Từ 5 – 6 tháng tuổi trở đi, cơ thể bé đã sẵn sàng cho việc đón nhận dinh dưỡng từ các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Đây là những nguồn dinh dưỡng cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo của bé cả về thể chất lẫn trí não.
1. Nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách và khoa học
Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất quan trọng và tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đây không phải là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho bé khi được 5 – 6 tháng tuổi. Từ giai đoạn này, bé cần bổ sung thêm nhiều dưỡng chất khác đảm bảo cho sự phát triển toàn diện. Tất cả các bà mẹ đều được khuyên nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ 6 tháng đầu. Từ 6 tháng, mẹ hãy bắt đầu cho bé tập ăn dặm bên cạnh việc bú mẹ. Các nhóm chất cần thiết cho bé ăn dặm là: nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm vitamin và chất xơ, nhóm chất béo.
Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu sẽ giúp cho sự hình thành não bộ cũng như phát triển vận động thể chất được tốt hơn. Do đó, mẹ cần cho bé ăn dặm đúng cách và khoa học để việc cho bé ăn dặm cho kết quả như mong muốn nhé!
1.1 Cho bé ăn dặm từ loãng đến đặc, từ vị ngọt tới vị mặn
Trong những tháng đầu đời, bé chỉ biết đến loại thức ăn duy nhất là sữa mẹ. Hệ tiêu hóa của bé chỉ quen xử lý sữa mẹ dễ tiêu. Do đó, khi bắt đầu tiếp xúc với thực phẩm mới, mẹ nên tập cho bé làm quen dần dần từng bước để bộ máy tiêu hóa của bé thích nghi dần. Nên bắt đầu cho bé ăn dặm bằng thức ăn dễ tiêu, được pha từ loãng đến đặc dần. Mẹ có thể bắt đầu giai đoạn ăn dặm bằng vài ba thìa thức ăn loãng, sau tăng dần độ đặc lên theo thời gian.
Mẹ cũng nên cho bé làm quen các món có vị ngọt trước nhé. Các loại bột dinh dưỡng ngọt có vị sữa sẽ giúp bé dễ đón nhận hơn khi có hương vị sữa quen thuộc. Khi bé đã quen dần với việc ăn dặm và mùi vị thức ăn, mẹ cho bé chuyển sang các loại bột có vị mặn và kết hợp rau củ, thịt, cá để đảm bảo cung cấp đủ chất cho sự phát triển của bé mẹ nhé!
1.2 Cho bé ăn dặm từ ít đến nhiều
Hẳn là mẹ nào cũng mong muốn nhìn thấy con ăn thật nhiều, thật ngoan đúng không nào? Chính vì vậy mà nhiều mẹ ép bé ăn thật nhiều bằng mọi cách. Tuy nhiên, việc tập cho bé ăn dặm đúng cách và khoa học cần một chút kiên nhẫn mẹ nhé! Bé cần được tập ăn một cách khoa học, hợp lý, ăn từ ít đến nhiều để giúp bộ máy tiêu hóa còn non nớt của bé được hấp thu chất dinh dưỡng được tốt hơn. Khi bắt đầu ăn dặm, bé không thể tiêu hóa được một lượng thức ăn quá nhiều đâu mẹ ạ.
Đừng quá lo lắng khi bé tỏ ra không mấy thiết tha với việc ăn dặm. Có thể là bé chưa quen với mùi vị thức ăn mới. Do đó, giai đoạn tập cho bé ăn dặm mẹ cần kiên nhẫn nhé!
1.3 Cho bé làm quen từng loại thực phẩm mới
Giai đoạn bắt đầu tập cho bé ăn dặm, mẹ cần tập cho bé ăn từng nhóm thực phẩm một để bé làm quen dần. Đồng thời, nguyên tắc này cũng là để thử phản ứng của cơ thể bé trước những thực phẩm mới. Nếu bé bị dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa thì cần cân nhắc đổi sang thực phẩm khác cho bé.
Thường thì bé cần 3-5 ngày để làm quen với một loại thực phẩm mới. Sau đó, mẹ có thể kết hợp nhiều nhóm thực phẩm với nhau để tăng cường chất dinh dưỡng cho bé yêu. Và mẹ đừng quên thay đổi thực đơn ăn dặm hằng ngày để bé được ngon miệng và không bị chán nhé!
2. Các nhóm thực phẩm chính cho bé ăn dặm
Để đảm bảo bữa ăn của bé luôn đầy đủ chất dinh dưỡng, mẹ nên kết hợp 4 nhóm thực phẩm sau theo tỷ lệ hợp lý:
2.1 Nhóm chất bột đường (gạo, các loại khoai, yến mạch)
Mẹ có thể nấu cháo và xay mịn, kết hợp khoai nghiền hoặc nấu bột yến mạch cho bữa ăn của bé được phong phú. Đặc biệt, trong nhóm chất này thì yến mạch là thực phẩm giàu năng lượng, hàm lượng dinh dưỡng cao và thường hợp khẩu vị với bé. Mẹ nên bổ sung nhiều vào thực đơn ăn dặm cho bé.
2.2 Nhóm chất đạm
Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé. Nhưng mẹ lưu ý không nên cho bé ăn quá nhiều đạm vì lúc này hệ tiêu hóa của bé còn non nớt để có thể xử lý tốt những thực phẩm này. Nên cho bé ăn cả đạm động vật (thịt, cá…) và đạm thực vật (các loại đậu đỗ…).
2.3 Nhóm rau củ
Nhóm thực phẩm này cung cấp vitamin và một số khoáng chất, chất xơ hỗ trợ cho hệ tiêu hóa của bé. Tuy nhiên mẹ cần chú ý chế biến rau củ quả cho đúng cách như rửa rau dưới vòi nước, không dự trữ rau củ quá lâu… để không làm mất chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
2.4 Nhóm chất béo
Nhóm chất béo ngoài việc cung cấp năng lượng còn giúp các vitamin A,D,E,K… được hòa tan và hấp thu vào cơ thể tốt hơn. Mẹ có thể trộn 1 thìa dầu ăn cho trẻ em (dầu mè/dầu gấc/oliu) vào thức ăn của bé sau khi nấu chín. Mẹ cũng có thể cho bé dùng thêm phô mai, bơ vào thực đơn để bé ăn ngon miệng hơn nhé!
Như vậy, cho bé ăn dặm đúng cách và khoa học không quá khó đúng không nào? Dựa vào đây những mẹ đang cho con dăn dặm, có thể kiểm tra lại việc cho con ăn dặm của mình. Nếu không, mẹ chỉ cần lưu ý và kiên nhẫn một chút thôi. Từ giai đoạn cho bé ăn dặm, mẹ có thể bận rộn hơn để trổ tài nấu nướng cho bé. Tuy nhiên, mẹ sẽ thật hạnh phúc nếu bé ăn ngoan và khỏe mạnh từ những món ăn do mẹ chuẩn bị đấy!
Tuyết Nguyễn tổng hợp