Tâm lý trẻ 7 tuổi phát triển thế nào mẹ có biết?

Tâm lý trẻ 7 tuổi được tác động bởi rất nhiều yếu tố xung quanh bao gồm gia đình, môi trường học đường, bạn bè. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu bước vào lớp 1, trở nên trưởng thành, chững chạc hơn, và có thể thích ứng với những điều mới mẻ.

banner ads

1. Ý thức kỷ luật trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ 7 tuổi

bé tự đánh răng
Ý thức tự giác hoạt động của bé 7 tuổi phát triển mạnh mẽ - Ảnh Internet

Bước vào độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu quen dần với nề nếp và những quy định mới mẻ ở trường tiểu học. Trẻ phải thay đổi những cách sinh hoạt ở trường mầm non để thích nghi với tính tự lập khi bước vào lớp 1. Môi trường học đường cùng với ý thức kỷ luật tác động tích cực vào tâm lý trẻ 7 tuổi. Các con tự nhiên biết hoàn thành các bài tập, nhiệm vụ trên trường lớp cũng như khi về nhà theo đúng thời gian biểu của mình. Các con cũng biết cố gắng để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình để tránh vi phạm nội quy trường lớp, tránh bị trách mắng.

Với việc phải làm quen nhiều nội quy ở trường học, đôi lúc các con sẽ căng thẳng vì áp lực không thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Để có thể thích ứng với sự phát triển tâm lý trẻ 7 tuổi, ba mẹ có thể hỗ trợ, bằng cách cùng con lập một vài thời gian biểu cơ bản:

  • Thức dậy, ăn sáng và đến trường đúng giờ để đảm bảo trẻ có đủ năng lượng học tập và vui chơi với các bạn trên lớp.
  • Soạn tập vở, dụng cụ đầy đủ trước khi đi ngủ để trẻ có thể yên tâm say giấc.
  • Tổ chức họp gia đình hàng tuần, phân trách nhiệm cho trẻ tự quản lý đồ dùng của mình và phụ giúp việc nhà, lên kế hoạch nghỉ ngơi.
  • Đặc biệt, trí tưởng tượng của trẻ 7 tuổi cũng không thua kém gì trẻ ở cấp mầm non. Trẻ ở độ này thường sợ bóng tối. Ba mẹ có thể đặt đèn ngủ với ánh sáng diệu nhẹ trong phòng trẻ. Trước khi ngủ, ba mẹ có thể kể chuyện cổ tích, chuyện vui cho trẻ nghe tạo cảm giác an toàn và ấm áp cho trẻ. Nhiều trẻ thích có gấu bông hay gối ôm bên cạnh khi ngủ thì điều đó cũng không có vấn đề gì cả, ba mẹ nên đáp ứng cho trẻ, chúng đóng vai trò như một người bạn nằm ngủ cùng vậy.

2. Phát triển tính cách và ý thức xã hội ở tâm lý trẻ 7 tuổi

bé đọc sách cùng bạn
Bé 7 tuổi phát triển ý thức xã hội tối như cùng bạn đọc sách và học tập - Ảnh Internet

Đây là giai đoạn trẻ phát triển nhiều tính cách tuyệt vời. Trẻ mở rộng mối quan hệ bạn bè, biết chia sẻ với người khác, bắt đầu nhớ mọi việc lâu hơn. Trẻ có thể đưa ra những câu hỏi vặn vẹo làm ba mẹ nhiều khi cũng bí quá, không biết trả lời thế nào! Trẻ bắt đầu xây dựng hình mẫu lý tưởng cho mình và điều khiển cảm xúc của bản thân.

Đến 7 tuổi, trẻ định hình rõ ràng ý thức về bản thân mình, biết áp dụng thực tế khi được rèn đức tính tự giác và kỷ luật chặt chẽ. Ba mẹ sẽ thấy con phát triển khả năng tự kiểm soát bản thân và có tinh thần ổn định hơn. Con cũng thể hiện cách hành xử lịch sự, yêu mến gia đình, bạn bè. Con rất thích nghe ông bà, ba mẹ kể về giai đoạn khi mình mới sinh ra, quá trình con lớn và nhiều mẩu chuyện vui về mình. Con đặc biệt rất tự hào về ba mẹ.

tâm lý trẻ 7 tuổi
Trẻ lên 7 tuổi có xu hướng suy nghĩ nội tâm nhiều hơn những năm tháng trước đó - Ảnh Internet

Trong giai đoạn định hình tâm lý trẻ 7 tuổi, các con có xu hướng suy nghĩ nội tâm nhiều hơn những năm trước đó. Đây là một tiến trình phát triển dẫn tới sự cảm nhận của nội tâm ở 8 tuổi sau đó. Trẻ kế hoạch và sắp xếp tất cả các kinh nghiệm có từ mẫu giáo. Trẻ ý thức rất tốt việc trở thành một thành viên của tập thể, mà không còn cho mình là cái rốn của vũ trụ như khi ở nhà với ba mẹ nữa.

Với sự phát triển của trẻ lên 7, các con có thể phạm phải những lỗi lầm do bắt chước người khác như nói dối, ăn cắp vặt, đánh nhau,… Ba mẹ nên theo dõi và nghiêm khắc thể hiện thái độ rõ ràng cho con biết đâu là hành xử sai khó chấp nhận. Nên chỉ rõ cho trẻ trước khi con phạm lỗi. Khi con phạm lỗi, ba mẹ nên bình tĩnh phân tích con đã phạm những lỗi nào, tác hại của hành xử đó, và cho con thời gian suy ngẫm về bản thân.

3. Sự phát triển tình cảm, cảm xúc ở tâm lý trẻ 7 tuổi

3.1. Tình cảm bạn bè

trẻ chơi với bạn
Tình cảm bạn bè ở trẻ lên 7 được định hình rõ rệt hơn - Ảnh Internet

Trẻ 7 tuổi đã bắt đầu biết làm quen với nhiều bạn mới và trẻ cũng có những suy nghĩ, quan điểm cho riêng bản thân mình mà trẻ đã đúc kết được khi học mầm non. Do đó, trẻ biết tranh cãi và tranh luận với các bạn. Trẻ dễ giận nhưng cũng dễ làm lành, nên người lớn tốt nhất đừng can thiệp vào việc này. Những khi con đánh nhau, tốt nhất tách hai đứa trẻ ra, cho con có thời gian suy nghĩ, sau đó chúng sẽ tự làm lành với nhau.

Sự “già dặn” được hình thành trong tâm lý trẻ 7 tuổi. Trẻ chuyển sở thích chơi các trò nhập vai sang chơi theo luật định. Trẻ biết cách phân công, làm theo trật tự. Điều này dẫn đến xung đột nảy sinh, việc này lý giải chuyện hay cãi nhau, giận hờn của các trẻ. Ba mẹ không can thiệp nhưng không phải là bỏ mặc con. Ba mẹ nên quan sát và dạy con cách ứng xử phù hợp khi trẻ hết giận và bình tĩnh hơn.

3.2. Hoạt động và sở thích

trẻ chơi đá banh
Trẻ cùng nhau chia sẻ các hoạt động thể lực ngoài trời gắn kết tinh thần tập thể - Ảnh Internet

Đây là độ tuổi trẻ gần gũi hơn với các bạn đồng trang lứa. Các bạn thích chơi các trò vận động tập thể ngoài trời và làm quen với nhiều môn thể thao, trẻ sử dụng khả năng thể chất mới của mình và xây dựng kỹ năng cho mình trong các môn đó.

Bên cạnh đó, thói quen một mình vẫn được duy trì trong tâm lý trẻ 7 tuổi. Trẻ sẽ dành thời gian ngồi một mình để chơi, tìm tòi, sưu tập và sắp xếp đồ chơi của mình, xem đó như tài sản riêng và niềm tự hào của con. Ba mẹ hãy luôn tôn trọng cảm xúc của con, cho con một khoảng trời tự do nhưng cũng phải có những giới hạn nhất định.

Trẻ 7 tuổi vẫn thích gần gũi với ba mẹ, đôi lúc cuối tuần vẫn muốn ngủ cùng phòng bố mẹ. Bạn nên dành nhiều thời gian cho con, cùng con chơi cờ, nấu ăn hoặc đi công viên,... Ba mẹ có thể giúp đỡ con trong các bài tập khó để con cảm thấy mình được quan tâm, giảm căng thẳng cho con.

Tâm lý trẻ 7 tuổi là bước ngoặt lớn hình thành nhiều thói quen và tính cách ở trẻ. Trẻ bắt đầu tìm được sự cân bằng giữa cá tính cá nhân với tập thể, thông qua các trò chơi có tổ chức. Thầy cô giáo lúc này có vai trò cực kỳ quan trọng - đó là giúp trẻ hình thành các thói quen và kỹ năng. Do đó, việc chọn cho con một môi trường học tập thích hợp là nền tảng, giúp con hình thành đặc tính tốt trong giai đoạn đầu cấp một.

Minh Tâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI