1. Mứt dừa viên và ý nghĩa của khay mứt trong dịp Tết Nguyên Đán
Ngoài bánh chưng, hạt dưa thì mứt Tết cũng là một trong những món ăn không thể thiếu trong nhà khi xuân về. Mứt Tết được xem là món khai vị, chúc tụng dịp đầu năm. Mỗi loại sẽ có một hương vị đặc trưng và ý nghĩa riêng mà không phải ai cũng hiểu.
Nói về mứt dừa viên thì thực chất đây là loại được biến tấu từ loại mứt dừa truyền thống. Tuy vậy, nó vẫn không có gì khác ngoài hình dáng bên ngoài. Đây là món ăn vặt dân dã của người Việt, với vị ngọt, dẻo đã chinh phục vị giác của biết bao nhiêu người. Món mứt dừa viên phù hợp với mọi đối tượng, từ người già đến người trẻ, đặc biệt là các bé nhỏ.
Mứt dừa không đơn giản chỉ là món ăn dùng để đãi khách hay bạn bè, người thân. Sâu xa hơn, nó còn tượng tưng cho sự sum vầy, mang ý nghĩa đoàn viên, hạnh phúc bên nhau. Còn gì tuyệt vời bằng được ngồi bên nhau, bên khay mứt dừa viên bắt mắt, ngọt béo cùng nhâm nhi với tách trà nóng, trao cho nhau những lời tốt đẹp đầu năm mới phải không bạn nhỉ!
2. Những yếu tố quyết định đến cách làm mứt dừa viên chất lượng
Trước khi chúng ta trổ tài, hãy cùng điểm lại một số yếu tố quyết định đến chất lượng mứt dừa nhé. Bạn biết không, cách làm mứt dừa viên không quá phức tạp, cầu kỳ nhưng để dừa không bị chảy nước, màu sáng và đặc biệt là giữ được lâu thì bạn cần phải chú ý một số yếu tố sau:
2.1. Chú ý đến chất lượng cơm dừa
Cũng như cách làm mứt dừa thông thường, để có được thành phẩm mứt dừa viên ngon thì yếu tố quan trọng nhất chính là cơm dừa. Thường dừa để làm mứt, người ta sẽ sử dụng loại dừa non, không dùng dừa quá già bởi dừa già sẽ làm mứt không những bị khô, cứng mà còn mất đi đột ngọt và hương vị thơm ngon của nó. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chọn dừa non quá nhé, nếu cơm mỏng thì sẽ không cắt được thành viên cũng như không tạo được độ giòn cho món mứt này.
2.2. Loại đường
Không riêng gì mứt dừa mà tất cả các loại mứt khác cũng vậy, người ta chỉ sử dụng đường cát trắng để những viên mứt dừa có màu đẹp mắt. Và nếu quan tâm đến sức khỏe, tránh bị ngán thì bạn có thể thay đường trắng tinh luyện bằng đường hữu cơ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người thì đường hữu cơ sẽ lâu khô và ít ngọt hơn. Con tỷ lệ đường có thể điều chỉnh theo khẩu vị, đảm bảo độ ngọt vừa phải.
2.3. Hương vị - yếu tố quyết định sự hấp dẫn của món mứt dừa viên
Tùy vào khẩu vị, sở thích của từng người mà chọn hương vị riêng. Bên cạnh loại mứt trắng sữa truyền thống thì ngày nay mứt dừa đã đa dạng hơn về vị, tiêu biểu có mứt dừa viên vị ca cao, vị trà xanh, vị cà phê hay vị lá dứa,… Tất cả những loại này bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà theo sở thích khẩu vị của gia đình mình. Bên cạnh đó, các vị này dùng để đãi khách cũng khá lạ miệng với nhiều người, hẳn sẽ dễ chinh phục họ.
3. 5 cách làm mứt dừa viên đơn giản, thơm ngon
3.1. Cách làm mứt dừa viên vị cacao
Cách làm mứt dừa viên vị ca cao không cầu kỳ như nhiều người vẫn nghĩ. Bạn có thể làm theo hướng dẫn sau để có món mứt chuẩn vị:
3.1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 600-800g cùi dừa bánh tẻ
- 400g đường trắng
- 300g sữa đặc
- 2 thìa bột ca cao
2.1.2. Cách làm mứt dừa viên vị cao cao
- Bước 1: Dừa sau khi lọc bỏ nước, tách lấy phần cùi dừa. Sau đó, cạo phần vỏ màu nâu dưới cùi dừa còn gọi là lớp lụa đi để khi làm mứt sẽ có màu đẹp hơn. Tiếp theo bạn thái dừa hạt lựu, ngâm với nước muối khoảng 3 – 5 phút cho giảm bớt dầu rồi rửa lại với nước sạch, vớt ra để ráo.
- Bước 2: Cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị trước đó (sữa đặc, đường, bột ca cao), trộn đều với cùi dừa được thái viên, để tầm vài tiếng hoặc để qua đêm cho thấm.
- Bước 3: Đặt một chiếc chảo sạch đáy dày lên bếp, sau đó đổ hỗn hợp trên vào và để lửa vừa phải. Chú ý đảo thường xuyên và điều chỉnh lượng nhiệt vừa phải đến nhỏ để mứt không bị cháy. Đảo cho đến khi đường kéo khô, kết tinh và các viên dừa bắt đầu khô sạch nước. Mứt khô các bạn tắt bếp, để nguội hẳn và cho vào các chiếc túi hoặc chiếc hộp xinh xắn đậy kín nắp rồi dùng dần.
3.2. Cách làm mứt dừa viên vị trà xanh
3.2.1. Nguyên liệu làm mứt dừa trà xanh
- 1 kg cùi dừa
- 400g đường
- 10g bột trà xanh
- 500 ml sữa đặc
- Một ống vani
3.2.2. Cách làm mứt dừa viên vị trà xanh
- Bước 1: Bạn gọt bỏ lớp vỏ xám bên ngoài quả dừa, thái dừa thành những viên nhỏ vừa ăn, cố gắng thái đều nhìn cho đẹp mắt. Sau đó mang ngâm với nước trong khoảng 5 giờ. Ngâm xong, bạn vớt ra rửa bằng nước lạnh rồi để ráo nước.
- Bước 2: Trộn dừa với đường để khoảng 3 – 4 giờ. Tiếp theo trộn đều hỗn hợp bột trà xanh và sữa đặc rồi cho dừa đã ngâm đường vào trộn chung. Khi dừa ngả sang màu xanh lá thì bắt đầu đem đi sên.
- Bước 3: Bắp chảo lên bếp, cho tất cả vào và bật lửa nhỏ liu riu trong khoảng 15 phút. Vừa đun vừa đảo cho đến khi đường keo lại. Công đoạn này rất quan trọng cần phải tập trung, điều chỉnh lửa khéo léo nhỏ dần, nếu không sẽ bị cháy, mất đi màu xanh đẹp mắt.
- Bước 4: Cuối cùng, khi đường đã khô vào bám quanh các miếng dừa, viên dừa có màu xanh hấp dẫn, mùi thơm thì rắc đều tay bột vani lên mặt, đảo vài lần nữa là xong, bạn tắt bếp. Để mứt nguội hẳn thì cho vào lọ thủy tinh hoặc túi để bảo quản.
3.3. Cách làm mứt dừa viên vị lá dứa
3.3.1. Các nguyên liệu chủ yếu
- Dừa bánh tẻ: khoảng 800g
- Đường: 400g
- Lá dứa: 1 nắm nhỏ
3.3.2. Cách làm mứt dừa viên lá dứa
- Bước 1: Khi đã chọn được dừa bánh tẻ, bạn gọt bỏ vỏ, cắt thành từng viên rồi mang đi rửa với nước ấm (2-3 lượt) cho sạch dầu, để dừa ráo nước. Lá dứa cũng rửa sạch, cắt ngắn cho vào máy xay xay nhuyễn cùng với nửa bát nước, chắt lấy khoảng 100 ml nước cốt lá dứa đậm đặc.
- Bước 2: Cho toàn bộ dừa vào một cái âu to, đổ hết phần đường đã chuẩn bị và 700 ml nước cốt lá đưa vào và trộn đều, ngâm trong khoảng 2 giờ cho đến khi dừa ngấm màu. Thỉnh thoảng các bạn trộn để dừa ngấm đương và màu xanh lá dứa đều hơn.
- Bước 3: Sau 2 giờ, cho dừa vào chảo, đun lửa to cho cạn bớt nước, khi nước bắt đầu vơi đi, bạn cho nốt 30 ml nước lá dứa còn lại cho lên màu xanh non đẹp mắt. Sau đó, hạ lửa thật nhỏ, liên tục đảo để dừa khô bám đường trắng xung quanh là được. Việc còn lại là đổ ra khay cho nguội, nhặt bỏ các miếng nếp rồi cho vào lọ thủy tinh để dành đãi khách.
3.4. Cách làm mứt dừa viên vị cà phê
3.4.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 kg cùi dừa non
- 400g đường trắng
- 30g bột cà phê uống liền
- 100g sữa đặc
- 2 ống vani
3.4.2. Cách làm mứt dừa viên vị cà phê
- Bước 1: Cũng tương tự như vậy, dừa gọt bỏ vỏ, thái thành viên hạt lưu rồi chần qua với nước sôi, đổ ra rửa lại với nước và để cho ráo.
- Bước 2: Trộn dừa cùng với các nguyên liệu: đường, cà phê ngâm trong vòng 15 phút cho cà phê ngấm và đường cũng tan hết.
- Bước 3: Cho hỗn hợp trên lên bếp sên cho đến khi dừa khô thành mứt, bạn đổ ống vani vào cho thơm, xóc đều rồi tắt bếp. Như vậy là bạn đã thành công với cách làm mứt dừa viên vị cà phê rồi đó. Đợi mứt nguội bảo quản trong lọ hoặc túi đậy nắp kín. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được hương thơm quyến rũ, nồng nàn của sữa và vani. Nhất là, vị cà phê trong ngày Tết , sẽ giúp bạn dễ cảm thấy thỏa vị, không ngán.
3.5. Cách làm mứt dừa viên ngũ sắc
3.5.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Cùi dừa: 1 kg
- Đường: 500g
- Củ dền, rau dền (tạo màu đỏ)
- Nghệ (màu vàng)
- Cà rốt (màu cam)
- Lá cẩm (màu tím)
- Lá dứa (màu xanh)
3.5.2. Cách làm mứt dừa viên ngũ sắc
- Bước 1: Bạn lấy dừa rửa sạch, cắt bỏ lớp đen. Sau đó, đặt lên thớt và thái thành miếng (độ to nhỏ tùy ý bạn), rửa sạch với nước, vớt ra rổ, để ráo.
- Bước 2: Sơ chế nước màu cho mứt dừa. Lá dứa, rau/củ dền, cà rốt, lá cẩm rửa sạch và thái mỏng từng loại. Cho lần lượt từng loại vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn, rồi lọc lấy phần nước cốt. Riêng với màu vàng, bạn chỉ cần lấy tinh bột nghệ cho vào bát cùng với một ít nước sôi khuấy đều là được.
- Bước 3: Chia dừa thành 5 phần bằng nhau. Sau đó ngâm cùng đường và nước màu, trộn đều cho thấm đều màu, thường bạn nên để khoảng 2 – 3 tiếng là vừa độ.
- Bước 4: Bắc chảo lên bếp, lần lượt sên từng bát dừa. Mới cho vào chảo, bạn có thể để lửa vừa cho đến khi dừa sôi thì hạ lửa, bạn cố gắng đảo thật đều để đường không khị khét nhé. Giảm lửa dần trong quá trình sên để mứt không bị đậm màu.
- Bước 5: Khi đường đá kết tinh, các viên dừa đã không còn dính với nhau, là đã gần được bạn đảo cho tới khi dừa khô thì tắt bếp. Để nguội hẳn, cho vào hộp bảo quản là xong.
4. Cách bảo quản mứt dừa viên được lâu và ngon
Có thể “tuổi thọ” của mứt dừa không bằng mứt gừng nhưng nếu biết cách bảo quản, bạn cũng có thể dùng mứt dừa viên được lâu.
4.1. Cách bảo quản mứt dừa viên ở môi trường bên ngoài
Nếu tự làm tại nhà, thì sau khi sên xong, bạn hãy cho mứt ra khay để khô. Sau đó cho vào những chiếc túi hoặc hũ có nắp đậy, bạn có thể cho vào đó một lớp đường đã sên mứt. Lớp đường này sẽ có chức năng hút ẩm cho mứt, giúp bảo quản mứt lâu hơn, tránh được tình trạng mứt bị chảy nước, mất hương vị.
Mứt dừa viên khi đưa ra môi trường bên ngoài rất dễ bị ẩm. Vì thế, để tiện cho việc sử dụng bạn nên lấy một lượng vừa đủ cho vào một chiếc túi hay hũ riêng dùng hết lại lấy tiếp. Đồng thời nhớ để ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp nhé.
4.2. Cách bảo quản mứt dừa viên trong tủ lạnh
Đây có lẽ là cách bảo quản hiệu quả nhất. Với mức nhiệt ổn định của tủ lạnh sẽ giúp duy trì được vị thơm cũng như kéo dài thời gian sử dụng lâu hơn. Bạn nên đóng kín túi mứt và để trong ngăn mát. Khi ăn đừng mang cả túi ra ngoài mà chỉ chắt một khối lượng đủ cho lần dùng để tránh tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài. Bởi như vậy rất dễ khiến mứt bị chảy nước, bay mùi, không còn đậm vị như ban đầu.
Với những cách làm mứt dừa viên này, bạn không cần phải sử dụng bất cứ loại phẩm màu hay phụ gia nào ngoài nguyên liệu tự nhiên, rất an toàn cho sức khỏe khi sử dụng, kể cả trong gia đình có trẻ nhỏ. Ngoài ra, nếu muốn tạo được nhiều màu hơn, bạn cũng có thể kết hợp với các loại nước cốt từ các loại hoa, rau củ quả khác, cách làm tương tự như vậy. Hy vọng qua chia sẻ trên của Chuyên mục Món ngon , chị em đã có thể tự tin làm được những mẻ mứt vị phong phú, nhiều màu sắc cho khay mứt ngày Tết thêm thật bắt mắt, hấp dẫn nhé.
Tuyết Nhi tổng hợp