Cách nấu sâm bí đao thơm ngon không bị chua

Cách nấu sâm bí đao được cho là rất dễ. Tuy nhiên, nhiều chị em khi nấu sâm thường bị chua, không đậm vị hoặc màu sắc chưa thật bắt mắt. Để khắc phục, chúng ta cần vài mẹo nhỏ khi nấu. Nếu bạn cũng đang muối cải thiện điểm "yếu" này cho món nước sâm giải nhiệt tuyệt vời của mình, hãy cùng Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn thực hành lại cách làm như dưới đây nhé. 

banner ads
Sâm bí đao
Nước sâm bí đao là thức uống được dùng rất nhiều vào mùa nóng. Ảnh Internet 

1. Cách nấu sâm bí đao thơm ngon không bị chua

1.1. Nguyên liệu

  • 1kg bí đao già, vỏ bám phấn - bí già nước sâm không bị chua
  • 1kg bí đao phơi khô, xao vàng - cho nước sâm có màu đẹp
  • 200g đường phèn
  • 1 quả la hán quả
  • 10g thục địa
  • 500g mía lau
  • 100g lá dứa
  • 3g bông cúc khô (10-15 bông) - tăng mùi thơm cho nước sâm
  • 2/3 thìa cà phê muối
  • 4 lít nước 
Nguyên liệu nấu sâm bí đao
Nguyên liệu nấu sâm bí đao. Ảnh Internet 

1.2. Cách nấu sâm bí đao ngon không bị chua

1.2.1. Sơ chế nguyên liệu

  • Bí đao tươi rửa sạch, bổ làm 4 và bỏ ruột. Lưu ý cắt thật sạch phần ruột bí để nước sâm không bị chua. Rửa sạch lại với nước muối pha loãng. Cắt bí miếng nhỏ.
  • Mía lau rửa sạch, chẻ mỏng.
  • Thục địa cắt nhỏ.
  • La hán quả bóp ra.
  • Lá dứa rửa sạch, bóp cho dập, sau đó bó và cột lại.
  • Hoa cúc mang đi rửa sạch. 
Cắt bí đao và chẻ mía
Cắt bí đao và chẻ mía lau. Ảnh Internet 

1.2.2. Cách nấu sâm bí đao

  • Cho mía vào nồi trước, dàn đều thành lớp lót đáy.
  • Kế đến cho bí đao tươi, bí đao khô, thục địa, la hán quả, chút muối. Đổ nước vào và mang đi nấu với lửa lớn.
  • Khi bí sôi, giảm lửa vừa. Nấu khoảng 30 phút. Cho lá dứa thơm và bông cúc vào. Đậy vung nồi, nấu thêm khoảng 5-10 phút. Cho đường vào, giảm lửa nhỏ. Đợi đường tan hết, thử vừa khẩu vị thì tắt bếp. Nếu dùng lạnh, bạn cho hơi ngọt. Nếu dùng để uống đá, bạn có thể cho ngọt hơn một chút.
  • Vớt xác bí ra, lược nước sâm qua rây mắt dày hoặc túi lọc, ta có nước sâm bí đao đậm đặc và rất thơm ngon lại không bị chua.
  • Nước sâm nguội, có thể rót vào chai, đậy nắp kín để ngăn mát tủ lạnh. Thời gian bảo quản có thể từ 7-15 ngày.  
Nấu sâm bí đao
Nấu sâm bí đao. Ảnh Internet 

2. Tác dụng điển hình của nước sâm bí đao

Cũng từ khá lâu, cứ đến những ngày nóng hay mùa hè, nước sâm bí đao lại được dịp lên ngôi. Được xếp vào top đầu những loại nước uống giải nhiệt thanh mát, sâm bí đao gần như là lựa chọn giải khát của đa số các gia đình.

Thực chất, ngoài tác dụng thanh nhiệt giải độc cơ thê rất tiêu biểu mà ai cũng nằm lòng, sâm bí đao còn có các tác dụng rất điển hình khác như:

  • Giúp lợi tiểu
  • Tốt cho tiêu hóa
  • Góp phần phòng tránh một số bệnh về tim mạch
  • Làm đẹp da
  • Góp phần giảm cân

Tại sao nước sâm bí đao lại có các tác dụng tích cực như vậy? Bạn sẽ nắm rõ hơn khi xem qua các nguyên liệu chúng ta dùng để nấu loại nước này. 

Nước sâm bí đao ngon
Sâm bí đao có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Ảnh Internet 

3. Về các nguyên liệu đặc biệt trong nước sâm bí đao

3.1. Mía lau

Theo Đông y, mía lau có tính bình, không độc, vị ngọt mát có ác dụng bổ tỳ âm, an thần, hạ đờm, tả phế nhiệt,...Mía lau có khá nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhất là giúp thanh lọc gan, lợi tiểu, giảm nóng, giải ban, giảm tình trạng mất nước, góp phần trị táo bón.

Chính vì những lợi ích trên, mía lau được sử dụng khá nhiều để làm một số bài thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, mía lau cũng được dùng nhiều trong nấu các món ăn, nấu các loại nước giải nhiệt thanh mát, được dùng nhiều trong mùa nóng, ngày hè. 

Mía lau
Mía lau được dùng khá nhiều trong nấu ăn kể cả nước giải khát. Ảnh Internet 

3.2. La hán quả

La hán quả còn được gọi là quả mộc miết, thuộc họ bầu bí. Theo Đông y, la hán quả là một vị thuốc giúp nhuận tràng, thanh nhiệt và tiêu độc. Ngoài ra, la hán quả cũng được dùng để giúp tiêu đàm, giảm ho, trị dị ứng, trị viêm họng hiệu quả.

Mặc dù có khá nhiều tác dụng, song với hầu hết chúng ta, la hán quả được biết đến phổ biến nhất là tác dụng giải độc, thanh nhiệt, trị nóng trong.

Cũng như mía lau, la hán quả ngoài dùng trong các bài thuốc trị bệnh, còn được dùng nhiều trong nấu ăn và thức uống tốt cho sức khỏe. 

Quả la hán
Quả la hán là một vị thuốc. Ảnh Internet 

3.3. Thục địa

Có thể bạn thấy tên loại quả này không quen thuộc, nhưng đây cũng là một vị thuốc Đông y dùng nhiều. Theo GS. TS Đỗ Tất Lợi, thục địa được xem là thần dược. Loại quả này có tác dụng bổ tinh thủy, nuôi can thận, giúp sáng mắt.

Y học hiện đại cũng xác nhận, địa hoàng gồm sinh địa và thục địa giúp hạ đường huyết, lợi tiểu, bảo vệ gan và có tác dụng kháng viêm.

Thục địa được dùng khá nhiều trong các bài thuốc trị bệnh nhưng trong nấu ăn thì không phổ biến như la hán quả. 

Quả thục địa
Thục địa có tác dụng bổ tinh thủy, nuôi can thận, giúp sáng mắt. Ảnh Internet 

3.4. Hoa cúc

Hẳn bạn cũng biết, hoa cúc (bông cúc) có tác dụng thanh nhiệt và được dùng khá nhiều. Nhất là, không ít người yêu thích trà hoa cúc giải nhiệt, giảm cân và tốt cho tinh thần.

Người ta tìm thấy, cứ trong 50g hoa cúc, chứa khoảng 17mg sắt, 48mg vitamin A, 289mg kali, 60mg canxi và các chất cùng vitamin khác như B9, mangan, đồng, vitamin B6.

Ngoài ra, hoa cúc còn chứa các thành phần như tinh dầu tannin, flavonoid, axit hữu cơ, inulin,...Các thành phần này đều có tác dụng nhất định đối với sức khỏe của chúng ta.

Một cách cụ thể, theo cả Đông y và Tây y, hoa cúc được xem là một loại thảo mộc tốt cho sức khỏe. Lợi ích tuyệt vời của hoa cúc rất phong phú. Hoa cúc có thể giúp trị đau đầu, trị bệnh về hô hấp, tiêu hóa, trị bệnh gout, trị mụn và giảm viêm hiệu quả. Vị đắng đặc trưng của hoa cúc theo các bác sỹ, còn có tác dụng kích thích sự hấp thụ dinh dưỡng. Đấy là lý do, bạn được khuyên cho hoa cúc tươi và các món salad hay dùng kèm với một số món ăn khác. 

Bông cúc khô
Hoa cúc là thảo dược có lợi cho sức khỏe. Ảnh Internet 

4. Mua la hán quả, thục địa và bông cúc ở đâu

Chắc chắn đến đây, sau khi tham khảo qua tác dụng và lợi ích của các thành phần nguyên liệu để nấu sâm bí đao, ai cũng đặt ra ngay câu hỏi là mua các nguyên liệu này ở đâu.

La hán quả, thục địa và bông cúc hiện nay được bán khá sẵn ở các cửa hàng đồ khô ở chợ. Bạn cũng có thể tìm mua những nguyên liệu này tại các nhà thuốc Đông y. Thậm chí bạn cũng có thể tìm mua qua các trang thương mại điện tử đều có.

Hiện nay, la hán quả có giá khoảng từ 190.000đ/ kg (tùy loại), thục địa có giá khoảng từ 100.00đ/ kg, bông cúc khô có giá khoảng từ 300.000đ/ kg. Tuy nhiên, khi bạn nấu sâm bí đao thì không cần dùng nhiều, có thể mua lẻ lượng phù hợp cho mỗi lần nấu nên chi phí cũng không là bao. 

Bông cúc bán trên Shopee
Bạn có thể mua bông cúc khô trên trang thương mại điện tử Shopee. Ảnh Internet 

Đến đây, Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn có thể khẳng định, cách nấu sâm bí đao thơm ngon không bị chua hầu như ai trong chúng ta cũng làm được phải không nhỉ. Mùa nóng đã tràn về, một ly nước sâm mát lạnh cho buổi trưa nắng gắt không chỉ để chúng ta giải nhiệt. Nước sâm này còn góp phần giúp cho cơ thể mọi người thêm phần khỏe khoắn. Vậy nên, hãy thật tích cực chuẩn bị để gia đình mình dùng trong những ngày này bạn nhé.

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI