1. Nắm rõ về quá trình mọc răng của bé
Đây là điều bạn cần làm trước khi tìm hiểu về cách chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng.
Chúng ta đều biết rằng trẻ có giai đoạn mọc răng sữa và răng vĩnh viễn. Các răng sữa của bé (gồm 20 chiếc) đã được hình thành từ khi còn trong bụng mẹ và “núp” dưới lợi.
Nhìn chung, trẻ nhỏ mọc răng ở những thời điểm khác nhau. Hầu hết các bé sẽ mọc răng sữa khi được khoảng 6 – 10 tháng tuổi. Một số bé khác thì răng sữa mọc sớm hơn, khoảng 3 tháng tuổi. Và một số khác nữa thì răng sữa của bé đợi đến 12 tháng tuổi mới nhú lên. Và một số ít bé sinh ra với 1 – 2 chiếc răng đã mọc sẵn.
Thứ tự mọc răng của mỗi bé cũng rất khác nhau. Tuy vậy, phổ biến nhất là răng cửa hàm dưới mọc trước. Toàn bộ răng sữa của bé thường sẽ mọc hoàn thiện khi con được 3 tuổi. sau đó, 32 chiếc răng vĩnh viễn sẽ lần lượt thay thế răng sữa của bé bắt đầu từ 6 cho đến tận 20 tuổi (đối với các răng khôn).
2. Hãy theo dõi để nhận ra các dấu hiệu cho thấy bé sắp mọc răng
Để chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng được đúng cách, điều quan trọng là bạn cần nhận biết được các dấu hiệu cho thấy con sắp mọc răng.
Như đã đề cập ở trên, dù biết được thời điểm mọc răng phổ biến ở bé, nhưng mỗi bé có “lịch trình” khác nhau. Bạn có thể lưu ý một số dấu hiệu sau của bé:
- Bé khóc nhiều hoặc có vẻ cáu kỉnh hơn bình thường.
- Bé không ăn uống như bình thường.
- Bé mút hoặc gặm các đồ vật như núm vú da, đồ chơi, yếm .
- Bé đi ị nhiều hơn bình thường.
- Bé kéo tai bên phía răng mọc.
Các dấu hiệu trên có khả năng do bé sắp mọc răng nhưng cũng có thể là biểu hiện thông thường của quá trình bé phát triển. Bên cạnh đó, chúng cũng không ngoại lệ, là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bé không khỏe, hay đang bị tình trạng nhiễm trùng nào đó.
Tốt nhất, khi nhận thấy bé không được khỏe, đặc biệt khi bé bị sốt hoặc bị tiêu chảy, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán một cách chính xác nhất.
3. Chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng thực hiện như thế nào
Chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng như thế nào để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn? Chúng ta hãy cùng tham khảo một số mẹo dưới đây nhé:
- Bạn dùng ngón tay nhẹ nhàng xoa lợi cho bé (bạn càn rửa tay sạch trước khi thực hiện thao tác này.)
- Bạn cho bé gặm một món đồ sạch, được làm lạnh (không phải đông đá). Tốt nhất bạn nên dùng vòng gặm chuyên dụng cho bé mọc răng, núm vú giả hay bàn chải đánh răng.
- Bạn cho bé ăn thức ăn lạnh, mềm.
- Bạn cho bé một loại bánh cứng, không đường để con mút, gặm.
Các loại gel mọc răng thường không được khuyến khích sử dụng cho bé. Vì chúng không giúp bé giảm đau như mong muốn, mà còn có thể đem lại tác dụng phụ có hại cho con.
Nếu bạn đã thực hiện những cách trên mà bé vẫn không vui, không thoải mái hay không hết khó chịu, thì hãy đưa con đến gặp bác sĩ nhé. Lúc này, mọc răng có thể không phải là vấn đề bé đang trải qua.
4. Liệu có cần đợi khi con mọc răng mới chăm sóc răng miệng cho bé?
Chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng là cần thiết. Tuy nhiên, bạn thực ra có thể bắt đầu việc này trước khi chiếc răng đầu tiên của con xuất hiện.
Khi em bé của bạn được khoảng 3 tháng tuổi , bạn có thể bắt đầu lau nướu cho con. Bạn hãy sử dụng khăn mặt mềm hoặc gạc sạch lau lợi cho con ngày hai lần. Việc này sẽ giúp bé sẵn sàng cho hoạt động đánh răng khi răng đã mọc.
Ngay khi chiếc răng đầu tiên nhú lên, bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng mềm cho trẻ dưới 2 tuổi để chải răng cho bé. Nếu con không thích bàn chải, bạn hãy tiếp tục sử dụng khăn hoặc gạc để lau răng bé (cả mặt trước và mặt sau).
