1. Tại sao sau khi sinh đang cho con bú mà vẫn mang thai?
Chúng ta đều biết rằng, những mẹ cho con bú sẽ có thời gian rụng trứng và có kinh nguyệt trở lại sau khoảng từ 4 - 6 tháng có khi lên đến 1 năm. Còn những phụ nữ không cho con bú có thời gian rụng trứng và có kinh nguyệt trở lại sớm hơn rất nhiều, khoảng từ 6 - 10 tuần. Cho con bú cũng được xếp vào một trong các biện pháp tránh thai tự nhiên. Chính những điều này khiến nhiều mẹ khá chủ quan với việc quan hệ không sử dụng các biện pháp tránh thai khác, vì nghĩ rằng mình không thể nào dính bầu được trong giai đoạn này, nhất là khi kinh nguyệt chưa trở lại.
Nhưng mẹ ơi, suy nghĩ trên là một sai lầm to lớn. Vì, chu kì kinh nguyệt và thời gian trứng rụng nhất là trong khoảng thời gian sau sinh thực ra rất khó đoán. Thêm vào đó, trứng sẽ luôn rụng trước khi mẹ có kinh nguyệt lần đầu tiên. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc nếu mẹ quan hệ ngay thời điểm trứng rụng, thì khả năng có thai khi đang cho con bú là rất cao.
Khi đang cho con bú mà mẹ đã thụ thai, thì hoàn toàn có thể xuất hiện các dấu hiệu mang thai mà dựa vào đó, phần nào sẽ giúp mẹ hoài nghi hoặc dự đoán về tình trạng đã mang thai của mình. Vậy dấu hiệu mang thai khi đang cho con bú và bình thường có khác biệt gì không, để mẹ chắc chắn hơn về khả năng mang thai? - Mẹ hãy theo dõi tiếp chi tiết ngay dưới đây nhé.
2. Những dấu hiệu có thai khi đang cho con bú
Những dấu hiệu có thai khi đang cho con bú cũng sẽ tương tự như những dấu hiệu có thai bình thường như là buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn,... Tuy nhiên, mẹ vẫn sẽ có những dấu hiệu đặc trưng rất dễ nhận biết trong thời gian này đó là:
2.1 Bé không còn muốn bú sữa mẹ
Đột nhiên trong khoảng thời gian này mẹ cảm thấy bé không còn thiết tha gì với sữa hoặc chỉ bú từng ít một và nhanh chán thì đây là dấu hiệu rất đáng để mẹ quan tâm. Lý do là vì ngay khi trứng đã làm tổ an toàn trong tử cung, các nội tiết tố trong cơ thể mẹ bắt đầu thay đổi, làm cho nguồn sữa của mẹ bớt thơm ngon thậm chí có vị mặn và chua hơn bình thường, dẫn đến tình trạng bé không thích và giảm dần việc bú sữa mẹ.
Ngoài ra, còn một lý do nữa đó là khi mang thai, những mẹ bị ốm nghén sẽ thường ăn ít hoặc chán ăn đẫn đến việc cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến chất lượng của sữa mẹ và tình trạng bé bỏ bú sẽ diễn ra.
2.2 Đau ngực và đau núm vú một cách dữ dội
Đây được coi là dấu hiệu nổi bật nhất khi mang thai dù mẹ có đang cho con bú hay không. Tuy nhiên, tình trạng đau ngực và núm vú này sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi mẹ đang cho con bú đấy. Nhiều mẹ sẽ không để ý và nghĩ rằng đó là do mình bị tắc tia sữa. Nếu mẹ đã thử massage ngực rồi và vẫn cảm thấy đau nhức thì hãy nghĩ ngay đến khả năng mình đang mang thai nhé.
2.3 Luôn cảm thấy mệt mỏi
Khi mang thai mà đang trong giai đoạn cho con bú chắc chắn mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi vô cùng, vì cơ thể lúc này đang phải làm việc gấp ba lần so với bình thường. Vừa phải cung cấp chất dinh dưỡng cho mẹ, vừa phải cung cấp đầy đủ sữa cho bé và dinh dưỡng để nuôi bào thai. Điều này khiến máu sẽ phải lưu thông liên tục khiến mẹ rất dễ bị thiếu máu. Do đó, nếu mẹ cảm thấy cơ thể mệt mỏi thường xuyên thì hãy đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và có một chế độ dinh dưỡng mới phù hợp cho bản thân trong giai đoạn này.
2.4 Ốm nghén
Tương tự như như việc có thai trước kia, mẹ khi này cũng sẽ phải gánh chịu những cơn ốm nghén ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Những triệu chứng ốm nghén này có thể là nôn khan, có cảm giác buồn nôn mọi thời điểm trong ngày, luôn khó chịu ở bụng, đầy hơi, thậm chí là táo bón. Điều này sẽ rất khổ sở đúng không mẹ, hãy điều chỉnh chế độ ăn của mình cho phù hợp để có thể tránh những cơn ốm nghén thường trực mà vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả ba người mẹ nhé.
2.5 Thường xuyên thấy khát nước
Thông thường thì khi mới sinh con mẹ đã cần một lượng nước lớn để cũng cấp cho cơ thể và tạo sữa cho bé, đúng không ạ. Nhưng bây giờ, khi mẹ có thai, lượng nước cung cấp như ban đầu không còn đủ với cơ thể nữa, vì thế mẹ luôn cảm thấy khát thường xuyên hơn để có thể cung cấp đầy đủ nước cho cả em bé trong bụng.
Ngoài ra, đối với những mẹ sinh mổ tốt nhất là mẹ nên đến gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất với tình trạng sức khỏe của mình ngay bây giờ nhé.
2.6 Những thay đổi trong hành vi của bé
Khi có thai và kèm theo những cơn ốm nghén, điều này sẽ khiến chế độ dinh dưỡng của mẹ bị bấp bênh và không còn cung cấp đủ lượng chất thiết yếu cho cơ thể, dẫn đến chất lượng sữa cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều này rất có khả năng khiến cho bé yêu của mẹ gặp những vẫn đề liên quan đến đường tiêu hóa khi đang bú trực tiếp sữa mẹ như đau bụng, tiêu chảy, quấy khóc,... Do đó, mẹ rất cần đến gặp bác sĩ khi nghi ngờ mình có những dấu hiệu có thai khi đang cho con bú, để có được giải pháp cũng như thể lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cả ba người mẹ nhé.
3. Mẹ cần làm gì khi đang cho con bú mà lại có thai
Rất nhiều câu hỏi thắc mắc xoay quanh vấn đề mang thai khi đang cho con bú, rằng là: mẹ có cần phải cai sữa cho bé ngay không? Hay những khó khăn thường gặp, mẹ phải làm như thế nào? Mẹ hãy yên tâm vì Yeutre.vn gợi ý cho mẹ cách ứng phó điển hình ngay sau đây.
3.1 Có nên cai sữa cho bé hay không?
Nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ vẫn đủ để duy trì lượng sữa thì thì việc tiếp tục cho bé bú hoàn toàn không gây ra vấn đề gì đến sức khỏe của cả ba mẹ con. Nhưng nếu việc cho bé bú trở nên khó khăn hơn, bé chán, bỏ bú thì mẹ có thể cai sữa và cho bé uống thêm sữa ngoài hoặc ăn dặm khi bé trên 6 tháng tuổi mẹ nhé.
3.2 Mẹ tiết ra sữa non trong quá trình mang thai mà cho bé bú thì có sao không?
Hầu hết những phụ nữ mang thai đến tháng thứ 4 hoặc 5 thường tiết ra sữa non, và mẹ yên tâm vì loại sữa này rất giàu chất dinh dưỡng và hoàn toàn có lợi cho trẻ sơ sinh.
Nếu mẹ lo lắng rằng nguồn sữa non có thể bị cạn nhưng điều này là không xảy ra. Mẹ vẫn tiếp tục tiết ra sữa non cho đến khi em bé trong bụng mẹ chào đời và điều này sẽ đảm bảo cho việc bú sữa của con không bị gián đoạn.
3.3 Sử dụng thuốc uống phá thai có ảnh hưởng gì không?
Theo các bác sĩ thì các loại thuốc phá thai đều chống chỉ định với phụ nữ đang cho con bú vì điều này sẽ ảnh hương rất lớn đến chế độ dinh dưỡng, cũng như sức khỏe của bé khi đang trực tiếp dùng sữa mẹ.
Có con còn là lộc, vì vậy, nếu xuất hiện dấu hiệu có mang thai mà mẹ nghi ngờ, không nghĩ đến việc phá thai nhé, mà hãy nghĩ ngay đến những ứng phó tích cực và các giải pháp tốt nhất trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, bé đang bú, cũng như thai nhi của mình.
4. Những biện pháp tránh thai khi mẹ đang trong giai đoạn cho con bú - sự cẩn trọng không thừa
Thực vậy, việc có thai trong thời gian đang cho con bú như đã đề cập là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, hãy luôn cẩn trọng áp khi mẹ bắt đầu quay trở lại đời sống chăn gối, điều này không khi nào thừa. Để tránh việc có thai khi đang trong giai đoạn này, mẹ cần chủ động tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các biện pháp an toàn phù hợp. Có một số biện pháp tránh thai mẹ có thể tham khảo như sau:
4.1 Sử dụng thuốc tránh thai
Chắc hẳn nhiều mẹ vẫn lo sợ nếu sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa và sức khỏe của bé. Việc sử dụng thuốc tránh thai để đảm bảo an toàn cho bé mẹ nên chọn loại có một thành phần là hormone progestin vì nó sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa và sức khỏe của bé. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ về thành phần của thuốc khi có ý định mua bất kỳ loại nào.
4.2 Sử dụng bao cao su
Đây được coi là biện pháp an toàn, đơn giản và mang lại hiệu quả tránh thai cao dành cho mẹ. Ngoài việc các bố dùng bao cao su dành riêng cho nam giới thì mẹ cũng có thể chủ động sử dụng bao cao su của nữ . Việc làm này giúp ngăn cản và giữ lại lượng tinh dịch sau khi quan hệ để ngăn ngừa tình trạng thụ thai. Bên cạnh đó, còn bảo đảm về sức khỏe cho mẹ, ở thời kỳ sau sinh, giai đoạn cũng hãy còn rất nhạy cảm về sức khỏe.
4.3 Đặt vòng tránh thai
Đặt vòng tránh thai từ lâu đã được rất nhiều chị em phụ nữ sử dụng để ngăn ngừa việc có thai ngoài ý muốn. Đây là một dụng cụ nhỏ được làm bằng nhựa dẻo và đồng, các bác sĩ sẽ đưa trực tiếp vào tử cung nhằm tạo sự bất lợi cho trứng và tinh trùng khi gặp nhau. Biện pháp tránh thai này cũng phù hợp cho mẹ sau sinh. Mẹ có thể tìm đến bác sỹ chuyên khoa, để được tư vấn cho trường hợp cụ thể của mình, khi đặt vòng tránh thai nhé.
4.4 Thuốc tiêm tránh thai
Thời gian tốt nhất để mẹ sử dụng loại thuốc này là khoảng 6 tuần sau khi sinh. Loại thuốc tiêm này sẽ ngăn cản quá trình rụng trứng cũng như ngăn cản tinh trùng xâm nhập hình thành sự thụ thai.
Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng trong 3 tháng và mẹ cần phải tiêm mũi tiếp theo vào những tháng sau.
4.5 Que cấy tránh thai
Que cấy tránh thai là loại que tránh thai nhỏ được cấy vào mặt dưới cánh tay của mẹ. Thời gian sử dụng que cấy là 3 năm và không gây ảnh hưởng gì đến chất lượng sữa cũng như sức khỏe của mẹ. Khi muốn có thai lại, mẹ chỉ cần đến các cơ sở y tế để được tháo que ra.
Trên đây là những dấu hiệu có thai khi đang cho con bú, cùng giải đáp những thắc mắc liên quan và một số cách ứng phó dành cho mẹ. Khi nghi ngờ mẹ nên căn cứ vào mọi dấu hiệu xuất hiện, để xác định tình trạng mang thai, sau đó hãy thử thai và đến bệnh viện để kiểm tra, nhằm chắc chắn việc mang thai của mình. Qua đó, mẹ sẽ có kế hoạch thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, cũng như nhận những lời khuyên từ bác sĩ để đảm bảo sức khỏe thai kỳ lẫn em bé còn đang bú. Yeutre.vn hy vọng mẹ sẽ luôn bình tĩnh và có những bước chuẩn bị tốt nhất, trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản sau sinh của mình. Và, đặc biệt với những mẹ sau sinh hoặc chuẩn bị sinh, hãy luôn cẩn trọng, áp dụng các biện pháp tránh thai sau sinh, để không rơi vào tình trạng lo lắng hoặc vỡ kế hoạch dù đang trong thời kỳ cho con bú các mẹ nhé.
Hiền Anh tổng hợp