Chúng ta nên biết rằng, khám hiếm muộn không chỉ là điều cần thực hiện với các cặp vợ chồng đã nỗ lực nhiều năm không có con, rồi phải đi thăm khám chạy chữa. Khám hiếm muộn cần được vợ chồng bạn thực hiện ngay khi, sau một khoảng thời gian không dùng biện pháp kế hoạch nào, sinh hoạt vợ chồng đều đặn và không thụ thai. Tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mà bạn có thể quyết định thời điểm tham khám hiếm muộn cho phù hợp nhất. Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta cùng tham khảo nội dung khá chi tiết liên quan đến vấn đề này ngay sau đây nhé.
1. Nguyên nhân gây ra hiếm muộn
Hiếm muộn là tình trạng một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản giao hợp đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai, sau 6 tháng (đối với vợ từ trên 35 tuổi) hoặc 12 tháng (đối với vợ dưới 35 tuổi) mà chưa thụ thai tự nhiên.
Tình trạng này được chia làm hai loại là hiếm muộn nguyên phát và hiếm muộn thứ phát, trong đó:
- Hiếm muộn nguyên phát được sử dụng đối với một cặp vợ chồng chưa từng có thai lần nào.
- Hiếm muộn thứ phát chỉ những cặp vợ chồng đã có thai ít nhất một lần, nay muốn tiếp tục sinh đẻ nhưng không thể có thai được.
Nguyên nhân nhân chủ yếu là do:
Theo các thống kế, tần suất hiếm muộn do người vợ và người chồng là tương đương nhau. Có thể là chỉ do một mình người vợ, do người chồng hoặc do cả hai. Cụ thể:
1.1. Nguyên nhân hiếm muộn do người chồng
- Bất thường trong chất lượng và số lượng tinh trùng.
- Các rối loạn chức năng cương dương vật (bất lực) và rối loạn về phóng tinh (xuất tinh ngược dòng, xuất tin sớm) giảm khả năng có thai.
- Người chồng bị suy tuyến sinh dục nguyên phát, thứ phát, nhiễm trùng đường sinh dục, quai bị, dãn tĩnh mạch thừng tinh, tiếp xúc với các hóa chất, phóng xạ làm tinh trùng yếu, giảm hoặc không có tinh trùng.
- Nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
- Cấu trúc của bộ phân sinh dục có bất thường như không có ống dẫn tinh, tắc ống dẫn tinh, tinh hoàn ẩn, hay dãn tĩnh mạch thường tinh,...
1.2. Nguyên nhân hiếm muộn do người vợ
- Những người đã đốt lạnh hay đốt điện cổ tử cung làm phá hủy các tế bào tiết chất nhầy, tổn thương cổ tử cung sau khi sinh.
- Viêm nhiễm cổ tử cung cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng sống của tinh trùng.
- Những phụ nữ trước kia đã có nhiễm trùng sinh dục như viêm cổ tử cung, viêm tử cung, viêm ống dẫn trứng làm chít hẹp hoặc tắc ống dẫn trứng do đó trứng không thể di chuyển vào buồng tử cung.
- Phụ nữ trước đây từng đặt vòng tránh thai , nạo thai, sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc bình thường của tử cung và ống dẫn trứng như dính buồng tử cung hoặc tắc ống dẫn trứng.
- Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như dị dạng tử cung, u xơ tử cung, trước đó có phẫu thuật vùng chậu, viêm vùng chậu.
Tuy nhiên, có khoảng 10% các cặp vợ chồng sau khi thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khảo sát mà không tìm được nguyên nhân hiếm muộn nào – y học gọi là "Vô sinh chưa rõ nguyên nhân".
2. Vợ chồng bạn nên đi khám và xét nghiệm hiếm muộn khi nào?
Trong trường hợp cả hai vợ chồng bạn quan hệ thường xuyên (2 - 3 lần/tuần) và không áp dụng bất kỳ biện pháp ngừa thai nào, sau 1 năm mà vẫn chưa có thai, thì nên đi khám hiếm muộn . Ngoài ra, nếu người vợ trên 35 tuổi, thời gian đi khám sẽ rút ngắn lại là 6 tháng thay vì 1 năm chờ.
Trước đây, bạn phải đợi đến khi người vợ với bắt đầu có kinh khoảng ngày thứ 1 - ngày thứ 3 của chu kỳ thì mới nên đi khám. Nhưng với sự phát triển của y học hiện đại, các xét nghiệp đánh giá dự trữ buồng trứng có thể thực hiện bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh và kết quả đánh giá cũng chính xác hơn. Bên cạnh đó, người chồng có thể được chỉ định thử tinh trùng, vì thế hai vợ chồng bạn nên kiêng quan hệ khoảng 2 - 5 ngày trước đó để kết quả được chính xác hơn.
3. Khi khám hiếm muộn, bác sĩ thường cho thực hiện những xét nghiệm gì?
Các xét nghiệm thông thường được thực hiện trong việc chuẩn đoán hiếm muộn có thể thực hiện, đó là::
Xét nghiệm ở người chồng:
Ở người chồng, xét nghiệm quan trọng nhất là xét nghiệm tinh trùng (Tinh dịch đồ), nếu đã từng xét nghiệm mà không thấy tinh trùng, bạn có thể phải xét nghiệm máu và khám Nam khoa chuyên sâu.
Xét nghiệm ở người vợ:
- Bạn cần phải thực hiện xét nghiệm máu đánh giá dự trữ buồng trứng: Nồng độ Anti-Mullerian Hormone (AMH), Nồng độ FSH và Estradiol, số lượng trứng, chất lượng buồng trứng còn tốt không hay có rối loạn nội tiết kiểu buồng trứng đa nang không,...
- Siêu âm kiểm tra tử cung, buồng trứng nhằm phát hiện vòi trứng ứ dịch trong một số trường hợp, có u xơ tử cung trong tử cung không, có u buồng trứng hay buồng trứng đa nang không.
- Chụp X quang (HSG) để kiểm tra lòng tử cung và vòi trứng, vì nếu vòi trứng bị tắc 2 bên thì không thể có thai tự nhiên được.
- Và các xét nghiệm khác như: Siêu âm phụ khoa, nội soi buồng tử cung và ổ bụng theo chỉ định bác sĩ.
Mỗi bệnh nhân hiếm muộn có thể sẽ được chỉ định những xét nghiệm khác nhau. Và bạn cũng không nhất thiết phải thực hiện tất cả các loại xét nghiệm trên tùy vào tình trạng bệnh lý của bạn, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp nhất. Vì thế cũng đừng lo lắng quá nhé.
4. Có những phương pháp điều trị gì khi bạn đi khám hiếm muộn
Khi đã tìm ra nguyên nhân cụ thể, trong điều trị hiếm muộn hai phương pháp hỗ trợ sinh sản thường gặp nhất, đó là: Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và Phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).
4.1. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization – IVF) là một trong hai cách thu tinh nhân tạo nhằm điều trị hiếm muộn, vô sinh mang đến hiệu quả cao được thực hiện bằng cách cho tinh trùng kết hợp với trứng ở bên ngoài cơ thể, dành cho các trường hợp:
- Ống dẫn trứng của người vợ bị tổn thương hoặc tắc nghẽn.
- Lạc nội mạc tử cung
- Trứng của phụ nữ yếu cần phải xin trứng.
- Tinh trùng của người chồng yếu hoặc dị dạng.
- Không có tinh trùng trong tinh dịch, lúc này cần phải lấy tinh trùng bằng cách phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn.
Các bước thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:
- Bước 1: Đầu tiên hai vợ chồng bạn sẽ được khám, tư vấn và thực hiện các xét nghiệm.
- Bước 2: Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành kích thích buồng trứng, nhằm mục đích tạo ra nhiều nang noãn và hình thành các trứng tốt.
- Bước 3: Chọc hút trứng, lấy trứng từ trong nang noãn ra ngoài
- Bước 4: Ở người chồng, tinh trùng sẽ được lấy và chọn lọc cùng với trứng trong cùng một ngày.
- Bước 5: Cho trứng và tinh trùng gặp nhau để hình thành phôi một cách tự nhiên (kỹ thuật IVF). Hoặc sử dụng kĩ thuật ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) để phôi được hình thành.
- Bước 6: Nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm trong khoảng 3 tới 5 ngày tùy thuộc vào chất lượng và số lượng phôi được tạo thành.
- Bước 7: Chuyển phôi vào tử cung bằng ống chuyển phôi. Các phôi còn dư sẽ được lưu trữ tại bệnh viện. Nếu chu kỳ chuyển phôi đầu tiên thất bại, các phôi lưu trữ này sẽ được rã đông để chuyển phôi lại.
- Bước 8: Hai tuần sau chuyển phôi, xét nghiệm để xác định có thai hay không.
Sau chuyển phôi, người vợ cần được nghỉ ngơi, sau đó hoạt động lại bình thường và kiêng làm những việc nặng. Và bạn không cần thiết phải nằm nghỉ liên tục tại giường 1 - 2 tuần theo quan niệm trước đây.
4.2. Phương pháp Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
Phương pháp Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intrauterine insemination - IUI), được sử dụng phổ biến và ít tốn kém hơn so với những phương pháp khác, dành cho những cặp vợ chồng có dấu hiệu:
- Rối loạn xuất tinh, tinh trùng yếu, loãng và kém di động.
- Trứng rụng không đều.
- Lạc nội mạc tử cung ở mức độ nhẹ và trung bình.
- Những cặp vợ chồng không thể quan hệ bằng cách thông thường vì chấn thương hoặc dị tật.
- Vô sinh không rõ nguyên nhân.
- Nhưng, điều quan trọng nhất để việc phương pháp này thành công thì người vợ ít nhất phải có một vòi tử cung khỏe mạnh.
