1. Đặc điểm phát triển tâm lý trẻ lên 4
- Ý thức cái tôi định hình rõ nét
Trẻ 4 tuổi đã phân biệt rõ mình và người khác, mình và thế giới xung quanh. Trẻ biết được các thông tin cơ bản về bản thân mình như tên trẻ, tên ba mẹ, địa chỉ nhà,... Trẻ rất quan tâm, chú ý đến những nhận xét của mọi người đến bản thân mình. Từ ở độ tuôi này, các mẹ không nên so sánh con mình với trẻ khác nhé, để tránh trẻ không nhận định rõ ràng về bản thân mình.
- Cảm xúc của trẻ bộc lộ rõ ràng hơn
Trẻ nhận diện được tất cả các bạn trong lớp mẫu giáo của mình. Trẻ bắt đầu có bạn thân, dành nhiều thời gian với bạn nào hơn và thích chơi với bạn nào hơn. Ở nhà, trẻ sẽ quấn quít với người mà trẻ có nhiều tình cảm hơn. Sự yêu ghét trong tâm lý trẻ lên 4 được phân định rõ ràng. Trẻ có thể rất nghe lời ba, răm rắp làm theo khi ba sai khiến. Nhưng với mẹ lại tỏ ra chống đối, bướng bỉnh.
- Xuất hiện hành vi bắt chước người lớn
Trẻ 4 tuổi cực kỳ thích bắt chước người lớn. Trẻ thích chơi các trò đóng vai, phân vai gia đình và tái hiện lại tất cả những hoạt động trẻ thấy hàng ngày. Trẻ gái thích bắt chước mẹ trang điểm, chải đầu, ngắm nghía trước gương, cùng mẹ nấu cơm, quét nhà… Trẻ trai xem ba là hình mẫu lý tưởng, thích làm những việc giống ba.
- Luôn muốn được công nhận là một người lớn
Khi trẻ được ba mẹ khích lệ và khen ngợi các hành động của trẻ, trẻ sẽ dễ dàng tự động đi làm việc hơn. Trẻ 4 tuổi thích nói chuyện, hay cười hay nói, và yêu cầu người khác lắng nghe mình nói. Trẻ cũng lắng nghe cách người lớn nói chuyện, trao đổi với nhau và trẻ thể hiện cách nói chuyện đó với người lớn một cách dễ dàng.
- Trẻ tự xây dựng mối quan hệ bạn bè
Ở độ tuổi này, trẻ biết mình thích chơi với ai và trẻ chơi thân với bạn đó. Trẻ sẽ có xu hướng xây dựng tình bạn một cách rõ ràng, gần gũi đối với các bạn mà trẻ nhìn thấy thường xuyên và có các hoạt động tương tự như trẻ. Việc trẻ 4 tuổi chơi với bạn giúp cho các hoạt động của trẻ ngày càng đa dạng hơn. Trẻ sẽ đưa ra nhiều ý tưởng để duy trì tình bạn đó trong suốt giai đoạn phát triển tâm lý trẻ lên 4.
- Những cung bậc tình cảm, cảm xúc khác
Trẻ 4 tuổi có thể khóc khi bạn đọc một câu chuyện buồn hay khi trẻ xem một tập phim buồn. Trẻ còn biết an ủi bạn khi trẻ nghĩ bạn đang buồn. Trong quá trình phát triển tâm lý trẻ lên 4, các mẹ nên giúp đỡ trẻ phát triển lòng nhân ái của mình bằng cách nói về các tình huống mà bạn biết. Ví dụ, các mẹ kể cho trẻ nghe tình huống cụ già bị mắc mưa mà không có áo mưa mặc, các mẹ có thể hỏi cảm xúc của trẻ như thế nào, trẻ đoán xem cụ già sẽ cảm thấy như thế nào...
