tiếp sau đây. 

Mẹ và con hạnh phúc
Đơn thân không có nghĩa là bạn và con phải sống một cách khổ sở. Ảnh Internet 

6.2. Nếu bạn tay trắng - hãy kiên định và bình tĩnh bắt đầu từ viên gạch đầu tiên

Người ta thường nói, nếu bạn có quyết định làm bố/ mẹ đơn thân, ngay từ khi có quyết định này, hãy đảm bảo về một phần tài chính độc lập để có thể xoay sở ít nhất là thời gian đầu tiên của hành trình này.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không có bất kỳ sự chuẩn bị nào. Tay trắng và không có sự chia sẻ tài chính từ đối tác trong việc nuôi con là tình cảnh gặp rất nhiều trong thực tế. Nếu chẳng may bạn cũng trong hoàn cảnh này, hãy mạnh mẽ và thật cố gắng. Cứ cho rằng bạn không còn sự lựa chọn, có thể thời gian đầu rất khó khăn, bạn hãy đưa ra những giải pháp tạm thời như: gửi con cho ông bà ngoại/ nội hay người thân một thời gian để tìm kiếm được một công việc có thu nhập giúp bạn trang trải. Bạn cũng có thể tìm kiếm một công việc tạm thời tại nhà để vừa tiện trông con vừa có thu nhập. Hiện nay cũng có những công việc phù hợp như thế. Khi dần ổn định hơn, bạn có thể thu xếp lại cuộc sống của bạn và con cho phù hợp hơn.

Bạn cũng đừng ngần ngại hay e dè tìm kiếm sự giúp đỡ thích hợp từ những người xung quanh. Hoặc khi bạn đi xin việc, hãy trình bày hoàn cảnh của mình để nơi nhận bạn làm việc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho bạn không. Bạn cần tìm kiếm và mở lời, chắc chắn sẽ tìm được một vài giải pháp phù hợp với hoàn cảnh. 

6.3. Chấp nhận sự chia sẻ

Thực tế, nhiều cặp vợ chồng hoặc các cặp đôi có con mà không kết hôn khi chia tay nhau thường gặp vấn đề rất lớn trong sự chia sẻ tài chính nuôi con. Trong nhiều hoàn cảnh, nhất là phụ nữ quyết định không nhận trợ cấp hay chia sẻ tài chính từ chồng vì sự tự ái cá nhân hoặc sự tức giận thậm chí là thù hận. Đây là một quyết định hết sức sai lầm.

Bạn cần nhớ rằng, nuôi con là một hành trình rất dài và sự tự ái của bạn đôi lúc không giải quyết được vấn đề bát cơm cho mình, hay học phí, hoặc viện phí lúc trẻ ốm đau. Chăm con một mình đã đủ mệt, vậy thì không có lý do gì để khước từ những khoản trợ cấp chia sẻ tài chính vì quyền lợi của con trẻ. Thậm chí, bạn cần phải đấu tranh để có được mức trợ cấp công bằng và sự chia sẻ tài chính phù hợp với hoàn cảnh nữa.

6.4. Luôn kiểm soát chi tiêu chặt chẽ

Quá tính toán thì không hề tốt nhưng kiểm soát chi tiêu chặt chẽ là điều bạn cần thực hiện nghiêm túc hàng ngày. Vì, ngoài bạn ra, sẽ không có sự "đỡ đần" nào khác mọi lúc cần thiết. 

Mẹ đơn thân tính toán chi tiêu
Luôn kiểm soát chi tiêu chặt chẽ. Ảnh Internet 

6.5. Tiêu pha như chính cách bạn kiếm được tiền

Điều này nhắc nhở để bạn cẩn thận trong chi tiêu của mình. Như người Việt có câu "liệu cơm gắp mắm" luôn hữu ích trong mọi trường hợp. Nếu bạn kiếm ra vừa đủ thì hãy tính toán để chi tiêu cho vừa. Nếu bạn kiếm được nhiều tiền, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng một cách khôn ngoan để có thể vừa tích lũy, vừa làm cho cuộc sống của mình và con thoải mái tương xứng.

6.6. Luôn tìm kiếm thêm việc nếu có thể

Tùy sức khỏe, thời gian và cơ hội, bạn hãy làm thêm một công việc tay trái để có thêm nguồn thu nhập. Điều này rất hữu ích để bạn tích lũy, cải thiện cuộc sống của mình và con lên một mức tốt hơn.

6.7. Đặt mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn

Đây là cách giúp bạn quản lý tốt hơn tài chính của mình. Những mục tiêu tài chính ngắn hạn có thể giải quyết các trường hợp tức thời. Còn, các mục tiêu tài chính dài hạn giúp bạn có sự tích lũy, hoặc làm sinh sôi thêm nguồn thu nhập mình có được. 

Đặt mục tiêu tài chính
Đặt mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn. Ảnh Internet 

Thay cho lời kết của nội dung chia sẻ này, chúng ta đều phải công nhận rằng, làm thế nào để nuôi con một mình chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đầy thách thức. Nhưng, trong những thách thức không mong đợi này, bạn cũng hãy tin rằng, các kinh nghiệm bạn thu thập được thật sự có giá trị của riêng nó, dành cho bạn và cả cho trẻ. Có thể bạn sẽ phải đối mặt với khá nhiều áp lực và trải qua hàng tấn các điều khó khăn. Nhưng, bằng cách thể hiện tình yêu thương, thái độ lạc quan, tinh thần vững chãi kiên định, sự tôn trọng, trung thực cùng lối sống tích cực đầy nỗ lực, chắc chắn bạn hoàn toàn có thể giảm tải các áp lực hiện hữu, nuôi dạy con trưởng thành tốt, thật khỏe mạnh và nên người.

Nguồn tham khảo: Regain, Mayo Clinic & Raising Children

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI