Các gia đình đơn thân đang trở nên phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải là một hiện tượng đáng bị phê phán, mà đơn giản, việc làm cha hay mẹ đơn thân là sự lựa chọn của chính người trong cuộc.
Những khó khăn thường thấy khi nuôi con một mình
Nuôi con một mình luôn là một cuộc chiến đầy vất vả dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Là cha, mẹ độc thân, bạn buộc là người duy nhất gánh hết mọi trách nhiệm liên quan đến chăm sóc trẻ hàng ngày, và điều này rất căng thẳng, đầy áp lực. Một khi cảm thấy quá mệt mỏi hoặc mất tập trung, bạn sẽ dễ có những vấn đề khó kiểm soát về hành vi, hay thậm chí là liên tục phạt con nhiều hơn để trút hết cảm xúc tiêu cực của mình. Gia đình đơn thân thường có thu nhập thấp hơn và cũng ít tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn, do đó, bạn sẽ phải đấu tranh với khó khăn về tài chính và sự cô lập xã hội. Hơn thế nữa, vô hình trong lòng bạn là nỗi lo lắng không yên về sự thiếu hụt vai trò của người cha, người mẹ cho con mình.
9 cách giảm áp lực nuôi con một mình trong gia đình đơn thân
1. Hãy thể hiện tình yêu của bạn cho con biết
Đừng tiếc những lời khen ngợi cho con nhé, hãy giúp con hiểu rằng tình yêu của bạn dành cho trẻ là vô điều kiện, rằng bạn luôn sẵn sàng cạnh bên hỗ trợ trẻ bất cứ khi nào có thể. Để làm được điều này, hãy dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian cố định để cùng chơi, trò chuyện hay đơn giản chỉ đọc sách, ngồi bên nhau, lắng nghe những cảm xúc của nhau.
2. Hãy tạo một thói quen chung với con
Đó có thể là thói quen đi ngủ đúng giờ, lịch trình ăn uống cố định mà bạn sẽ thực hiện cùng con - điều này sẽ giúp trẻ có cái gì đó để mong đợi và hy vọng mỗi ngày. Nhờ đó, tình cảm cha/ mẹ và con cái sẽ càng gắn khít hơn đó!
3. Hãy tìm đến những dịch vụ chăm sóc chất lượng dành cho con
Nếu con bạn còn nhỏ, hoặc bạn quá bận bịu với các công việc bên ngoài, hãy tìm những dịch vụ chăm sóc, trông nom con chất lượng, uy tín và an toàn chứ đừng nhờ những đứa trẻ lớn hơn chăm sóc con mình nhé!
4. Hãy cùng con thiết lập một số giới hạn
Hãy giải thích về một số quy tắc, cũng như mong đợi mà bạn đặt ra cho trẻ, chẳng hạn như nói chuyện với nhau một cách tôn trọng, lắng nghe, không phán xét, đi ra ngoài cần hỏi ý kiến cha/ mẹ, thời lượng sử dụng điện thoại/ máy tính trong ngày,...và đề nghị trẻ thực hiện theo. Tuy nhiên, bạn cũng nên thảo luận cùng con xem nên thiết lập những quy định nào cho phù hợp, và đừng quên gắn trách nhiệm của bản thân vào đó nhé. Bên cạnh đó, hãy liên hệ với cả những người thân thiết với gia đình, kể cả thầy cô giáo của con, gia sư dạy kèm để đảm bảo thống nhất cho trẻ tuân thủ những quy định này.
5. Đừng đổ lỗi cho bản thân vì làm cha, mẹ đơn thân
Đừng đổ lỗi cho bản thân và liên tục bù đắp cho con vì những thiếu hụt trong cuộc sống của gia đình đơn thân. Dù phong cách của gia đình như thế nào thì trách nhiệm của bạn với con là không bao giờ thay đổi được, nên điều quan trọng là hãy luôn cố gắng vì con, cùng con, bạn nhé!
6. Hãy chăm sóc con mình theo một chế độ khoa học
Hãy cùng con lên lịch trình tập thể dục như một thói quen hàng ngày, ăn uống theo chế độ lành mạnh, ngủ đủ, đồng thời sắp xếp thời gian cho những sở thích riêng của bạn và con, thời gian với bạn bè, không gian riêng tư một mình,... Và đừng quên dành cho nhau những hoạt động chung để nuôi dưỡng tình cảm, như cùng nấu ăn với nhau vài bữa một tuần chẳng hạn.
7. Hãy kết nối với những người khác có cùng hoàn cảnh để tìm hỗ trợ
Hiện nay có rất nhiều hội nhóm, câu lạc bộ dành riêng cho mẹ đơn thân, bố đơn thân gặp gỡ và chia sẻ với nhau về kinh nghiệm nuôi dạy con một mình. Bạn hãy chủ động tìm đến những mạng lưới này để nhận được sự hỗ trợ phù hợp nhé, đây cũng có thể là nơi tâm sự để "xả van" căng thẳng dồn nén lâu nay do phải đối mặt với quá nhiều áp lực không ai san sẻ.
8. Hãy suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn
Sẽ vô cùng có ích khi bạn luôn thành thật với con trong những khoảng thời gian khó khăn, nhưng sau đó đừng quên động viên cả con và mình rằng rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn thôi. Đồng thời, giao cho con một mức độ trách nhiệm phù hợp với độ tuổi của con chứ đừng để con gồng mình trở thành "một người trưởng thành nhỏ tuổi" để cư xử theo cách cha mẹ muốn. Hơn nữa, nếu bạn có thể duy trì được không khí hài hước mỗi khi đối diện với những thử thách trong cuộc sống thì sẽ giúp con có thêm nhiều động lực tích cực và tập tính tự giác hơn đó.
9. Hãy lưu ý hơn những khó khăn tâm lý của con
Các nghiên cứu cho thấy, thanh thiếu niên trong các gia đình đơn thân đều có nguy cơ cao mắc trầm cảm và lòng tự trọng thấp hơn gia đình toàn vẹn. Những dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm bao gồm cả sự rút lui khỏi xã hội, không muốn gặp gỡ người khác, buồn bã, thích ở một mình, dễ cáu gắt, dễ tuyệt vọng,...Hãy lưu ý con mình hơn để xem trẻ có xuất hiện những dấu hiệu trên không. Nếu nghi ngờ, hãy đưa con tìm đến bác sĩ Nhi khoa hoặc chuyên viên tâm lý để được hỗ trợ kịp thời trước khi quá muộn nhé!
Là cha, mẹ đơn thân, bạn sẽ trải qua rất nhiều thử thách và khó khăn trong quá trình nuôi con một mình. Bằng cách bày tỏ sự tôn trọng và tình yêu thương vô điều kiện với con, nói chuyện thành thật và suy nghĩ tích cực, bạn sẽ tự giảm bớt được những căng thẳng của bản thân và tạo động lực cho con phát triển và thành đạt trong tương lai.
Trúc Nguyễn