Cách dạy con ngoan từ bé cha mẹ nào cũng có thể thực hiện thành công

Cách dạy con ngoan từ bé có lẽ là việc mà các bậc cha mẹ luôn muốn biết và áp dụng. Vì, ai cũng muốn mình nuôi dạy được những đứa trẻ ngoan ngoãn, tốt bụng. Vậy để làm được điều dễ dàng và thực hiện như thế nào để thành công, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những chia sẻ rất hữu ích ngay sau đây nhé.

banner ads

 

Cách dạy con ngoan từ nhỏ
Cách dạy con ngoan từ bé là việc cha mẹ nào cũng muốn thực hiện được. Ảnh Internet 

1. Thực trạng về việc nuôi dạy con ngoan từ bé

Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con mình ngoan ngoãn, tốt bụng, biết vâng lời nhưng trên thực tế không phải cha mẹ nào cũng biết cách dạy con, để trẻ có được những đức tính này. Các bậc phụ huynh thường thấy vui và tự hào khi trẻ đạt điểm cao hoặc thứ bậc cao trong lớp, hơn là việc trẻ biết quan tâm đến một bạn học hay một người lạ nào đó.

Thêm một cách phản ứng phổ biến ở người lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy trẻ ngoan đó là, khi thấy trẻ có hành vi xấu, thay vì uốn nắn, chúng ta lại hay bao biện “trẻ con thì biết gì”. Đây là sai lầm cực lớn và vô cùng phổ biến mà phụ huynh mắc phải, vì trẻ không ý thức được hành động của mình là sai, dẫn đến việc rèn dạy trẻ sẽ khó khăn hơn khi trẻ lớn dần. 

Bé gái tốt bụng
Cha mẹ nào cũng muốn con mình ngoan, biết vâng lời và thật tốt bụng. Ảnh Internet. 

Thực trạng trên cũng làm chúng ta thấy rõ, về lý do tại sao chúng ta cần dạy trẻ ngoan ngay từ bé, để con trở thành một người biết quan tâm, tôn trọng, có trách nhiệm sau này. Và, dưới đây là 5 cách các cha mẹ có thể áp dụng rất dễ dàng để dạy trẻ.

2. 5 chiến lược giúp các cha mẹ dạy con ngoan từ bé

2.1. Dạy trẻ biết ưu tiên việc quan tâm đến người khác - bí quyết quan trọng trong cách dạy con ngoan từ bé

2.1.1. Tại sao cần dạy trẻ biết ưu tiên việc quan tâm đến người khác?

Các cha mẹ có khuynh hướng quá ưu tiên cho niềm vui và thành tựu của con mình, so với việc con quan tâm đến những người khác. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng trẻ cần học cách cân bằng giữa nhu cầu của bản thân với nhu cầu của người khác, dù đó là việc chuyền bóng cho đồng đội trong một trò chơi, hay việc quyết tâm phản kháng để bảo vệ một người bạn học bị bạo hành…Ở cách dạy con ngoan từ bé sao cho hiệu quả, yếu tố dạy con quan tâm đến người khác được xem là một trong những tiêu điểm quan trọng, mà chúng ta không nên xem nhẹ. 

Dạy con biết quan tâm đến người khác
Dạy con biết quan tâm đến người khác vì đây là điều cần thiết. Ảnh Internet 
2.1.2. Dạy trẻ quan tâm đến người khác như thế nào?

Bạn cần nói cho trẻ biết việc nên ưu tiên quan tâm đến người khác. Điểm mấu chốt là bạn nên duy trì kỳ vọng cao về mặt đạo đức đối với trẻ, chẳng hạn như bạn tôn trọng các cam kết của chúng, cho dù việc đó làm chúng không được vui vẻ.

Ví dụ, trước khi trẻ rời khỏi một đội bóng, ban nhạc hay chấm dứt một tình bạn, bạn nên yêu cầu trẻ xem xét lại nghĩa vụ của mình với đội/ nhóm/ bạn bè và khuyến khích trẻ giải quyết tốt đẹp mọi vấn đề trước khi bỏ cuộc.

Bạn hãy thử những việc sau với trẻ:

  • Thay vì nói với trẻ rằng: “Điều quan trọng nhất là con cảm thấy vui vẻ” hãy nói “Điều quan trọng nhất đó là con là người tốt”.
  • Hãy chắc chắn rằng những đứa con lớn của bạn luôn tôn trọng người khác ngay cả khi chúng mệt mỏi, mất tập trung hay tức giận.
  • Hãy nhấn mạnh về sự quan tâm khi bạn tương tác với những người lớn quan trọng khác trong cuộc sống của trẻ ví dụ như thầy cô giáo, huấn luyện viên,…

Ví dụ: bạn hãy hỏi thăm giáo viên của trẻ xem con có phải là một học trò tốt ở trường hay không. 

Trẻ chia sẻ táo
Muốn trẻ biết quan tâm đến người khác, cha mẹ nên dạy con điều này khi còn nhỏ. Ảnh Internet 

2.2. Cách dạy con ngoan từ bé bằng cách tạo cơ hội cho trẻ thực hành việc quan tâm và thể hiện lòng biết ơn của mình

2.2.1. Tại sao nên tạo cơ hội cho trẻ thực hành việc quan tâm và thể hiện lòng biết ơn của mình?

Chúng ta vẫn biết rằng không bao giờ là quá muộn để trở thành một người tốt, tuy nhiên nó không thể tự xảy ra được. Trẻ cần được thực hành việc quan tâm đến người khác và thể hiện lòng biết ơn đối với những người chăm sóc chúng cũng như những người góp phần xây dựng cuộc sống của mọi người.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người có thói quen bày tỏ lòng biết ơn thường có xu hướng trở nên người hữu ích, hào phóng, giàu lòng trắc ẩn, khoan dung và sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn. 

Trẻ vui tươi
Tạo cơ hội cho trẻ tập thói quen thể hiện lòng biết ơn. Ảnh Internet 
2.2.2. Làm thế nào để tạo cơ hội cho trẻ thực hành việc quan tâm và thể hiện lòng biết ơn của mình?

Việc học cách quan tâm và thể hiện lòng biết ơn cũng giống như việc học cách chơi một môn thể thao hay một dụng cụ âm nhạc – cần được lặp đi lặp lai hàng ngày.

Bạn hãy khuyến khích trẻ giúp đỡ bạn bè, làm việc nhà, xung phong thực hiện những công việc trên lớp học, cám ơn bác lao công, chú lính cứu hỏa hay giữ gìn vệ sinh nơi công cộng…Tất cả những việc nhỏ này sẽ giúp xây dựng đức tính quan tâm và biết ơn người người khác của trẻ đồng thời trau dồi để chúng trở thành phản xạ vô điều kiện khi trẻ lớn dần.

Bạn hãy thử những việc sau với trẻ:

  • Bạn đừng luôn tặng thưởng cho trẻ khi con làm được một việc gì đó hữu ích ví dụ như lau dọn bàn ăn. Chúng ta nên mong đợi trẻ biết cùng dọn dẹp nhà cửa với các anh chị, biết giúp đỡ hàng xóm làm vườn,… và chỉ thưởng cho những việc làm thích đáng của trẻ mà thôi.
  • Bạn hãy trò chuyện với trẻ về những hành động thể hiện sự quan tâm hoặc không mà trẻ xem được trên tivi, hoặc những sự kiện có liên quan đến sự công bằng hoặc bất công mà trẻ chứng kiến được hoặc nghe được trên tin tức.
  • Bạn hãy làm cho việc bày tỏ lòng biết ơn trở thành một quy ước hàng ngày: trong bữa ăn, giờ đi ngủ, trong xe hơi hay trên tàu điện ngầm. Hãy dạy trẻ biết ơn những người góp phần xây dựng (dù nhiều hay ít) cuộc sống hàng ngày của chúng ta. 
Trẻ làm việc nhà
Khuyến khích trẻ làm việc nhà sẽ góp phần giúp trẻ xây dụng thành đức tính quan tâm và biết ơn người khác. Ảnh Internet 

2.3. Bạn hãy giúp trẻ mở rộng “vòng tròn” quan tâm của mình

2.3.1. Tại sao nên giúp trẻ mở rộng “vòng tròn” quan tâm của mình?

Hầu hết trẻ em thường chỉ quan tâm đến những người xung quanh trong một vòng tròn nhỏ hẹp giới hạn ở gia đình, người thân, bạn bè mà thôi. Thử thách của chúng ta là giúp trẻ biết quan tâm đến những người ngoài phạm vi chiếc vòng đó. Ví dụ như một người bạn mới trên lớp, một người nào đó không nói tiếng bản xứ giống trẻ, bác bảo vệ ở trường, hay một bạn nào đó ở một nước xa xôi...

2.3.2. Làm thế nào để giúp trẻ mở rộng “vòng tròn” quan tâm của mình?

Bạn hãy dạy trẻ biết lắng nghe và quan sát những người kề cận với mình hàng ngày (bên trong vòng tròn), cũng như những người khác xung quanh mà trẻ có tương tác (bên ngoài vòng tròn), bao gồm cả những người dễ bị tổn thương.

Trẻ cũng cần học được cách xem xét hậu quả của những quyết định mà trẻ đưa ra, ví dụ như việc rời khỏi đội thể thao, ban nhạc hay hội nhóm nào đó có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các thành viên khác. Đặc biệt trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, trẻ cần phát triển mối quan tâm đối với những người sống ở các nền văn hóa và cộng đồng khác so với chúng. 

Bé gái và trái tim
Trẻ cần phát triển mới quan tâm với những người sống ở các nền văn hóa, hay cộng đồng khác so với trẻ. Ảnh Internet 

Bạn hãy thử những việc sau với trẻ:

  • Bạn hãy đảm bảo trẻ thân thiện và biết ơn mọi người trong xã hội ví dụ như bác tài xế xe buýt hay cô phục vụ bàn.
  • Bạn hãy khuyến khích trẻ quan tâm đến những người dễ bị tổn thương, đưa ra một vài gợi ý để trẻ dễ dàng bước được vào “vòng tròn” quan tâm và dũng cảm. Ví dụ như an ủi một người bạn bị trêu chọc.
  • Bạn hãy dùng những câu chuyện trên tivi hoặc sách báo để minh họa cho những hoàn cảnh khó khăn của trẻ em ở những quốc gia khác.

2.4. Bạn hãy là tấm gương cho trẻ noi theo

2.4.1. Tại sao bạn nên làm tấm gương cho trẻ noi theo?

Trẻ em học được các giá trị đạo đức thông qua việc quan sát hành động của những người mà chúng kính trọng hoặc ngưỡng mộ. Trẻ cũng học bằng cách suy nghĩ thông qua những tình huống khó xử về đạo đức với người lớn, ví dụ: “Con có nên mời bác hàng xóm mới đến bữa tiệc sinh nhật khi bạn thân của con không thích bác ấy không?”

Cha mẹ làm gương cho trẻ
Cha mẹ hãy làm gương để trẻ noi theo. Ảnh Internet 
2.4.2. Làm thế nào để làm tấm gương cho trẻ noi theo?

Làm gương cho trẻ nghĩa là chúng ta phải tự thể hiện sự tôn trọng, quan tâm và biết ơn người khác. Tuy nhiên, bạn không cần (thực ra là không thể) lúc nào cũng là người hoàn hảo. Điều quan trọng là bạn dám thừa nhận sai lầm của mình để trẻ có thể tin tưởng và kính trọng. Bạn cũng cần phải tôn trọng suy nghĩ của trẻ và lắng nghe quan điểm của con.

Bạn hãy thử những việc sau với trẻ:

  • Bạn hãy thực hiện những việc công ích cho cộng đồng ít nhất 1 lần mỗi tháng và tốt nhất nên làm cùng với trẻ.
  • Bạn hãy đưa ra cho trẻ một tình huống về đạo đức vào bữa tối hoặc hỏi trẻ về tình huống mà trẻ gặp phải.

2.5. Bạn hãy hướng dẫn trẻ cách kiểm soát cảm giác tiêu cực

2.5.1. Tại sao bạn nên hướng dẫn trẻ cách kiểm soát cảm giác tiêu cực?

Chúng ta thấy rằng khả năng quan tâm đến người khác thường bị lấn át bởi sự tức giận, xấu hổ, đố kị hoặc những cảm giác tiêu cực khác. Vì vậy, nếu kiểm soát được chúng, trẻ có thể rèn luyện được đức tính quan tâm và biết ơn người khác. 

2.5.2. Làm thế nào để hướng dẫn trẻ cách kiểm soát cảm giác tiêu cực?

Bạn cần dạy trẻ rằng việc trẻ cảm thấy tức giận, xấu hổ,…là bình thường nhưng đôi khi cách thể hiện và giải quyết chúng của trẻ có thể không tốt. Bạn hãy tùy vào tình huống thực tế để hướng dẫn trẻ cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực một cách tích cực.

Bạn hãy thử việc sau với trẻ:

Bạn có thể áp dụng cách sau để giúp trẻ bình tĩnh: bạn yêu cầu trẻ dừng lại, hít một hơi thật sâu qua mũi và thở ra bằng miệng, rồi đếm đến 5. Hãy thực hành khi trẻ ở trạng thái bình thường. Sau đó, khi bạn thấy trẻ buồn hay giận dữ, hãy nhắc trẻ về các bước và cùng thực hiện với trẻ. Sau một thời gian, trẻ sẽ tự thực hiện được để bày tỏ cảm xúc của mình một cách tích cực hơn. 

Mẹ và trẻ vui vẻ
Hướng dẫn trẻ cách giải quyết cảm xúc tiêu cực một cách tích cực. Ảnh Internet 

Qua 5 chiến lược trên chúng ta có thể thấy rằng cách dạy con ngoan từ bé  có vẻ khá đơn giản, chỉ gói gọn trong việc dạy trẻ biết quan tâm và biết ơn những người xung quanh mình ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Để thực hiện được việc này thành công, các cha mẹ hãy nỗ lực và kiên nhẫn rèn luyện trẻ hàng ngày. “Trẻ em như tờ giấy trắng”, không có trẻ nào sinh ra đã tốt hay xấu, ngoan hay hư. Tất cả chúng đều cần sự hướng dẫn và chỉ dạy của người lớn để trở nên biết quan tâm, biết ơn và có trách nhiệm để trở thành một người tốt, có ích cho xã hội khi lớn lên.

Theo Washington Post

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI