Nguyên nhân
Giống với nguyên nhân của nhiều thay đổi khác ở mẹ bầu như chứng ốm nghén, tăng cân, mất ngủ… mệt mỏi trong thai kỳ cũng là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể gây ra.
Hơn nữa mệt mỏi trong thai kỳ cũng là phản ứng của các triệu chứng khác như trầm cảm khi mang thai, mất ngủ, ăn không ngon miệng….
Mẹ bầu thường sẽ cảm thấy luôn buồn ngủ, không muốn vận động, thiếu sức sống, cơ thể nặng nề, ê ẩm…
Mệt mỏi trong thai kỳ là triệu chứng thường gặp của mẹ bầu
Việc cần làm
Khi cảm thấy mệt mỏi khi mang thai mẹ bầu nên đi kiểm tra sức khỏe để đảm bảo không mắc các bệnh tật khác. Điều này nhằm để mẹ bầu yên tâm chắc chắn mình chỉ bị mệt do những thay đổi trong thai kỳ mang lại.
Tiếp theo mẹ bầu nên quan tâm đến giấc ngủ của mình. Việc ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cơ thể. Mẹ không nên ngủ quá ít nhưng cũng đừng nên ngủ quá nhiều. Do cảm thấy mệt mỏi nên mẹ cứ muốn ngủ luôn. Ngủ thừa càng khiến cơ thể thêm uể oải.
Tuy nhiên mẹ có thể nằm nghỉ ngơi và ngủ các giấc ngủ ngắn chừng 5 đến 10 phút để lấy lại tinh thần, giúp mẹ hồi phục sức. Khi nằm nghỉ mẹ có thể kê cao chân để cảm thấy dễ chịu hơn.
Một việc quan trọng nữa là mẹ nên giảm các áp lực lên bản thân. Việc mẹ bầu phải theo đuổi công việc tại công ty trong khi cơ thể không thoải mái sẽ khiến cho tình trạng mệt mỏi tăng lên. Hơn nữa, nếu công việc nhà bận rộn khiến mẹ căng thẳng khi phải lo toan quá nhiều thứ thì mẹ cũng nên chia sẻ công việc đó với “bố của thằng cu”.
Ngoài ra nếu có nhiều lo lắng về vấn đề sinh nở, mẹ bầu nên chia sẻ nó với người thân hay bạn bè để được giải tỏa.
Mẹ nên ăn uống hợp lý để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ năng lượng cho các hoạt động. Các bữa ăn vội vàng, nghèo nàn với thức ăn chế biến sẵn đều không thích hợp với mẹ bầu. Lời khuyên tốt là mẹ bầu nên chia bữa ăn trong ngày thành sáu bữa nhỏ, tránh để cơ thể bị đói.
Trong khẩu phần ăn nhớ bổ sung đủ sắt (có nhiều trong thịt hải sản, thịt gia cầm, mì sợi) để tránh thiếu máu cho cơ thể.
Mẹ cũng cần phải uống nước đầy đủ mỗi ngày.
Bổ sung đủ nước cũng là cách giúp mẹ bầu bớt mệt mỏi.
Thêm vào đó mẹ cần luyện tập thể thao nhẹ nhàng. Việc vận động giúp cho mẹ lưu thông khí huyết khiến cơ thể sảng khoái và khỏe mạnh hơn.
Mẹ không nên quá lo lắng hay cáu gắt. Để tránh bị động và cảm thấy lúng túng với chuyện sinh nở của mình các mẹ có thể tham gia các lớp học tiền sản để biết được các vấn đề liên quan.
Hơn nữa mẹ có thể tìm hiểu và chuẩn bị các kỹ năng cũng như nhu cầu tài chính cần thiết cho việc sinh và chăm sóc bé sau đó một khoản thời gian.
Việc cuối cùng mẹ nên làm để đối phó với sự mệt mỏi trong thai kỳ là tự thưởng cho mình các buổi nghỉ ngơi, xem phim hài hước….
Lưu ý:
Mẹ cần đi bác sĩ nếu cảm thấy mệt lả một cách bất ngờ trong thai kỳ. Hơn nữa nếu mẹ đã nghỉ ngơi đầy đủ mà tâm trạng mệt mỏi không khá lên, thậm chí chúng kéo dài hàng tuần cũng với trạng thái buồn phiền và lo lắng không kiểm soát được thì việc gặp bác sĩ là cần thiết. Đó có thể là cảnh báo của các vấn đề bệnh tật khác.
Ngoài ra mệt mỏi trong thai kỳ còn có thể là biểu hiện của chứng thiếu máu nếu mẹ còn cảm thấy chóng mặt, tim đập nhanh, nổi gân tay gân chân….
Yeutre.vn