1. Giấy khám sức khỏe là gì ?
Giấy khám sức khỏe là tài liệu trên giấy tờ xác minh tình trạng sức khỏe tổng quát của một người được các phòng khám tư nhân hay bệnh viện kiểm tra, chứng nhận sức khỏe cho người đủ 18 tuổi trở lên và là công dân của người Việt Nam.
Trong giấy khám sức khỏe có rất nhiều mục khác nhau xác nhận từng bộ phận tổng quát trên cơ thể người được khám như: mắt, tai, mũi , họng, răng hàm mặt, máu, thần kinh,...và phần kết luận của bác sĩ xem tình trạng sức khỏe như thế nào.
Giấy khám sức khỏe phổ biến nhất hiện nay có 2 loại đó là giấy A4 hai mặt hoặc loại giấy A3 gấp đôi bốn măt, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể hay nhu cầu của mỗi trường hợp, cần lựa chọn loại giấy phù hợp nhất.
2. Giấy khám sức khỏe có ý nghĩa như thế nào ?
Trong các bộ hồ xin việc hay các bộ hồ sơ thi bằng lái xe, hồ sơ nộp học,... đều có sự xuất hiện của loại giấy khám sức khỏe. Đối với các nhà tuyển dụng thì đây chính là một phần để họ xác định người lao động có sức khỏe phù hợp với công việc của công ty họ hay không.
Không những vậy, giấy khám sức khỏe còn là bằng chứng để chứng minh sức khỏe của bản thân mình phù hợp với vị trí đang ứng tuyển, có thể làm tốt được các công việc mà công ty cần.
Ngoài ra, khi làm giấy khám sức khỏe cũng là cơ hội để bạn đi khám và xem tổng quát về sức khỏe hiện tại của mình.
3. Giấy khám sức khỏe dành cho người đi làm
3.1. Những thông tin cần thiết
Mỗi công ty đều sẽ có những yêu cầu về tính chất công việc lao động nặng nhẹ khác nhau, vì vậy yêu cầu về giấy khám sức khỏe cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, giấy khám sức khỏe đều yêu cầu phải có những thông tin sau:
- Hình thức:
Giấy khám sức khỏe phải do bệnh viện chứng nhận, cung cấp, có kèm theo ảnh thẻ người khám, thời gian chụp không quá 6 tháng.
- Nội dung:
Đối với những người từ 18 tuổi trở lên thì phần nội dung khám phải có các phần như:
Nội khoa
Ngoại khoa
Phụ khoa ( dành cho nữ )
Tai, mũi, họng
Răng hàm mặt
Da liễu,
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm nước tiểu.
Đối với những người chưa đủ 18 tuổi thì đơn giản hơn, chỉ cần xét nghiệm mắt, tai, mũi, họng và răng hàm mặt là được.
Sau xét nghiệm và khám sức khỏe xong, người bệnh sẽ nhận được giấy khám sức khỏe có dấu chứng nhận sức khỏe và kết luận của bác sĩ về tình trạng của mình.
3.2. Giấy khám sức khỏe đi làm bao nhiêu tiền ?
Đối với giá khám sức khỏe tổng quát : gói khám này nhằm thực hiện kiểm tra định kì sức khỏe của người được khám. Giúp họ phát hiện sớm những căn bệnh tiềm tàng trong cơ thể. Chi phí thực hiện dịch vụ này là khoảng 1 – 1,5 triệu đồng (đối với bệnh viện công).
Đối với giá khám sức khỏe xin việc : giá giấy khám sức khỏe tất cả các bệnh viện đều phải thu theo đúng quy định của nhà nước, theo thông tư 04/BYT năm 2012 đã phê duyệt thì giá giấy khám sức khỏe là 85.000 đồng. Và bệnh viện sẽ chỉ thu thêm tiền hồ sơ 4.000 đồng.
Như vậy, nếu bạn đang muốn làm giấy khám sức khỏe để đi xin việc tại các công ty hay doanh nghiệp thì có thể đến các bệnh viện đa khoa ở quận, huyện, tỉnh để khám, tổng chi phí sẽ mất khoảng từ 85.000 đồng đến 120.000 đồng tùy thuộc vào số lượng tờ khám.
Còn nếu ai đang có việc gấp không muốn đợi lâu mất nhiều thời gian thì có thể đến các phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, giá giấy khám sức khỏe ở đây sẽ cao hơn so với bệnh viện, giá khoảng từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng, nhưng sẽ thực hiện nhanh chóng, bạn sẽ nhận được giấy và dấu chứng nhận ngay khi khám xong.
4. Giấy khám sức khỏe cho phụ nữ sau sinh đi làm lại
Giấy khám sức khỏe cho phụ nữ sau sinh đi làm lại cũng giống như giấy khám sức khỏe cho những người đi làm bình thường. Trong nội dung của giấy cũng phải có các phần sau:
- Cân nặng
- Chiều cao
- Huyết áp: Cho biết nhịp tim, cao huyết áp hay hạ huyết áp hoặc có nguy cơ về huyết áp.
- Thị lực
- Lực bóp tay trái/ phải: để biết được lực tay của bạn như thế nào, bạn thuận tay trái hay thuận tay phải.
- Các bệnh về nội khoa, ngoại khoa như thần kinh, tim mạch, thận, gan, phổi, phế quản, da liễu…
- Các bệnh về tai, mũi, họng
- Kết quả xét nghiệm máu: thông qua xét nghiệm máu cho biết bạn có đang bị mắc phải các bệnh về máu, các căn bệnh lây nhiễm hay không, mà còn biết được nhóm máu của bạn là gì. Nhờ vậy mà nhà tuyển dụng có thể căn cứ giúp bảo vệ bạn trong những tình trạng khẩn cấp như: tai nan lao động,...
- Kết quả xét nghiệm nước tiểu: cho biết bạn có bị mắc bệnh về đái tháo đường hay nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
- Tiền sử bệnh: cho biết bạn đã từng mắc căn bệnh gì, đã hết bệnh chưa hay vẫn còn, có nguy cơ tái phát không. Cũng nhờ mục này mà nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về sức khỏe của bạn, đánh giá tiềm năng và sức khỏe của ứng viên tốt hơn.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ sau sinh thì phải có thêm phần tiểu sử thai sản để các nhà tuyển dụng họ biết và sắp xếp cho bạn những công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng khi bạn đi làm lại .
- Tiền sử thai sản: Cho biết bạn đã sinh con hay chưa, sinh bao nhiêu lần, hình thức sinh thường hay sinh mổ. Lần sinh cuối cách thời điểm hiện tại bao lâu. Mục tiền sử thai sản này giúp cho nhà tuyển dụng biết sức khỏe thai sản hiện tại của bạn có đáp ứng điều kiện công việc của công ty và bạn có khả năng làm hay không.
Đối với những ai vừa mới sinh xong và muốn đi xin việc thì rất nên cung cấp cho nhà tuyển dụng về tình trạng hiện tại của mình để họ xem có phù hợp với công việc hay không, cũng như có thể tạo những điều kiện thuận lợi để hoàn thành công việc. Nắm được việc bạn đi làm trở lại sau sinh, nhà tuyển dụng có thể sắp xếp cho bạn thời gian làm việc phù hợp với tình trạng chăm con nhỏ hơn, hoặc liên quan đến tình trạng sức khỏe mẹ sau sinh hơn.
5. Thời hạn của giấy khám sức khỏe là bao lâu
Nếu đã hoàn thành hết tất cả các khâu kiểm tra sức khỏe thì bạn sẽ nhận được giấy có sự kết luận và chứng nhận về tình trạng sức khỏe của mình. Có nhiều trường hợp yêu cầu thực hiện theo mẫu riêng thì người kiểm tra phải cung cấp giấy cho bác sĩ để ghi kết quả khám vào.
Giấy khám sức khỏe có thời hạn giá trị trong 12 tháng kể từ lúc nhận được kết luận của bác sĩ đối với người được khám. Đối với người Việt Nam làm việc ở nước ngoài thì giấy khám sẽ có giá trị thời hạn theo quy định của vùng lãnh thổ, quốc gia của người được khám đang làm việc hoặc muốn đến đó làm việc quy định.
6. Có xin được nhiều bản giấy khám sức khỏe không?
Nhiều người vẫn có thắc mắc là không biết khi đi khám sức khỏe có xin được nhiều bản giấy khám sức khỏe hay không ?
Theo quy định của Bộ y tế ban hành thì mỗi lần khám sức khỏe bạn được cấp một bản giấy có chữ ký và con dấu chứng nhận đầy đủ của bệnh viện. Nhưng nếu trong trường hợp người được khám phải nộp nhiều hồ sơ ứng tuyển vào các đơn vị khác nhau thì có thể xin cấp nhiều giấy khám. Bệnh viện sẽ photo nhiều bản giấy sức khỏe đã có chữ ký của các bác sĩ rồi sau đó dán ảnh người được khám vào các bản photocopy và đóng dấu giáp lai. Tương tự như bản chính, các bản photo này cũng có giá trị sử dụng như các bản chính đã được cấp cho người khám trước đó.
7. Nên đi khám sức khỏe ở bệnh viện hay phòng khám tư nhân
Bạn có thể đi khám sức khỏe tại bệnh viện hay bất cứ cơ sở y tế, phòng khám nào đáp ứng được tính chất yêu cầu của giấy khám sức khỏe mà bạn cần có. Tuy nhiên, nếu bạn đang gấp thì để nhanh chóng và tiện hơn, bạn có thể đến phòng khám đa khoa tư nhân có dịch vụ khám sức khỏe đúng theo thông tư nghị định, vì bệnh viện rất đông người bạn sẽ phải đợi hơi lâu.
Còn nếu bạn muốn uy tín hơn, bệnh viện vẫn là lựa chọn ưu tiên, vì ở đây có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, có đầy đủ trang thiết bị y tế hơn.
Một giấy khám sức khỏe đầy đủ, được công nhận thì cần phải có đầy đủ các mục khám và chữ kí của bác sĩ, nên bạn hãy chú ý, không nên bỏ qua mục nào có trong giấy khám nhé.
8. Trước khi đi làm giấy khám sức khỏe cần chuẩn bị gì hay không ?
Trước khi đi khám sức khỏe bạn nên chuẩn bị:
- Chuẩn bị từ 1 - 4 cái ảnh thẻ 4*6, chụp trong 3 tháng gần nhất. Ảnh này dùng để đóng dấu giáp lai vào hồ sơ.
- Mang theo chứng minh nhân dân để đối chiếu với hồ sơ giấy khám sức khỏe.
- Nên tìm hiểu rõ về bệnh tình trong gia đình, để bác sĩ chuẩn đón bệnh nhanh hơn.
- Giấy tờ, tài liệu có liên quan đến sức khỏe của bản thân nếu có.
- Đối với những người đang trong quá trình điều trị bệnh thì nên mang theo đơn thuốc và sổ khám bệnh.
9. Những điều cần lưu ý trước khi đi làm giấy khám sức khỏe
- Có một số xét nghiệm để có kết quả cao và chính xác nhất nên bạn cần phải nhịn đói trước khi thực hiện xét nghiệm khoảng từ 10 đến 12 giờ, dạ dày phải để trống.
- Tránh, không sử dụng rượu, bia và thuốc lá trước khi đi khám trong vòng ít nhất 24 giờ.
- Nếu mắt bạn bị cận thì khi đi khám nên mang kính, không nên dùng kính áp tròng.
- Chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ quan trọng có liên quan tới bản thân.
- Trước khi thực hiện các siêu âm như: siêu âm ổ bụng, siêu âm phần phụ, siêu âm tuyến tiền liệt nên uống thật nhiều nước và nhịn tiểu tiện để kết quả siêu âm chính xác hơn.
- Nên mặt các loại trang phục thoải mái, không nên mặc váy hay quần bó khi đi khám sức khỏe.
- Nếu test gắng sức thì không dùng thuốc propranplol, atenolol trong vòng 3 ngày trước khi khám.
- Đối với những ai đang mắc phải bệnh tiểu đường thì không uống thuốc insulin khi đi khám.
- Đối với những người bị mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp thì vẫn có thể dùng thuốc.
- Một số xét nghiệm làm giấy khám sức khỏe yêu cầu người khám phải để trống dạ dày, nhịn đói trước khi khám như: xét nghiệm mỡ máu cholesterol, xét nghiệm Triglyceride, xét nghiệm nồng độ Vitamin, xét nghiệm đường máu Glucose.
Trong một bộ hồ sơ xin việc hay trong các bộ hồ sơ khác hầu như đều cần có giấy khám sức khỏe. Giấy khám sức khỏe rất quan trọng vì thông qua giấy này, các nhà tuyển dụng có thể đánh giá được sức khỏe cũng như khả năng làm việc của các ứng viên, từ đây họ có cơ sở để sắp xếp mức độ công việc sao cho phù hợp. Và cũng từ việc đi khám sức khỏe, bạn có thể biết được tình trạng sức khỏe của bản thân mình như thế nào, có bị mắc bệnh gì không để nhanh chóng điều trị kịp thời. Hy vọng những thông tin mà Chuyên mục sức khỏe của Yeutre.vn đã chia sẻ trên sẽ thật hữu ích cho mọi người. Chúc các bạn tìm được một công việc phù hợp với bản thân và nhất là các mẹ sau sinh tìm lại được công việc thật thích hợp cho mình nhé.
Diễm Diễm tổng hợp