1. Trẻ không vâng lời là triệu chứng chứ không phải vấn đề
Bạn cần hiểu rõ việc trẻ không vâng lời là triệu chứng chứ không phải vấn đề. Hiểu được điều này để bạn áp dụng cách dạy trẻ biết vâng lời hiệu quả hơn.
Đây là một tình huống khá phổ biến: bạn yêu cầu trẻ làm gì đó một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh và có chủ ý. Và điều bạn nhận được là sự im lặng thay vì hành động của trẻ.
Có thể trẻ không nghe thấy bạn nói chăng? Bạn tiếp tục lạp lại yêu cầu của mình một cách rõ ràng nhưng vẫn nhẹ nhàng? Vẫn không có gì xảy ra.
Đến lúc này, bạn đã mất kiên nhẫn và rất dễ rơi vào tình trạng “nổ cầu chì”. Bạn mất kiểm soát và vẫn là yêu cầu đó, nhưng bạn lại hét lên với trẻ. Năng lượng trở nên leo thang, tất cả mọi người đều thất vọng và nản lòng.
Chúng ta thấy rằng con cái không vâng lời là nỗi thất vọng phổ biến nhất của các bậc cha mẹ.
Tuy nhiên, để áp dụng được cách dạy trẻ biết vâng lời hiệu quả, trước tiên bạn cần xử lý được tình trạng trẻ không phản ứng trước yêu cầu của bạn. Đề làm được điều này, bạn phải tìm hiểu vì sao trẻ lại không lắng nghe. Một cách thường xuyên, sự thiếu phản ứng của trẻ là một triệu chứng chứ không phải là cốt lõi vấn đề.
Nếu bạn không giải quyết tận gốc vấn đề, bạn chắc chắn sẽ thấy tình trạng không lắng nghe phát sinh thành các vấn đề lớn hơn về hành vi như trẻ nổi cơn thịnh nộ, thách thức và cãi lại bạn.
2. Bạn phải hiểu được vì sao trẻ lại không vâng lời bạn
Như đã nói ở trên, trước khi thực hiện cách dạy trẻ biết vâng lời, bạn phải hiểu được vì sao trẻ lại không vâng lời bạn.
Có lẽ rất nhiều bậc cha mẹ đều nhiều lần tự hỏi rằng tại sao mình phải lặp đi lặp lại điều gì đó với trẻ, cho đến khi bạn thấy mình đang hét lên.
Trừ những đứa trẻ có khiếm khuyết về mặt nhận thức hoặc kỹ năng, thì trẻ em ở mọi lứa tuổi – từ chập chững cho đến thiếu niên – đều có sự khao khát về “quyền lực” ở một mức độ nào đó. Khi trẻ không có cơ hội để phát huy sức mạnh của mình một cách tích cực – như tự chọn quần áo để mặc, tự chọn món ăn cho bữa tối, tự chọn trò chơi nào để chơi,… – chúng sẽ phát huy sức mạnh theo cách tiêu cực.
Bởi vì trẻ em có quyền kiểm soát cơ thể và lời nói của mình. Nên, các cuộc “tranh giành quyền lực” phổ biến nhất (và bực bội) xảy ra khi trẻ dùng quyền kiếm soát đó để bất chấp yêu cầu của cha mẹ.
Bằng cách chọn không nghe, trẻ đã thể hiện được “quyền lực” của mình. Hành vi này chỉ đơn giản là cách trẻ thể hiện nhu cầu kiểm soát và khả năng ra quyết định nhiều hơn trong cuộc sống của chúng.
Bạn không cần thiết phải cho trẻ “nắm quyền” mọi lúc. Tuy nhiên, bằng cách thực hiện một số kỹ thuật nuôi dạy trẻ tích cực dễ học, bạn có thể trao cho trẻ quyền lực trong phạm vi giới hạn của bạn. Bằng cách này, sự hợp tác từ trẻ sẽ được cải thiện đáng kể và chu kỳ lặp lại “nhắc nhở – lặp lại – nhắc nhở” đáng sợ sẽ sớm kết thúc.
3. Cách dạy trẻ biết vâng lời bạn có thể thử áp dụng ngay
Dưới đây là một số cách dạy trẻ biết vâng lời bạn có thể áp dụng ngay, hãy cùng xem chúng là gì nhé:
3.1. Nói chuyện với con ở tư thế ngang tầm mắt của con
Khi cần sự lắng nghe của trẻ, bạn hãy đảm bảo mình thu hút được sự chú ý của con. Để làm được điều này thì giao tiếp bằng mắt rất quan trọng. Khi bạn cúi thấp người để nhìn vào mắt trẻ, bạn không chỉ xác nhận được việc trẻ nhìn và nghe thấy bạn mà còn tăng cường được mức độ giao tiếp với con.
