Chứng sợ đám đông ở trẻ và cách giúp bé vượt qua nỗi sợ hãi

Chứng sợ đám đông hạn chế trẻ giao tiếp và giao lưu với mọi người xung quanh. Ba mẹ cần lưu ý để có thể điều trị sớm nhất cho trẻ. Điều này nhằm giúp trẻ cởi mở, tự tin và học hỏi nhiều điều từ thế giới quanh mình.

banner ads

1. Định nghĩa và các triệu chứng của chứng sợ đám đông

trẻ sợ hãi ngồi ở cầu thang
Trẻ luôn lo lắng và không an toàn khi ở một mình - Ảnh Internet

Chứng sợ đám đông là một dạng của rối loạn lo âu ở trẻ, được đặc trưng bởi hành vi né tránh những tình huống đáng sợ hoặc có thể gây hoảng sợ. Trẻ ám ảnh nỗi sợ hãi quá mức và luôn luôn lo lắng sẽ xuất hiện cảm giác hoảng loạn dữ dội đột ngột ở nơi công cộng. Trẻ sợ ở một mình và khi ra khỏi nhà gặp đám đông có thể cảm thấy bị mắc kẹt, xấu hổ hay bất lực.

Các triệu chứng điển hình của chứng sợ đám đông bao gồm:

  • Sợ một mình trong mọi tình huống.
  • Sợ ở những nơi đông người.
  • Lo sợ mất kiểm soát ở nơi công cộng.
  • Sợ ở những nơi mà nó có thể mắc kẹt, chẳng hạn như một thang máy hoặc xe lửa.
  • Không có khả năng rời khỏi nhà trong thời gian dài.
  • Cảm giác bất lực, mắc kẹt.
  • Quá phụ thuộc vào người khác.
  • Xuất hiện các triệu chứng cơ thể để né tránh như đau đầu, đau bụng, tê cứng,...nhưng chúng đều không có thật.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như một "cuộc tấn công hoảng loạn" (panic attack). Khi đó, trẻ có các biểu hiện như chóng mặt, khó thở, toát nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh và mạnh, đỏ mặt, buồn nôn, đau dạ dày hoặc tiêu chảy, đau ngực, cảm thấy mất kiểm soát.

bé gái bị bạn bè cô lập
Chứng sợ đám đông hạn chế khả năng giao tiếp của trẻ - Ảnh Internet

Chứng sợ đám đông sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng giao tiếp của trẻ, cũng như khả năng tham gia các hoạt động sinh hoạt, vui chơi tập thể với bạn bè. Trẻ mắc chứng sợ đám đông chỉ có thể cảm thấy an toàn khi đi tới những nơi rất quen thuộc, hoặc đi với những người mà bản thân hết mực tin cậy.

2. Nguyên nhân của hội chứng sợ đám đông

  • Trẻ ít được giao tiếp với mọi người

Thông thường những trẻ hay rụt rè, ngại ngùng trước đám đông thường là những trẻ ít nói, không thích giao tiếp với mọi người. Điều này sẽ dễ dàng nhận thấy đối với những trẻ không giữ trọng trách gì trong lớp học, gia đình có nhiều anh chị em hoặc bản chất ít nói, không thích giao tiếp.

banner ads
  • Trẻ chậm thích nghi với môi trường mới

Có nhiều trường hợp trẻ bình thường nói chuyện rất nhiều, rất tự tin với người thân quen. Tuy nhiên khi tiếp xúc với người lạ, trẻ lại tỏ ra nhút nhát, sợ giao tiếp. Nguyên nhân của hiện tượng này là do trẻ chậm thích nghi với môi trường mới như chuyển chỗ ở, chuyển trường, chuyển lớp…

trẻ bám ba mẹ
Ba mẹ quá nuông chiều góp phần gây ra chứng sợ đám đông ở trẻ - Ảnh Internet
  • Gia đình quá nuông chiều

Một lý do khác góp phần gây ra chứng sợ đám đông ở trẻ là do gia đình quá nuông chiều con. Nhiều gia đình lo con bị trầy xước, lo con bị đau nên không để con tự làm gì, tự khám phá thế giới xung quanh và đứng dậy sau những vấp ngã. Dần dần, trẻ hình thành tính ỷ lại, luôn lo sợ không dám làm điều gì mới mẻ và bám dính vào ba mẹ.

  • Mặc cảm bản thân

Thành tích học tập không tốt hoặc không có các tài năng khác như ca múa, làm thơ, viết văn,… khiến trẻ thiếu tự tin, lo sợ bị chê cười về khả năng của mình. Trẻ cũng sợ phát biểu trước đám đông vì sợ nói không chính xác hoặc mọi người không đánh giá cao.

Ngoài ra, những trẻ có ngoại hình không cân đối như trẻ quá nhỏ hoặc béo phì khiến trẻ mặc cảm, không tự tin khi giao tiếp với mọi người. Chính vì vậy trẻ dần dần trẻ sẽ quen thu mình, tránh xa mọi người và lo ngại đám đông.

ba mẹ cãi nhau
Ba mẹ cãi nhau gây xáo động và hoảng loạn ở trẻ - Ảnh Internet
  • Cuộc sống gia đình không hạnh phúc

Bên cạnh đó, cuộc sống gia đình không hạnh phúc, ba mẹ thường xuyên cãi vả hay trẻ chứng kiến các cảnh bạo lực gia đình cũng là một nguyên nhân dẫn đến chứng sợ đám đông ở trẻ. Trẻ sẽ luôn mang theo nỗi sợ hãi bị bỏ rơi, thần kinh trẻ dễ bị áp lực gây cảm giác hoảng loạn, lạc lõng, không được bảo vệ và mất an toàn.

Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ phạm tội, thần kinh không bình thường hoặc cha mẹ không chung sống với nhau, gia đình đơn thân không toàn vẹn ,…trẻ rất dễ thu mình và cảm nhận thế giới luôn có thể xảy ra ẩu đả, hay xảy ra những cuộc hoảng loạn như trong chính cơ thể của trẻ.

3. Chẩn đoán chứng sợ đám đông ở trẻ

bác sĩ khám bệnh trẻ
Bác sĩ tâm thần nhi sẽ dựa vào các tiêu chí chẩn đoán để xác định trẻ có mắc chứng sợ đám đông hay không - Ảnh Internet

Chứng sợ đám đông được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của trẻ, kết hợp với tham vấn và khám lâm sàng của bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên viên tâm lý. Các nhà chuyên môn có thể dựa vào Sổ tay Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM) để chẩn đoán chứng sợ đám đông. Theo DSM, chứng sợ đám đông bao gồm các triệu chứng sau:

  • Lo lắng về việc tiếp xúc với những địa điểm hoặc tình huống đáng sợ mà việc thoát ra khỏi chúng gặp rất nhiều khó khăn, bối rối. Hoặc, khi "mắc kẹt" vào những nơi/ tình huống như thế, trẻ sợ sẽ không được trợ giúp nếu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng giống như hoảng loạn dữ dội đột ngột.
  • Tránh né những địa điểm hoặc tình huống gây lo sợ, hoảng loạn, hoặc đau khổ và lo lắng.
  • Phân biệt với rối loạn hoảng sợ, ám ảnh xã hội hoặc một loại cụ thể của nỗi ám ảnh - vì các dạng rối loạn này có rất nhiều điểm chung với chứng sợ đám đông.

4. Điều trị - can thiệp chứng sợ đám đông ở trẻ

một buổi trị liệu tâm lý gia đình cho trẻ em
Trẻ mắc chứng sợ đám đông được điều trị tâm lý - Ảnh Internet

4.1 Can thiệp tâm lý - Sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi

Đây là liệu pháp điều trị tâm lý được sử dụng phổ biến, chủ yếu tập trung can thiệp phần nhận thức và hành vi của trẻ, bao gồm:

  • Phần nhận thức liên quan đến việc học tập thêm về chứng sợ đám đông, tìm hiểu những yếu tố có thể kích hoạt cơn hoảng loạn và làm thế nào để kiểm soát chúng.
  • Phần hành vi liên quan đến việc thay đổi hành vi không mong muốn hoặc tránh né đám đông, thông qua việc cho trẻ tiếp xúc dần yếu tố gây lo sợ. Kỹ thuật này giúp trẻ đối mặt một cách an toàn với các địa điểm và tình huống gây sợ hãi và lo lắng. Nhà trị liệu có thể tham gia cùng đi với bé để bảo đảm bé an toàn và thoải mái, chẳng hạn như cùng đi đến các trung tâm mua sắm, lái xe, hoặc đứng trước đám đông bày tỏ ý kiến,...Trẻ càng bước vào được những nơi đáng sợ và nhận ra đang ổn, thì nỗi sợ hãi lo lắng sẽ giảm bớt.

4.2 Điều trị nhờ vào chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng và một số thảo dược có tác dụng làm dịu và phòng ngừa lo âu. Ba mẹ nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tâm lý và dinh dưỡng, để có thể nắm được những thông tin cần thiết, về các loại thực phẩm tốt nhất cho trẻ mắc chứng sợ đám đông.

5. Cần làm gì để hỗ trợ trẻ mắc chứng sợ đám đông?

ngồi nói chuyện vui vẻ với trẻ
Hãy luôn động viên để giảm căng thẳng cho con trước khi xuất hiện nơi đông người - Ảnh Internet

Chứng sợ đám đông luôn khiến trẻ sống trong nỗi sợ hãi và cảm nhận cuộc sống vô cùng khó khăn. Nếu được đáp ứng chương trình điều trị bài bản, trẻ có thể vượt qua rối loạn này hoặc quản lý nó một cách hiệu quả để không trở thành "tù nhân của nỗi sợ hãi". Ba mẹ có thể giúp trẻ với các phương thức sau đây:

  • Cố gắng khuyến khích trẻ không né tránh những tình huống đáng sợ

Ba mẹ có thể dẫn trẻ đi nhiều nơi, bắt đầu từ những nơi thoáng đãng, ít người, dần dần, thay đổi địa điểm ở những nơi đông người. Kết hợp vào đó, ba mẹ luôn động viên và giúp con hiểu rằng, không có chuyện gì thật sự đáng sợ xảy ra với trẻ, thậm chí, trẻ còn được nhìn thấy và học hỏi nhiều điều mới mẻ.

  • Áp dụng các kỹ năng làm dịu

Trẻ mắc chứng sợ đám đông thường quá căng thẳng, lo lắng về việc mất kiểm soát hoặc sợ cảm giác hoảng loạn xuất hiện. Vậy nên, ba mẹ cần nhờ đến chuyên gia để tìm hiểu các cách giúp trẻ bình tĩnh và làm dịu chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi . Trẻ sẽ có thể tự thư giãn giúp cơ thể thoải mái, giảm căng thẳng, lo âu.

Nếu không được can thiệp triệt để, trẻ mắc chứng sợ đám đông có thể sẽ mất tự tin khi giao tiếp với xã hội, khó khăn gìn giữ các mối quan hệ trong tương lai. Do đó, trẻ có rối loạn này cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời,  để thực hiện được các nhiệm vụ cơ bản trong học tập, cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Minh Tâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI