1. IVF đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức
IVF là một quy trình thủ công đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức của bạn và bác sỹ. Từng bước của quy trình này được thực hiện như sau:
- Trong 10-12 ngày, bạn sẽ được tiêm thuốc kích trứng để kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng. Trong thời gian này bạn sẽ phải đến bệnh viện để lấy máu và siêu âm gần như hàng ngày.
- Sau khi kích trứng, bác sỹ sẽ tiến hành chọc hút trứng (có gây mê toàn thân) và cho thụ tinh với tinh trùng của chồng bạn (tinh trùng được lấy cùng ngày chọc hút trứng), rồi cấy trứng đã thụ tinh trong phòng nuôi cấy.
- Sau 3-5 ngày, 1 hoặc nhiều phôi sẽ được lựa chọn và chuyển vào tử cung của bạn (những phôi khỏe mạnh khác có thể được đông lạnh cho lần IVF tiếp theo)
- Khoảng 2 tuần sau, bạn sẽ phải gặp bác sỹ để kiểm tra xem IVF đã thành công chưa.
2. Bạn nên kiểm soát sức khỏe trước khi tiến hành IVF
Để chuẩn bị cho quá trình IVF, bạn nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt. Việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, hạn chế (tốt nhất là giảm hẳn) rượu bia và thuốc lá cũng như các chất kích thích khác có thể giúp tăng khả năng thành công của IVF. Ngoài ra, bạn cũng nên cố gắng kiểm soát các tình trạng y tế khác đặc biệt là huyết áp cao và tiểu đường.
3. Bạn nên cân nhắc về chi phí thực hiện
Chi phí cho toàn bộ quy trình IVF khá đắt đỏ, tùy theo khu vực mà chi phí của 1 ca thụ tinh trong ống nghiệm có thể dao động khác nhau. Cũng tùy khoản phí mà các công ty bảo hiểm hoặc chương trình bảo hiểm có chi trả nó hay không. Vì vậy, trước khi quyết định tiến hành IVF, bạn hãy tìm hiểu kỹ về điều khoản bảo hiểm cũng như các chi phí liên quan tại nơi bạn dự định thực hiện quá trình này, để có thể chủ động chuẩn bị tài chính một cách phù hợp.
4. Bạn sẽ chịu một số tác dụng phụ
Bạn cần biết rằng, để phục vụ cho quá trình IVF, bạn sẽ được tiêm hormone do vậy cơ thể bạn có thể nhạy cảm hơn trong chu kỳ IVF của mình. Bạn cũng có thể trải qua một số tác dụng phụ nhẹ như: bị áp lực, chuột rút ở khu vực cơ sàn chậu, hay cảm giác đau ngực và khó chịu.
Trong một số trường hợp, IVF có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng, khi buồng trứng bị kích thích quá mức và sản sinh ra quá nhiều trứng. Các triệu chứng có thể gặp phải gồm: tăng cân, đau dữ dội hoặc sưng ở bụng, chóng mặt, khó thở, buồn nôn và nôn. Những tình trạng này có thể tự phục hồi, nhưng nếu bạn gặp phải, hãy đến gặp bác sỹ ngay lập tức để được kiểm tra và can thiệp kịp thời nếu cần thiết.
5. Bạn có thể lựa chọn giới tính của em bé tương lai
Bạn có thể lựa chọn giới tính của em bé tương lai, nếu chu kỳ IVF của bạn có bao gồm xét nghiệm di truyền tiền cấy ghép, và sàng lọc phôi tìm khiếm khuyết của nhiễm sắc thể, vì một phần của báo cáo nhiễm sắc thể bao gồm giới tính của phôi . Một số nơi sẽ cho phép bạn lựa chọn giới tính mà bạn muốn để cấy ghép, trong khi một số nơi khác thì chỉ cấy ghép những phôi có chất lượng tốt nhất mà thôi.
6. Bạn có thể gặp nguy cơ nhẹ khi mang thai hoặc biến chứng khi sinh
Có nhiểu phôi được cấy trong quy trình IVF có nghĩa là cơ hội mang thai của bạn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, do khả năng mang đa thai, bạn có thể bị tăng nguy cơ sinh non hoặc sinh bé nhẹ cân. Để giảm nguy cơ này, bạn có thể kiểm tra di truyền trên phôi và chọn 1 phôi tốt nhất để cấy vào tử cung.
Trẻ sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm cũng có thể có nguy cơ dị tật cao hơn khoảng 1-2% so với dân số nói chung. Nhưng các nghiên cứu đưa ra bằng chứng ngày càng mạnh mẽ rằng những dị tật này có nhiều khả năng liên quan đến bản chất của vô sinh hơn là do sự điều trị vô sinh.
7. IVF không đảm bảo bạn chắc chắn sẽ có thai
Thật không may, thụ tinh trong ống nghiệm không phải thành công đối với tất cả những người thực hiện. Có người đậu thai ngay lần cấy đầu tiên, một số người thì phải lặp lại quy trình 1-2 lần, thậm chí nhiều cặp vợ chồng phải thực hiện nhiều lần mới có em bé.
IVF có thành công hay công phụ thuộc nhiều vào tuổi của bạn. Theo dữ liệu quốc gia mới nhất từ Hiệp hội công nghệ hỗ trợ sinh sản (SART), thì tỷ lệ đậu thai của IVF đối với phụ nữ dưới 35 tuổi sử dụng trứng của mình là 48%. Tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 3% đối với phụ nữ trên 42 tuổi.
8. IVF không đảm bảo chắc chắn bạn sẽ có thai nhưng điều đó không có nghĩa là không có hy vọng
Nếu tỷ lệ mang thai khi sử dụng phương pháp IVF thấp hoặc bạn đã thử 1-2 lần mà không thành công , vẫn còn những lựa chọn khác bạn có thể xem xét. Những lựa chọn đó gồm sử dụng trứng hoặc tinh trùng của người hiến tặng hoặc phôi hiến tặng của những gia đình đã thực hiện IVF thành công. Và bạn vẫn có thể biến ước mơ có em bé thành hiện thực.
Hy vọng rằng, những thông tin trên có thể giúp cho sự phân vân có nên thụ tinh trong ống nghiệm hay không của bạn được giải đáp thêm một chút. Điều quan trọng là, bạn và chồng cần chăm sóc sức khỏe để duy trì thể trạng tốt nhất có thể. Một cơ thể khỏe mạnh với tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả, trong việc điều trị hiếm muộn một cách dễ dàng hơn. Bạn cần nhớ rằng, dù có thai tự nhiên hay dùng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, việc tự tạo áp lực cho bản thân sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả của quá trình. Khi đó, bạn sẽ dễ bị rơi vào vòng luẩn quẩn của việc: khó có thai – tìm kiếm phương pháp hỗ tr/ điều trị - áp lực tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả - khó đậu thai…Vì vậy, dù bạn quyết định chọn phương pháp nào, hãy cố gắng giữ tinh thần thật lạc quan, để đạt được kết quả tốt nhất nhé.
Theo Parents
Lily Nguyễn lược dịch