Tâm lý trẻ khi có em và 7 câu nói phổ biến của người lớn khiến trẻ dễ bị sốc nhất

Tâm lý trẻ khi có em gắn với sự thay đổi cực kỳ to lớn nhưng nhiều bố mẹ, ông bà và người lớn xung quanh thường không quá chú ý. Hoặc chúng ta cho rằng, đó không phải là việc nghiêm trọng, cần phải lưu ý. Với trẻ, sự thay đổi to lớn này diễn ra trong thầm lặng, theo hướng tích cực thì ít, nhưng theo hướng tiêu cực thì nhiều. Và những điều tiêu cực chúng ta ít biết đó, có khi lại xuất phát từ những câu nói rất "bình thường" của người lớn, cụ thể như 7 câu nói sau đây - có thể dễ khiến trẻ bị sốc nhất.

banner ads

1. Con ra rìa rồi - tâm lý trẻ khi có em cộng hưởng sự hụt hẫng và bị loại trừ

Dường như bất kể ai đã là anh là chị của một hay nhiều đứa em nào đó, đều "ghi dấu" ít nhất một vài lần trong đời về câu nói này. Có thể khi nói ra điều ấy, bố mẹ hay những người lớn xung quanh không có hàm ý để cho trẻ ra rìa thật. Song, thực tế lại không như thế, phút mà trẻ nghe được rằng "con ra rìa rồi" cũng chính là khoảnh khắc vị trí độc tôn của trẻ bấy lâu chợt rơi tõm xuống hố sâu. Trẻ sẽ cảm thấy hụt hẫng vì mình đã bị loại trừ, rằng không ai quan tâm đến mình thêm nữa, rằng tất cả mọi người chỉ chú ý tới nhân vật mới mà thôi.

Con ra rìa rồi
Con ra rìa rồi - câu nói phổ biến của người lớn khi trẻ có em, khiến trẻ dễ cảm thấy hụt hẫng và bị loại trừ. Ảnh Internet

2. Con hư

Lúc có em, trẻ bỗng thành trẻ hư hơn bình thường khi ban ngày trẻ quấn mẹ, chiều bố đi làm thì quấn bố. Những buổi tối, cơn gắt ngủ ập đến quen thuộc cũng bị buộc tội. Hay, những buổi sáng thức dậy trẻ lừ đừ với bữa sáng vì giấc ngủ không ngon,...cũng có thể biến trẻ thành trẻ không ngoan. Đương nhiên, trẻ sẽ không nhận thức được, mẹ mang bầu em thì rất mệt mỏi không thể bồng bế trẻ khi trẻ muốn. Bố đi làm về mệt, phải phụ giúp hay chăm sóc mẹ trong kỳ thai nghén,....Nhưng, mẹ hay bố chỉ việc quát lên một từ "con hư", cũng có thể khiến trẻ sụp đổ và có thể, trẻ chỉ hiểu được một điều rằng, vì mẹ có thêm em, những mưu cầu hay tâm trạng của trẻ không những không được đáp ứng hay được cảm thông hoặc an ủi mà còn trở thành tội.

Con hư
Con hư - câu mắng rất dễ khiến trẻ tổn thương khi tâm lý đang xáo trộn bất ổn vì có em. Ảnh Internet

3. Bố/ mẹ không thương con nữa

Tâm lý trẻ khi có em  không đơn giản như chúng ta nghĩ, giai đoạn này trẻ thường khá nhạy cảm. Đôi khi chỉ là một câu nói đùa "không thương con nữa" - bé có thể hình thành nhận thức rằng, vì bố mẹ có em, nên, trẻ không còn được thương yêu nữa. Lúc này, chắc chắn chỉ còn sự tủi thân buồn bã ở lại với trẻ và trẻ cũng không thể nhận thức được thêm điều gì khác nữa ngoài tâm trạng ấy.

Bố mẹ không thương con nữa
Bố mẹ không thương con nữa - câu nói dễ khiến trẻ tủi thân và buồn bã. Ảnh Internet

4. Con đi ra ngoài kia chơi - trẻ có thể hiểu rằng, vì bố mẹ đã có em, nên mình bị xua đuổi

Bố mẹ bận bịu công việc nhà, thu dọn phòng ốc, sắp xếp chỗ, hay đơn giản chỉ là quần áo khăn khố cho em bé, trẻ cũng sà vào ngay chỗ bố mẹ. Sự nghịch ngợm hồn nhiên của trẻ có thể sẽ làm vướng chân, hay công việc thu dọn sắp xếp của bố mẹ bị rối tung. Hiển nhiên, "con đi ra ngoài kia chơi" là câu nói chắc chắn nhiều bố mẹ sẽ nói với trẻ lúc này. Với bố mẹ, chỉ đơn giản là cách chặn đứng sự nghịch ngợm của trẻ, nhưng với trẻ, chính xác đây là một sự xua đuổi - một sự xua đuổi nặng nề.

Con ra ngoài kia chơi
Con ra ngoài kia chơi - câu nói khiến trẻ dễ cảm thấy như mình bị xua đuổi. Ảnh Internet

5. Con ra ngoài kia cho mẹ/ bố

Nếu như khi chưa có em bé, mọi thứ bố mẹ đều dành cho trẻ, kể cả các câu chuyện vui đùa, thậm chí ngay cả khi nghỉ mệt, trẻ cũng có thể ở bên bố mẹ một giây chẳng rời. Tuy nhiên, cũng có những lúc sự quấn quýt hay náo nhiệt của trẻ lại là sự làm phiền, làm gián đoạn hay làm bố mẹ thêm mệt, khi đang cần có sự yên tĩnh,...Không chỉ dừng lại ở việc cảm nhận bị xua đuổi, một câu nói "con ra ngoài kia cho mẹ/ bố" có thể khiến trẻ nhận thức rằng, trẻ còn bị tách rời, bị cô lập, thậm chí là bỏ rơi, không còn được tham gia vào những chuyện bình thường của 3 người như trước kia nữa.

Con ra ngoài kia
Con ra ngoài kia cho bố/ mẹ - câu nói khiến trẻ dễ cảm thấy mình bị tách rời, bị bỏ rơi. Ảnh Internet

6. Đừng có làm như thế

Bình thường hàng ngày, có thể việc trẻ không vâng lời , quấy khóc, làm đổ ly nước, sữa hay thức ăn, không chú ý vào bữa ăn,....đều không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Bố mẹ có thể đã chỉ nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng hoặc năn nỉ dỗ dành để trẻ ngoan hơn. Tuy nhiên, bỗng dưng điều này thay đổi, chỉ cần trẻ chọc chiếc đũa vào bát cơm, khẩy lá rau ta khỏi bát canh là có thể bị mắng "hư quá, đừng có làm như thế" rồi. Có lẽ, tâm trạng trẻ lúc này, sau một vài giây ngạc nhiên, khựng lại, trẻ chắc nhận ra, từ bây giờ, mình không còn quyền được làm như vậy nữa. Hẳn là, cảm giác bị tước mất quyền làm những gì mình thích; mình muốn; hoặc không muốn chính là cái cảm cuối cùng mà trẻ nhận diện được, sau câu nói ấy của bố mẹ.

Con đừng có làm như thế
Con đừng có làm như thế - trẻ cảm thấy mình bị tước hết quyền làm những gì trẻ muốn. Ảnh Internet

7. Đưa đây cho mẹ/ bố

Lọ dầu ở trên đầu dường, remote máy lạnh trên kệ, chai xà bông nho nhỏ ở trong giỏ nhựa, hay bao thứ lặt vặt khác giống như những món đồ chơi hàng ngày trẻ vẫn chơi vẫn nghịch, bỗng đến một lúc, trẻ đụng vào món nào thì bị tịch thu món đấy. Trẻ không thể nhận thức được rằng, mẹ sợ mùi dầu, chai xà bông nhỏ để riêng dành soạn đồ cho em,....đều là những thứ cần để yên vị trí như nó mới được sắp đặt thế không thể nghịch thêm được. Khi trẻ cầm chưa kịp chơi đã bị lấy lại, hiển nhiên, trạng thái của trẻ có thể từ ngỡ ngàng chuyển sang hậm hực và có thể khiến trẻ nhận thức rằng, cũng từ nay, những món đồ bình thường có thể chơi này, trẻ cũng không được đụng vào nữa....

Bé gái chuẩn bị khóc
Trẻ dễ cảm thấy hậm hực ấm ức vì nhiều thứ không còn được đụng vào như trước. Ảnh Internet

Không chỉ dừng lại ở 7 câu nói rất phổ biến này, thực tế còn có những câu nói khác đều có khả năng khiến trẻ tổn thương và bị sốc. Dù có thể trong đó có những câu bố mẹ đã từng nói, hay những hành động bố mẹ đã từng làm với trẻ, song, trẻ chưa đủ khả năng để nhận thức chiều sâu hay bề rộng của vấn đề. Trẻ chỉ có thể nhìn nhận vấn đề trong phạm vi hẹp, hiểu biết của trẻ, khi các hành động và lời nói diễn ra ở thời điểm mà tâm trạng và tâm lý của trẻ đang nhạy cảm nhất. Sự nhạy cảm đó càng nghiêm trọng với những đứa trẻ giàu cảm xúc, dễ khiến trẻ rơi vào trạng thái buồn bã, cô độc thậm chí cảm giác mình bị bỏ rơi, ruồng rẫy,...từ khi mẹ bắt đầu có em. Đấy là chưa nói đến, khoảng thời gian tiếp sau còn nặng nề hơn, khi em của trẻ ra đời.

Cân nhắc những câu nói có thể khiến trẻ bị tổn thương
Bố mẹ nên cân nhắc những câu nói trong những tình huống có thể dễ khiến trẻ bị tổn thương, khi tâm lý của con đang còn xáo trộn. Ảnh Internet

Tâm lý khi trẻ có em thực sự phức tạp hơn chúng ta có thể hình dung. Với trẻ dưới 3 tuổi, đôi khi chỉ cần một câu nói không phù hợp, không được cân nhắc, đều có thể khiến trẻ tổn thương. Sự tổn thương ấy cũng có thể theo trẻ đến tận khi trưởng thành. Còn với bé trên 3 tuổi, chắc chắn nhiều câu nói không kịp cân nhắc của người lớn sẽ gây nhiều ấn tượng không đẹp, theo trẻ dài lâu và trở thành nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ, hành vi và ứng xử tiêu cực sau này.

Biết rằng, khi có thêm em bé , bố mẹ thêm phần mệt mỏi và vất vả, nhưng không vì thế mà quên mất một điều cũng quan trọng không kém là, bé lớn dù ở độ tuổi nào cũng là một thành viên trong gia đình. Trẻ có quyền được tôn trọng, được lưu ý, được thông cảm, được sẻ chia, được song hành thực sự với mọi người trong một giai đoạn mới. Và ở giai đoạn ấy, trẻ vẫn cần được yêu thương, nâng niu, chăm chút và quan tâm. Cụ thể nhất điều này cần được thể hiện ngay từ những câu nói tinh tế, dịu dàng của người lớn, để khiến trẻ thực sự an tâm. Có như vậy, trẻ mới thấy mình vẫn quan trọng ngay cả khi có em, cũng như vị trí của mình không bị đe dọa hoặc có nguy cơ bị soán ngôi, giúp tâm lý trẻ khi có em sớm ổn định hơn.

Cát Lâm tổng hợp

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI