Việc giới thiệu thức ăn ngoài sữa cho trẻ lúc này nhằm mục đích giúp trẻ làm quen với khái niệm ăn uống. Điều này quan trọng hơn nhiều so với việc trẻ ăn được bao nhiêu. Vậy khi nào cho trẻ ăn dặm vì sao lại bắt đầu từ 6 tháng tuổi, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Khi nào cho trẻ ăn dặm?
Các bà mẹ đều được khuyên nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi con được 6 tháng tuổi. Trước đó, trẻ chỉ nên được cung cấp sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trong những tháng đầu đời này, con chưa cần thêm bất kì chất lỏng hoặc loại thức ăn nào khác kể cả nước.
Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thêm vitamin, dung dịch bù nước nếu cần thiết. Chúng ta cần nhấn mạnh một điều là trước khi trẻ được 6 tháng tuổi, mọi loại chất lỏng, thuốc và dịch truyền (ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức), đều cần được sử dụng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
2. Vì sao lại đợi đến khi trẻ được 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho con ăn dặm
Cho đến khi bước vào tháng tuổi thứ sáu, một đứa trẻ nhận được nguồn năng lượng và dinh dưỡng duy nhất qua sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi cho trẻ ăn dặm, chúng ta chủ yếu giúp trẻ làm quen với cấu trúc và mùi vị thức ăn mới ngoài sữa. Chúng ta đã biết khi nào cho trẻ ăn dặm, vậy vì sao lại bắt đầu khi trẻ được sáu tháng tuổi? Dưới đây là lý do:
- Việc đợi đến 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho trẻ ăn dặm sẽ cho trẻ thời gian để phát triển đầy đủ hơn. Chúng ta đang nói đến sự hoàn thiện của bộ máy tiêu hóa cũng như nhiều yếu tố phát triển khác của cơ thể trẻ. Chúng bao gồm cả độ cứng cáp và kĩ năng cần thiết cho ăn uống.
- Cho đến khi 6 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng duy nhất của trẻ.
- Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, thì 6 tháng đầu đời là khoảng thời gian sữa mẹ ngoài dinh dưỡng, còn cung cấp nguồn kháng thể vô giá cho trẻ. Những kháng thể này giúp cơ thể bé chống lại được một số căn bệnh và nhiễm trùng thông thường.
- Việc đợi đến khi trẻ đủ 6 tháng tuổi để ăn dặm sẽ giúp con phát triển đầy đủ hơn để xử lý các dạng cấu trúc thức ăn mới.
- 6 tháng là độ tuổi trẻ có thể bắt đầu học để tự ăn.
- Trẻ 6 tháng tuổi có khả năng xử lý thức ăn tốt hơn, vì lúc này phản xạ đẩy lưỡi của trẻ đã giảm đến mất hẳn. Nhờ vậy, trẻ có thể đưa thức ăn vào miệng (chứ không đẩy ra ngoài), nhai (bằng lợi) và nuốt chúng. Từ đó, trẻ được tự trải nghiệm các loại mùi vị, kết cấu thức ăn một cách tốt hơn.
Nếu em bé của bạn sinh non, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để xác định được thời gian có thể cho bé ăn dặm.
3. Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết khi nào cho trẻ ăn dặm
Dù các khuyến cáo chung đều khuyên các mẹ đợi đến khi trẻ 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho con ăn dặm. Nhưng trên thực tế, bạn còn cần dựa vào những dấu hiệu sẵn sàng của con. Vì mỗi trẻ sinh ra đều khác biệt và có đặc điểm phát triển không giống nhau. Có trẻ chưa đến 6 tháng đã có biểu hiện muốn ăn dặm. Ngược lại có trẻ hơn 6 tháng tuổi vẫn chưa tỏ vẻ gì là sẵn sàng làm quen với thức ăn mới.
Vậy, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu dưới đây để xem em bé của mình đã có thể làm quen với thực phẩm chưa nhé:
- Trẻ có thể ngồi và giữ cổ một cách vững vàng, cứng cáp
- Trẻ có khả năng phối hợp mắt, tay, miệng để quan sát đồ ăn, nhặt và bỏ chúng vào miệng
- Trẻ có thể nuốt đồ ăn (chứ không dùng lưỡi đẩy ra ngoài)
Bạn cần lưu ý tránh nhầm lẫn một số biểu hiện sau thành dấu hiệu trẻ sẵn sàng tập ăn dặm:
- Trẻ gặm và nhai nắm tay của mình
- Trẻ thức dậy giữa đêm (nhiều hơn bình thường)
- Trẻ muốn ăn lượng sữa nhiều hơn
Đây là những hành vi bình thường của trẻ. Chúng không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy trẻ đói hay sẵn sàng chuyển qua thức ăn ngoài sữa.
Và việc bắt đầu ăn dặm cũng không làm trẻ ngủ thẳng giấc hơn.
Đôi khi, tăng lượng sữa ở cữ ăn của trẻ có thể giúp bạn “trụ” cho tới khi bắt đầu đến thời điểm ăn dặm.
4. Bạn nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm như thế nào
Thời gian đầu ăn dặm, bạn sẽ chỉ cần chuẩn bị một lượng thức ăn nhỏ cho mỗi lần ăn của trẻ.
Bạn đừng lo lắng về việc trẻ sẽ ăn bao nhiêu. Điều quan trọng là trẻ được trải nghiệm các mùi vị và kết cấu mới. Đồng thời trẻ học được cách nhai, đảo thức ăn trong miệng và nuốt chúng.
Trẻ vẫn sẽ chủ yếu nhận dinh dưỡng và năng lượng qua nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, bạn không nên cho thêm muối hoặc đường. Vì muối sẽ hại cho thận và đường có thể khiến trẻ bị sâu răng sớm.
Về cấu trúc thức ăn, bạn nên bắt đầu với cấu trúc mịn, nhuyễn sau đó tăng dần độ thô và độ đặc. Việc này sẽ giúp trẻ dần thích nghi với việc nhai và nuốt.
5. Bạn cần chuẩn bị dụng cụ gì khi bắt đầu cho trẻ răn dặm
Khi tập cho trẻ ăn dặm, những dụng cụ sau sẽ giúp ích cho cả bạn và con rất nhiều:
- Ghế ăn : Ghế ăn dặm chắc chắn, có dây đai sẽ giúp trẻ ngồi thẳng một cách an toàn. Nhờ vậy con có thể học nuốt thức ăn một cách dễ dàng. Bạn lưu ý không bao giờ để trẻ ngồi một mình trên ghế cao.
- Yếm bằng nhựa hoặc silicon : Thời gian đầu tập ăn trẻ chắc chắn sẽ gây ra một mớ hỗn độn. Yếm nhựa sẽ giúp bạn vệ sinh dễ dàng hơn.
- Muỗng cho ăn nhỏ và mềm : sẽ phù hợp với lợi của trẻ.
- Chén/ tô ăn nhỏ bằng nhựa : Bạn có thể chọn loại có chân hút để giúp giữ tô cố định tránh bị đổ khi trẻ ăn.
- Ly nhỏ để uống nước : Bạn nên tập cho trẻ dùng ly vì nó sẽ tốt cho răng miệng của trẻ hơn.
- Một chiếc thảm nhựa nhỏ : hoặc giấy báo để trải dưới ghế ăn của trẻ. Nó sẽ giúp bạn hứng đồ ăn bị rơi khiến công việc dọn dẹp sau bữa ăn dễ dàng hơn.
- Hộp hoặc khay đá nhỏ : sẽ giúp ích trong việc bảo quản đồ ăn mỗi lần bạn chế biến.
6. Yếu tố vệ sinh và an toàn khi cho trẻ ăn dặm
Khi bắt đầu giới thiệu thức ăn mới cho trẻ, việc đảm bảo yếu tố an toàn rất quan trọng để giúp trẻ không bị gặp nguy hiểm. Những nguyên tắc chính yếu gồm:
- Bạn luôn rửa tay trước khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ và giữ các bề mặt sạch sẽ
- Làm nguội đồ ăn và kiểm tra độ nóng của chúng trước khi cho trẻ ăn
- Rửa sạch và bóc vỏ trái cây, rau củ
- Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm cứng như các loại hạt nguyên, củ quả tươi sống như cà rốt, táo
- Loại bỏ hạt, màng dai cứng ở trái cây cũng như xương thịt, cá
- Cắt những loại quả tròn nhỏ như nho, cà chua bi,…thành những miếng nhỏ hơn
- Trứng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
7. Những lưu ý khi bạn cho trẻ ăn dặm
Khi cho trẻ ăn dặm, bạn hãy lưu ý một số điểm quan trọng sau:
- Luôn ở bên cạnh khi trẻ ăn, không bao giờ để trẻ ngồi ăn một mình dù là trong ghế ăn an toàn.
- Kiên nhẫn, động viên và khen ngợi trẻ. Vì ăn uống là một kĩ năng hoàn toàn mới và trẻ cần có thời gian để học hỏi. Việc trẻ từ chối một loại thực phẩm là bình thường. Bạn có thể thử cho trẻ ăn loại thực phẩm đó vào một lần cho ăn khác.
- Không ép trẻ ăn. Bạn hãy đợi trẻ há miệng rồi mới đút thức ăn. Và bạn hãy dừng khi trẻ không muốn ăn tiếp (trẻ không há miệng hoặc quay đi).
- Hãy kiên nhẫn giới thiệu các loại thực phẩm khác nhau cho trẻ. Có thể mất 10 đến 15 lần trẻ mới chịu chấp nhận một loại thức ăn mới.
- Hãy để trẻ được chạm và cầm nắm thức ăn. Bạn cũng nên cho trẻ tự bốc hoặc xúc ăn nếu trẻ muốn. Nếu bạn đang đút cho trẻ ăn, con có thể muốn cầm chiếc thìa của bạn hoặc một chiếc thìa khác để tự xúc.
- Hạn chế các yếu tố làm trẻ phân tâm khi vào bữa ăn, đặc biệt là tivi, điện thoại hay máy tính bảng.
- Hãy cho trẻ thấy cách bạn ăn như thế nào. Vì trẻ sẽ bắt chước để học theo hành vi của người lớn cũng như của trẻ khác. Hãy cho trẻ tham gia vào bữa ăn gia đình càng nhiều càng tốt.
Khi nào cho trẻ ăn dặm và các vấn đề liên quan nên là chủ đề mà moi bậc cha mẹ quan tâm. Vì giai đoạn này rất quan trọng đối với việc hình thành thói quen ăn uống lành mạnh của trẻ sau này. Bạn hãy cố gắng đầu tư thời gian để cùng con khởi đầu hành trình ăn uống một cách đầy vui vẻ va hứng khởi nhé.
Theo NHS
Lily Nguyễn lược dịch