1. Trẻ nhỏ học ngôn ngữ như thế nào
Chúng ta biết rằng không hề có một bộ gen quy định một đứa trẻ sẽ nói tiếng Anh, Tây Ban Nha hay Nhật Bản,…Ngôn ngữ là thứ mà trẻ cũng như mỗi người chúng ta phải học. Chúng ta được sinh ra với giới hạn âm tạo ra là 40. Bộ gen cho phép não bộ liên kết âm và các đối tượng, hành động hoặc ý tưởng. Sự kết hợp của các khả năng này giúp tạo ra ngôn ngữ.
Mỗi âm mà trẻ phát ra đều có ý nghĩa nào đó về sau. Tiếng bập bẹ ma - ma của trẻ sơ sinh trở thành mama rồi thành mẹ. Trong những năm đầu đời, trẻ lắng nghe, luyện tập và học hỏi.
Chúng ta thấy những phát âm của một đứa trẻ mới tập nói dường như vô nghĩa. Nhưng sự thật thì chúng là mô hình về nhịp điệu, âm điệu, âm lượng và những biểu hiện phi ngôn ngữ mà trẻ quan sát được từ chính chúng ta.
Ngôn ngữ – với tất cả sự phức tạp tuyệt diệu của nó – là một trong những món quà ý nghĩa và tuyệt vời nhất mà chúng ta dành cho con cái. Tuy nhiên, chúng ta không phải lúc nào cũng ý thức được điều này. Do vậy, là bố mẹ, chúng ta vẫn thường xuyên giao tiếp bằng lời với trẻ một cách tùy tiện. Có lẽ điều này bắt nguồn từ quan niệm sai lầm rẳng trẻ nhỏ học ngôn ngữ một cách thụ động.
Trên thực tế, tiếp thu ngôn ngữ là sản phẩm của một quá trình học tập tích cực, lặp đi lặp lại và rất phức tạp.
Bộ não của trẻ học hỏi và thay đổi về ngôn ngữ trong 6 năm đầu đời nhiều hơn so với bất kì khả năng nhận thức nào khác mà trẻ đang nỗ lực để có được. Việc học của trẻ sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều khi có sự tham gia tích cực của người lớn.
Chúng ta đang giúp trẻ học ngôn ngữ thông qua giao tiếp hàng ngày, trò chuyện , đọc sách, kể cả lắng nghe và đưa ra những hướng dẫn về một hoạt động hay tình huống nào đó. Tất cả đều phục vụ cho việc tiếp thu và phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Nhưng cụ thể thì chúng ta sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ như thế nào?
2. Một số phương pháp dạy trẻ phát triển ngôn ngữ
Để giúp dạy trẻ phát triển ngôn ngữ, bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau:
2.1. Khuyến khích trẻ tham gia một cuộc trò chuyện với bạn
Chủ đề của cuộc trò chuyện có thể về bất cứ điều gì bình thường hay thú vi xung quanh trẻ hàng ngày. Trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước những hành vi mà chúng quan sát được ở người lớn. Vì vậy điều quan trọng là bạn phải thể hiện sự lịch sự, tôn trọng và kỹ năng lắng nghe trong quá trình tương tác với trẻ.
Khi nói chuyện với trẻ, bạn hãy cố gắng cúi xuống ngang tầm với trẻ. Như vậy trẻ sẽ thấy mình được tôn trọng và bạn đang giao tiếp với trẻ trong thế giới của chúng.
2.2. Sử dụng đạo cụ như đồ hơi hay âm nhạc để giúp trẻ học từ và cấu trúc câu mới
Các bài hát cũng giúp trẻ luyện tập được nhịp điệu, ngữ điệu và phát âm theo một cách thú vị và hấp dẫn hơn. Khi các bài hát lặp lại câu và cụm từ, nó cũng giúp củng cố cấu trúc câu. Sử dụng các bài hát kết hợp với hành động minh họa khiến cho việc học ngôn ngữ trở nên vui vẻ, thú vị hơn.
Khi kể chuyện, bạn có thể sử dụng đạo cụ như con rối để kích thích trí tưởng tượng cũng như khả năng sáng tạo của trẻ.
2.3. Giới thiệu từ theo chủ đề
Các trò chơi chữ có thể giúp trẻ học từ đồng nghĩa, trái nghĩa, từ láy, học vần,…Đối với một sự vật, sự việc, hãy khuyến khích trẻ mô tả bằng nhiều từ và cách diễn đạt khác nhau nhất có thể.
2.4. Lắng nghe trẻ một cách kiên nhẫn cũng là phương pháp dạy trẻ phát triển ngôn ngữ
Bạn nên lưu ý một điều rằng trẻ nhỏ chưa thể diễn tả suy nghĩ và ý tưởng của mình một cách nhanh chóng, trôi chảy như người lớn. Trẻ có thể sẽ cần thời gian vì vậy bạn hãy kiên nhẫn lắng nghe. Bên cạnh đó hãy thể hiện sự quan tâm, hứng thú một cách nghiêm túc với những điều trẻ nói.
2.5. Đọc sách cho trẻ mỗi ngày
Đây là việc không thể thiếu trong các phương pháp dạy trẻ phát triển ngôn ngữ . Điều quan trọng là giờ đọc sách nên là khoảng thời gian vui vẻ mà trẻ và bạn cùng có thể tận hưởng. Không nên khiến nó trở thành giờ học từ hay cấu trúc câu mới một cách cứng nhắc.
Bạn hãy lựa chọn những câu chuyện phù hợp với độ tuổi của trẻ để con có thể hiểu và học hiệu quả hơn.
2.6. Cho trẻ tham gia vào các bài tập nghe
Chúng ta thường quên rằng học hỏi ngôn ngữ bao gồm cả tiếp thu và biểu cảm. Bạn hãy cố gắng để giúp trẻ tiếp nhận và xử lý thông tin một cách chính xác, hiệu quả chứ không phải chỉ nghe và học vẹt.
Bạn có thể đưa ra các bài tập yêu cầu trẻ lặp lại những gì chúng nghe bạn nói. Bạn sẽ phải ngạc nhiên về cách diễn giải của trẻ, đôi khi chúng khác nhau và không chính xác.
2.7. Cho trẻ tham gia các lớp học
Bạn có thể khuyến khích và đăng kí cho trẻ tham gia các lớp học. Ví dụ như về kĩ năng sống , năng khiếu,…bất cứ lĩnh vực nào mà con thấy thích trải nghiệm. Các lớp học này sẽ hữu ích cho khả năng giao tiếp xã hội cũng như tạo lập các mối quan hệ trong cuộc sống của trẻ sau này. Trong số đó, bạn hãy chọn một lớp có nội dung học thuật có giá trị để chuẩn bị cho trẻ bước vào môi trường học tập chính thức.
Phương pháp dạy trẻ phát triển ngôn ngữ có thể bao gồm nhiều loại mang tính chuyên sâu và phức tạp. Nhưng những cách trên đây khá đơn giản, gần gũi và mang lại hiệu quả cao. Chúng ta thấy rằng không có hình thức giao tiếp nào khác trong thế giới tự nhiên chuyển được nhiều thông tin trong khoảng thời gian ngắn như ngôn ngữ của loài người. Một đứa trẻ nghe, bắt chước, khám phá, thực hành rồi cuối cùng là học được ngôn ngữ chỉ sau vài năm chào đời ngắn ngủi - đó là một khả năng tuyệt vời. Và, nó sẽ trở nên một hành trình vô cùng lý thú với trẻ hơn nữa, nếu có bạn tham gia trợ giúp bằng một kế hoạch có sự đầu tư thời gian thích đáng.
Theo Scholastic & Bristish Council
Lily Nguyễn lược dịch