1. Khi nào nên bắt đầu dạy trẻ đọc chữ
Thông thường khi trẻ được 5-6 tuổi – độ tuổi bắt đầu học lớp 1, trẻ sẽ được học mặt chữ. Trước đó tại trường mẫu giáo trẻ sẽ được học và tập viết những nét cơ bản để phục vụ cho việc hoàn thiện nhận biết mặt chữ sau này. Ở một số khu vực, độ tuổi học chữ lên đến 6-7 tuổi. Đối với một số trẻ thích việc học đọc viết thì con có thể muốn học chữ để đọc từ khi 4-5 tuổi.
Nói như vậy để thấy rằng, việc dạy trẻ đọc chữ sớm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự yêu thích của trẻ là quan trọng nhất.
Để khơi gợi niềm yêu thích đối với việc đọc của trẻ, bạn có thể bắt đầu đọc sách cho bé nghe từ khi bé còn trong bụng mẹ hoặc khi bé được vài tháng tuổi.
Khi trẻ đi học, vào môi trường học tập tại trường, không phải cứ những trẻ được học chữ sớm thì sẽ học tốt hơn hay những trẻ chưa học chữ trước thì không theo kịp chương trình. Điều này phụ thuộc vào khả năng của từng trẻ.
Vì vậy, nếu bạn muốn dạy chữ cho con , hãy xem xét thực lực của con trước.
Tuy nhiên, bạn không nên dạy con quá sớm, vì nó có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ. Bạn nên lưu ý rằng đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thì ưu tiên chính khi đến trường là vui chơi và học tập các kỹ năng sống cần thiết hơn là học chữ.
2. Dạy trẻ biết đọc sớm như thế nào
Dạy trẻ học để biết đọc là cả một quá trình rất dài, nên việc chuẩn bị cho trẻ thì không bao giờ là quá sớm. Việc này khác với dạy mặt chữ cho trẻ vì dạy mặt chữ cần bắt đầu vào thởi điểm phù hợp.
Để chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng cho việc học đọc sau này, bạn có thể làm những việc sau:
2.1. Cho trẻ làm quen với môi trường liên quan đến việc đọc
Bạn có thể cho trẻ làm quen với môi trường liên quan đến việc đọc bằng cách:
2.1.1. Đọc cho trẻ nghe
Bạn có thể bắt đầu đọc cho trẻ nghe càng sớm càng tốt, thậm chí khi bé còn đang ở trong bụng. Việc đọc cho trẻ nghe giúp con phát triển não bộ cũng như khả năng đọc, kỹ năng ngôn ngữ và xã hội.
2.1.2. Sử dụng ngữ điệu thật sinh động khi đọc
Một người kể chuyện bé nghe hấp dẫn sẽ khiến con thấy hứng thú với sách. Ngay cả khi trẻ còn quá nhỏ để hiểu câu chuyện thì giọng nói thể hiện niềm vui, nỗi buồn, sự tức giận hoặc nhiều cảm xúc khác sẽ giúp trẻ dễ dàng hình dung và kết nối được câu chuyện với ngữ cảnh.
2.1.3. Hãy chỉ vào từng từ khi đọc cho trẻ nghe
Khi đọc sách cho trẻ nghe, bạn hãy chỉ vào những từ mà bạn đọc và chắc chắn rằng trẻ xem thấy được. Dù trẻ chưa hiểu được ý nghĩa của câu từ, nhưng con sẽ bắt đầu nhận ra những đường nét “nguệch ngoạc” (theo con mắt của trẻ) trong sách có liên quan đến những từ mà bạn đọc ra.
Bạn không nhất thiết phải theo sát nội dung trong sách mà có thể dùng vốn từ vựng của mình để mô tả một bức tranh hay giọng điệu để diễn tả tính cách một nhân vật. Việc này sẽ giúp trí tưởng tượng của trẻ phát triển phong phú hơn.
2.1.4. Hãy hỏi trẻ những câu hỏi liên quan đến câu chuyện
Trong khi đọc sách cho trẻ nghe, thỉnh thoảng bạn hãy dừng lại và hỏi trẻ một số câu hỏi liên quan đến câu chuyện trong sách, ví dụ như chú chó trong chuyện có bộ lông màu gì,…Việc này vừa giúp trẻ học được cách ghi nhớ, vừa giúp con nắm bắt câu chuyện tốt hơn để phát triển kỹ năng đọc sau này.
2.1.5. Hãy trang bị những quyển sách cho trẻ
Để dạy trẻ đọc sớm, những quyển sách có vai trò rất quan trọng, chúng sẽ giúp trẻ tò mò và hứng thú hơn đối với việc đọc. Vì vậy bạn hãy trang bị một kệ sách nho nhỏ trong nhà và lưu ý những điểm sau:
- Sách dạng bảng và sách vải là lựa chọn tuyệt vời dành cho trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ. Chúng sẽ giúp trẻ dễ dàng cầm, nắm, lật trang hơn là loại sách thông thường hay thẻ sách. Ngoài ra, những loại này cũng khá bền nên sử dụng được lâu.
- Khi trẻ lớn hơn, bạn hãy tập trung vào những loại sách thơ hay đồng dao vì chúng có nhịp điệu nên dễ đọc và dễ nhớ hơn.
- Bạn hãy làm thẻ thư viện và đưa trẻ đến thư viện địa phương vào một ngày nhất định trong tuần ví dụ thứ sáu sau khi tan học hoặc cuối tuần. Khi đến thư viện, hãy đưa trẻ đến khu vực sách thiếu nhi và cho trẻ lựa chọn loại sách con thích. Nếu trẻ chọn những quyển sách đã quen thuộc hoặc sách dành cho trẻ ít tuổi hơn so với độ tuổi của trẻ, bạn cũng đừng nên can thiệp. Bạn có thể cho con trực tiếp đăng ký mượn tại quầy nhưng luôn luôn dưới sự giám sát của bạn.
2.1.6. Làm gương cho trẻ trong việc đọc
Nếu trẻ thấy bạn đọc sách, chúng sẽ thấy hứng thú hơn đối với việc đọc. Bạn hãy cố gắng dành khoảng 15-20 phút hàng ngày để đọc sách trước mặt trẻ. Nếu trẻ thấy tò mò, bạn có thể nói với con về cuốn sách mình đang đọc và hỏi trẻ liệu bé có muốn tìm một quyển sách để đọc giống bạn hay không. Điều này vừa hấp dẫn trẻ đến với sách, rèn luyện việc đọc và có cả thói quen đọc sách rất tốt nữa.
2.2. Dạy trẻ những kỹ năng cần thiết liên quan đến việc đọc
Để có thể đọc được, trẻ cần học nhiều thứ cần thiết liên quan như học bảng chữ cái để nhận diện mặt chữ, học ngữ âm để phát âm cho chính xác,...
2.2.1. Dạy trẻ bảng chữ cái
Để nhận diện được mặt chữ, trước tiên trẻ phải học bảng chữ cái. Bạn có thể cắt chữ theo khổ lớn một chút và để trẻ tự trang trí theo ý thích.
2.2.2. Giúp trẻ xây dựng nhận thức về ngữ âm
Nhận thức về âm vị là quá trình liên kết các chữ cái với các âm thanh tương ứng. Mỗi chữ cái có thể có một hay nhiều âm thanh phát ra khác nhau. Bạn có thể lập danh sách các âm tương ứng với chữ cái và dạy trẻ từng âm một. Bạn hãy tập trung dạy trẻ một chữ cái tại một thời điểm cho đến khi trẻ phát âm chính xác và thật nhuần nhuyễn rồi mới chuyển qua chữ khác.
2.2.3. Giúp trẻ phát âm
Một khi trẻ đã xác định được âm đầu tiên của một từ có một âm tiết, hãy dạy trẻ một hay những âm còn lại. Bạn có thể chia nhỏ các chữ cái và đố trẻ đó là từ gì. Việc này sẽ giúp trẻ dần hiểu làm thế nào phối hợp các chữ cái để tạo thành từ. Bạn hãy bắt đầu bằng câu đơn với từ ít âm tiết và tăng dần lên để giúp trẻ thực hành.
2.2.4. Dạy trẻ học từ
Bạn hãy dạy trẻ học từ mới bằng cách chỉ cho trẻ thấy những đồ vật, cảnh trí, con vật,…xung quanh và phát âm từ đó. Bạn hãy lặp đi lặp lại từ với ngữ cảnh liên quan để giúp trẻ ghi nhớ.
Bạn có thể dùng sách, thẻ, hay chơi trò chơi để giúp trẻ học từ.
2.3. Thực hành việc đọc
Khi cùng trẻ thực hành việc đọc bạn hãy thực hiện như sau:
2.3.1. Thiết lập khu vực đọc
Bạn hãy đảm bảo khu vực đọc thật yên tĩnh, thoải mái và không có các yếu tố gây phân tâm. Để làm được điều này, bạn nên tắt các thiết bị điện tử, điện thoại, ipad,…và cất hết các loại đồ chơi của trẻ.
2.3.2. Hãy đọc to lên
Bạn hãy chọn một đoạn hay một trang sách và đọc to nó lên một cách diễn cảm. Việc này sẽ giúp trẻ nghe được ngữ điệu và tạo cho trẻ sự hứng thú cũng như cảm giác được đọc cùng bạn. Nó còn giúp trẻ thấy được cách đọc lưu loát của bạn và hình dung được câu chuyện.
2.3.3. Hãy yêu cầu trẻ đọc cho bạn nghe
Khi trẻ đã nhận diện được mặt chữ và đánh vần được, bạn hãy yêu cầu trẻ đọc cho bạn nghe. Trẻ có thể sẽ dừng lại ở những từ mà mình không biết, lúc này bạn hãy lập tức đọc giúp trẻ từ trẻ không biết đồng thời đánh dấu lại từ đó. Sau khi trẻ đọc xong, hãy cùng trẻ kiểm tra lại tất cả những từ đã đánh dấu và giúp trẻ sửa lại những từ đã đọc sai cũng như dạy trẻ những từ trẻ chưa biết.
2.3.4. Hãy đọc một câu chuyện nhiều lần
Bạn hãy cùng trẻ đọc đi đọc lại một câu chuyện nhiều lần. Việc thực hành này sẽ giúp trẻ sửa sai và càng ngày đọc càng lưu loát hơn.
Dạy trẻ biết đọc sớm là một việc bạn có thể làm được và trẻ cũng có thể tiếp thu được. Tuy nhiên bạn cần dựa vào khả năng của trẻ để không đặt quá nhiều áp lực lên con. Để có thể dạy bé đúng cách và hiệu quả, bạn cần đảm bảo con học được ngữ âm và nền tảng cơ bản thật vững chắc. Có như vậy thì con mới có thể phát âm từ chính xác và hiểu được ý nghĩa của những từ mình phát âm ra. Đây sẽ là một quá trình đòi hỏi sự hiểu biết và kiên nhẫn của bạn. Muốn dạy con tốt , hãy chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng cho mình trước bạn nhé.
Theo wikiHow & Healthy Children
Lily Nguyễn lược dịch