Dưới đây là những bước hướng dẫn đơn giản cách trồng dưa leo tại nhà.
1. Chọn hạt giống
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại giống dưa leo gồm dưa leo xanh, dưa leo gai, dưa leo Thái, các giống với nhóm quả nhỏ, quả trung bình, quả to…Tùy theo mục đích sử dụng và điều kiện trồng để lựa chọn loại giống khác nhau nhưng nên lựa chọn giống có chất lượng, năng suất cao và có khả năng chống chịu lại sâu bệnh.
2. Chuẩn bị đất trồng
Loại đất thích hợp nhất với dưa leo và đất thịt nhẹ và đất cát pha có độ pH từ 5,5 – 6,5. Đất phải tơi xốp, thoáng khí, trộn đất với phân bò hoặc phân hữu cơ đã ủ kĩ với tỉ lệ 7/3. Trộn thêm phân lân, đạm, kali trong đất để bón lót cho cây. Đổ đất vào thùng xốp dày chừng 20 – 30cm, đáy thùng cần được đục lỗ để thoát nước tránh cho rễ cây bị úng nước.
3. Thời vụ và gieo hạt
Trồng dưa leo vào đúng mùa vụ sẽ giúp cây sinh trưởng và cho năng suất tốt nhất. Vụ đông gieo từ đầu tháng 9 cho đến cuối tháng 10 và vụ xuân từ tháng 1 cho tới hết tháng 2.
Hạt giống dưa leo có thể gieo trồng trực tiếp mà không cần ngâm ủ. Nhưng để đạt tỉ lệ nảy mầm cao nên ngâm hạt giống trong nước ấm sạch khoảng 3 – 5 giờ, sau đó vớt ra, ủ nứt nanh rồi đem gieo. Mỗi hạt gieo cách nhau với khoảng cách 20 – 30 cm để cây có không gian phát triển tốt. Hạt gieo xong phủ một lớp đất mỏng lên trên, tưới nước giữ độ ẩm cho đất thường xuyên.
4. Chăm sóc
Dưa leo có bộ rễ nông nên rất cần nhiều nước, cần tưới nước cho cây thường xuyên. Kết hợp với mỗi lần tưới nước với các đợt bón thúc. Các đợt bón thúc khi cây ra 3, 4 lá (khoảng sau 10 – 15 ngày sau khi gieo), đợt bón thúc thứ hai khi cây bắt đầu ra hoa lứa đầu, và sau khi thu hoạch quả lứa đầu cần bón thúc để cây có đủ dinh dưỡng.
Đặt thùng xốp ở nơi có nhiều ánh sáng, ánh sáng nhiều sẽ giúp quả lớn nhanh, mập, chất lượng quả tốt.
Khi cây có 5, 6 lá là lúc ra tua cuốn cần tiến hành cắm giàn cho cây, giàn dưa chuột cắm theo hình chữ nhân, dùng dây mềm buộc ngọn dưa lên giàn. Ưu điểm của việc làm giàn cho cây sẽ giúp quả dưa leo phát triển tốt, tránh cho quả tiếp xúc với đất ẩm bị hư hại hay thối, nát. Nếu không làm giàn mà để dưa leo bò trên mặt đất cần lưu ý phủ rơm khô hoặc bìa các tông bên dưới.
Cây dưa leo có nhu cầu nước cao vì vậy cần tưới nước thường xuyên, tuy vậy cây lại không chịu được úng. Cần kiểm soát lượng nước vừa đủ, dưa leo sinh trưởng tốt trong đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt.
Trong quá trình sinh trưởng của cây, cần thường xuyên cắt bỏ các lá già phía dưới để tạo sự thông thoáng cho cây, hạn chế sâu, bệnh phát sinh gây hại cho cây.
5. Thu hoạch
Khi quả thụ phấn được 7 ngày là có thể thu hoạch, càng thu hoạch nhiều thì dưa leo càng phát triển nhanh hơn. Không nên để quả già vì sẽ làm ảnh hưởng đến sự ra hoa và kết quả của các lứa sau.
Vậy là với những bước hướng dẫn cách trồng dưa leo đơn giản trên, hẳn chị em cũng có thể tự tay trồng được dưa leo siêu sạch và an toàn cho cả nhà. Sử dụng nguồn dưa leo tự trồng trong bữa ăn hay làm đẹp đều rất tiện lợi và an toàn. Nếu trồng và thu hoạch được nhiều, chị em có thể bảo quản dưa leo trong tủ lạnh hay muối chua để sử dụng dần đều rất tuyệt vời.
Mỹ Duyên - Tổng hợp