Để con khôn lớn, trưởng thành và khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa khác, đòi hỏi các bà mẹ đơn thân phải cố gắng và nỗ lực hết mình.
Sau đây là 10 lời khuyên dành cho mẹ đơn thân nuôi dạy con tốt hơn.
1. Kể chuyện về bố của con
Đứa trẻ sinh ra nếu không có cha sẽ rất thiếu thốn tình cảm và tò mò về người cha của mình. Đến một lúc nào đó con sẽ hỏi bạn về lai lịch của bố như: Bố con là ai? Bố ở đâu? Bố là người như thế nào? Tại sao bố không sống cùng chúng ta hả mẹ?...
Hãy kể cho con nghe những đức tính tốt của bố con
Trước những câu hỏi của con, các mẹ thường gạt phăng đi, hoặc lảng tránh sang chuyện khác, có mẹ lại nói dối về bố của con. Điều này là không đúng, dù người đàn ông đó có gây cho bạn nhiều đau khổ, có là người tồi tệ đến đâu thì đó cũng chỉ là chuyện của người lớn, đừng để con bị ảnh hưởng bởi sai lầm của cha mẹ.
Những lúc như thế, bạn nên kể cho con nghe về bố của con, nói những điểm tốt của người ấy, hoặc những kỷ niệm đẹp mà bạn và người đó đã từng có với nhau. Điều này sẽ khiến cho con bạn không tủi thân và tự hào vì mình cũng có một người bố tốt. Con sẽ không còn mặc cảm tự ti với bạn bè vì bị người khác trêu chọc là không có cha nữa.
2. Hãy để những người đàn ông khác xuất hiện trong nhà bạn
Việc thiếu khuyết vai trò người cha trong việc chăm sóc và nuôi dạy con dễ khiến trẻ phát triển lệch lạc về tâm lý. Vì thế, thỉnh thoảng bạn nên mời anh trai, em trai, anh họ hoặc những người bạn trai học cùng đến nhà chơi, cùng ăn bữa tối hoặc nhờ họ giúp sửa chữa điện nước trong nhà. Đây là cơ hội tốt để đứa trẻ được giao tiếp với những người đàn ông.
Nếu cần thiết bạn nên nhờ sự giúp đỡ từ những người đàn ông khác trong việc nuôi dạy một cậu con trai. Điều này sẽ giúp các bé trai phát triển mạnh mẽ và nam tính hơn.
Còn với các bé gái, nếu được giao tiếp với những người đàn ông, lớn lên bé sẽ tự tin tìm kiếm hạnh phúc gia đình mà không phải lo sợ bị phản bội, hay suy nghĩ sai lầm về đàn ông.
3. Yêu thương con đúng cách
Tâm lý chung của những bà mẹ đơn thân vì sợ con thua thiệt bạn bè do vậy muốn gì cũng chiều. Tuy nhiên, nếu điều này kéo dài bạn sẽ làm hư trẻ, khiến trẻ luôn có tư tưởng sống hưởng thụ, đòi hỏi người khác phải phụng sự mình, sống ích kỷ và không biết vươn lên trong cuộc sống.
Để con trưởng thành và ngoan ngoãn mẹ nên biết cách yêu thương con đúng mực
Vì thế, bạn cần đặt ra giới hạn nhất định với con, phải biết nói “không” với con khi cần thiết. Và để làm được điều đó, hơn ai hết mẹ cũng phải đặt ra những nguyên tắc sống cho mình và tuân theo những nguyên tắc đó để làm gương cho con.
4. Cho con ngủ riêng
Bạn nghĩ rằng khi cho con ngủ một mình sẽ rất khó để kiểm soát con và không an toàn vì sợ trẻ bị sốt đột ngột, sợ hãi, hoặc gặp ác mộng…
Nhưng để rèn cho con tính tự lập bạn nên cho con ngủ riêng từ nhỏ. Nếu cho con ngủ chung trẻ sẽ quen ngủ với mẹ ngay cả khi con đã lớn.
5. Đừng “giận cá chém thớt”
Không nên trút giận lên đầu con
Làm mẹ không có nghĩa là bạn được quyền trút giận vô cớ lên con. Vì thế, bạn phải thật cẩn thận nếu không sẽ làm tổn thương tâm hồn con trẻ. Những mâu thuẫn với người cũ, công việc áp lực, bị sếp chèn ép… nên tìm cô bạn thân để tâm sự đừng trút giận lên đầu con. Vì những chuyện đó không hề liên quan đến trẻ.
6. Tạo điều kiện cho con mở rộng mối quan hệ xã hội
Hãy bù đắp sự thiếu thốn tình cảm của con bằng cách tạo cho con nhiều mối quan hệ, cho con cơ hội được kết bạn với nhiều người bằng cách thường xuyên dẫn con đi chơi nhà bạn bè cũ, thăm nom họ hàng để con được gặp gỡ và làm quen mọi người. Hoặc có thể cho con tham gia lớp học ngoại khóa, hoạt động từ thiện hoặc sinh hoạt ngoài trời cũng tốt.
7. Gắn kết tình thân
Thường xuyên cho con thăm hỏi ông bà để gắn kết tình thân
Khi làm mẹ đơn thân, bạn có thể gặp phải sự phản đối của gia đình, ông bà có thể ghét bạn nhưng bố mẹ bạn sẽ rất thương cháu. Vì thế, bạn nên thường xuyên đưa con về thăm ông bà vào những dịp cuối tuần để con được gần gũi ông bà nhiều hơn. Đây là cách dạy cho con về tình cảm gia đình.
8. Lên danh sách những người thân thiết
Làm mẹ đơn thân, bạn sẽ bận trăm công nghìn việc, có những lúc do công việc gấp nên bạn không thể đón con được, hoặc con bị ốm giữa đêm khuya cần người chở vào viện, bạn cần nhờ sự giúp đỡ của những người bạn thân thiết. Vì thế, hãy lập một danh sách những người bạn thân, lưu số điện thoại của họ để nhờ sự giúp đỡ khi cần thiết.
9. Cho con không gian riêng
Cuộc sống thiếu vắng người cha, đối với trẻ không hề dễ dàng, nếu con bạn có liên hệ hoặc qua lại với bố là chuyện hết sức bình thường. Vì thế, đừng cố gặng hỏi con đi đâu với bố? Hoặc con đi chơi với bố có vui không? Hãy để cho con được tự do tận hưởng những cảm xúc riêng của con. Nếu con không muốn kể cho bạn nghe tuyệt đối cũng đừng bao giờ cố gắng hỏi hoặc ép buộc con.
10. Cho con biết mẹ cũng cần cuộc sống mới
Để tránh con bất mãn về sau, khi con đủ hiểu biết mẹ nên nói với con rằng mẹ cũng cần một chỗ dựa và cuộc sống mới.
Yeutre.vn (Tổng hợp)