Có bầu khi cho con bú nghe có vẻ hiếm gặp nhưng thực tế tình trạng này xảy ra rất phổ biến. Hạnh phúc nhân đôi khi bạn vừa chào đón con yêu ra đời và lại tiếp tục đón chờ một bé yêu mới trong bụng.
Niềm vui sướng ấy cũng đi kèm với rất nhiều nỗi lo không biết thổ lộ cùng ai. Thật khó để có thể cùng lúc chăm sóc tốt cho cả con nhỏ và thai nhi. Mẹ bầu dễ rơi vào tình trạng bối rối, băn khoăn.
1. Mẹ có thể có bầu khi cho con bú không?
Câu trả lời là hoàn toàn có khả năng, nhiều mẹ bầu cho rằng khi cho con bú kinh nguyệt vẫn chưa trở lại. Điều đó chứng tỏ, trứng vẫn chưa rụng nên dù tiến hành quan hệ cũng không thể dẫn đến quá trình thụ tinh. Sự thật là chỉ sau khi sinh vài tháng, cơ thể cơ thể người phụ nữ có điểm thay đổi. Đặc biệt là, trứng sẽ rụng trước khi người phụ nữ có kinh nguyệt trở lại, nếu có quan hệ thì khả năng mang thai là rất cao. Thông thường, phụ nữ cho con bú sẽ rụng trứng và xuất hiện kinh nguyệt trở lại từ 4 đến 6 tháng hoặc có thể kéo dài đến 1 năm. Đối với những phụ nữ không cho con bú, thời gian này rút ngắn chỉ còn 6 đến 10 tuần. Vì vậy, khi mẹ đang cho con bú thì khả năng mang thai vẫn ra như bình thường nếu quan hệ không an toàn.
2. Dấu hiệu nào để nhận biết mang thai khi đang cho bé bú?
Dấu hiệu có bầu khi đang cho con bú có một số nét giống với dấu hiệu mang thai thông thường chỉ khác ở một số điểm sau:
Có bầu dù kinh nguyệt chưa trở lại : Sau khi sinh con, cơ thể mẹ sẽ cần một thời gian để thích nghi và trở lại như ban đầu. Buồng trứng sẽ hoạt động sớm hơn nên có thể dẫn đến tình trạng có thai, trước khi xuất hiện kinh nguyệt. Mẹ bầu không thể dựa vào dấu hiệu trễ kinh để nhận biết như những lần có thai thông thường. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có thể sử dụng que thử thai bình thường hoặc tiến hành xét nghiệm nồng độ beta HCG vẫn đảm bảo cung cấp kết quả chuẩn xác.
Bé không còn hứng thú với sữa mẹ như trước: Khi mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ bị rối loạn nội tiết tố, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa. Những mẹ có bầu khi cho con bú thường núm vú sẽ bị chua, gây ảnh hưởng đến mùi vị sữa. Con yêu của bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt mùi vị nên bé sẽ bú ít lại hoặc không chịu bú.
Mặt khác, khi mang thai các triệu chứng ốm nghén xảy ra gây ảnh hưởng đến khẩu vị của mẹ, dẫn đến tình trạng chán ăn nên ảnh hưởng đến lượng chất dinh dưỡng sữa mẹ. Dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với các dấu hiệu biếng ăn của trẻ.
Cảm giác tức ngực, vùng ngực đau dữ dội : Khi có thai, ngực trong tình trạng căng cứng chuẩn bị cho tuyến sữa hoạt động. Đặc biệt với những mẹ cho con bú, triệu chứng này diễn ra trầm trọng hơn do việc đầu ngực vốn đã căng cứng, lại chịu thêm lực tác động bên ngoài trong thời gian dài, dẫn đến cảm giác tức ngực, đau buốt, khó thở khi cho con bú. Mặc dù vậy, một số mẹ vẫn tiếp tục kiên trì cho con bú bất chấp mọi cơn đau.
