1. Tình trạng kinh nguyệt không đều ở phụ nữ trong tuổi sinh nở
Khi đếm số ngày trong chu kỳ của bạn thì ngày đầu tiên chảy máu là ngày đầu của chu kỳ, và ngày cuối của chu kỳ chính là ngày chảy máu đầu tiên trong chu kỳ tiếp theo của bạn. Bạn có thể theo dõi liên tục trong vòng 6 tháng để biết được độ dài chu kỳ của mình hoặc mình có bị tình trạng kinh nguyệt không đều hay không.
Trên thực tế, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở có chiều dài chu kỳ kinh nguyệt khác nhau không phải hiếm gặp. Bạn có thể đến ngày đèn đỏ vào ngày 28 của tháng này, nhưng tháng sau nó lại vào ngày 31 và tháng sau nữa là ngày 27. Tuy nhiên điều này là bình thường. Chu kỳ của bạn chỉ được xem là không đều nếu chúng ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày.
Mỗi phụ nữ trải qua chu kỳ kinh nguyệt với độ dài ngắn khác nhau, và một người có thể có những trải nghiệm khác nhau với chính chu kỳ của mình. Biến động của chu kỳ kinh nguyệt khá phổ biến. Nhưng khi cô ấy có các triệu chứng như chảy máu, chảy máu nghiêm trọng hoặc những dấu hiệu khác liệt kê ở các mục dưới đây thì được xem là bất thường đối với chu kỳ kinh nguyệt và nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể.
2. Chu kỳ kinh nguyệt không đều và việc thụ thai
Chu kỳ kinh nguyệt là sự chuẩn bị của cơ thể người phụ nữ cho việc mang thai. Đó là sự giải phóng hàng tháng của một quả trứng trưởng thành. Sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình này điều chỉnh việc phóng thích trứng ra khỏi buồng trứng và chuẩn bị niêm mạc tử cung để đón trứng thụ tinh (nếu có). Nếu trứng không đến làm tổ thì lớp niêm mạc này sẽ bong ra tạo nên hiện tượng hành kinh mỗi tháng.
Một số loại hormone đóng vai trò rất quan trọng trong kỳ kinh nguyệt và thai kỳ, bắt đầu bằng việc tiết estradiol khi trứng trưởng thành. Sự gia tăng sản xuất estrogen dẫn đến sự tăng hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Nồng độ LH tăng lên thường chỉ ra rằng sự rụng trứng sắp xảy ra, thường là vào ngày 14 của chu kỳ.
Như vậy, chu kỳ kinh nguyệt và việc thụ thai có liên quan mật thiết đến nhau.
Khi kinh nguyệt không đều, có nghĩa là hiện tượng rụng trứng cũng diễn ra không dều đặn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự thụ thai. Vì chúng ta thường dựa vào độ dài của chu kỳ kinh nguyệt để xác định thời gian rụng trứng nhằm giúp cho việc thụ thai đạt được hiệu quả cao hơn. Việc theo dõi chính xác độ dài chu kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn khi nó không được ổn định.
3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều
Sự không rụng trứng hoặc trứng rụng không thường xuyên thường gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều, biểu hiện qua tình trạng vô kinh (không có kinh nguyệt), kinh thưa (có kinh không thường xuyên) hoặc rong kinh (thời gian hành kinh kéo dài), hay chảy máu âm đạo bất thường với các nguyên nhân phổ biến gồm:
3.1. Nguyên nhân gây vô kinh
Vô kinh là sự vắng mặt của chu kỳ kinh nguyệt một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn. Việc vắng mặt một chu kỳ có thể là dấu hiệu mang thai và thường không đáng lo ngại. Nhưng nếu chu kỳ bình thường của bạn không xuất hiện và bạn cũng không có thai, thì đó có thể là dấu hiệu của một rối loạn tiềm ẩn có thể gây vô sinh.
Vô kinh do một cấu trúc di truyền hoặc nội tiết tố ngăn ngừa kinh nguyệt bắt đầu ở tuổi dậy thì gọi là vô kinh nguyên phát. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể bao gồm:
- Rối loạn chức năng tuyến sinh dục
- Hội chứng Turner
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Androgen không nhạy cảm
- Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh
Vô kinh xảy ra sau khi phụ nữ có kinh nguyệt được gọi là vô kinh thứ phát. Nó thường do các điều kiện ảnh hưởng đến tử cung hoặc các cơ quan liên quan đến sản xuất hormone gây ra, bao gồm buồng trứng, vùng dưới đồi và tuyến yên. Nguyên nhân gây vô kinh thứ phát gồm:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Suy buồng trứng sớm
- Mãn kinh sớm
- Lượng androgen quá mức
3.2. Nguyên nhân gây kinh thưa
Kinh thưa là thuật ngữ y tế chỉ một chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không thường xuyên và thường kéo dài quá 35 ngày (nếu xuất hiện). Rối loạn kinh nguyệt dạng này thường do tác dụng của các phương pháp kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố. Nó cũng có thể do các vấn đề về tuyến giáp, tiểu đường, rối loạn ăn uống, hoạt động thể chất quá mức và tăng prolactin trong máu (do thuốc) gây ra.
Đôi khi, kinh thưa cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) – một hội chứng có khả năng gây vô sinh.
Tình trạng vô kinh không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung. Vì vậy phụ nữ có kinh thưa thường được khuyên nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá y tế một cách chính xác.
3.3. Nguyên nhân gây rong kinh
Rong kinh là tình trạng hành kinh kéo dài hoặc chảy máu nặng kèm theo chuột rút, khiến phụ nữ bị mất nhiều máu và ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của cô.
Nếu trong chu kỳ kinh nguyệt, bạn phải thay một hay nhiều băng vệ sinh hoặc tampon mỗi giờ trong hơn hai giờ, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chăm sóc y tế.
Các triệu chứng khác cho thấy bạn cần được can thiệp y tế gồm: bạn phải thay băng vệ sinh vào ban đêm, bạn bị chảy máu trong hơn một tuần, bạn thấy xuất hiện cục máu đông lớn, và các dấu hiệu thiếu máu như mệt mỏi và khó thở.
Nguyên nhân dẫn đến rong kinh gồm nhiều yếu tố (trong đó một số có thể làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ), chúng bao gồm:
- Polyp trong niêm mạc tử cung
- Mất cân bằng nội tiết tố
- Rối loạn chức năng buồng trứng (không giải phóng trứng)
- U xơ tử cung
- Lạc nội mạc trong cơ tử cung
- Ung thư cổ tử cung hoặc tử cung
- Tác dụng của thuốc
- Biến chứng thai kỳ
- Tác dụng phụ của dụng cụ tử cung không nội tiết
- Rối loạn chảy máu
- Một số điều kiện y tế khác
Tình trạng rong kinh có thể điều trị được và loại điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Bác sĩ có thể sử dụng thuốc hoặc phương pháp phẫu thuật (chẳng hạn như đối với việc loại bỏ u xơ tử cung, hoặc nặng hơn là nội mạc tử cung hoặc tử cung).
3.4. Nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường
Chảy máu âm đạo bất thường là tình trạng chảy máu thường xuyên ngoài khoảng thời gian hành kinh. Các nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường có thể rất giống với nguyên nhân gây rong kinh. Do đó phương pháp điều trị cũng tương tự, và phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể.
4. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ
Bạn hãy đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được kiểm tra nếu:
- Bạn không có kinh nguyệt 3 tháng liên tục hoặc hơn
- Bạn bị chảy máu khi hành kinh kéo dài hơn 1 tuần
- Bạn phải thay 1 hoặc hơn băng vệ sinh hoặc tampon mỗi một hoặc hai giờ, trong nhiều giờ, khi có kinh
- Bạn bị đau bụng dữ dội khi hành kinh
- Bạn đã cố gắng để có thai trong 1 năm (nếu bạn dưới 35 tuổi), và trong 6 tháng (nếu bạn trên 35 tuổi) nhưng không thành công
5. Làm thế nào để tăng khả năng có thai khi kinh nguyệt không đều
Trứng rụng là yêu cầu bắt buộc để bạn có thể thụ thai. Tuy nhiên, với chu kỳ kinh nguyệt không đều, cơ hội mang thai của bạn có thể bị hạn chế hơn so với những phụ nữ có chu kỳ đều đặn.
Vì vậy bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị nếu cần thiết nhằm loại bỏ những nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều của mình, từ đó giúp tăng khả năng khả năng mang thai của bạn. Bác sĩ ngoài việc chẩn đoán và điều trị, còn có thể đưa ra các khuyến nghị về việc tăng hoặc giảm cân hoặc hướng dẫn bạn tập thể dục, lập thực đơn ăn uống hoặc những lời khuyên hữu ích khác để cải thiện sức khỏe sinh sản của bạn.
Một điều quan trọng bạn cần lưu ý đó là hãy quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp bảo vệ để tăng tỷ lệ thụ thai.
6. Kinh nguyệt không đều có ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ hay không
Kinh nguyệt không đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ của bạn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu kinh nguyệt của bạn không đều và không rõ nguyên nhân thì bạn có thể không bị tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ . Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tất cả những rủi ro có thể xảy ra.
Những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có nguy cơ cao hơn đối với:
- Sảy thai
- Tiểu đường thai kỳ
- Tiền sản giật, huyết áp tăng cao đột ngột sau tuần thứ 20 của thai kỳ
- Sinh non
Phụ nữ mang thai bị cường giáp không kiểm soát được có tỷ lệ cao hơn bị thai lưu, sinh non hoặc em bé sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
Kinh nguyệt không đều như đã đề cập đến ở trên, là một tình trạng phổ biến mà khá nhiều phụ nữ phải trải qua, chủ yếu là do rụng trứng không đều. Mặc dù sự rụng trứng không thường xuyên (khiến chu kỳ của bạn không đều đặn) sẽ làm cho việc mang thai trở nên khó khăn hơn, nhưng bác sĩ có thể giúp tăng khả năng sinh sản của bạn, bằng cách điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra kinh nguyệt không đều cũng như theo dõi tiến trình của bạn sau khi thụ thai. Điều này sẽ giúp đảm bảo bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Theo Woman & Infants' Fertility Center & Healthline
Lily Nguyễn tổng hợp