Điều này có nghĩa là bạn cần phải rời khỏi chiếc máy giặt, tô bột đang nhồi dở, hoặc thậm chí là nồi canh trên bếp để đến bên cạnh trẻ. Sự gần gũi chính là chìa khóa để giao tiếp hiệu quả với trẻ. Bạn không nên nói với ra hoặc ra lệnh cho trẻ từ phòng khác.
3.2. Hạn chế cách nói phủ định là cách dạy trẻ biết vâng lời hiệu quả
Để thực hiện cách dạy trẻ biết vâng lời hiệu quả, bạn hãy hạn chế cách nói, yêu cầu mang tính phủ định với trẻ.
Các mệnh lệnh có tính phủ định sẽ đòi hỏi trẻ phải xử lý gấp đôi thông tin nhận được. Lúc này trẻ sẽ phải tự trả lời hai câu hỏi:
- Mẹ không muốn mình làm gì?
- Thay vào đó, mẹ muốn mình làm gì?
Điều này sẽ thật khó hiểu và mâu thuẫn với đầu óc non nớt của trẻ.
Ví dụ, nếu bạn nói: “Đừng đụng vào em trai (còn nhỏ) của con”, thì một đứa trẻ sẽ phải dừng hành vi hiện tại và xác định hành vi thay thế thích hợp. Trẻ sẽ phải tự hỏi nếu mình không được đụng vào em, điều đó có nghĩa là mình cũng không được ôm em, không được đập tay khi chơi, hay không được giúp em mặc áo,…
Chỉ một yêu cầu đơn giản đối với bạn nhưng có thể khiến trẻ cực kỳ bối rối và không biết làm thế nào cho thỏa đáng.
Chính vì vậy, thay vì bảo trẻ không được làm việc gì đó, bạn hãy yêu cầu con chính xác việc con nên làm.
Ví dụ, thay vì nói “Đừng đụng vào em trai của con” bạn có thể nói “Em con không muốn ai đụng vào lúc này, vậy nên con cứ ngồi yên khi mình còn trong xe nhé”.
Thay vì la trẻ “Đừng để đồ chơi của con dưới sàn”, bạn hãy nói “Con hãy bỏ đồ chơi vào giỏ nhé”.
Thay vì yêu cầu con “Không chạy trong hội trường” bạn có thể nói “Chúng ta chỉ đi lại nhẹ nhàng trong hội trường thôi nhé”.
3.3. Trả lời có nhiều hơn đối với các yêu cầu của trẻ
Ngoài việc hạn chế cách nói phủ định, việc trả lời có nhiều hơn đối với các yêu cầu của trẻ cũng sẽ giúp bạn thực hiện cách dạy trẻ biết vâng lời tốt hơn.
Trên thực tế, có lẽ phần lớn các bậc cha mẹ có con nhỏ đều trả lời “không” đối với 9/10 yêu cầu của trẻ.
Khi bạn bị “dội bom” bởi những yêu cầu dồn dập từ trẻ, thật khó để sàng lọc chúng một cách có ý nghĩa. Vì vậy bạn sẽ thường chọn cách dễ nhất, đó là đưa ra các câu trả lời đã soạn trước – “Không, không phải hôm nay/ không phải bây giờ”, “Không, mẹ đang bận”, “Không, không và không”.
Nhưng khi “không” là câu trả lời liên tục của bạn, thì không có gì lạ khi trẻ chọn cách không còn lắng nghe bạn.
Thay vì nói không, bạn hãy tìm lý do để nói có thường xuyên hơn. Câu trả lời có của bạn sẽ khiến trẻ thích thú và ngạc nhiên hơn, đồng thời khiến chúng chú ý hơn khi bạn yêu cầu điều gì đó.
Thay vì trả lời “Không, chúng ta không thể đi công viên bây giờ”, bạn hãy thử “Đi công viên nghe thật là thú vị. Chúng ta nên đi sau giờ học sáng thứ sáu hay ngày thứ bảy nhỉ?”.
Thay vì “Không, con không nên ăn kem”, bạn có thể nói với trẻ “Kem rất ngon, con có muốn dùng để tráng miệng vào tối thử bảy hay chủ nhật không?”.
Mặc dù vẫn có những tình huống bạn bắt buộc phải trả lời không với trẻ, nhưng bằng cách đưa ra nhiều đáp án “có” hơn. Như vậy, bạn sẽ tăng khả năng trẻ bắt nhịp lại với yêu cầu của bạn.
3.4. Rút ngắn yêu cầu/ mệnh lệnh/ lời giải thích của bạn
Đây là việc rất cần thiết trong cách dạy trẻ biết vâng lời.
