Các cách làm mứt gừng ngon và bí quyết để làm mứt gừng luôn thành công

Cách làm mứt gừng hầu như đều được mọi chị em nội trợ quan tâm nhắc đến mỗi độ Tết cận kề. Điều này dễ hiểu vì mứt gừng ngon, làm trọn vẹn đĩa bánh mứt ngày Tết. Bên cạnh đó mứt gừng còn tốt cho sức khỏe, làm thông cổ họng, giúp giảm đầy hơi trướng bụng, làm thi vị ấm áp thêm những khoảnh khắc mọi người hàn huyên trò truyện, bên ấm trà nóng dịp đầu năm.

banner ads

Mứt gừng
Mứt gừng - món mứt truyền thống luôn hiện hữu trong mâm bánh mứt ngày Tết của các gia đình Việt.

Qua thời gian, có các cách làm mứt gừng khác nhau được chị em nội trợ chia sẻ cùng nhau. Điều này khiến cho mứt gừng trở nên phong phú về vị, làm mọi người thích thú hơn, cũng như đáp ứng khẩu vị đa dạng. Và trong bài viết này, Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn cùng chị em điểm lại các cách làm mứt gừng phổ biến được ưa chuộng hiện nay, cùng một số bí quyết để giúp chị em luôn thành công, mỗi khi bắt tay thử làm loại mứt thơm ngon này, cũng như có thành phẩm mứt gừng thật an toàn cho gia đình dùng nhé.

Mứt gừng ngon
Ngày nay có nhiều cách chế biến để cho món mứt gừng rất đa dạng về vị ngon. Ảnh Internet

1. Cách chọn gừng ngon và an toàn cho sức khỏe

5 năm trở lại đây, trong hiện trạng thực phẩm Trung Quốc tràn vào Việt Nam, trong đó rau củ quả và cả các loại gia vị thông dụng như gừng cũng bị trộn lẫn thật giả, khiến loại gia vị như thuốc này cũng không còn an toàn nếu như chị em nội trợ chọn nhầm. Gừng có xuất xứ từ Trung Quốc được cho là chứa dư lượng thuốc trừ sâu aldicarb cực độc nguy hại cho sức khỏe người dùng. Do vậy việc nắm rõ một số chi tiết liên quan đến gừng ta và gừng Trung Quốc là điều cần thiết, trước khi tiến hành chế biến gừng thành mứt hoặc dùng gừng làm gia vị cho các món ăn, để đảm bảo an toàn sức khỏe chị em nhé. Và liên quan đến cách chọn gừng an toàn, có một số đặc điểm dễ nhận diện phân biệt "gừng sạch" chị em có thể tham khảo như dưới đây:

1.1 Phân biệt gừng an toàn qua kích thước

Củ gừng ta có kích thước nhỏ trong khi đó gừng Trung Quốc có kích cỡ to gấp 2-3 lần. Trọng lượng trung bình của một củ gừng ta thường ở khoảng 1-1.5g trong khi đó trọng lượng của gừng Trung Quốc phải từ 3-5g.

Kích cỡ củ gừng
Gừng ta an toàn có kích thước nhỏ hơn gừng Trung Quốc. Ảnh Internet

1.2 Phân biệt gừng an toàn qua hình dáng và màu sắc

Gừng ta nhánh nhỏ nhiều và khẳng khiu, màu vỏ thường xám nhạt không sáng, không mọng. Trong khi đó, gừng Trung Quốc nhìn rất mắt mắt vì màu sáng nâu nhạt, có vẻ đẫy, căng mọng, ít nhánh nhỏ hoặc nhánh tròn.

Màu gừng
Gừng ta có màu xám không sáng so với gừng Trung Quốc. Ảnh Internet

1.3 Phân biệt gừng an toàn qua lớp vỏ và mặt cắt

Vỏ gừng ta rất sát thịt và khó cạo khó gọt, trong khi gừng Trung Quốc rất dễ gọt thậm chí có thể lột từng mảng một. Mặt cắt gừng ta thường đậm màu, nhiều xơ ở lõi và đường vân thấy khá rõ. Ngược lại, gừng Trung Quốc có mặt cắt mọng, không rõ vân, ít xơ hoặc không có xơ, màu nhạt.

Mặt cắt củ gừng
Gừng ta có mặt cắt đậm màu vẫn rõ hơn so với gừng Trung Quốc. Ảnh Internet

1.4 Phân biệt gừng an toàn qua hương vị

Gừng ta có vị thơm cay nồng, chỉ cần cắt gọt hoặc cắt chúng ta đã thể cảm nhận mùi thơm lan tỏa. Khi chúng ta giã gừng, miếng gừng thường ít nước cốt và nước cốt đặc sánh, miếng gừng giã không dễ tách vì nhiều xớ nên dính nhau. Ngược lại, gừng Trung Quốc nếu giã ra có nước cốt lỏng, dễ tách lớp nước và cốt bột, càng giã càng nhanh nát rời, lại có mùi thơm nhạt nhòa không lan tỏa và không có độ cay mạnh như gừng ta.

Giã gừng
Gừng ta khi giã có ít nước cốt và nước cốt đặc sánh. Ảnh Internet

Như vậy, qua những lưu ý vừa đề cập, chị em hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình đã biết cách chọn gừng. Chúng ta hãy cùng tiếp tục tham khảo các cách làm mứt gừng đa dạng, chọn ra món mứt ngon vừa ý nhất, bắt tay vào làm để Tết này gia đình có đĩa mứt gừng thật ngon để thưởng thức thôi nào.

2. Cách làm mứt gừng khô

Mứt gừng khô được xem là loại mứt gừng cơ bản nhất trong các loại mứt gừng. Xuất hiện từ lâu và được nhiều người yêu thích, mứt gừng khô qua thời gian cũng có các biến tấu để làm thỏa vị người dùng. Tuy nhiên, có thể chia mứt gừng khô thành 2 loại chính là mứt gừng khô miếng mỏng và mứt gừng khô miếng dày. Vậy cách làm khác nhau như thế nào, ưu điểm của mỗi loại ra sao, mời chị em cùng tham khảo ngay sau đây nhé.

Mứt gừng khô
Mứt gừng khô là món mứt gừng truyền thống cơ bản nhất trong các loại mứt gừng.

2.1 Cách làm mứt gừng miếng mỏng

2.1.1 Nguyên liệu
  • 300g gừng tươi, có thể chọn gừng non hoặc gừng bánh tẻ
  • 300g đường cát trắng (nếu là lần đầu tiên làm mứt, có thể dùng 150-250g khi đã làm quen để giảm ngọt)
  • 1/2 quả chanh (nếu đã làm quen, không nên dùng chanh nếu là lần đầu tiên làm mứt)
Chanh
Bạn có thể cho chanh trong khi sơ chế để làm gừng sáng màu hơn. Ảnh Internet
2.1.2 Cách làm
  • Bước 1 : Chuẩn bị một tô nước có vắt 1/2 quả chanh, lượng nước có thể dùng khoảng trên dưới 800ml sao cho nước ngập gừng là được. Nếu là lần đầu tiên làm mứt gừng, bạn có thể bỏ qua khâu sử dụng chanh vì khi chưa quen, xử lý không kỹ, sên mứt gừng rất dễ thất bại.
  • Bước 2 : Rửa củ gừng, tiến hành gọt hoặc cạo vỏ gừng cho sạch, dùng dao 2 lưỡi bào củ gừng thành những lát mỏng và ngâm ngay vào tô nước hoặc to nước có nước cốt chanh đã pha. Sau khi bào gừng xong, mang tô gừng đi phơi nắng 1 tiếng để giảm độ cay.
  • Bước 3 : Phơi nắng sau 1 tiếng, mang gừng đi xả sạch với nước lạnh khoảng 5 lần nước hoặc cho đến khi thấy nước xả gừng thật trong.
  • Bước 4 : Để gừng ráo bớt nước, bạn cho đường vào gừng, đảo đều và ngâm 4-6 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết 2/3, miếng gừng trong thì có thể mang đi sên.
Gừng ngâm đường
Ngâm gừng 4-6 tiếng để gừng ngấm đường, rồi mang đi sên. 
  • Bước 5 : Làm nóng chảo hoặc nồi đáy dày, để lừa vừa, cho gừng ngâm đường vào nấu sôi cạn bớt 1 phần nước đường thì giảm bớt lửa, thỉnh thoảng đảo gừng. Khi nước đường cạn còn 2/3 bạn giảm lửa nhỏ và bắt đầu đảo liền tay. Nước đường giảm chỉ còn 1/3 hạ lửa nhỏ nhất, vẫn tiếp tục đảo liền tay cho đến khi đường kết tinh thành phấn trắng và miếng gừng khô thành mứt.
  • Bước 6 : Khi mứt gừng đã được, bạn kiểm tra những miếng gừng nào bị gấp lại thì mình mở ra để miếng gừng được khô đều. Sau khi gừng đã khô đều, bạn tắt bếp, tiếp tục đảo đều tay cho đến khi nguội.
  • Bước 7 : Sau nguội khoảng 30 phút, bạn kiểm tra mứt gừng một lần nữa về độ giòn của mứt cũng như mứt gừng có bị ẩm lại không. Nếu mứt giòn và khô đều là mứt đã đạt, có thể bỏ túi zip hoặc lọ thủy tinh, để nơi thoáng mát, thời gian bảo quản mứt sẽ được lâu. Trường hợp mứt khô chưa đều hoặc có miếng bị ẩm trở lại, bạn nên bỏ mứt lên bếp xao lại lửa 2 với lửa nhỏ nhất, cho đến khi mứt đạt.
Gừng khô miếng mỏng ngon
Mứt gừng khô miếng mỏng có độ giòn ngon, màu sáng và ít cay. Ảnh Internet
2.1.3 Ưu điểm của mứt gừng miếng mỏng

Mứt gừng miếng mỏng có độ giòn và giảm cay rất đáng kể nên ai cũng có thể dùng được. Đối với loại gừng non thì hầu như không cay, riêng đối với gừng bánh tẻ thì có độ cay nhẹ.

Làm mứt gừng khô miếng mỏng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tỉ lệ thất bại sau sên là rất thấp vì gừng bào miếng mỏng nhanh khô giòn ít bị ẩm trở lại sau sên.

2.2 Cách làm mứt gừng miếng dày

2.2.1 Nguyên liệu
  • 300g gừng tươi, chọn gừng bánh tẻ (gừng vừa không già không non)
  • 300g đường cát trắng (nếu là lần đầu tiên làm mứt, có thể dùng 180-250g khi đã làm quen để giảm ngọt)
  • 1/2 quả chanh (nếu đã làm quen, không nên dùng chanh nếu là lần đầu tiên làm mứt)
Gừng bánh tẻ
Để làm mứt gừng miếng dày, bạn nên chọn gừng bánh tẻ (gừng vừa) làm mứt sẽ ngon hơn. Ảnh Internet
2.2.2 Cách làm
  • Bước 1 : Tương tự như cách làm mứt gừng khô miếng mỏng, bạn cũng chuẩn bị một tô nước có vắt 1/2 quả chanh, lượng nước có thể dùng khoảng trên dưới 800ml sao cho nước ngập gừng là được.
  • Bước 2 : Rửa củ gừng cho sạch, gọt hoặc cạo vỏ gừng sau đó cắt củ gừng thành miếng có độ dày vừa phải không quá dày cũng không quá mỏng. Cắt đến đâu, bạn ngâm gừng vào tô nước đến đó. Cắt gừng xong, bạn mang tô gừng đi phơi nắng 1 tiếng để giảm độ cay.
  • Bước 3 : Phơi nắng sau 1 tiếng, mang gừng đi xả sạch với nước lạnh khoảng 2-3 lần nước. Chuẩn bị một nồi nước sôi, cho gừng vào chần sơ 3-5 phút. Vớt gừng ra cho vào tô nước đá lạnh để gừng giảm độ cay. Tiếp tục chuẩn bị một nồi nước sôi mới, gừng vừa nguội thì nước cũng vừa sôi, bạn lại chần gừng trong nước sôi 3-5 phút, rồi ngâm vào tô nước đá lạnh mới. Sau 2 lần chần gừng, bạn có thể thử độ cay đã giảm vừa ý chưa, nếu chưa có thể chần thêm 1 lần nữa, nếu đã được thì ngưng không chần tiếp.
Chần gừng qua nước sôi
Chần gừng qua nước sôi là cách để làm giảm độ cay nồng của gừng. Ảnh Internet
  • Bước 4 : Gừng nguội, vớt gừng ra cho ráo bớt nước, cho đường vào gừng, đảo đều và ngâm 4-6 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết 2/3, miếng gừng trong thì mình mang đi sên.
  • Bước 5 : Làm nóng chảo hoặc nồi đáy dày, để lừa vừa, cho gừng ngâm đường vào nấu sôi cạn bớt 1 phần nước đường thì giảm bớt lửa, thỉnh thoảng đảo gừng. Khi nước đường cạn còn 2/3 bạn giảm lửa nhỏ và bắt đầu đảo liền tay. Nước đường giảm chỉ còn 1/3 hạ lửa nhỏ nhất, vẫn tiếp tục đảo liền tay cho đến khi đường kết tinh thành phấn trắng và miếng gừng khô thành mứt.
  • Bước 6 : Kiểm tra gừng đã khô đều, bạn tắt bếp, vẫn để chảo mứt trên bếp, đảo đều tay cho đến khi nguội hẳn.
  • Bước 7 : Sau nguội khoảng 30 phút, bạn kiểm tra mứt, nếu mứt có độ giòn và khô đều là mứt đã đạt, cho mứt vào lọ thủy tinh, bảo quản nơi thoáng mát. Trường hợp mứt khô chưa đều hoặc có miếng bị ẩm trở lại, mình tiến hành xao mứt lần 2 với lửa nhỏ nhất, cho đến khi mứt đạt.
Mứt gừng miếng dày
Mứt gừng dày thường rất đẹp mắt vì đều miếng không bị gấp cạnh hay bị quăn. Ảnh Internet
2.2.3 Ưu điểm

Mứt gừng miếng dày thường có độ cay nhưng nếu xử lý kỹ trong quá trình sơ chế gừng thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được độ cay như ý. Với nhiều người, mứt gừng còn độ cay nhất định mới là ngon, do đó tùy khẩu vị gia đình nếu thích có độ cay nồng đặc trưng, thì bạn nên làm miếng mứt gừng dày.

Mứt gừng miếng dày thường đẹp hơn mứt gừng miếng mỏng. Nhờ độ dày của miếng gừng khi cắt sẽ cho chúng ta miếng mứt đều đẹp không bị quăn cong hay gấp miếng. Nếu bạn muốn làm mứt để làm quà hoặc chú trọng cả hình thức của miếng mứt thì nên chọn cách làm mứt dày này.

2.3 Cách làm mứt gừng mật ong

Mứt gừng mật ong là một trong các biến tấu khá thú vị xuất hiện sau này. Các bà nội trợ hiện đại cũng khá thích thú với loại mứt này vì có vị ngon lạ miệng, làm mới mâm mứt gia đình cũng như cộng thêm giá trị của loại mứt đối với sức khỏe.

Mứt ừng có mật ong sẽ có màu đậm hơn mứt gừng bình thường
Mứt gừng mật ong - một biến tấu thú vị trong cách làm mứt gừng. Ảnh Internet
2.3.1 Nguyên liệu
  • 300g gừng tươi, chọn gừng bánh tẻ (gừng vừa không già không non)
  • 250g đường cát trắng (nếu là lần đầu tiên làm mứt, có thể dùng 180-250g khi đã làm quen để giảm ngọt)
  • 1-2 thìa canh mật ong
Mật ong
Chỉ cần 1-2 thìa canh mật ong, bạn đã có một món mứt gừng với vị ngon rất khác. Ảnh Internet
2.3.2 Cách làm
  • Bước 1 : Bạn chuẩn bị một tô nước lạnh, lượng nước có thể dùng khoảng trên dưới 800ml sao cho nước ngập gừng là được.
  • Bước 2 : Rửa củ gừng sau đó gọt hoặc cạo vỏ gừng, cắt củ gừng thành miếng có độ dày vừa phải. Cắt đến đâu, bạn ngâm gừng vào tô nước đến đó. Cắt gừng xong, bạn mang tô gừng đi phơi nắng 1 tiếng để giảm độ cay.
  • Bước 3 : Phơi nắng xong, bạn mang gừng đi xả sạch với nước lạnh khoảng 2-3 lần nước. Chần gừng với nước sôi khoảng 3-5 phút. Sau khi chần, cho gừng vào tô nước đá lạnh để gừng mau nguội và sáng màu. Bạn chần nước sôi khoảng 2-3 lần tùy theo độ cay mong muốn.
  • Bước 4 : Ở lần chần sau cùng, sau khi gừng ngâm nước đá lạnh đã nguội hẳn, bạn vớt gừng ra cho ráo nước và tiến hành bước ngâm đường.

Bạn cho đường và mật ong vào gừng, đảo đều và ngâm 4-6 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết 2/3, miếng gừng trong thì mình mang đi sên.

Ngâm gừng với đường và mật ong cho ngấm
Bạn cho mật ong vào cùng đường để ngâm gừng thật thấm trước khi sên. Ảnh Internet
  • Bước 5 : Làm nóng chảo hoặc nồi đáy dày, để lừa vừa, cho gừng ngâm đường mật ong vào nấu sôi cạn bớt 1 phần nước đường thì giảm bớt lửa, thỉnh thoảng đảo gừng. Khi nước đường cạn còn 2/3 bạn giảm lửa nhỏ, đảo liền tay. Nước đường mật ong giảm chỉ còn 1/3, bạn hạ lửa nhỏ nhất, vẫn tiếp tục đảo liền tay cho đến khi đường kết tinh thành phấn trắng và miếng gừng khô thành mứt.
  • Bước 6 : Kiểm tra gừng đã khô đều, bạn tắt bếp, vẫn để chảo mứt trên bếp, đảo đều tay cho đến khi nguội hẳn.
  • Bước 7 : Sau nguội khoảng 30 phút, bạn kiểm tra mứt, nếu mứt có độ giòn và khô đều là mứt đã đạt, cho mứt vào lọ thủy tinh, bảo quản nơi thoáng mát. Trường hợp mứt khô chưa đều hoặc có miếng bị ẩm trở lại, mình tiến hành xao mứt lần 2 với lửa nhỏ nhất, cho đến khi mứt đạt. Mứt gừng có mật ong thường sẽ có màu vàng hơi nâu thay vì màu vàng sáng như mứt gừng không có mật ong.
Mứt gừng mật ong
Mứt gừng mật ong miếng khô thường có màu đậm hơn mứt gừng miếng bình thường. Ảnh Internet

2.4 Bí quyết làm mứt gừng miếng giòn ngon trắng đẹp để được lâu

  • Trong quá trình sơ chế gừng, luôn để gừng trong nước và ngập nước để gừng không bị xuống màu.
  • Nếu chần gừng với nước sôi, sau khi vớt ra bạn cần ngâm gừng ngay vào tô nước đá lạnh, màu miếng gừng sẽ sáng hơn so với không ngâm.
  • Trong thời gian ngâm đường, thường xuyên đảo gừng để được ngấm đều, lớp đường sẽ góp phần giữ màu tươi của miếng gừng và không đậm màu.
  • Khi sên, cần chú ý giảm lửa kịp thời ở mỗi giai đoạn và kiên nhẫn ở giai đoạn nhỏ lửa nhất, để đường dễ kết tinh cho miếng mứt trắng đẹp, giòn không bị nâu vàng hoặc chỉ dẻo mà không khô.
Ngâm gừng trong nước
Khi sơ chế gừng, luôn để gừng trong nước để gừng không bị xuống màu. 

3. Cách làm mứt gừng dẻo

Mứt gừng dẻo cũng được xem là biến tấu hay cho món mứt lạ miệng so hơn, càng dễ làm hơn nữa so với mứt gừng miếng truyền thống. Thêm vào đó, mứt gừng dẻo còn có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác, làm phong phú thêm món mứt gừng. Về cách làm cụ thể, bạn có thể tham khảo các cách làm mứt gừng dẻo rất ngon, cực dễ làm như dưới đây nhé.

Mứt gừng dẻo
Mứt gừng dẻo góp phần đổi vị mứt gừng thật thú vị. Ảnh Internet

3.1 Cách làm mứt gừng dẻo đơn giản

3.1.1 Nguyên liệu
  • 100g gừng tươi, chọn gừng bánh tẻ (gừng vừa không già không non)
  • 50-80g đường cát trắng
  • 1 lát chanh
  • 1 nắm đậu phộng (không bắt buộc)
Đậu phông rang
Mứt gừng dẻo đơn giản có thể sử dụng thêm đậu phộng rang để có món mứt bùi ngon thú vị hơn. Ảnh Internet
3.1.2 Cách làm
  • Bước 1 : Bạn rửa sạch củ gừng, gọt hoặc cạo vỏ cho sạch ngâm ngay vào tô nước để gừng khỏi bị đen. Gọt vỏ xong, rửa sạch gừng với nước.
  • Bước 2 : Thái sợi củ gừng với cỡ sợi vừa phải không quá nhỏ khi sên dễ bị đứt sợi. Cắt gừng đến đâu bạn ngâm gừng vào nước lạnh đến đấy nhé.
  • Bước 3 : Thái gừng xong, bạn mang tô gừng ngâm nước đi phơi nắng khoảng 1 tiếng để giảm cay. Nếu không phơi nắng, bạn có thể chần gừng qua nước sôi khoảng 1 phút, rồi mang xả nước lạnh nhiều lần, để gừng ráo bớt nước. Nước chần gừng có thể thêm một chút nước cốt chanh để gừng sáng màu.
  • Bước 4 : Cho đường vào gừng đã thái sợi, đảo đều. Ngâm gừng với đường 4-6 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết 2/3, miếng gừng trong thì mình mang đi sên. Ở bước ngâm đường này bạn cũng có thể vắt lát chanh vào để khi sên đường không kết tinh. Trường hợp không cho nước cốt chanh vào bước này, bạn có thể cho vào lúc sên đều được.
Nước cốt chanh
Cho nước cốt chanh khi sên để mứt gừng được dẻo không bị kết tinh đường. Ảnh Internet
  • Bước 5 : Trong thời gian chờ đường tan gừng ngấm, bạn mang đậu phụng đi rang chín, để nguội và bóp đậu cho bong hết vỏ. Sàng vỏ cho sạch. Để đậu phộng rang được ngon không bị cháy, bạn rang cùng muối với lửa vừa cho đến khi vỏ đậu chuyển màu thì mình giảm lửa, rang cho đến khi chín, bạn để nguội là đậu giòn, sàng bỏ muối trước khi chà sát đậu để bỏ vỏ nhé.
  • Bước 6 : Làm nóng chảo hoặc nồi đáy dày, để lừa vừa, cho gừng ngâm đường vào nấu sôi cạn bớt 1 phần nước đường thì giảm bớt lửa, thỉnh thoảng đảo gừng. Khi nước đường cạn còn 2/3 bạn giảm lửa nhỏ. Nước đường giảm còn 1/3, bạn vắt chanh và hạ lửa nhỏ nhất, đảo gừng liền tay cho đến khi đường cạn hết gừng dẻo lại, đường kéo sợi, sợi gừng trong thì tắt bếp. Nếu dùng đậu phộng, bạn có thể cho đậu phộng rang vào đảo đều lúc này hoặc bạn cũng có thể để mứt nguội bớt rồi cho đậu phộng đều được.
  • Bước 7 : Cho mứt gừng dẻo đã nguội vào lọ thủy tinh đậy kín nắp bảo quản nơi thoáng mát.
Mứt gừng dẻo đậu phụng hấp dẫn
Mứt gừng dẻo luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đến người thưởng thức. Ảnh Internet

3.2 Cách làm mứt gừng dẻo với đu đủ

3.2.1 Nguyên liệu
  • 100g gừng tươi, chọn gừng bánh tẻ (gừng vừa không già không non)
  • 100g đu đủ xanh
  • 150-180g đường cát trắng
  • 1 lát quả chanh
  • 1 nắm đậu phộng (không bắt buộc)
Đu đủ xanh thái sợi
Đu đủ - một nguyên liệu góp phần làm cho món mứt gừng dẻo thêm phần đa dạng. Ảnh Internet
3.2.2 Cách làm
  • Bước 1 : Bạn rửa sạch củ gừng, gọt hoặc cạo vỏ cho sạch ngâm ngay vào tô nước để gừng khỏi bị đen. Gọt vỏ xong, rửa sạch gừng với nước.
  • Bước 2 : Thái sợi củ gừng với cỡ sợi vừa phải không quá nhỏ cũng không quá to. Thái gừng đến đâu bạn ngâm gừng vào nước lạnh đến đó để gừng không bị đen sợi mứt sẽ không trong.
  • Bước 3 : Thái gừng xong, bạn mang tô gừng ngâm nước đi phơi nắng khoảng 1 tiếng để giảm cay. Nếu muốn giảm cay nhiều hơn, bạn có thể chần gừng qua nước sôi khoảng 1 phút, rồi mang xả nước lạnh nhiều lần, để gừng ráo bớt nước. Nước chần gừng có thể thêm một chút nước cốt trong để gừng sáng màu.
  • Bước 4 : Đu đủ gọt vỏ, rửa sạch cắt sợi cỡ sợi gừng.
  • Bước 5 : Cho đường vào gừng và đu đủ đã thái sợi, đảo đều. Ngâm gừng cùng đu đủ với đường 4-6 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết 2/3 thì có thể mang đi sên.
Ngâm gừng và đu đủ với đường
Ngâm gừng, đu đủ thái sợi với đường cho ngấm. Ảnh Internet
  • Bước 6 : Trong thời gian chờ đường tan gừng ngấm, bạn mang đậu phụng đi rang chín, để nguội và bỏ vỏ.
  • Bước 7 : Làm nóng chảo hoặc nồi đáy dày, để lừa vừa, cho gừng và đu đủ đã ngâm đường vào nấu sôi cạn bớt 1 phần nước đường thì giảm bớt lửa, thỉnh thoảng đảo gừng và đu đủ. Khi nước đường cạn còn 2/3 bạn cho nước cốt canh, giảm lửa nhỏ. Nước đường giảm còn 1/3, hạ lửa nhỏ nhất, đảo gừng đu đủ liền tay cho đến khi đường cạn hết gừng và đu đủ dẻo lại, đường kéo sợi, sợi mứt trong thì tắt bếp. Cho đậu phộng rang vào đảo đều.
  • Bước 8 : Cho mứt gừng dẻo cùng đu đủ đã nguội vào lọ thủy tinh đậy kín nắp bảo quản nơi thoáng mát.

Mứt gừng dẻo và đu đủ có vị ngon khác biệt so với mứt gừng dẻo đơn giản. Sự trộn lẫn của đu đủ khiến món mứt giảm độ cay nồng đặc trưng của gừng. Sự kết hợp này mang lại một trải nghiệm về vị rất mới mẻ cho món mứt gừng dẻo.

Mứt gừng dẻo đu đủ
Mứt gừng dẻo với đu đủ là lựa chọn của nhiều gia đình thích vị mứt gừng ít cay. Ảnh Internet

3.3 Cách làm mứt gừng dẻo với thơm (dứa)

3.3.1 Nguyên liệu
  • 100g gừng tươi, chọn gừng bánh tẻ (gừng vừa không già không non)
  • 1/2 quả thơm chín
  • 80g đường cát trắng
Quả thơm
Thơm là nguyên liệu giúp chúng ta có món mứt gừng dẻo thơm thật lạ miệng. Ảnh Internet
3.3.2 Cách làm
  • Bước 1 : Rửa sạch củ gừng, gọt hoặc cạo vỏ cho sạch ngâm ngay vào tô nước để gừng khỏi bị đen. Gọt vỏ xong, rửa sạch gừng với nước.
  • Bước 2 : Thái sợi củ gừng với cỡ sợi vừa phải không quá nhỏ cũng không quá to. Thái gừng đến đâu bạn ngâm gừng vào nước lạnh đến đó để gừng không bị đen sợi mứt sẽ không trong.
  • Bước 3 : Thái gừng xong, bạn mang tô gừng ngâm nước đi phơi nắng khoảng 1 tiếng để giảm cay. Nếu muốn giảm cay nhiều hơn, bạn có thể chần gừng qua nước sôi khoảng 1 phút, rồi mang xả nước lạnh nhiều lần, để gừng ráo bớt nước. Nước chần gừng có thể thêm một chút nước cốt trong để gừng sáng màu.
  • Bước 4 : Thơm bạn gọt vỏ, rửa sạch và thái nhỏ.
Cắt nhỏ thơm
Thái nhỏ thơm để ngâm đường cùng gừng. Ảnh Internet
  • Bước 5 : Cho đường vào gừng và thơm, đảo đều. Ngâm gừng cùng thơm với đường 4 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết 2/3 thì mang đi sên.
  • Bước 6 : Làm nóng chảo hoặc nồi đáy dày, để lừa vừa, cho gừng và thơm đã ngâm đường vào nấu sôi cạn bớt 1 phần nước đường thì giảm bớt lửa, thỉnh thoảng đảo gừng và thơm. Khi nước đường cạn còn 2/3 bạn cho nước cốt canh, giảm lửa nhỏ. Nước đường giảm còn 1/3, hạ lửa nhỏ nhất, đảo gừng thơm liền tay cho đến khi đường cạn hết gừng và thơm dẻo lại, đường kéo sợi, sợi mứt trong thì tắt bếp.
  • Bước 7 : Cho mứt gừng dẻo cùng thơm đã nguội vào lọ thủy tinh đậy kín nắp bảo quản nơi thoáng mát.

Mứt gừng dẻo và thơm sẽ cho người thưởng thức cảm nhận dư vị ngọt ngay có chút cay nồng của gừng quyện chút chua nhẹ của thơm rất thú vị. Cũng như đu đủ, thơm góp phần làm giảm độ cay của gừng, cho chúng ta một món mứt cực kỳ "thân thiện" rất dễ ăn.

Mứt gừng dẻo với thơm
Nếu bạn thích trải nghiệm mới về vị mứt gừng, hãy thử mứt gừng dẻo với thơm nhé. Ảnh Internet

3.4 Cách làm mứt gừng mật ong dẻo

3.4.1 Nguyên liệu
  • 300g gừng tươi, chọn gừng bánh tẻ (gừng vừa không già không non)
  • 180g đường cát trắng + 20-30g đường cát để áo mứt
  • 5-6 thìa canh mật ong
  • 1/2 quả chanh
Cho mật ong nhiều để có món mứt gừng dẻo mật ong ngon
Cho mật ong lượng nhiều chúng ta có ngay món mứt gừng mật ong dẻo ngọt dịu. Ảnh Internet
3.4.2 Cách làm
  • Bước 1 : Bạn chuẩn bị một tô nước có vắt 1/2 quả chanh, lượng nước có thể dùng khoảng trên dưới 800ml sao cho nước ngập gừng là được.
  • Bước 2 : Rửa củ gừng sau đó gọt hoặc cạo vỏ gừng, cắt củ gừng thành miếng có độ dày vừa phải. Cắt đến đâu, bạn ngâm gừng vào tô nước đến đó. Cắt gừng xong, bạn mang tô gừng đi phơi nắng 1 tiếng để giảm độ cay.
  • Bước 3 : Phơi nắng xong, bạn mang gừng đi xả sạch với nước lạnh khoảng 2-3 lần nước. Chần gừng với nước sôi khoảng 3-5 phút. Sau khi chần, cho gừng vào tô nước đá lạnh để gừng mau nguội và không bị đen. Bạn chần nước sôi khoảng 2-3 lần để có độ cay vừa vị gia đình.
  • Bước 4 : Ở lần chần sau cùng, sau khi gừng ngâm nước đá lạnh đã nguội hẳn, bạn vớt gừng ra cho ráo nước và tiến hành bước ngâm đường.

Bạn cho đường vào gừng, đảo đều và ngâm 4-6 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết 2/3, miếng gừng trong thì mình mang đi sên.

Ngâm gừng với đường
Gừng ngâm đường 4-6 tiếng sẽ thấm và trong. Ảnh Internet
  • Bước 5 : Làm nóng chảo hoặc nồi đáy dày, để lừa vừa, cho gừng ngâm đường vào nấu sôi cạn bớt 1 phần nước đường thì giảm bớt lửa, thỉnh thoảng đảo gừng. Khi nước đường cạn còn 2/3 bạn giảm lửa nhỏ, cho mật ong và bắt đầu đảo liền tay. Nước đường mật ong giảm chỉ còn 1/3, bạn hạ lửa nhỏ nhất, vẫn tiếp tục đảo liền tay cho đến khi đường dẻo kéo sợi, miếng mứt trong ngon là được. Để mứt gừng nguội bớt.
  • Bước 6 : Mứt gừng nguội, bạn áo qua một lớp đường như mứt vỏ cam dẻo , để khô khoảng 10-15 phút là có thể bỏ lọ thủy tinh, đậy kín, bảo quản nơi thoáng mát. Mứt gừng mật ong có độ ngọt dịu, rất tốt cho sức khỏe.
Mứt gừng mật ong dẻo
Mứt gừng mật ong dẻo được xem như một vị thuốc. Ảnh Internet

3.5 Cách làm mứt gừng dẻo/ mật ong bọc dừa

3.5.1 Nguyên liệu
  • 150g gừng tươi, gừng non
  • 150g đường cát trắng
  • 3 thìa canh mật ong ( không bắt buộc)
  • 80g cơm dừa sấy khô
  • 1/2 quả chanh
Cơm dừa sấy khô
Cơm dừa cũng có thể được dùng để có món mứt gừng ngon độc đáo. Ảnh Internet
3.5.2 Cách làm
  • Bước 1 : Bạn chuẩn bị một tô nước có vắt 1/2 quả chanh, lượng nước có thể dùng khoảng trên dưới 500ml sao cho nước ngập gừng là được.
  • Bước 2 : Rửa củ gừng sau đó gọt hoặc cạo vỏ gừng, cắt củ gừng thành miếng miếng nhỏ. Ngâm gừng vào tô nước sau khi cắt để gừng không bị đen.
  • Bước 3 : Chần gừng với nước sôi khoảng 5 phút. Sau khi chần, cho gừng vào tô nước đá lạnh để gừng mau nguội và không xuống màu. Bạn có thể chần nước sôi khoảng 2-3 lần để có độ cay vừa ý. Ở lần chần sau cùng, sau khi gừng ngâm nước đá lạnh đã nguội hẳn, bạn vớt gừng ra cho ráo nước. Bạn có thể thái gừng sợi nhỏ, băm nhỏ hoặc xay nhỏ đều được.
Để làm mứt gừng bọc dừa bạn có thể xay nhỏ gừng
Để làm mứt gừng bọc dừa, bạn có thể thái gừng thành sợi hoặc xay nhỏ. Ảnh Internet
  • Bước 4 : Bạn cho đường vào gừng, đảo đều và ngâm 4 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết 2/3, gừng trong thì mình mang đi sên.
  • Bước 5 : Làm nóng chảo hoặc nồi đáy dày, để lừa vừa, cho gừng ngâm đường vào nấu sôi cạn bớt 1 phần nước đường thì giảm bớt lửa, thỉnh thoảng đảo gừng. Khi nước đường cạn còn 2/3 bạn giảm lửa nhỏ, nếu bạn dùng mật ong thì lúc này hãy cho mật ong và đảo liền tay. Nước đường mật ong giảm còn 1/3, bạn hạ lửa nhỏ nhất, vẫn tiếp tục đảo liền tay cho đến khi đường dẻo, mứt gừng dẻo ngon là được. Để mứt gừng nguội bớt.
  • Bước 6 : Mứt gừng nguội, bạn bỏ cơm dừa sấy khô ra đĩa, đeo găng tay quết ít dầu dừa lên để vo viên mứt gừng hoặc có thể dùng thìa lấy từng phần mứt gừng làm cho tròn. Tiếp tục cho mứt gừng vào áo qua lớp dừa để sang một bên khoảng 10-15 phút cho cơm dừa dính và bên trong khô dẻo hơn là có thể bỏ lọ thủy tinh, đậy kín, bảo quản nơi thoáng mát. Bạn cũng có thể dùng giấy kính gói viên mứt lại. Mứt gừng mật ong bọc dừa có vị ngon rất lạ miệng, vừa có vị ngọt thanh vừa có chút béo thơm của dừa rất thú vị.
Mứt gừng dẻo bọc dừa
Mứt gừng mật ong bọc dừa - món mứt lạ miệng nhưng rất dễ làm. Ảnh Internet

4. Tại sao chúng ta nên dùng mứt gừng ngày Tết

4.1 Vị thuốc tốt cho hệ tiêu hóa

Mứt gừng là món mứt truyền thống có từ lâu luôn được ưa chuộng dẫu qua bao thời gian không chỉ về vị, cách làm dễ mà còn bởi giá trị của nó cho sức khỏe. Ngày Tết nhà nhà đều tụ họp ăn cơm gia đình, rất nhiều món ăn giàu đạm được phục trong bữa cơm, nên rất nhiều người thường bị trướng bụng khó tiêu. Lúc này, vài miếng mứt gừng như vị thuốc sẽ khiến hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Hoặc, do ngày Tết thường ăn nhiều thực phẩm khác nhau cũng dễ dẫn đến tình trạng đau bụng, trúng độc, có ít mứt gừng chắc chắn sẽ khiến tình trạng này giảm bớt và giải độc hiệu quả.

Mứt gừng tốt cho tiêu hóa
Mứt gừng tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh Internet

4.2 Mứt gừng trị ho chữa cảm lạnh

Thời tiết mùa Tết thường rất khó chịu, ở miền Nam thì nóng lạnh thay đổi, miền Bắc thì vào mùa lạnh, miền Trung mát mẻ nhưng cũng hay có mưa. Ngày Tết cũng là thời gian chúng ta thường ra ngoài nhiều nhất, đi đây đi đó, với điều kiện thời tiết như thế, lại trong môi trường đông đúc người qua lại, người nào thể trạng không được tốt, người có tuổi hay trẻ em rất thường hay bị cảm lạnh , viêm họng, ho,...Dù là bệnh nhẹ không đáng kể hoặc để phải lo lắng, song lại rất khó chịu. Sử dụng mứt gừng như thuốc tự nhiên được cho là giải pháp vô cùng thích hợp cho mọi người trong hoàn cảnh này.

Mứt gừng trị ho
Mứt gừng có thể giúp bạn trị ho cảm lạnh. Ảnh Internet

4.3 Mứt gừng làm những giờ gặp gỡ trò chuyện đầu năm thêm thi vị

Khó có loại mứt nào mang lại sự thú vị lạ lùng như mứt gừng khi thưởng thức cùng tách trà nóng ấm. Chút vị ngọt hòa quyện vị cay nồng còn vương hoài sau khi thưởng thức và làm ấm bụng hơn, giữ lại dư vị lâu hơn khi nhấp nháp cùng tách trà, mứt gừng luôn có đóng góp đáng kể để làm những câu chuyện ngày Tết thêm ấm áp. Chính vì lẽ đó, chúng ta hẳn chẳng ai phải ngạc nhiên khi năm hết tết về, trên bàn trà nước của các gia đình luôn có mứt gừng hiện diện - một sự hiện diện như mặc định luôn làm thỏa ý chủ nhân lẫn khách đến thăm nhà.

Mứt gừng thương thức cùng trà nóng
Mứt gừng thưởng thức cùng trà nóng - ấm áp không gì thú vị hơn. Ảnh Internet

Bạn cũng thấy đấy, cách làm mứt gừng được hầu hết chị em nội trợ quan tâm đều có những nguyên do thật rõ ràng và cũng không kém phần thú vị. Đâu phải dễ kiếm một loại nguyên liệu có rất nhiều giá trị hữu ích để làm mứt như gừng. Cũng như, đâu phải loại mứt nào cũng đáp ứng được rất nhiều tiêu chí phục vụ ngày Tết từ cách làm, chi phí nguyên liệu, thời gian làm mứt, có giá trị nhất định cho sức khỏe lẫn giá trị dành cho giao tiếp thiên về văn hóa tinh thần phải không nhỉ!

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI