1. Cách làm siro dâu ngâm đường
Trong các cách làm siro dâu, siro ngâm đường là cách dễ nhất. Đây cũng là cách thực hiện không tốn công. Vấn đề duy nhất là chúng ta chờ một khoảng thời gian cho đường tan thấm vào dâu để tiết nước siro tươi ngon mà thôi.
1.1. Cách làm siro dâu tây ngâm đường
1.1.1. Nguyên liệu
- Dâu tây ngon
- Đường cát trắng, tỉ lệ tùy ý theo độ chua ngọt mong muốn
- Một chút muối
1.1.2. Cách làm
- Dâu tây chọn quả ngon không dập, rửa sạch để ráo.
- Cắt cuống dâu tây, bổi đôi hoặc cắt lát vừa.
- Cho dâu vào vào tô hoặc thố, cho đường và chút muối vào đảo đều. Đậy kín tô hoặc thố, để khoảng 4 tiếng hoặc cho tới khi đường tan hết và nước dâu tiết ra.
- Tùy theo độ chua ngọt mong muốn và loại dâu bạn làm siro có độ chua ngọt ra sao, bạn có thể dùng tỉ lệ dâu đường là 1:1 (1 đường: 1 dâu) hoặc 1/2:1 (1/2 đường:1 dâu) tùy ý.
- Khi đường tan hết và nước dâu tiết ra, ta đã có siro làm theo cách ngâm đường đơn giản và rất tươi. Nếu thích bạn cũng có thể nghiền qua trái dâu để nước siro sánh hơn. Có thể dùng nước dâu này và cả miếng dâu ngâm để pha nước dâu giải khát.
- Siro dâu sau khi làm xong, bạn có thể để vào hũ thủy tinh có nắp, bảo quản ngăn mát tủ lạnh, từ 5 ngày đến 1 tuần.
1.2. Cách làm siro dâu tằm ngâm đường
Với dâu tằm ngâm đường bạn cũng tiến hành các bước như ngâm dâu tây để cho siro tươi ngon. Tuy nhiên, dâu tằm thường có độ chua mạnh hơn dâu tây nên bạn có thể tăng tỉ lệ dâu đường là 1:2 (1 dâu:2 đường) nếu thích ngọt. Trường hợp thích chua thì ngâm đường theo tỉ lệ 1:1 (1 dâu:1 đường).
Với dâu tằm, bạn nên làm kỹ khâu chọn dâu và chọn dâu chín vừa để tránh tình trạng lên men nhanh.
Thời gian bảo quản siro dâu tằm trong ngăn mát tủ lạnh từ 3-5 ngày là ngon nhất.
2. Cách làm siro dâu đơn giản
Cách làm siro dâu đơn giản khác với ngâm tươi là, bạn có thể chọn cách ướp đường cho tan hẳn rồi nấu lên. Hoặc bạn có thể cho đường vào dâu mang đi nấu luôn để cho đường tan bằng nhiệt. Ngâm đường theo cách này cũng tương tự như ngâm đường trong cách làm mứt dâu vậy.
Cách làm siro nấu đơn giản sẽ mất công hơn cách ngâm tươi. Nếu muốn có thành phầm siro trong, chúng ta phải lọc nước sau khi nấu để có thành phẩm như ý. Nếu thích có độ sánh, bạn có thể nghiền dâu trước khi rây lọc hoặc xay trước khi rây lọc. Hơi mất thời gian một chút nhưng ưu điểm so với siro tươi là thời gian bảo quản sẽ để được lâu hơn.
2.1. Cách làm siro dâu tây đơn giản có độ trong
2.1.1. Nguyên liệu
- Dây tây ngon
- Đường, tùy theo độ chua ngọt như ý
- Một chút muối
- Nước, có thể thêm nếu cần làm tan đường nhanh hoặc xay tươi với tỉ lệ nước là 1:1/4 hoặc 1/3 (1 dâu:1/4 hoặc 1/3 nước)
- Lưu ý : Thêm nước giúp chúng ta làm siro nhanh hơn nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người, không thêm nước trong quá trình làm siro cho chất lượng siro ngon hơn.
2.1.2. Cách làm
- Dâu chọn quả lành, ngon mang đi rửa sạch bỏ cuống. Cắt đôi quả dâu hoặc cắt lát đều được.
- Cho dâu vào rồi thêm đường và chút muối. Có thể để đường tan rồi mang đi nấu hoặc nấu luôn đều được.
- Nếu muốn siro có độ trong bạn chỉ nấu và không nghiền nát. Thời gian nấu sôi có thể 15 phút để dâu ra nước. Khi sôi hạ lửa nhỏ.
- Mang dâu đi lọc lấy nước siro, để nguội và ruôn vào chai, bảo quản nơi thoáng mát hoặc ngăn mát tủ lạnh. Thời gian bảo quản từ vài tuần đến 1 tháng.
2.2. Cách làm siro dâu tằm đơn giản
Tương tự với cách làm siro dâu tây đơn giản có độ trong, cách làm siro dâu tằm đơn giản này cũng thực hiện các bước tương tự. Về lượng đường cũng tùy theo độ chua ngọt như ý muốn mà bạn điều chỉnh cho phù hợp.
Để siro dâu tằm ngon và để được lâu, bạn cũng lưu ý khâu lựa dâu tươi kỹ càng để loại bỏ trái sâu dập là được.
3. Cách làm siro dâu để được lâu
Có thể bạn sẽ thắc mắc, siro chúng ta mua tại siêu thị hay chợ có thời hạn để rất lâu. Vậy nếu tự làm siro dâu tại nhà, không thêm phụ gia thì có thể để lâu được không. Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Bí quyết sẽ nằm ở 2 điểm chính là tỉ lệ đường nhiều hơn 2 cách làm đã đề cập ở trên, cách làm công phu hơn một chút và thời gian nấu cũng lâu hơn.
3.1. Cách làm siro dâu tây để được lâu
3.1.1. Nguyên liệu
- Dâu tây ngon
- Đường, tỉ lệ đường dâu tối thiểu là 1:1 (1 dâu:1 đường) hoặc 1:2 (1 dâu:2 đường)
- Một chút muối
- Nước, có thể thêm nếu cần làm tan đường nhanh hoặc xay tươi, tỉ lệ là 1:1/3 hoặc 1:1/4 (1 dâu: 1/3 hoặc 1/4 nước)
- Lưu ý : Theo kinh nghiệm của nhiều người, thêm nước nấu siro sẽ nhanh hơn nhưng không thêm nước trong quá trình làm siro sẽ cho chất lượng siro ngon hơn.
3.1.2. Cách làm
- Dâu chọn quả ngon không dập, rửa sạch, cắt cuống bổ đôi.
- Cách nấu 1 : Bạn có thể xay dâu với nước tỉ lệ như đã đề cập, lọc xác dâu và thêm đường cùng chút muối mang đi nấu. Khi sôi, bạn hạ lửa nhỏ và để dâu sôi cho đến khi cạn 1/3 hoặc hơi sánh lại như ý là được.
- Cách nấu 2 : Ướp dâu với đường khi tan đường hết thì mang đi nấu. Hoặc có thể nấu ngay không cần đợi đường tan. Nấu xong, nghiền và lọc qua rây. Đổ nước dâu đã lọc này trở lại vào nồi nấu cho đến khi cạn 1/3 hoặc sánh lại như ý là được.
- Cách nấu 3 : Ướp dâu với đường cho tan và mang đi nấu sôi khoảng 15 phút. khi dâu sôi hạ lửa và vớt bọt thường xuyên. Sau khi nấu xong, mang dâu này đi xay bằng máy xay sinh tố hoặc nghiền qua rây và tiến hành lọc kỹ để lấy nước cốt. Mang nước này đi nấu lần 2. Nấu lửa nhỏ đến khi cạn 1/3 hoặc khi hơi sánh lại là được.
- Siro sau khi nấu xong, để nguội và ruôn vào chai thủy tinh, để nơi thoáng mát. Siro nấu theo cách này nếu đạt có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng khoảng từ 1 tháng. Nếu để ngan mát tủ lạnh, thời gian bảo quản có thể đến 3 tháng.
3.2. Cách làm siro dâu tằm để được lâu
- Các bước làm sẽ tương tự như cách làm siro dâu tây để được lâu. Bước chọn dâu bạn làm kỹ để siro có thể bảo quản tốt hơn.
- Tỉ lệ đường khi làm siro dâu tằm để lâu ít nhất là 1:2 (1 dâu: 2 đường).
- Bạn cũng có thể nấu theo các cách như làm siro dâu tây. Khi rây lọc hãy lọc kỹ để siro được ngon không bị sót hạt.
4. Có thể sử dụng siro dâu như thế nào?
- Siro dâu làm tươi không qua nấu có thể dùng để pha các loại nước giải khát như nước siro dâu với đá, soda, nước hoa quả hỗn hợp.
- Siro dâu nấu có thể dùng để pha nước giải khát với đá, soda, soda chanh, nước hoa quả hỗn hợp.
- Siro dâu nấu đặc để lâu có thể dùng để pha nước các loại, siro dâu đá bào với mứt, làm bánh, dùng với bánh mì, bánh pancake và một số loại salad trái cây - món ngon mùa hè tươi mát được nhiều người yêu thích.
Cách làm siro dâu đến đây chắc chắn cũng vừa lúc tạo thêm cho bạn nhiều ý tưởng để sử dụng rồi phải không nào. Tùy vào cách làm khác nhau, chúng ta có thể tận dụng để pha chế hay tạo ra nhiều món ăn thức uống phong phú để giải tỏa cơn khát và đánh bay cái nóng bức đang hiện hữu. Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn hy vọng rằng, sau khi tham khảo chia sẻ trên về siro dâu đa dạng, bạn sẽ có ngay danh sách thức uống, thậm chí là các món ngon khác cho ngày nóng như các loại cocktail hay chè lạnh, sử dụng một trong những loại siro phổ biến, dễ làm "lay động" lòng người này.
Cát Lâm tổng hợp