Khi việc bú mẹ đã trở thành thói quen thì việc cai sữa cho bé sẽ trở thành nỗi lo không hề nhỏ đối với các bà mẹ. Việc cai sữa không chỉ ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen sinh hoạt mà còn tác động rất nhiều đến tâm lý các bé.
1. Khi nào nên cai sữa cho bé?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 6 tháng đầu tiên bé nên được bú mẹ hoàn toàn để tối ưu hóa nguồn dinh dưỡng có trong sữa mẹ . Sau 6 tháng trở đi, bé có thể bắt đầu cai sữa tùy thuộc vào sức khỏe của cả mẹ và bé. Tuy nhiên, “thời điểm vàng” để cai sữa cho bé là từ 18 – 24 tháng tuổi hoặc khi bé bắt đầu có những dấu hiệu như: bé có thể ngồi vững mà mẹ không cần dùng tay để đỡ sau gáy; bé tỏ ra khó chịu, lười biếng khi bú mẹ; bé thường xuyên thức dậy vào ban đêm để đòi bú….
2. Cai sữa cho bé bằng cách nào?
2.1 Bỏ cử bú hoặc rút ngắn thời gian cho bú
Việc cai sữa cho bé nên tiến hành từ từ. Tuyệt đối không nên đột ngột cắt hẳn việc bú mẹ. Khi mới bắt đầu nên thực hiện bỏ một cữ bú mẹ trong ngày, thay bằng sữa công thức. Sau đó thay dần đến khi thay hoàn toàn sữa mẹ bằng sữa công thức. Hoặc cách khác, mẹ có thể giảm dần thời gian mỗi lần bú sữa của bé xuống, nếu trước đây là 15 phút/ lần thì giảm dần còn 10 phút, 5 phút/ lần đến khi mất hẳn.
Tuy nhiên, dù là áp dụng cách nào thì mẹ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng sữa công thức và thức ăn dặm cho bé uống hoặc ăn bất cứ khi nào để đảm bảo bé không bị tụt cân vì thiếu dinh dưỡng trong sữa mẹ.
2.2 Tăng cường bữa ăn dặm
Càng lớn, vị giác của bé sẽ càng hoàn thiện. Do đó, sự kích thích vị giác bằng những bữa ăn dặm tăng cường lượng thức ăn hoặc tăng cường số lượng bữa ăn cũng là một cách giúp trẻ “chán bú, thèm ăn”. Khi áp dụng cách này mẹ cần lưu ý đảm bảo trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ 4 nhóm chất cần thiết cũng như luôn luôn thay đổi, làm mới thực đơn, món ăn mỗi ngày để tăng cảm giác hứng thú của trẻ. Giúp trẻ ăn nhiều, no lâu và quên chuyện “bú sữa”.
2.3 Cai sữa cho bé bằng một số phương pháp dân gian
Mẹ dùng cao hoặc dầu gió bôi lên hai đầu ti, nếu bé đòi bú thì cho bé ngửi hoặc ngậm đầu ti (nhưng tốt nhất đừng để bé ngậm thật mẹ nhé). Mùi hắc hắc khó chịu sẽ khiến bé thấy lạ không đòi bú nữa. Tuy nhiên, khi áp dụng cách này, mẹ nên bôi dầu và cao với số lượng vừa phải thôi, coi chừng nguy hiểm cho bé nhé. Hóa trang đầu ti: tương tự như cách trên, mẹ có thể dùng son môi tô đỏ lên đầu ti khiến bé nhìn thấy “sợ” sẽ không dám bú nữa.
Nhiều mẹ khi cai sữa cho bé thường hay áp dụng phương pháp cho bé xa mẹ, gửi về bà nội, bà ngoại hoặc họ hàng. Nhưng cách này hoàn toàn không được ủng hộ, vì bé sẽ phải vừa trải qua cảm giác thèm sữa, thay đổi thói quen sinh hoạt vừa rơi vào khủng hoảng tâm lí do xa mẹ trong thời gian dài.
3. Những lưu ý khi tiến hành cai sữa cho bé
Việc cai sữa sẽ làm thay đổi rất nhiều đến tâm lí cũng như sức khỏe của bé và mẹ. Do đó, mẹ nên cai sữa cho bé trong thời điểm cả mẹ và bé đều trong trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt nhất.
- Nên cai sữa cho bé vào những mùa tiết trời êm dịu, khô mát. Tránh những lúc thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa hay hệ hô hấp của bé.
- Không nên cai sữa khi bé đang ốm đau, bệnh tật sẽ càng làm hệ miễn dịch cũng như sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng.
- Khi cai sữa cho bé cần đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng thay thế. Đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Khi chế biến thức ăn dặm, mẹ cần lên thực đơn phong phú, đa đạng, chế biến những món từ mềm đến cứng, từ loãng tới đặc. Mẹ nên cân bằng liều lượng gia vị tối đa để tốt cho răng cũng như hệ tiêu hóa của bé, tránh trường hợp bé bị nghẹn, mắc cổ hoặc chán ăn, bỏ bữa.
Tìm cách cai sữa cho bé chưa bao giờ là việc dễ dàng cho cả mẹ và bé. Nó phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi của bé cũng như sự khéo léo, kiên trì của mẹ. Với những thông tin trên, hy vọng mẹ sẽ áp dụng thành công cách cai sữa cho bé . Chúc bé nhà bạn lớn nhanh và khỏe mạnh.
Ngọc Hoài – Tổng hợp