Thụ tinh nhân tạo IUI được thực hiện bằng cách nào
Phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI được tiến hành bằng cách chọn lọc những tinh trùng khỏe mạnh nhất của người chồng, sau đó sẽ được bơm vào buồng tử cung của vợ vào thời điểm rụng trứng. Thời gian để thực hiện phương pháp này là 10 - 14 ngày, những có những trường hợp sẽ phải mất tới 4 tuần nếu người vợ có buồng trứng đa nang.
Theo các nghiên cứu thì tỉ lệ thành công của phương pháp này cũng sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của người vợ. Nếu người vợ dưới 40 tuổi thì tỉ lệ thành công nằm trong khoảng 11 - 16%, nếu người vợ trên 40 tuổi thì tỉ lệ đậu thai chỉ dưới 5%.
5. Các địa chỉ khám hiếm muộn uy tín
Để tiến hành các phương pháp điều trị hiếm muộn , trước tiên bạn cần phải chọ cho mình cơ sở y tế chất lượng, uy tín để tránh tình trạnh tiền mất, tật mang nhé. Nếu vẫn chưa tìm được địa chỉ nào tin cậy, hãy tham khảo những địa chỉ mà Yeutre.vn đề cập dưới đây
5.1. Các địa chỉ khám hiếm muộn uy tín tại Hà Nội
5.1.1. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Tại đây chuyên khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ và có cả nam giới. Hiện nay, bệnh viện đã riêng một khoa Hỗ trợ sinh sản dành riêng cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn với nhiều phương pháp hiện đại.
Địa chỉ: 929 đường La Thành, Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội
5.1.2. Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn Hà Nội
Là bệnh viện chuyên khoa sâu về sức khỏe giới tính, sinh sản và đặc biệt là vô sinh hiếm muộn cho cả nam và nữ. Với công nghệ hiện đại và ngân hàng tinh trùng chất lượng cao đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng.
Địa chỉ: 431 Tam Trinh (Lô số 01 - 8A cụm tiểu thủ công nghiệp Hai Bà Trưng), Hà Nội.
5.1.3. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia thuộc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
Bệnh viện đã áp dụng thành công các phương pháp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm hiện đại với các dịch vụ chất lượng cao như tư vấn và thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn và sinh con theo phương pháp khoa học, chẩn đoán di truyền .
Địa chỉ: 43 đường Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
5.1.4. Bệnh viện Đại học y Hà Nội
Với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thăm khám vô sinh hiếm muộn. Và sự kết hợp cùng các bệnh viện lớn nhằm mang đến chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho gia đình bạn.
Địa chỉ: 1 Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội
5.2. Các bệnh viện khám và chữa hiếm muộn tại TP.HCM
5.2.1. Bệnh viện Từ Dũ
Với trang thiết bị công nghệ cao, bệnh viện Từ Dũ hiện nay đang là địa chỉ tin cậy hàng đầu của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Và đây cũng là nơi thực hiện quy trình thụ tinh ống nghiệm thành công tại thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ: 284 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP. HCM.
5.2.2. Bệnh viện Hùng Vương
Là một trong những trung tâm điều trị hiếm muộn được nhiều người dân khu vực phía Nam tín nhiệm trong 10 năm qua. Hiện nay, bệnh viện đang áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng…
Địa chỉ: 128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP. HCM
5.2.3. Bệnh viện Phụ sản MêKông
Bệnh viện Phụ sản MêKông là một trong những địa chỉ khám và điều trị vô sinh nổi tiếng ở khu vực phía Nam, đã đem đến niềm vui và hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng mắc bệnh vô sinh, hiếm muộn.
Địa chỉ: 243 – 243A – 243B Hoàng Văn Thụ, phường 1, quận Tân Bình, TP. HCM
5.3. Tiêu chí lựa chọn địa chỉ khám chữa vô sinh - hiếm muộn bao gồm:
- Bạn cần chọn bệnh viện có uy tín với nhiều năm kinh nghiệm trong khám chữa cho các cặp vợ chồng mắc vô sinh - hiếm muộn.
- Bệnh viện cần phải đầy đủ các trang thiết bị hiện đại nhằm giúp chẩn đoán bệnh trở nên chính xác, quá trình điều trị nhanh chóng hơn.
- Bác sĩ giàu kinh nghiệm để đưa ra những nhận định chính xác và từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
- Liên tục thực hiện các chương trình cập nhật, hội thảo quốc tế về vô sinh - hiếm muộn nhằm tìm ra phương pháp rút ngắn thời gian điều trị.
Lời khuyên cuối cùng mà Yeutre.vn dành cho bạn trước khi đi khám hiếm muộn là hãy mang theo một tinh thần thoải mái và sẵn sàng chia sẻ, trao đổi những thắc mắc và lo âu của mình cho bác sĩ chuyên khoa. Vì trong điều trị hiếm muộn, tâm lý rất quan trọng . Và, những thông tin mà bạn cung cấp có thể giúp bác sĩ tìm ra vấn đề khiến việc có thai bị cản trở đấy. Con đường phía trước tuy có hơi vất vả một chút, nhưng vợ chồng bạn hãy cùng cố gắng để chào đón thiên thần bé nhỏ mà gia đình đang mong mỏi nhé.
Hiền Anh tổng hợp