1. Đau bụng dưới có phải mang thai hay không?
Theo các bác sĩ, trường hợp đau bụng dưới của chị em cũng là một dấu hiệu đặc trưng của quá trình thụ thai thành công. Sau khi quan hệ không có các biện pháp bảo vệ, tinh trùng được phóng thích vào âm đạo, gặp trứng và quá trình thụ tinh đã bắt đầu diễn ra. Thông thường, trứng đã được thụ tinh sẽ mất khoảng 7 - 10 ngày để làm tổ an toàn ở thành tử cung. Chính vì việc trứng phải hình thành nhau thai và chân giả để bám vào thành tử cung, nên chị em mới có cảm giác đau âm ỉ ở vùng bụng dưới.
Tình trạng đau bụng dưới liên quan đến việc mang thai thường xuất hiện ở tháng đầu của thai kỳ, kể từ khi trứng thụ tinh được khoảng 2 tuần. Cơn đau liên quan đến mang thai dễ nhầm lẫn với đau do kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên nếu để ý kỹ chị em có thể nhận thấy cơn đau không dai dẳng mà xuất hiện từng cơn, do cơ thể chưa thích ứng ngay được với việc bào thai đang dần được hình thành.
Tuy nhiên, chỉ dựa vào một dấu hiệu đau bụng dưới thôi thì sẽ không thể khẳng định ngay được là mình đang có thai. Để chắc chắn hơn với điều này, bạn có thể sử dụng que thử thai và dựa vào những dấu hiệu mang thai sớm của cơ thể như:
- Ra máu báo thai: Sau khi quá trình thụ thai được diễn ra, trứng sẽ bám vào tử cung khiến một số tế bào bị bong tróc, điều này dẫn đến tình trạng ra máu - hay còn gọi là máu báo thai. Lượng máu này sẽ ít và nhạt màu hơn so với lượng máu của chu kỳ kinh nguyệt và chỉ kéo dài khoảng 1 - 2 ngày.
- Đau tức ở vùng ngực: Sau khi quá trình thụ tinh thành công thì nội tiết tố trong cơ thể của bạn cũng sẽ thay đổi. Sự thay đổi này sẽ làm vòng 1 của bạn to, sẫm màu và căng tức hơn.
- Đi vệ sinh nhiều hơn thường ngày: Nguyên nhân chính là do tử cung lớn dần, chèn ép vào bàng quang khiến những cơn buồn tiểu kéo đến nhiều hơn. Đôi khi bạn sẽ bị són tiểu khi hắt hơi hoặc cười to.
- Buồn nôn: Đây có lẽ là dấu hiệu đặc trưng nhất của giai đoạn mang thai. Bạn sẽ có cảm giác buồn nôn mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là buổi sáng sớm hoặc khi bạn ngửi thấy mùi lạ.
- Đau đầu, chóng mặt và luôn có cảm giác uể oải: Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ phải làm việc gấp đôi bình thường để cung cấp dinh dưỡng cho bạn và cả cho bào thai. Vì thế bạn sẽ có những chứng mệt mỏi, đau đầu hay chóng mặt thậm chí là ngất xỉu.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên bị chuột rút, tâm trạng thay đổi thường xuyên, khó thở và hụt hơi,.. thì hãy nghĩ ngay đến khả năng mình đang mang bầu nha.
2. Những nguyên nhân khác của đau bụng dưới
Nếu bỏ qua trường hợp bạn đau bụng dưới do mang thai thì hiện tượng này còn do những nguyên nhân sau đây:
2.1 Đau bụng dưới do hội chứng tiền kinh nguyệt
Tình trạng đau bụng dưới do hội chứng tiền kinh nguyệt thường xảy ra khoảng 1 - 2 tuần trước khi kì kinh bắt đầu. Có rất nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng hầu hết chị em đều cảm nhận được như là tức ngực, đau bụng dưới, táo bón, mệt mỏi cũng như hay cáu gặt và buồn chán. Có hai nguyên nhân chính đó là do sự thay đổi nội tiết tố nữ trước kỳ kinh và do cơ thể không đủ lượng serotonin góp phần gây mệt mỏi và khó chịu tiền kinh nguyệt.
2.2 Đau bụng dưới do viêm ruột thừa
Các triệu chứng thường gặp khi bạn bị đau ruột thừa bao gồm đau nhói ở phần bụng dưới bên phải, nôn và nóng sốt. Bạn cần phải đến các cơ sở y tế để được chuẩn đoán và điều trị, vì những dấu hiệu trên báo hiệu đây là trường hợp khẩn cấp. Nếu không được phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm kịp thời nó sẽ lây lan ra ổ bụng, nguy hiểm nhất là gây tử vong đối với người bệnh.
2.3 Do hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính. Bạn sẽ có những cơn đau bụng kèm theo chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Hội chứng này thường xuất hiện do bạn thay đổi chế độ ăn uống đột ngột hoặc đang trong tình trạng căng thẳng.
2.4 Mang thai ngoài tử cung
Đây là một biến chứng thai kỳ cực kỳ nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng. Nó xảy ra khi phôi thai hình thành và phát triển bên ngoài tử cung, hầu hết là ở ống dẫn trứng. Các triệu chứng của mang thai ngoài tử cung bao gồm đau vùng xương chậu dữ dội, chảy máu âm đạo, buồn nôn, chóng mặt hoặc chuột rút. Trong trường hợp nghi ngờ bị thai ngoài tử cung, bạn cần đến các cơ sở y tế để được chuẩn đón và điều trị kịp thời.
2.5 Bạn đau bụng dưới do viêm vùng chậu
Các triệu chứng thường gặp khi viêm vùng chậu đó là đau bụng, sốt, tiết dịch âm đạo bất thường, đau rát khi đi vệ sinh,... Viêm vùng chậu có thể gây tổn thương ở cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Biến chứng nghiêm trọng nhất là có thể gây vô sinh.
2.6 U nang buồn trứng
U nang buồn trứng thường được coi là vô hại khi còn nhỏ, nhưng nếu u nang ngày càng lớn, nó sẽ gây đau đớn ở vùng chậu, khiến bạn tăng cân và đi tiểu thường xuyên. Các bác sĩ có thể phát hiện u nang buồng trứng thông qua siêu âm hoặc khám phụ khoa.
2.7 Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Khi bị nhiễm khuẩn đường tiết nệu bạn sẽ có những triệu chứng như đau bụng, đi tiểu buốt, đau và lúc nào cũng có cảm giác mót tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời. Nhưng nếu để lây lan đến vùng thận, nó có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn và có những triệu chứng như sốt, buồn nôn, đau một bên vùng lưng dưới,...
Đau bụng dưới có phải mang thai hay không luôn là câu hỏi được các chị em quan tâm. Nhưng xem xét vào các dấu hiệu mang thai sớm, que thử thai và những xét nghiệm y khoa, bạn mới có thể chắc chắn hơn về việc mình có thực sự mang bầu hay không. Đặc biệt, nếu tình trạng đau bụng dưới kéo dài và kèm theo triệu chứng của những bệnh liên quan - như đã được đề cập, thì bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có sự can thiệp kịp thời. Một lời khuyên bổ ích cho bạn là nên khám tổng quát ít nhất 1 năm/ lần để tầm soát và theo dõi tình hình sức khỏe của mình một cách tốt nhất.
Hiền Anh tổng hợp