Cho bé ăn dặm và Khái quát về ăn dặm mẹ cần biết

Cho bé ăn dặm là một chủ đề thu hút khá nhiều sự chú ý của các bậc cha mẹ trong thời hiện đại. Vì khi mức sống được nâng cao, trẻ em là đối tượng được chú ý nhiều nhất về vấn đề dinh dưỡng. Việc chuẩn bị cho con tập làm quen với thức ăn đã trở thành vấn đề quan trọng được phụ huynh đầu tư nhiều công sức và thời gian. Chúng ta hãy cùng tham khảo những kiến thức về bước đệm quan trọng này để hiểu rõ hơn và áp dụng một cách đúng đắn đối với bé yêu nhé. 

banner ads

Cho bé ăn dặm
Cho bé ăn dặm là chủ đề thu hút khá nhiều sự chú ý của các cha mẹ thời hiện đại. Ảnh Internet 

Phần 1: Khái quát về ăn dặm

1. Việc cho bé ăn dặm không chỉ đơn giản là cho ăn

Khi bé được 6 tháng tuổi, chúng ta sẽ bắt đầu việc tập cho con làm quen với thức ăn. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng cho bé ăn dặm hay cho bé ăn sau này không chỉ đơn giản là cho ăn mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác bao gồm:

  • Vấn đề dinh dưỡng
  • Vấn đề hình thành mối liên kết gần gũi hơn với trẻ
  • Vấn đề giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương
  • Vấn đề về sự tăng trưởng và phát triển của trẻ
  • Vấn đề về tạo lập thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ

Bộ Y tế Canada khuyến cáo các bà mẹ rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất trẻ cần cho đến 6 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh nên bắt đầu tập ăn thức ăn, đặc biệt là thực phẩm giàu sắt khi được 6 tháng tuổi, cùng với bú mẹ cho đến ít nhất 2 tuổi hoặc lâu hơn. 

Trẻ bú mẹ
Theo Bộ Y tế Canada, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi. Ảnh Internet 

Sở dĩ các bà mẹ được khuyến khích cho trẻ bú vì:

  • Sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên, giàu dinh dưỡng, tiện lợi và miễn phí
  • Sữa mẹ chứa kháng thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh của trẻ

2. Một số vitamin và khoáng chất cần bổ sung cho trẻ

2.1. Flouride

Flouride giúp răng trẻ phát triển chắc khỏe tuy nhiên bạn không bổ sung cho trẻ trước 6 tháng tuổi vì nó có thể gây hại cho sự phát triển răng của con. Khi được 6 tháng tuổi , trẻ có thể cần được bổ sung flouride nếu nguồn nước tại nơi bạn sống không chứa chất này. Bạn hãy kiểm tra với cơ sở y tế địa phương để biết thêm thông tin về vấn đề này. 

Trẻ cần được bổ sung flouride
Trẻ được 6 thàng cần được bổ sung flouride trong trường hợp nguồn nước nơi bạn sống không có chứa chất này. Ảnh Internet 

2.2. Vitamin D

Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi để làm xương chắc khỏe. Hầu hết trẻ nhỏ đều cần được bổ sung vitamin D ngay từ lúc mới sinh bất kể chúng sống ở đâu, hay ở mùa nào.

Hiện tại, Bộ Y tế Canada khuyến cáo rằng tất cả các trẻ khỏe mạnh, đang bú mẹ cần bổ sung 400 IU vitamin D (dạng lỏng) mỗi ngày.

Đối với trẻ uống sữa công thức, mặc dù trong sữa đã có vitamin D nhưng nếu trẻ uống dưới 1000 ml (hay 32 ounce), thì vẫn cần bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày.

Liều lượng vitamin này áp dụng cho cả được bú mẹ và uống sữa công thức xen kẽ.

Bạn hãy trao đổi với bác sỹ hoặc chuyên viên y tế về liều lượng vitamin D cho trẻ lớn hơn. 

Trẻ uống vitamin D
Vitamin D rất cần thiết cho trẻ. Ảnh Internet 

3. Làm thế nào để giúp trẻ thành công với việc ăn uống

Để giúp trẻ làm quen với việc ăn uống một cách thành công, bạn hãy nhớ một số nguyên tắc cơ bản sau:

  • Bạn hãy cho trẻ ngồi ăn một cách nghiêm túc (tốt nhất là trên ghế ăn dành cho trẻ)
  • Bạn hãy cho trẻ ăn cùng trong bữa ăn của gia đình
  • Bạn hãy ở bênh cạnh quan sát và động viên khi trẻ ăn

Một điều quan trọng là bạn hãy để trẻ chủ động trong quá trình ăn:

  • Bạn hãy đợi trẻ há miệng rồi mới đút
  • Bạn hãy cho trẻ chạm vào thức ăn dù là trong chén, thìa hay trên đĩa, khay ăn
  • Bạn hãy để trẻ tự bốc ăn khi thấy con bắt đầu có hứng thú với việc đó 
Trẻ bốc ăn
Bạn hãy để trẻ tự bốc ăn khi con có hứng thú với việc đó. Ảnh Internet 
  • Bạn hãy cho trẻ ăn theo tốc độ của con. Đừng cố bắt con ăn nhanh hơn hay chậm hơn so với ý muốn của bé
  • Bạn hãy ngưng cho trẻ ăn khi thấy con có biểu hiện đã no hoặc không muốn ăn nữa. Đừng cố ép con ăn hết phần thức ăn mà bạn chuẩn bị. Bé sẽ ăn khi đói và ngừng khi đã no. Bạn hãy nhớ rằng, sự ngon miệng và thái độ với vấn đề ăn uống của trẻ có thể thay đổi theo thời gian.
  • Bạn hãy kiên nhẫn khi giới thiệu một loại thực phẩm mới với trẻ. Có thể đến lần thứ 10, thậm chí 20 trẻ mới chấp nhận nó.
  • Bạn hãy tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn.

Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn nhận biết trẻ đói hay đã no, mẹ theo dõi nhé. 

Khi đói, trẻ sẽ:
  • Hào hứng và chép miệng khi được đặt ngồi vào ghế ăn
  • Mở miệng khi được đút đồ ăn
  • Nhoài người tới và cố với thức ăn
Nếu đã no, trẻ thường sẽ:
  • Ngậm chặt miệng khi được đút đồ ăn
  • Gạt hoặc đầy đổ ăn ra xa
  • Khóc và đòi xuống khỏi ghế ăn 
Trẻ đòi xuống khỏi ghế ăn
Khi no, trẻ có thể sẽ khóc và đòi xuống khỏi ghế ăn. Ảnh Internet 

4. Tại sao cần đợi tới khi trẻ được 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho con ăn dặm

Từ khi sinh ra đến 6 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn thức ăn cần thiết duy nhất đối với trẻ. Khi được 6 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn nên là nguồn thức ăn chính cho trẻ. Tuy nhiên bạn cần cho trẻ ăn thêm thức ăn lỏng . Vì ngoài cung cấp thêm dinh dưỡng, chúng còn giúp trẻ làm quen với các loại kết cấu khác nhau. Đây là một bước cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.

4.1. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn cho trẻ ăn dặm quá sớm?

Nếu bạn cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi), bạn sẽ đối mặt với những tình trạng sau:

  • Trẻ sẽ giảm bú mẹ (hoặc sữa công thức)
  • Trẻ có thể gặp nhiều khó khăn trong việc nuốt thức ăn, làm tăng nguy cơ bị sặc.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc trẻ ăn dặm không giúp bé ngủ xuyên đêm. 

Trẻ nhắm mắt ăn
Cho trẻ ăn dặm sớm sẽ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc nuốt. Ảnh Internet 

4.2. Những dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

Bạn hãy quan sát trẻ để nhận ra được những dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng cho việc ăn dặm. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Trẻ có thể ngồi vững và cần rất ít sự hỗ trợ
  • Trẻ có thể giữ thẳng đầu
  • Trẻ biết mở miệng khi được đút thức ăn
  • Trẻ biết lắc đầu để từ chối thức ăn

Lưu ý dành cho bạn : nếu em bé của bạn sinh thiếu tháng, bạn nên trao đổi với bác sỹ hoặc chuyên gia để được tư vấn về thời gian thích hợp cho bé ăn dặm

Trẻ mở miệng khi mẹ đút thức ăn
Trẻ biết mở miệng khi mẹ đút thức ăn. Ảnh Internet 

5. Một số mẹo khi cho trẻ ăn dặm

Khi bắt đầu cho trẻ làm quen với thức ăn, bạn hãy lưu ý một số điểm sau:

  • Bạn hãy chọn loại và kết cấu thức ăn phù hợp với khả năng và độ tuổi của trẻ.
  • Bạn hãy cho trẻ thử các loại kết cấu khác nhau. Việc này rất quan trọng vì nó giúp bé học cách nhai thức ăn cũng như giúp con thưởng thức được cùng loại thức ăn trong bữa ăn gia đình.
  • Bạn không cần phải “lăn tăn” về việc trẻ chưa có răng và sợ con không ăn được. Bạn nên biết rằng trẻ không cần phải có răng để ăn được đồ ăn lỏng.
  • Bạn có thể tự nấu đồ ăn dặm cho trẻ.
  • Nếu bạn không tự nấu mà mua đồ ăn dặm đóng gói, hãy chú ý đến hạn sử dụng của sản phẩm.
  • Bạn hãy dùng tô, chén nhỏ để đựng đồ ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn trực tiếp từ hộp, hũ đựng.
  • Bạn nên bỏ phần thức ăn thừa đi vì vi khuẩn có thể làm hỏng chúng.
Trẻ ngồi bàn ăn
Nếu trẻ ăn không hết, mẹ hãy bỏ phần thức ăn thừa đi. Ảnh Internet 
  • Khi bạn hâm/ nấu đồ ăn cho trẻ xong, hãy khuấy đều và kiểm tra thật kỹ trước khi cho con ăn để đảm bảo đồ ăn không bị nóng.
  • Bạn hãy đặt một ít thức ăn trước mặt trẻ và quan sát hành động của con. Trẻ có thể nghịch, nếm thử hoặc ăn hết lượng thức ăn đó.
  • Bạn có thể bắt đầu lượng thức ăn ở khoảng 1-2 muỗng cà phê và tăng dần tùy theo phản ứng của trẻ. Hãy để con quyết định ăn bao nhiêu nhé.
  • Bạn hãy bắt đầu với một bữa mỗi ngày và tăng dần đến 3 bữa cộng với bữa ăn nhẹ.
  • Bạn không nên cho bất kỳ gia vị nào vào đồ ăn của trẻ.
  • Bạn hãy cho trẻ thử 1 loại thức ăn mỗi lần và giới thiệu loại khác sau ít nhất 2 ngày. Đây là cách bạn giúp trẻ làm quen và chấp nhận một loại thực phẩm mới cũng như giúp bạn nhận biết được nếu trẻ bị dị ứng . Bạn hãy ngừng cho trẻ ăn ngay nếu thấy bé có phản ứng với món ăn (ngứa, nổi mẩn,…) và gọi cấp cứu ngay nếu bé gặp vấn đề về đường thở.
Táo nghiền
Bạn cho trẻ thử 1 loại thức ăn mỗi lần. Ảnh Internet 

Bạn hãy lưu ý một số biểu hiện của phản ứng dị ứng mà trẻ có thể gặp phải như dưới đây:

  • Trẻ bị phát ban hoặc ngứa
  • Trẻ bị nôn
  • Trẻ bị đau bụng
  • Trẻ bị tiêu chảy
  • Trẻ bị khó thở 
Bé khóc
Bạn hãy lưu ý một số biểu hiện phản ứng dị ứng mà trẻ có thể gặp phải. Ảnh Internet 

Trên đây là Phần I - Khái quát về ăn dặm theo tài liệu cho trẻ ăn dặm của Healthy Child Manitoba, Canada. Đây cũng là một trong những tài liệu khá hữu ích để chúng ta tham khảo, góp phần chăm sóc trẻ tốt hơn, khoa học hơn. Chuyên mục Bé ăn dặm của Yeutre.vn mời bạn cùng tiếp tục theo dõi các phần khác, được cập nhật ở các bài sau nhé.

  • Phần 2: Nhóm thực phẩm, link tham khảo tại đây .
  • Phần 3: Kết cấu món ăn, link tham khảo tại đây .
  • Phần 4: Cách chế biến thức ăn dặm, link tham khảo tại đây .

Nguồn tham khảo: Healthy Child Manitoba, Canada

Lily Nguyễn lược dịch 

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI