Cách dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh sao cho hiệu quả nhất

Cách dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh không dễ bởi nếu không khéo léo và kiên nhẫn, bố mẹ có thể khiến trẻ nghe lời nhưng trong lòng còn ức chế và khó chịu. Không chỉ vậy trẻ còn chống đối ngầm mà bố mẹ không biết nếu như không tinh ý. Như vậy, về hành vi bố mẹ đã xử lí được nhưng cảm xúc còn bực bội hay còn sự chống đối ngấm ngầm nơi trẻ vẫn tồn tại. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc lần sau trẻ vẫn có thể tái phạm hoặc tăng mức độ tái phạm. Vậy làm sao để chúng ta giải quyết hiệu quả hơn, dưới đây là những cách hay giúp trẻ bớt bướng và ngoan hơn mà bố mẹ có thể áp dụng.

banner ads

1. Dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh bằng việc tìm hiểu nguyên nhân

1.1. Tại sao việc tìm hiểu nguyên nhân lại rất quan trong cách dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh

Bố mẹ đừng vội dán nhãn cho con hai từ "bướng bỉnh" trong mọi trường hợp. Thực tế, có thể một số nhiệm vụ, khẩu lệnh mà bố mẹ giao cho bé chưa rõ ràng và dứt khoát nên bé chưa hiểu hoặc thấy chưa cần thiết để làm ngay lập tức vì vậy trẻ đôi khi trễ nãi. 

Trẻ úp tay vào mặt
Đôi khi trẻ chưa hiểu rõ yêu cầu của bố mẹ. Ảnh Pixabay 

Bố mẹ dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh có thể nhắc lại lần nữa yêu cầu với một ngữ điệu bình thường để xem con có hợp tác hay không? Nếu không bố mẹ hãy trò chuyện với con xoay quanh những câu hỏi cụ thể như sao con chưa giúp bố mẹ, con gặp phải chuyện gì mà chưa thể giúp bố mẹ? Trường hợp đã có câu trả lời từ trẻ nhưng trẻ thường xuyên lặp lại những lỗi tương tự, lúc này bố mẹ cần có những nội quy cứng rắn hơn để trẻ thấy được sự nghiêm túc của bố mẹ. Tuy vậy, bố mẹ cũng ghi nhớ để tăng hiệu quả của cách mình áp dụng là, dù trong hoàn cảnh nào, bố mẹ cũng cần tìm hiểu nguyên nhân trước nhé.

1.2. Làm dịu cảm xúc của trẻ

Khi đã tìm hiểu được nguyên nhân có thể là toàn bộ hay một phần, hoặc đoán được nguyên nhân khiến trẻ bướng bỉnh hay chống đối, bước tiếp theo bố mẹ nên làm dịu cảm xúc của con. Cách giúp con dịu đi cảm xúc có thể bắt đầu bằng những câu hỏi rất đơn giản như: "Điều gì khiến con khóc?", "Mẹ dặn có chỗ nào con chưa hiểu không?". "Giờ con muốn làm gì?". .. Vừa hỏi bố mẹ nên vừa nhìn vào mắt trẻ để trẻ biết được bản thân đã có thái độ đúng hay sai. Cùng với đó hãy thật kiên nhẫn chờ đợi và lắng nghe trẻ trả lời. Thậm chí nếu có thể, hãy sẵn sàng nghe và cùng khuyến khích để con nói ra nguyên nhân. Như vậy, cảm xúc của trẻ sẽ rất nhanh lắng xuống. Khi nút thắt này được tháo gỡ, trẻ mới cảm thấy đáng tin cậy hơn nơi bố mẹ về sự thấu hiểu. Nhờ vậy, con sẽ có thái độ hợp tác tốt hơn sau đó. 

Điều quan trọng trong cách dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh là phải để trẻ nhận ra cái sai hoặc không hay chưa thích hợp để tự thay đổi. Để làm được điều này, bố mẹ cần chút nhẫn nại nhẹ nhàng để con dễ dàng cộng tác thay vì chống đối. Bố mẹ cũng hãy giữ bình tĩnh nhất có thể, vì, la mắng trẻ chưa bao giờ là phương pháp hữu hiệu để khiến trẻ ngoan hơn. 

Bố và con trai
Làm dịu cảm xúc của trẻ, giúp trẻ cởi mở vấn đề của mình. Ảnh Pixabay 

2. Dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh bằng lời nói "Không"

Không chỉ bố mẹ mà ngay cả các thành viên trong gia đình cần thống nhất với nhau về phương pháp khi giáo dục trẻ . Khi một người lớn trong nhà nói "Không" mà chỉ cần một người khác nói "Có" trước mặt trẻ, điều này sẽ tạo đà để trẻ tiếp tục bướng bỉnh hay gia tăng sự bướng bỉnh. Đặc biệt, người lớn càng yêu chiều trẻ thì càng dễ mủi lòng khi thấy con khóc. Đây thực sự là điểm yếu của chúng ta và dễ bị trẻ "bắt thóp" mà gia tăng độ bướng bỉnh lên. Nhưng điều này hoàn toàn có thể thông cảm được và người lớn sẽ phải nỗ lực hơn, trong sự nghiêm khắc đúng lúc của mình. Dạy con nói chung và dạy con ngoan là một hành trình, cũng như cần có những kỉ luật nhất định được áp dụng trong quá trình đó. Có như thế mới có thể giúp trẻ ngoan hơn.

Trong mọi trường hợp, không nhất thiết lúc nào phải từ chối tất cả các yêu cầu của trẻ. Người lớn chỉ cần nói không rõ ràng và dứt khoát với những đòi hỏi không hợp lý của trẻ. Như vậy, trẻ cũng có cơ hội để học cách thích nghi, phát triển nhận thức về điều gì mình đòi hỏi là phù hợp điều gì là không.

Bố mẹ có thể giải thích tại sao yêu cầu của bé không được đáp ứng, bé có thể khóc to hơn nữa để thu hút sự chú ý. Trẻ ăn vạ nếu thấy điều này có khả năng dành được phần thắng về mình. Nhưng,  bố mẹ cần tảng lờ lúc này để trẻ học cách tự nín.

Bố mẹ cũng có thể yêu cầu trẻ tự suy nghĩ về những hình phạt trong trường hợp trẻ cứ tiếp tục mè nheo và không có thái độ hợp tác. Trong mọi trường hợp, việc trẻ tự giác ý thức hành vi của mình đúng hay sai sẽ giúp trẻ không tái phạm những lần sau. 

Nói không khi cần thiết
Bó mẹ cần nói không khi cần thiết. Ảnh Pixabay 

3. Dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh có thưởng có phạt 

Đứa trẻ luôn cảm thấy mình được tôn trọng khi bố mẹ thưởng phạt phân minh. Bố mẹ cần có những giao kèo với con trong việc thưởng phạt và thực hiện nghiệm túc các giao kèo này. Thưởng phạt có thể căn cứ vào mức độ hành động của trẻ và dựa trên sở thích của trẻ "Nếu hôm nay con không chịu đi học thì cuối tuần con không được đi siêu thị, con đồng ý không?" . Hay " Nếu hôm nay con xem tivi quá giờ 15 phút, ngày mai và ngày mốt con không được xem. "

Bố mẹ dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh cần lưu ý về việc tìm những ưu điểm của trẻ để ghi nhận. Khuyến khích trẻ phát huy những mặt mạnh thay vì chỉ tìm lỗi của trẻ. Trong quá trình dạy con, việc nêu ra đồng thời điểm mạnh hay ưu điểm của trẻ lẫn điều trẻ làm chưa tốt cần phải sửa đổi sẽ giúp con cảm thấy có động lực để chỉnh sửa hơn. 

Liên quan đến cách phạt khi dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh, bố mẹ cũng cần lưu tâm rằng, đòn roi phạt trẻ chỉ khiến bé sợ nhưng không phục. Bố mẹ không thể dùng bạo lực để chế ngự sự bướng bỉnh của trẻ tận gốc. Thay vì đòn roi la mắng, bố mẹ có thể dùng ánh mắt lạnh lùng, không nói chuyện, lờ trẻ đi, cắt thời gian xem hoạt hình, không cho trẻ đi siêu thị cùng... để phạt trẻ nếu con bướng bỉnh và chưa ngoan. Kèm với việc phạt trẻ, bố mẹ cần phải để trẻ hiểu tại sao con bị phạt. Điều này nhằm để trẻ tự nhận ra lỗi của mình vừa để con rút kinh nghiệm mà không tái phạm.  

Gấu bông
Dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh cần có thưởng phạt rõ ràng. Ảnh Pixabay 

Có thể nói rằng, dạy trẻ 5 tuổi bớt bướng bỉnh, giảm chống đối là một bài toán khó. Bởi trẻ độ tuổi này đã có nhận thức khá phong phú về thế giới xung quanh cũng như hiểu vị trí cùng cái tôi của mình. Bản thân trẻ ở lứa tuổi này cũng có thể tự giải quyết vấn đề nào đó mà mình gặp phải. Con sẽ dễ dàng cho rằng mình có quyền này quyền nọ. Do đó, việc kiên nhẫn và bình tĩnh là hai yếu tố kim chỉ nan giúp bố mẹ vận dụng các cách dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh hiệu quả. Từ đó, bố mẹ cũng giúp trẻ thay đổi những đòi hỏi vô lý bằng những yêu cầu phù hợp và con ngày càng hoàn thiện bản thân hơn nhờ nhận thức về sự hợp lý đó.

Bích Thuộc & Như Hà

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI