Hiểu tâm lý trẻ khi có em - nhiệm vụ quan trọng của mẹ

Hiểu tâm lý trẻ khi có em là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mẹ, để chuẩn bị sẵn sàng cho con trước một thay đổi lớn trong cuộc sống, sẽ diễn ra trong tương lai gần. Tâm lý trẻ khi có em không nhất quán, chính vì thế, hiểu tâm lý con gắn với những việc mẹ cần làm cho bé cần đa chiều và kỹ lưỡng. Vậy những việc làm đó cụ thể là gì, Yeutre.vn mời mẹ cùng tham khảo nội dung liên quan ngay sau đây.

banner ads

1. Tâm lý trẻ khi có em có thể sẽ có những diễn biến phức tạp

Đây là việc mẹ phải dự liệu trước, vì mọi việc đều có thể xảy ra và không có gì là không thay đổi. Có thể ngày hôm nay, con háo hức khi đón nhận tin mình có em, song ngày mai, có thể con thay đổi và không muốn điều đó nữa. Phản ứng của bé về chuyện mình sẽ có em thậm chí có thể diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau kể cả tích cực lẫn tiêu cực, kéo dài dai dẳng, khiến cha mẹ phải mệt mỏi, chuyển từ việc giải thích, đến phải xoa dịu, cảnh báo hay thỏa hiệp.

Tâm lý trẻ khi có em có thể phức tạp
Tâm lý trẻ khi có em có thể sẽ có diễn biến phức tạp nên chính mẹ cũng phải chuẩn bị trước. Ảnh Internet

Không chỉ dừng lại ở khoảng thời gian mẹ đang mang thai, tình trạng thay đổi của bé còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi em ra đời. Sự thay đổi này không còn như lúc mẹ đang mang thai nữa, mà khi em bé thực đã xuất hiện, các hành vi - hệ quả của những thay đổi tâm lý và cảm xúc của trẻ có thể tác động trực tiếp đến em bé mới sinh.

Chính vì những diễn biễn đều có thể xảy ra như thế, vai trò nhiệm vụ của mẹ về việc hiểu tâm lý trẻ thực sự rất quan trọng và rất cần thiết, để có thể đồng hành với con kể cả trước trong và sau khi bé em ra đời.

2. Những việc mẹ cần làm cho trẻ để hạn chế những thay đổi phức tạp trong tâm lý trẻ khi có em

2.1 Khi mẹ mang thai

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ

Khâu chuẩn bị này đương nhiên mẹ phải làm đầu tiên, thậm chí là ngay cả khi vợ chồng đang chuẩn bị kế hoạch để có em bé thứ 2. Việc chuẩn bị sớm luôn đảm bảo hơn về mặt thời gian, vì trẻ cũng cần có một khoảng thời gian nhất định, đủ cho con hiểu một cách lý thuyết ở mức độ của trẻ, đến việc tiếp nhận sự việc trong thực tế.

banner ads

Mẹ có thể bắt đầu chia sẻ với con về những câu chuyện từ sách hoặc thực tế về những gia đình có đông anh chị em, những câu chuyện về việc chăm em bé,... Từ đây, mẹ có thể xem xét được tâm lý trẻ , rồi dẫn dắt vào thực tế câu chuyện của gia đình, trong đó có trẻ.

Nói chuyện với trẻ
Chuẩn bị kỹ lưỡng tâm lý cho trẻ khi chuẩn bị có em là việc làm cần thiết. Ảnh Internet

Hãy xem trẻ là một thành viên thực sự của gia đình và trẻ có quyền được biết, được đón nhận tin có em, như một thông tin chính thức ở đúng vai trò của mình. Phản ứng của trẻ khi đón nhận tin này khá đa dạng. Có thể trẻ vui, có thể trẻ không vui hoặc cũng có thể trẻ không có phản ứng rõ rệt. Mẹ có thể quan sát con vào lúc này kỹ lưỡng, để tìm hiểu và hiểu rõ tâm trạng của con, nhằm có những bước chuẩn bị tiếp theo thật thích hợp.

Chia sẻ với trẻ

Mẹ hãy coi trẻ như một người bạn, trong hành trình mang thai, có thể thỉnh thoảng chia sẻ cảm xúc của mình với con. Việc chia sẻ này sẽ giúp trẻ dần nhận thức được, trẻ cũng rất quan trọng với mẹ. Đây cũng là một trong những nền tảng, giúp trẻ hình thành ý thức về bổn phận cũng như trách nhiệm của trẻ khi mình có em.

Hướng dẫn và cho con tham gia vào những công việc cụ thể

Với những trẻ phát triển tốt và giàu cảm xúc, từ hơn 1 tuổi, trẻ đã rất để ý đến hành vi hoạt động của bố mẹ và trẻ đã có thể ghi nhớ, bắt chước. Do vậy, bạn đừng lo ngại rằng trẻ không hiểu hay không thể tham gia vào những công việc thường nhật của gia đình. Điều quan trọng là mẹ cần nhìn ra những việc phù hợp với trẻ, hướng dẫn và cho con tham gia cùng.

Hướng dẫn con làm những việc cụ thể
Hướng dẫn con tham gia vào những công việc cụ thể. Ảnh Internet

Những công việc cụ thể ở thời điểm mẹ mang thai như: mẹ nhờ con lau bàn sau khi ăn cơm hay khi con làm đổ nước, nhờ con lấy giúp mẹ cái rổ cái rá khi mẹ nhặt rau, bỏ rác vào thùng, gấp quần áo, thu dọn đồ chơi,....Khi hướng dẫn trẻ, mẹ cũng đừng quên lồng ghép những câu chuyện liên quan đến em bé tương lai, để giúp con củng cố hơn vai trò làm anh/ chị của mình, thông qua những công việc phù hợp này.

2.2 Khi em ra đời

Mời gọi bé cùng trông em

Rủ rê trẻ lại gần em bất kể lúc nào có dịp là việc rất hữu ích. Điều này sẽ khiến trẻ quên đi việc mẹ chỉ chú tâm vào em và không quan tâm đến mình. Mẹ có thể chỉ cho trẻ xem những hoạt động của em bé như em bé quẫy đạp chân tay, khóc, ngây,....Mẹ cũng có thể cho trẻ thường xuyên tiếp xúc với em như nắm tay, rờ chân khẽ khàng,...Cách này không chỉ khiến trẻ gần gũi em hơn, thêm yêu thương, bớt sự ganh tị, mà còn là cách để mẹ hướng dẫn cho trẻ biết điều tiết hành vi của mình khi gần em.

Mời gọi con cùng trông em
Mời gọi bé cùng trông em. Ảnh Internet

Một đứa trẻ được hướng dẫn chia sẻ rằng: "Con hãy nhìn và nắm bàn tay bé xíu của em này - có dễ thương không? Con nắm nhẹ nhàng thôi nhé, kẻo làm em đau, em rất thích đấy!" - thì chắc chắn nếu có điều gì khiến trẻ tức giận hay ganh tị với em, trước khi lao tới em, con cũng sẽ biết kềm lại vì con biết sợ có thể làm em đau, do đã được dặn dò hướng dẫn từ trước.

Đề cao vai trò mới của trẻ

Gần gũi với em thường xuyên, dần dần trẻ cũng hình thành trong ý thức về việc mình quan trọng với em. Từ điểm tựa này, mẹ thêm phần nâng cao vai trò của trẻ một cách cụ thể hơn, ví dụ khen con ăn giỏi để làm gương cho em, khen con ngủ sớm ngủ ngoan để em bắt chước, khen con giỏi không khóc không vòi vĩnh để em học theo,....dù là những câu nói khích lệ đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với trẻ, giúp ý thức của trẻ thể hiện qua các hành vi tích cực hơn. Đồng thời, cách này cũng làm giảm bớt những nguy cơ thay đổi phức tạp về tâm lý trẻ khi có em hiện hữu cụ thể. Mẹ luôn cần ghi nhớ rằng, sự thích nghi thực tế luôn có nhiều vấn đề cần giải quyết hơn lý thuyết trước đó. Do vậy, mẹ không nên chủ quan, mà hãy luôn chú ý, khuyến khích việc trẻ làm, để khiến trẻ thấy tự hào và thích được làm gương cho em hơn.

Lắng nghe ý kiến của trẻ

Có thể việc chăm em bé sau sinh khiến rất mẹ bận rộn, song mẹ đừng quên, mình còn có một trẻ lớn cũng đang cần quan tâm. Hãy lắng nghe ý kiến của con, dù rằng có thể ở nhiều trường hợp điều này không có ích lợi gì cho mẹ. Tuy nhiên, với trẻ, việc mẹ lắng nghe mình lại là một hành động vô cùng quan trọng và có ý nghĩa rất lớn với trẻ. Thậm chí, mẹ còn nên khuyến khích và hỏi ý kiến trẻ, để trẻ cảm thấy bản thân không bị loại trừ khi mẹ bận chăm sóc em.

Lắng nghe trẻ
Lắng nghe trẻ - một trong những việc làm quan trọng mẹ không nên bỏ qua nếu muốn tâm lý con ổn định khi có em. Ảnh Internet

Mẹ có thể hỏi ý kiến trẻ những việc đơn giản như: Con thấy em đi đôi vớ này đẹp không? Mẹ đội chiếc mũ này cho em nhé - con thấy sao? Con hãy chọn cho em một chiếc áo để mẹ mặc cho em sau khi tắm xong nhé!", " Em khóc vì buồn này, con hát cho em nghe một bài đi nào!"....Chắc chắn một điều, khi mẹ lắng nghe hay hỏi ý kiến trẻ, hỏi ý trẻ; khơi gợp sự cộng tác theo ý kiến của trẻ, mẹ đồng thời vừa làm giãn ra sự mệt mỏi vì trông 2 trẻ cùng lúc, vừa đề cao được vai trò của trẻ khiến trẻ vui hơn, lại vừa dạy cho trẻ biết một cách rất hiệu quả về ý thức vai trò của mình.

Sai con làm những việc vặt

Mẹ sẽ không ngờ được đâu, nếu mẹ "dám" sai trẻ làm việc này việc nọ. Khi yêu cầu trẻ làm những việc phù hợp, mẹ sẽ phát hiện ra, con không chỉ làm được mà còn làm rất tốt những việc mẹ giao cho. Mẹ hãy sai bé lấy tã cho em, bỏ tã đã dùng vào thùng rác, gấp quần áo cho em bỏ vào giỏ, vỗ về em khi em khóc, nói nhỏ nhẹ dịu dàng khi em đang hóng chuyện,..Mẹ cũng có thể cho trẻ bồng em nhẹ nhàng, bằng cách cho trẻ ngồi duỗi chân, đặt em lên đùi trẻ, nhưng mẹ đừng quên đỡ đầu và luôn giám sát để đảm bảo an toàn cho em bé nhé. Khi có cơ hội bồng em như thế, tự trẻ sẽ cảm thấy bản thân như rất lớn rồi vậy, và ý thức trách nhiệm vai trò của bản thân từ đó thêm được phần củng cố.

Sai con làm việc vặt
Sai con làm việc vặt. Ảnh Internet
Dạy cho trẻ sự độc lập và tôn trọng khi con muốn một mình

Khéo léo dạy con rèn luyện tính độc lập sẽ tạo nên sự thành công trong việc làm ổn định tâm lý trẻ khi có em. Đây là việc cực khó đối với các mẹ, song không có nghĩa là không thể thực hiện. Dạy con sự độc lập không phải ở những việc to tát, nhưng có thể bắt đầu từ sự nhẹ nhàng ở những việc nhỏ. Chẳng hạn, trẻ thường làm nũng mẹ bắt mẹ đút cơm hay bồng bế. Đừng từ chối trẻ ngay, mẹ hãy đút cho trẻ 1-2 thìa cơm vừa đút cho con vừa kể chuyện về em, sau đó dẫn dắt trẻ vào vai trò làm gương của mình, hẳn là sang thìa cơm thứ 4-5, con sẽ tự xúc ăn ngoan mà không gãnh mẹ nữa. Hoặc việc trẻ đòi bồng bế, mẹ cũng đừng phớt lờ hay tỏ ra cáu gắt, trước hết hãy bế trẻ để trẻ không cảm thấy mình bị bỏ rơi, kèm theo đó là mẹ vừa nói về trẻ vừa nói về em, rằng mẹ bế con một chút rồi mẹ bế em nhé, vì em con nhỏ chưa đi giỏi như con được, nên mẹ cần bồng em...Sau vài khắc ấy, có thể trẻ cũng chưa hài lòng ngay, song nhất định, trẻ sẽ tuột khỏi tay bạn, để nhường mẹ cho em, dù có vẻ việc nhường nhịn này là miễn cưỡng.

Có thể bạn đã chuẩn bị cho con rất kỹ càng, hướng dẫn con rất tốt để tâm lý con ổn định, song đôi khi điều này không diễn ra theo ý bạn. Đôi lúc trẻ sẽ có nhiều phản kháng từ nhẹ nhàng cho đến dữ dội, chẳng hạn, bạn muốn trẻ gần em hơn thì trẻ phớt lờ; bạn muốn trẻ làm gương thì trẻ không quan tâm,...Những lúc như thế, bạn hãy tôn trọng con, vì có thể ở khoảnh khắc đó, tâm trạng trẻ không tốt, trẻ không muốn hợp tác với mẹ một chút nào. Lúc này, nhiệm vụ của bạn là không làm gì cả, hãy để cho trẻ bình tĩnh, rồi lại gần vỗ về con, những công việc khác, hãy để sau và thực hiện vào thời điểm khác thích hợp hơn.

Vỗ về con
Khi con không hợp tác - thay vì quát con hãy vỗ về trẻ. Ảnh Internet
Chia sẻ cảm xúc và luôn dành một khoảng thời gian nhất định ở bên cạnh trẻ

Mẹ nên chú ý trẻ, nếu phát hiện trẻ buồn hoặc cảm thấy sắp cáu kỉnh, mẹ có thể nhẹ nhàng vỗ về bé. Hãy hỏi han con " Có chuyện gì làm con buồn thế?, "Con đang buồn hả, mẹ kể chuyện cho con nghe nhé?",....Có những lúc, bé sẽ cần mẹ chú ý và hiểu tâm trạng mình. Và những khi ấy, mẹ hãy ở bên cạnh con ngay, để con cảm thấy mình luôn được mẹ quan tâm.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc bạn chỉ ở bên cạnh trẻ những lúc con không ổn như thế, mà nên chủ động dành cho con vài phút mỗi ngày. Bạn có thể dành ít phút kể chuyện cho con nghe, chơi xếp hình cùng con, hoặc tô màu cùng bé. Dù chỉ là vài phút thôi, nhưng với trẻ, điều này rất ý nghĩa và rất giá trị. Những phút ấy giúp trẻ không cảm thấy mình bị "ra rìa", mà vẫn quan trọng với mẹ, dù mẹ có em đi chăng nữa.

Nếu như trước đây, tâm lý trẻ khi có em không được bàn đến nhiều hay quan tâm sâu sát, ngày nay, tâm lý trẻ được chú trọng hơn, nhất là ở các gia đình hiện đại. Điều này là một phản ứng rất tích cực, trong việc giáo dục con cái. Hiểu tâm lý trẻ khi có em và có các cách thức giải quyết hay ứng phó thích hợp, mẹ không chỉ giải quyết được vấn đề tâm lý của trẻ giúp trẻ ổn định, vui sống, có ký ức đẹp; mà còn là nền tảng dạy con thành công, giúp con trở thành người điềm tĩnh hơn, biết chia sẻ cảm thông nhiều hơn khi con lớn lên.

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI