1. Vậy tại sao lại không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi (đặc biệt là trẻ bú mẹ hoàn toàn) uống thêm nước?
Chúng ta đều biết trẻ sơ sinh còn rất yếu ớt và vẫn đang tiếp tục phát triển để hoàn thiện chức năng của các cơ quan trong cơ thể, do đó việc cho bé uống nước có thể dẫn đến nguy cơ bé bị ngộc độc nước, nhiễm trùng hoặc tiêu chảy nếu nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời cho bé uống nước sẽ đồng nghĩa với việc bé bú ít đi và nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cho bé. Bên cạnh đó, việc bé bú ít cũng tác động đến việc sản xuất sữa ở mẹ, làm cho lượng sữa giảm dần trong tương lai.
2. Nước trong sữa mẹ
Trên thực tế, sữa mẹ chứa đến 80% nước, đặc biệt là dòng sữa đầu khi bé bắt đầu bú, do đó sữa mẹ đã cung cấp đủ nhu cầu về nước cho bé mà không cần được bổ sung thêm qua bất kì nguồn nào khác. Nước và các thành phần trong sữa mẹ cũng đảm bảo an toàn nên nếu cảm thấy bé bị khát, mẹ có thể cho bé bú thêm, điều này vừa giúp bé thỏa mãn cơn khát vừa giúp bảo vệ bé khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng, cũng như giúp bé phát triển tốt hơn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng mà tổ chức WHO khuyến cáo nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sau sinh.
3. Đối với sữa công thức
Đối với trẻ bú sữa công thức, tương tự như trẻ bú mẹ , lượng nước trong sữa công thức cũng đã đủ cung cấp cho nhu cầu của trẻ mà không cần thêm nước. Mẹ không nên pha thêm lượng nước vào sữa công thức nhằm cung cấp thêm nước cho bé, mà nên tuân thủ theo hướng dẫn về việc pha sữa. Nếu mẹ muốn cho bé uống thêm nước ngoài sữa, nên đợi ít nhất đến khi bé được 4 tháng tuổi trở lên và cần quan tâm đến việc có ảnh hưởng đến lượng bú của bé trong mỗi cữ bú hay không.
Đến đây, việc có nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước hay không - hẳn mẹ đã rõ. Trẻ trong 6 tháng đầu đời còn rất nhạy cảm, nên mẹ cần cân nhắc kĩ trước khi áp dụng bất cứ chế độ nào lên bé. Cần đặt lợi ích và sức khỏe bé lên trước nhất, so với các yếu tố khác kể cả cảm tính của mẹ hay người chăm sóc bé.
Theo WHO
Lily Nguyễn lược dịch