1. Đạm và vai trò duy trì chức năng sống trong cơ thể
Protein là yếu tố căn bản của sự sống trong mọi tế bào, có chức năng chính là bảo vệ và hình thành các tế bào mới trong cơ thể. Chất dinh dưỡng này được tổng hợp từ nhiều hợp chất hữu cơ mà căn bản là một chuỗi Axit Amin bao gồm 22 loại khác nhau. Tuy nhiên cơ thể chúng ta chỉ có thể tổng hợp được 13 loại, còn 9 loại khác phải được hấp thu từ các thực phẩm từ động vật hay thực vật có trong tự nhiên.
Nếu bé thấp còi, chậm phát triển thì mẹ nên để ý bé thường xuyên hơn. Rất có thể cơ thể con đã thiếu protein nên các tế bào mô và cơ không thể hình thành, phát triển. Bổ sung chất đạm vào cơ thể hợp lý có thể giúp con phát triển các nhóm cơ, giúp con mau lớn mà khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, đạm còn giúp hệ thống miễn dịch của bé được khỏe mạnh. Điều này giúp bé có sức đề kháng tốt, khả năng chống đỡ bệnh tật hiệu quả hơn. Ngoài ra chất này còn giúp bé mau lành các vết thương, đồng thời cân bằng acid và chất lỏng trong cơ thể.
Protein tham gia vào hầu hết chức năng sống của cơ thể, đóng góp vai trò trong yếu tố tạo hình và duy trì hoạt động của hầu hết các bộ phận khác như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa...được hoạt động khỏe mạnh. Đồng thời chất này còn có khả năng kích thích bé ăn ngon miệng, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động, giúp bé ăn ngon hơn.
2. Thiếu hoặc thừa đạm đều ảnh hưởng xấu đến cơ thể trẻ
Vì là một trong 4 nhóm chất dinh dưỡng cho bé , với chức năng sản sinh tế bào mô cơ và hỗ trợ miễn dịch của bé được khỏe mạnh. Nếu cơ thể bé thiếu chất dinh dưỡng này, trẻ sẽ không thể phát triển khỏe mạnh bình thường. Thiếu đạm gây ra tình trạng thấp bé, còi cọc ở trẻ. Ngoài ra việc suy giảm của hệ thống miễn dịch còn làm trẻ dễ mắc bệnh, luôn ốm yếu và mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng và lâu lành vết thương.
Khi cơ thể bé thiếu đạm, toàn bộ các cơ quan khác đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gây rối loạn chuyển hóa năng lượng cũng như khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, nếu sữa mẹ không cung cấp đủ đạm cho trẻ, con sẽ có nguy cơ mắc bệnh suy dinh dưỡng thể phù. Đây là loại bệnh đặc biệt nghiêm trọng đối với bé, nếu không được chữa trị kịp thời còn có thể dẫn đến nguy cơ tử vong ở trẻ.
Mẹ cũng cần lưu ý không nên cho con ăn quá nhiều đạm động vật. Trẻ thừa đạm sẽ ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa. Việc này có thể làm con bị táo bón, tăng áp lực đối với lọc cầu thận, gây mất nước trong cơ thể. Lúc này, bé phải huy động canxi trong xương để tạo ra photphat canxi, nhằm duy trì độ pH ở mức ổn định. Khi canxi được lấy từ xương quá nhiều, bé có thể bị loãng xương hoặc xốp xương. Ngoài ra, lượng canxi được lấy để cân bằng độ kiềm trong máu, sau khi đào thải qua thận một thời gian dài có thể gây ra bệnh sỏi thận với bé.
3. Lời khuyên bổ sung đạm cho bé hợp lý
3.1. Bổ sung đạm phù hợp cho bé theo từng giai đoạn
Cơ thể bé luôn cần nguồn dinh dưỡng cân đối để phát triển toàn diện và khỏe mạnh nhất. Tuy nhiên không vì vậy mà các mẹ cho con ăn càng nhiều thịt càng tốt nhé. Các chất đạm trong tự nhiên cần phải cân bằng với các nhóm dinh dưỡng khác trong cơ thể. Đạm thực vật nên cân đối với đạm động vật. Ngoài ra các mẹ phải bổ sung lượng dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi cũng như thể chất của con.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, lượng đạm khuyến cáo nên bổ sung cho bé mỗi ngày mà mẹ nên áp dụng như sau:
- Bé từ 0-6 tháng tuổi: Trẻ nên được cung cấp dinh dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ. Vì vậy các mẹ không nên ăn kiêng trong giai đoạn này, nếu không sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể trẻ.
- Bé từ 7-12 tháng tuổi: Trẻ nên được cung cấp từ 20-25gr protein mỗi ngày. Trong đó đảm bảo 70% đạm động vật để cung cấp các nguyên tố sắt cho bé. Tuy nhiên lúc này dạ dày của bé vẫn còn khá nhỏ, không thể tiêu hóa được quá nhiều dưỡng chất từ các thực phẩm như cá, thịt, trứng...nên mẹ lưu ý nên bổ sung thêm lượng sữa phù hợp cho con nhé.
- Bé từ 1-3 tuổi: Lúc này cơ thể bé cần khoảng 35-44gr protein hàng ngày, trong đó có 60% đạm động vật.
- Bé từ 4-6 tuổi: Mẹ nên bổ sung cho bé từ 44-55gr chất đạm hàng ngày, trong đó có khoảng 50% là đạm động vật. Lúc này dạ dày và hệ tiêu hóa của bé đã bắt đầu phát triển nên mẹ nên lưu ý bổ sung cho con các thực phẩm như xúc xích, thịt nguội, cùng các món ăn ít dầu mỡ khác.
3.2. Thực phẩm giàu đạm cho bé
- Đạm động vật: Trong các thực phẩm từ thịt gà, thịt bò, cá, trứng...đều mang hàm lượng dinh dưỡng protein rất cao. Trong 1 quả trứng gà thường chứa 3,5gr đạm và 82% calo. 113gr thịt bò nạc có 30gr protein và 40% calo. Thịt ức gà 113gr cung cấp cho bé 25gr đạm cùng 75% calo...Mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm này một cách cân đối vào bữa ăn của trẻ nhé.
- Đạm thực vật: Để cân bằng các loại đạm trong cơ thể con, mẹ cũng nên cho con ăn các loại rau củ như: Súp lơ, rau bina, các loại đậu như đậu hủ, đậu xanh, đậu lăng hoặc các loại hạt như hạnh nhân, hạt chia, hạt điều...Ngoài ra mẹ cũng nên khuyến khích con ăn thêm các loại trái cây như chuối, bơ,...đều có khả năng bổ sung cho con lượng Protein cần thiết mỗi ngày.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Đây là nguồn thực phẩm mang hàm lượng dinh dưỡng cao và rất dễ bổ sung cho bé. Nhất là trong khoảng thời gian hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu. Vì vậy mẹ hãy bổ sung lượng sữa phù hợp vào bữa ăn của trẻ để giúp con phát triển khỏe mạnh hơn nhé.
Chất đạm là dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của bé, thiếu đi lượng protein cần thiết sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ. Hơn nữa còn có thể gây ra nhiều căn bệnh xấu cho cơ thể bé. Vì vậy các mẹ cần bổ sung chất đạm hàng ngày cho con sao cho hợp lý, hiệu quả và có thể cho con một sức khỏe tốt nhất.
Thương Biện tổng hợp