1. Canxi và những lợi ích với sự phát triển của trẻ
Canxi được biết đến như là dưỡng chất chính của việc phát triển chiều cao ở bé. Chiếm khoảng 70% thành phần cấu trúc của xương, canxi là yếu tố không thể thiếu trong quá trình hình thành xương, răng ở trẻ nhỏ. Hỗ trợ sự phát triển tầm vóc và hạn chế các bệnh lý về xương. Ngoài ra nhóm chất này còn đóng vai trò quan trọng trong sự co giãn cơ, ảnh hưởng đến sự co bóp của nhịp tim, vận chuyển các tế bào máu đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể bé.
Các ion canxi còn có vai trò trong việc dẫn truyền thần kinh, có chức năng như người chỉ huy giúp bé khỏe mạnh. Nếu cơ thể có đầy đủ dưỡng chất cần thiết, bé sẽ ngủ ngon, ăn khỏe và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, chúng còn kết hợp với Magie, phốt pho để tạo xương, chỉ khoảng 1% còn lại được phân bổ trên cơ và máu.
Không chỉ đảm nhận vai trò trong việc hình thành cấu trúc xương, canxi còn có chức năng giám sát và "chỉ huy" quá trình phản ứng miễn dịch. Nhóm dinh dưỡng này được coi như kênh thông tin thứ hai giúp cơ thể phản ứng và báo hiệu sự xâm nhập của các loại vi rút bên ngoài, hỗ trợ cơ thể có những phản ứng kịp thời để bảo vệ sức khỏe. Với vai trò kích hoạt sự di chuyển và bao vây, canxi có có thể giúp bé tiêu diệt các vi khuẩn, độc tố gây bệnh của tế bào trắng, từ đó giúp cơ thể bé luôn khỏe mạnh.
2. Tác hại của việc thiếu Canxi trong cơ thể trẻ
Thiếu canxi sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của trẻ, tương tự như các nhóm dưỡng chất khác như magie, kẽm, sắt,...nếu thiếu đi canxi thì sự phát triển thể chất và tinh thần của bé đều bị ảnh hưởng xấu. Quá trình hình thành cấu trúc xương trong cơ thể trẻ bị trì hoãn, hậu quả là bé dễ mắc các bệnh như còi xương, phát triển chậm, thấp bé. Điều này không chỉ làm cho các bậc cha mẹ buồn phiền mà còn ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ nhỏ.
Ngoài ra, thiếu canxi còn ảnh hưởng đến sự hoạt động chung của các cơ quan trong cơ thể. Bé có thể mắc các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, biếng ăn...hơn nữa là các bệnh xương mềm, chậm vận động, gây khó khăn trong khi vui chơi, hoạt động cùng bạn bè của bé.
Nhu cầu của canxi của cơ thể trẻ là rất lớn, vì vậy các bậc cha mẹ cần tìm hiểu thông tin và có những phương pháp bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đúng cách. Nếu trẻ bổ sung thừa canxi cũng dẫn đến những hậu quả về sức khỏe khôn lường. Việc thừa dưỡng chất thường dẫn đến việc bé bị táo bón, đau xương, lượng canxi thừa tích tụ lâu ngày có thể gây vôi hóa thận. Đồng thời giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng khác như kẽm, sắt, magie,...Vì vậy các mẹ hãy lưu ý dấu hiệu trẻ thiếu canxi để có phương pháp bổ sung canxi cho bé yêu hợp lý và hiệu quả nhé.
3. Những biểu hiện thiếu canxi và giai đoạn cần bổ sung canxi cho trẻ
3.1. Biểu hiện thiếu canxi ở trẻ
Bé thiếu canxi thường còi xương và chậm lớn, bé rất chậm lên cân và không phát triển nhiều trong một khoảng thời gian dài. Ngoài ra ở trẻ còn xuất hiện các dấu hiệu như bé mọc răng chậm, thường ra mồ hôi trộm và rụng tóc, đối với các bé chưa đóng thóp thì có biểu hiện thóp mềm, thóp lâu đóng và rộng...
Khi bé biếng ăn, xương sườn có biểu hiện cong, mẹ nên đưa con đến bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích nhất. Việc bổ sung canxi bằng thuốc cần phải có sự hướng dẫn và chỉ định đối với trẻ nhỏ, mẹ không nên tùy tiện sử dụng thuốc cho con để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhé.
3.2. Những giai đoạn cần bổ sung canxi cho trẻ
Nắm rõ từng giai đoạn phát triển của con giúp bố mẹ chăm sóc cho bé phát triển tốt hơn, để bổ sung canxi hiệu quả cho trẻ, mẹ cần để ý đến 3 giai đoạn phát triển quan trọng của bé như sau:
- Giai đoạn trẻ sơ sinh: Vì chế độ kiêng hem quá mức mà nhiều bà mẹ làm mất đi lượng dưỡng chất cần thiết cho con, bé thiếu canxi sẽ có các biểu hiện như bú kém, gồng mình, khó ngủ, thóp rộng...Nếu bé không được bổ sung lượng khoáng chất cần thiết, trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này.
- Những năm đầu đời là khoảng thời gian có vai trò nền tảng trong sự phát triển của bé. Tuy nhiên đây là lúc con rất dễ thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất do hệ tiêu hóa còn non kém, không đủ để hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng. Điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này, trẻ thiếu canxi thường thấp còi, suy dinh dưỡng, ăn kém và có khả năng bị biến dạng xương, răng mọc chậm và dễ bị sâu do thiếu dưỡng chất cấu thành.
- Những năm bé bắt đầu phát triển nhanh: Đây là khoảng thời gian phát triển nhanh nhất ở trẻ, hay còn gọi là tuổi dậy thì. Trong thời gian này bé lớn rất nhanh và nhu cầu hấp thu chất dinh dưỡng cũng tăng cao. Bé sẽ có sự thay đổi hoàn toàn về thể chất và tâm sinh lý, nhất là các yếu tố ngoại hình như chiều cao và cân nặng. Vì vậy, đây là khoảng thời gian mà các mẹ đặc biệt chú ý để bồi bổ cho trẻ canxi, giúp bé có được nền tảng phát triển, phát huy hết mức sự phát triển tầm vóc bản thân.
Để bổ sung canxi hiệu quả và hợp lý với cơ thể trẻ, mẹ có thể tham khảo bảng nhu cầu canxi của trẻ theo từng giai đoạn mà Tổ chức Y tế thế khuyến cáo nên dùng:
Độ Tuổi Lượng Canxi (Mg/ngày) Trẻ dưới 6 tháng tuổi 300 Trẻ từ 7-12 tháng tuổi 400 Trẻ từ 1-3 tuổi 500 Trẻ từ 4-6 tuổi 600 Trẻ từ 7-9 tuổi 700 Trẻ từ 11 tuổi 1000 Trẻ trên 11 tuổi 1200Sau khi hiểu về các giai đoạn cần bổ sung canxi cho trẻ, mẹ cần lựa chọn ra các nguồn thực phẩm phù hợp với bé, từ đó cung cấp lượng dưỡng chất canxi cho cơ thể bé phát triển. Canxi là nguồn dinh dưỡng mà trẻ không thể tự sản xuất ra được nên mẹ cần phải bổ sung cho con các thực phẩm tự nhiên khác nhé.
4. Các nguồn thực phẩm cung cấp canxi cho bé
- Các nguồn thực phẩm từ tôm, cua, sò và cá...đều là những nhóm giàu canxi cho sự phát triển của trẻ. Thực ra trong vỏ tôm không có nhiều canxi như nhiều người vẫn lầm tưởng, cho nên mẹ không cần phải ép bé ăn cả vỏ tôm nhé. Đối với nguồn thực phẩm từ thực vật, mẹ có thể bổ sung vào bữa ăn của bé các loại rau như: cải xoăn, cần tây, bắp cải, diếp cá...Trong rau xanh bao gồm Vitamin K, là yếu tố tạo thành osteocalcin, chất này giúp tích tụ canxi vào xương, hỗ trợ xương phát triển khỏe mạnh,
- Thông thường bé chỉ hấp thu được khoảng 20% canxi qua thức ăn vào cơ thể, cho nên mẹ cần bổ sung cho con canxi từ sữa, sữa chua và các chế phẩm từ sữa khác để giúp con phát triển chiều cao và có bộ khung xương, răng rắn chắc khỏe.
- Sữa chua là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho bé canxi và nhiều nhóm vitamin có lợi khác. Trong một hộp sữa chua trung bình có khoảng 110mg canxi cùng các dưỡng chất như: Vitamin D, Vitamin A, chất béo, phốt pho...Hơn nữa, sữa chua còn hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, cân bằng các dưỡng chất thiết yếu, từ đó giúp bé có được nguồn dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
5. Cách bổ sung canxi hiệu quả cho con
- Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Đây là nguồn dưỡng chất cung cấp lượng canxi cùng các nhóm dinh dưỡng cần thiết khác cho con, mẹ không cần phải bổ sung các thực phẩm nào khác khi con còn quá nhỏ.
- Đối với những trường hợp trẻ bị còi xương và thiếu canxi nghiêm trọng, mẹ nên đưa con đến bác sĩ để thăm khám và có những biện pháp điều trị phù hợp. Mẹ không nên tự ý bổ sung canxi cho bé bằng thuốc viên vì những hậu quả khôn lường có thể xảy ra với trẻ khi sử dụng thuốc không đúng cách.
- Canxi và vi chất D là hai nhóm dưỡng chất không thể tách rời, Vitamin D có chức năng dẫn truyền để cơ thể hấp thu canxi. Vì vậy việc giúp con bổ sung Vitamin D bằng cách tắm nắng vào sáng sớm hoặc sử dụng các thực phẩm từ dầu gan cá, sữa chua, lòng đỏ trứng là biện pháp hữu ích để giúp cơ thể bé hấp thu canxi tốt hơn.
- Hạn chế cho bé sử dụng các loại nước ngọt có ga, caffeine như nước ngọt, trà...Giảm thiểu việc bé đưa vào cơ thể những chất béo bão hòa từ các món ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, snack. Đồng thời, khuyến khích bé ăn các loại trái cây tươi, ít ngọt và cho bé vận động ở mức vừa phải, phù hợp với thể trạng cũng như độ tuổi của bé.
Canxi có vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và cấu trúc răng ở trẻ. Bé cao lớn hay thấp còi một phần lớn được quyết định bởi nhóm dinh dưỡng này. Yeutre.vn hy vọng, bài viết mang lại những thông tin thật hữu ích cho các mẹ. Qua đó, mẹ có thể giúp bé phát triển khỏe mạnh, cân đối với lượng canxi được bổ sung một cách khoa học, đúng đắn và phát huy được tối đa tác dụng nhé.
Thương Biện tổng hợp