Chúng ta thấy rằng các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ có xu hướng biến một câu trả lời đáng lý ra dài 5 giây, thành một bài phát biểu dài đến 5 phút.
Bạn lưu ý rằng trẻ nhỏ sẽ không thể hiểu và ghi nhớ hết những gì bạn nói, đặc biệt khi đó là những điều “lan man” không đúng trọng tâm.
Vì vậy, khi muốn yêu cầu trẻ điều gì, bạn hãy càng ngắn gọn, rõ ràng càng tốt.
3.5. Nói cảm ơn trước chính là cách dạy trẻ biết vâng lời hiệu quả
Giúp trẻ đưa ra lựa chọn thích hợp bằng cách thể hiện sự tin tưởng của mình chính là một cách dạy trẻ biết vâng lời hiệu quả.
Lời nói trước của bạn “Cảm ơn con vì đã treo khăn lên khi tắm xong” sẽ khuyến khích trẻ có hành vi tốt hơn nhiều so với cách nói “Tốt hơn hết đừng để mẹ thấy khăn của con nằm trên sàn đấy”.
Mọi người, ngay cả trẻ em thường sẽ sống theo kỳ vọng của chúng ta nếu chúng ta quản lý chúng theo cách tích cực. Việc cho trẻ biết trước bạn tin tưởng chúng sẽ làm điều đúng đắn, sẽ giúp tạo ra các mối liên hệ cởi mở và tăng khả năng trẻ hoàn thành nhiệm vụ.
3.6. Đảm bảo trẻ nghe và hiểu những gì bạn yêu cầu có vai trò rất quan trọng
Trên thực tế, ngay cả người lớn cũng thường xuyên hiểu sai hoặc không nhớ chính xác điều mình vừa được nghe.
Vì vậy, để thực hiện được hiệu quả cách dạy trẻ biết vâng lời thì việc đảm bảo trẻ nghe và hiểu những gì bạn yêu cầu có vai trò vô cùng quan trọng.
Khi bạn đã giao tiếp bằng mắt, cô đọng những gì mình muốn nói, và giải thích rõ ràng những gì bạn cần trẻ làm. Bạn hãy bình tĩnh yêu cầu trẻ nhắc lại những gì chúng vừa nghe. Bằng cách này, bạn sẽ thấy sự cải thiện nhanh chóng trong giao tiếp và hợp tác không chỉ với trẻ, mà với mọi thành viên trong gia đình.
3.7. Đưa ra lời nhận xét cũng là bước cần thiết trong cách dạy trẻ biết vâng lời
Nếu thấy một nhiệm vụ trẻ chưa hoàn thành, bạn đừng vội khiển trách mà chỉ cần đưa ra lời nhận xét về điều bạn quan sát được: “Mẹ trông thấy áo khoác của con nằm trên sàn nhà đấy” hoặc “Kế hoạch xử lý thùng rác của con hôm nay là gì?”.
“Kế hoạch của con là gì?” là một trong những chiến lược rất hiệu quả để tránh việc tranh giành “quyền lực” giữa bạn và trẻ. Khi hỏi trẻ câu này, bạn đang cho con thấy con được trao quyền vì con có một kế hoạch nào đó. Và tại thời điểm bạn hỏi, nếu trẻ chưa có kế hoạch, con vẫn có cơ hội để giữ thể diện và nhanh chóng đưa ra kế hoạch ngay.
Ví dụ, trẻ có thể đã quên việc bỏ rác, nhưng khi bạn hỏi, con có cơ hội để sửa sai “Dạ, con định sẽ đi đổ rác sau bữa trưa”. Điều này mang lại cho bạn cơ hội để thể hiện cách nuôi dạy con tích cực cũng như sự đánh giá cao mà bạn dành cho trẻ. Bạn có thể nói với trẻ “Điều đó thật tuyệt vời, mẹ rất vui vì con đã giúp mẹ đổ rác”.
Cách dạy trẻ biết vâng lời là một việc đầy thách thức với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là thông thường, trẻ không lắng nghe và vâng lời bạn vì chúng muốn thu hút sự chú ý của bạn hoặc muốn bảy tỏ nhu cầu về quyền lực của mình. Trẻ nhỏ cũng như người lớn, đều có nhu cầu được nhìn và lắng nghe. Khi nhu cầu này không được đáp ứng, trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách ngưng lắng nghe bạn. Vì vậy, trước khi trách mắng, nổi giận, hay quy cho trẻ là lì lợm, không biết vâng lời, bạn hãy tìm hiểu lý do dẫn đến hành động đó của trẻ, cũng như nhu cầu, mong muốn của con. Như vậy bạn sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề và sẽ áp dụng được cách dạy con biết vâng lời một cách hiệu quả và tích cực hơn.
Theo Positive Parenting Solutions
Lily Nguyễn lược dịch