Trẻ bắt đầu cần sự riêng tư và trẻ có những bí mật cho riêng mình. Đôi khi, trẻ chỉ chia sẻ bí mật cho bạn bè của mình. Trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ lên 4, trẻ sẽ không hoàn toàn bám dính ba mẹ và ba mẹ nên cho trẻ khoảng không gian riêng tư nhất định để trẻ làm điều mình thích.
2. Vai trò của cha mẹ đối với sự phát triển tâm lý trẻ lên 4
Trẻ bước vào độ tuổi này rất thích bắt chước, do đó, ba mẹ sẽ là tấm gương cho việc hình thành các hành vi ở trẻ. Ba mẹ hãy tận dụng điều này để giúp trẻ học những thói quen tốt và cách cư xử hay từ chính mình và những người mà trẻ tiếp xúc trong quá trình phát triển tâm lý trẻ lên 4. Hãy từ từ chỉ cho trẻ biết cái gì nên và không nên, đúng và sai, những gì trẻ được làm hay không được làm. Có thể trẻ chưa tiếp nhận được hết nhưng nó cũng tạo cho trẻ những ý thức ban đầu.
Ba mẹ cũng quan tâm xem đứa con 4 tuổi của mình thích trò chơi và nhân vật gì, để dùng chính những nhân vật tốt đẹp đó giáo dục trẻ. Ba mẹ có thể dạy trẻ những gương tốt về đạo đức qua truyện cổ tích, thần thoại, bước đầu chỉ ra các nhân vật thiện - ác kích thích trí tưởng tượng và tình cảm của trẻ thơ. Khi đọc thơ, kể truyện ba mẹ nhớ giảng giải cặn kẽ cho trẻ những đạo lý trong cuộc sống ở mức độ tiếp thu của trẻ, chắc chắn trẻ sẽ rất nhớ và hiểu những gì ba mẹ truyền đạt, có thể khiến ba mẹ bất ngờ đấy.
Ở độ tuổi này, trẻ cũng có thể nảy sinh mâu thuẫn, cãi cọ với bạn, hoặc thậm chí với cả anh chị em hoặc ba mẹ. Nếu không có gì nguy hiểm, ba mẹ nên để các trẻ tự giải quyết mâu thuẫn của chúng. Chính điều đó giúp trẻ hình thành kỹ năng tự giải quyết những khó khăn của chính mình. Từ đó, trẻ trở nên tự lập và tự tin hơn trong quá trình phát triển tâm lý trẻ lên 4.
Trước khi đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu hình thành những nhận thức nhất định về bản thân và không thích bị so sánh. Do đó, ba mẹ không nên khen hay chê trẻ khác trước mặt trẻ. Và hơn hết, ba mẹ nên khen thưởng trẻ thật hợp lý trong quá trình phát triển tâm lý trẻ lên 4. Việc khen thưởng đúng cách giúp trẻ phát huy hết các khả năng làm việc của mình và giúp trẻ trở nên tự lập hơn. Đồng thời, ba mẹ nên giao cho trẻ những nhiệm vụ đúng tuổi và trong khả năng của trẻ, để trẻ có thể thực hiện được. Chính điều đó góp phần giúp trẻ tin tưởng vào khả năng của mình hơn.
Tâm lý trẻ lên 4 có những bước phát triển mới mẻ và rất dễ thương. Đây là giai đoạn khá có rất nhiều điều tuyệt vời diễn ra mà ba mẹ sẽ cảm nhận được. Ba mẹ cũng đừng quên rằng, bản thân mình cũng đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc định hình nhân cách con trong tương lai từ những ngày tháng này. Do đó, hãy lựa chọn cho mình phương pháp giáo dục phù hợp, giúp bé phát triển tốt về mặt nhân cách, cũng như giúp định hình cơ bản những điều tốt đẹp trong hành vi ứng xử của trẻ từ thời điểm này, làm nền tảng cho những hành vi, nhận thức và ứng xử tốt của trẻ trong tương lai.
Minh Tâm tổng hợp