Một trong những điều đáng lo ngại khác nữa là bệnh cảm cúm hoàn toàn có thể chuyển từ lành tính sang mãn tính, nếu mẹ không chú ý đến việc chữa trị cho bé đấy. Vì vậy, mẹ hãy cố gắng trở nên “thành thạo” hơn trong việc thực hiện các cách trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh để giúp con mau lành bệnh hơn nhé.
1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị cảm cúm
Trước khi chọn cách trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần xác định được nguyên nhân có thể gây ra bệnh cho trẻ. Sở dĩ các bé dễ dàng mắc bệnh cảm cúm là do sức đề kháng của trẻ còn quá yếu, nên khi vô tình tiếp xúc với những đối tượng có chứa vi- rút lây bệnh thì chắc chắn những vi- rút này sẽ nhân cơ hội xâm nhập qua đường hô hấp hoặc miệng của bé để gây bệnh. Trong đó, có thể kể đến một số nguy cơ khiến bé bị cảm cúm như:
Không khí: Khi mẹ cho bé tiếp xúc với nhiều người thì việc những người lớn nói chuyện, hắt hơi hoặc ho…có thể khiến vi-rút gây bệnh từ họ (nếu có) khuếch tán trong không khí và xâm nhập qua đường hô hấp để vào cơ thể của bé khiến trẻ bị cảm cúm.
Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh: Đây là điều có thể vô tình gây bệnh cho bé mà mẹ nên lưu ý. Chẳng hạn như mẹ để một người nào đó bế bé, hoặc thậm chí là ba mẹ bế bé khi đang bị cảm thì vi-rút gây bệnh hoàn toàn có thể xâm nhập một cách dễ dàng qua đường thở của bé đấy các mẹ.
Tiếp xúc với bề mặt ô nhiễm: Các vi-rút gây bệnh hoàn toàn có khả năng sống bám trên bề mặt của đồ vật khá lâu. Vì vậy, nếu những đồ vật bé hay cầm như bình sữa hay đồ chơi vô tình “dính” vi-rút thì khi bé chạm vào, rồi sau đó cho tay vào miệng, thì nguy cơ bị nhiễm cảm cúm cũng tương đối cao đấy.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khách quan khiến bé dễ bị cảm cúm đó là việc thay đổi thời tiết hay giao mùa. Do sức đề kháng của bé còn yếu nên những lúc thay đổi nhiệt độ, độ ẩm như vậy thì bé sẽ có nguy cơ bị cảm cúm rất cao.
2. Cách trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh
Nếu mẹ thấy bé có một số dấu hiệu như nghẹt mũi, chảy nước mũi (có thể có màu vàng hoặc xanh lá cây), thở khò khè, ho hay thậm chí là sốt nhẹ thì chắc chắn bé đã bị cảm cúm rồi đấy. Vì vậy, khi phát hiện con bị bệnh, mẹ hãy xem xét rà soát lại để xác định nguyên nhân có thể khiến con bị cúm. Sau đó hãy làm theo một trong các cách trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh dưới đây, giúp giảm bớt các triệu chứng gây khó chịu cho bé nhé.
Hút mũi cho bé: Việc nghẹt mũi luôn khiến các bé “ăn không ngon, ngủ không yên”, tuy nhiên, trẻ sơ sinh lại chưa thể tự hỉ mũi được. Vì vậy, mẹ hãy chịu khó dùng dụng cụ hút mũi để loại bỏ chất nhầy ở trong mũi cho con, để bé dễ thở hơn nha. Đồng thời, mẹ hãy lưu ý là phải làm sạch dụng cụ hút mũi cũng như nhỏ nước muối loãng (khoảng 2- 3 giọt) vào hai lỗ mũi của bé trước khi bắt đầu hút mũi cho con để đảm bảo vệ sinh nhé.
Cho bé bú nhiều sữa: Lúc này bé còn quá nhỏ chưa thể ăn dặm được nên sữa mẹ sẽ là nguồn dưỡng chất chủ yếu trong việc bổ sung năng lượng và phục hồi sức khỏe cho bé. Do đó, mẹ hãy cố gắng cho bé bú thật nhiều sữa để con mau khỏe hơn. Đối với những bé trên 3 tháng thì mẹ hãy cho con uống nhiều nước khi bị cảm, để giúp bé bớt được những triệu chứng gây khó chịu cho cơ thể nha các mẹ.
Đảm bảo về độ ẩm trong phòng: Khi bé bị cảm cúm thì mẹ nên hạn chế cho con nằm trong phòng có máy lạnh, vì như thế sẽ khiến mũi bé bị nghẹt nhiều hơn và khô hơn. Ngược lại, mẹ hãy tắt máy lạnh, để phòng được thông thoáng và đủ độ ẩm thì mới tốt cho con khi trị cảm cúm nhé.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Việc trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh tuy quan trọng nhưng việc phòng ngừa bệnh cho bé thì cần thiết hơn nhiều nữa đấy mẹ. Do đó, mẹ hãy luôn lau dọn nhà cửa và rửa sạch đồ chơi của con, để hạn chế việc bé tiếp xúc với vi khuẩn, vi-rút gây bệnh nhé.
Nắm được các cách trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh là một trong những điều cơ bản nhất khi chăm sóc bé yêu mà mẹ phải biết. Bởi vì trẻ em luôn thường xuyên bị cảm cúm nên nếu mẹ biết cách trị cảm cho con, thì sẽ giúp bé đỡ khó chịu trong người và nhanh khỏi bệnh hơn đấy. Yeutre.vn chúc các mẹ chăm bé cưng thật tốt để con luôn khỏe và ngoan ngoãn nhé.
Hoàng Oanh tổng hợp