Bạn chỉ nên sử dụng khăn ẩm hoặc bàn chải và nước để làm sạch răng cho bé đến khi con được 18 tháng tuổi (trừ khi nha sĩ của bé có chỉ định khác). Nếu bạn muốn sử dụng kem đánh răng có chứa flouride, hãy hỏi ý kiến nha sĩ của bé trước khi áp dụng.
5. Vị trí giúp bạn chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng tốt nhất
Bạn có thể bối rối tự hỏi chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng khi bé ở vị trí như thế nào là tốt nhất. Bạn hãy tham khảo cách làm như dưới đây nhé.
5.1. Đặt bé ở vị trí mà bạn có thể quan sát miệng của con
- Bạn nên đặt bé ở vị trí mà bạn có thể quan sát miệng của con, và con cảm thấy an toàn. Bạn có thể bế bé ngồi trên giường hoặc trên sàn nhà, sao cho đầu bé nằm trên đùi bạn.
- Bạn nâng cằm bé lên để đầu bé nằm thoải mái, mặt đối diện với mặt bạn.
- Bạn dùng tay nâng môi bé và chà/ lau răng, nướu của bé theo chuyển động tròn, nhẹ nhàng.
- Bạn chú ý chà/ lau cả mặt trước và sau của răng, cũng như đường viền nướu.
5.2. Hãy làm cho thời gian vệ sinh răng miệng trở nên vui vẻ, dễ chịu hơn
Nếu bé không thích chải/ lau răng, bạn hãy làm cho thời gian vệ sinh răng miệng trở nên vui vẻ, dễ chịu hơn bằng cách:
- Bạn thực hiện thao tác thật nhẹ nhàng vì nướu của bé (dù không đang mọc răng) rất nhạy cảm.
- Bạn hát một bài hát có giai điệu vui vẻ, hoặc “tự sáng tác” lời theo giai điệu mà bé thích. Ví dụ như “Bơ có chiếc răng nhỏ xinh”, “Bơ có chiếc bàn chải lông mềm mại”…Việc này có thể làm bé xao nhãng và thấy việc chải răng thú vị hơn.
- Bạn cho bé thấy mình chải răng như thế nào và cùng chơi trò, mẹ chải răng, ba chải răng rồi đến lượt bé.
- Bạn hãy để trẻ chơi cùng “công cụ”. Bé sẽ thích thú hơn khi được tận tay cầm bàn chải, xem xét và “sử dụng” nó. Mặc dù hầu như con chỉ đưa bàn chải vào miệng vì tò mò. Nhưng đến khi bạn chải răng cho bé, con đã quen hơn và dễ dàng chấp nhận hoạt động này hơn.
6. Vệ sinh khăn, bàn chải và phòng chống sâu răng sớm cho con
Để việc chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng được hiệu quả hơn, bạn cần chú ý vệ sinh bàn chải/ khăn đúng cách. Bên cạnh đó bạn nên phòng chống sâu răng sớm cho con.
6.1. Vệ sinh bàn chải/ khăn lau răng đúng cách
- Bạn rửa/ giặt bàn chải/ khăn lau răng của bé dưới vòi nước sau mỗi lần chải răng.
- Bạn cắm bàn chải/ vắt khăn lau răng của bé ở nơi thoáng mát.
- Bạn thay bàn chải của bé mỗi 3 – 4 tháng hoặc khi lông ở bàn chải không còn được thẳng như ban đầu. Khăn, gạc lau răng nên được thay thường xuyên hơn.
6.2. Phòng chống sâu răng sớm cho bé
Viêc chải răng cho bé không đảm bảo ngăn ngừa tình trạng sâu răng. Bạn nên chủ động phòng chống tình trạng này từ sớm bằng cách:
- Bạn không nên cho bé ăn thức ăn hay thức uống có lượng đường cao khi con bắt đầu ăn dặm (từ 6 tháng tuổi).
- Bạn không nên cho bé ngậm bình sữa khi ngủ. Vì lúc này, sữa chưa được nuốt sẽ “ngâm” răng của bé làm tăng nguy cơ sâu răng. Ngoài ra, ngậm bình sữa khi ngủ còn làm tăng nguy cơ bé bị sặc, hóc rất nguy hiểm.
- Bạn không nên nhúng vú da của bé vào mật ong hay nước trái cây trước khi cho con ngậm.
Chăm sóc răng miệng cho bé mới mọc răng là vấn đề các cha mẹ hãy nghiêm túc quan tâm và áp dụng. Việc này không những có lợi cho quá trình phát triển răng của con sau này. Nó còn là nền tảng tạo thói quen chăm sóc răng miệng tốt cũng như ăn uống lành mạnh khi bé lớn hơn. Chúng ta hãy thực hiện sớm, đều đặn và đúng cách vì lợi ích sức khỏe của con nhé.
Theo Raising Children
Lily Nguyễn lược dịch