Cơ thể suy kiệt, mệt mỏi: Điều này dễ hiểu vì cùng một cơ thể nhưng bạn phải làm việc gấp ba lần, để cung cấp năng lượng cần thiết cho ba người (bạn, con yêu và bào thai)
Xuất hiện các triệu chứng ốm nghén : Mẹ bầu vẫn cảm thấy buồn nôn, nôn khan thay đổi khẩu vị. Ốm nghén không chỉ gây mệt mỏi chán ăn mà còn gây căng thẳng áp lực về mặt tâm của mẹ bầu. Khi mẹ ốm nghén thì chế độ dinh dưỡng cũng không được đảm bảo cân bằng hợp lý, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa.
3. Mẹ bầu cần phải biết gì?
Mẹ không cần cai sữa cho bé: Mọi người thường xuyên cai sữa khi có bầu bé thứ hai, vì cho rằng con bú sữa mẹ lúc này không chỉ ảnh hưởng đến bé mà còn ảnh hưởng đến bào thai trong bụng. Sự thật là tuyến sữa vẫn hoạt động bình thường nếu mẹ bầu cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Một số mẹ bầu vẫn có thể cho hai con cùng bú song song, trừ trường hợp sữa mẹ bị chua nặng, bé lớn không thể bú thì bạn nên dừng lại. Vì khi sữa mẹ không đảm bảo chất lượng không chỉ dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng ở trẻ, mà còn gây đau bụng, tiêu chảy cấp ...
Bình tĩnh với những cơn co thắt tử cung: Sau khi sinh em bé, cơ thể cần thời gian để hồi phục. Vì vậy mang thai trong lúc này khiến cơ thể rối loạn hormone, điều này gây cản trở quá trình bạn cho bé bú. Tuyến vú căng cứng các dây thần kinh trở nên nhạy cảm, sẽ gây ra những cơn co thắt tử cung nhẹ khi mẹ bầu cho con bú, hoặc tiến hành quan hệ tình dục. Nhưng đối với những phụ nữ có tiền sử sinh non hoặc sẩy thai nên cân nhắc việc cho bé bú.
Sữa non không mất đi: Tháng thứ 4 và thứ 5 của thai kỳ, tuyến sữa sẽ bắt đầu sản sinh và tiết ra sữa non, đây là loại sữa giàu dinh dưỡng và cần thiết cho sự phát triển của con. Sữa non sẽ có mùi vị đặc trưng, điều này gây ảnh hưởng đến việc cho bé lớn bú và một số trẻ sẽ tự động dần bỏ bú. Nếu bé vẫn tiếp tục bú sữa mẹ bạn đừng lo lắng vì sau khi bé nhỏ chào đời vào một khoảng thời gian nhất định, cơ thể mẹ sẽ tiếp tục tiết sữa non
Mẹ bầu có thể cho con bú song song: Trong trường hợp bé lớn vẫn chưa cai sữa hoặc còn phụ thuộc nhiều vào sữa mẹ, bạn có thể tiếp tục cho con bú, để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho con. Bạn có thể cho cả hai bú song song nhưng cần cân nhắc về thể trạng sức khoẻ và vấn đề tâm lý. Nếu cho hai bé bú song song bạn phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý để có thể đáp ứng nhu cầu sữa cho cả hai bé. Nếu bạn quyết định cai sữa cho bé lớn thì nên cắt giảm từ từ, để bé bắt đầu quen với việc không có sữa mẹ.
Có bầu khi cho con bú và những dấu hiệu nhận biết trên sẽ giúp cho những mẹ đang bước vào trường hợp này bình tĩnh hơn. Yeutre.vn hy vọng với những thông tin trên, mẹ bầu đã tìm ra giải pháp tối ưu cho việc có nên cho con bú khi có thai không. Hãy cùng bé lớn thư giãn để có thể chăm sóc bé yêu cũng như thai nhi tốt nhất và chuẩn bị cho sự chào đời của bé nhỏ mẹ nhé.
Trần Tạ tổng hợp