Cách dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề cực hiệu quả

Cách dạy trẻ 5 tuổi là việc mà mọi bậc cha mẹ đều mong muốn thực hiện thật tốt và đúng. Vì đây là độ tuổi trẻ chuẩn bị bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới. Trẻ không những cần rèn luyện khả năng cầm bút viết, đánh vần, làm toán ở mức cơ bản. Con còn cần đến những kỹ năng khác vốn rất quan trọng ở môi trường khác. Đó chính là kết bạn, hoạt động theo nhóm hay tuân thủ kỷ luật trường lớp,…Một trong số các kỹ năng rất cần thiết và có ích cho trẻ đó là giải quyết vấn đề về mặt xã hội. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách dạy con trong vấn đề này nhé. 

banner ads
Bé gái đang cười
Cách dạy trẻ kĩ 5 tuổi năng giải quyết vấn đề xã hội là việc bạn nên thực hiện đúng đắn. Nguồn ảnh: Insider 

1. Vì sao nên dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội

Chúng ta có thể nghĩ rằng việc dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội là quá sức của trẻ. Tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi này đã phát triển tình bạn bền vững hơn. Và sự xung đột xã hội giữa bạn bè trở nên không thể tránh khỏi.

Trẻ em có khả năng phát sinh mâu thuẫn với bạn thân hơn là người thân quen. Vì chúng dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và phải thương lượng ý kiến, cũng như đối mặt với tính khí và phong cách chơi khác nhau.

Tin tốt là trẻ lên 5 rất có động lực để giải quyết những vấn đề xã hội này. Nguyên nhân là vì trẻ rất quan tâm đến các mối quan hệ xã hội.

Chính vì vậy, việc áp dụng cách dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội là cần thiết và đem lại nhiều lợi ích cho trẻ. Qua đó, trẻ có thể học được cách hợp tác, giao tiếp, thương lượng, tự vận động cũng như tôn trọng người khác. 

Trẻ đang ăn bánh
Trẻ 5 tuổi đã phát triển tình bạn bền vững hơn và cũng dễ phát sinh các xung đột hơn. Nguồn ảnh: BabyCenter 

2. Cách dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội

Để giúp trẻ 5 tuổi phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội, bạn có thể tham khảo một số cách sau:

2.1. Giúp con tìm ra giải pháp hợp lý nhất

Khi gặp phải xung đột, đôi khi trẻ cần người lớn can thiệp để giúp chúng tìm ra các giải pháp hợp lý. Đặc biệt đối với trường hợp trẻ đã dùng đến ngôn ngữ và hành động tiêu cực.

Tuy nhiên, cách dạy trẻ 5 tuổi phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội sẽ thực sự hiệu quả khi bạn khuyến khích trẻ tự giải quyết bất cứ khi nào có thể, hơn là thực hiện giúp con.

Bạn có thể động viên trẻ bằng các câu hỏi dạng như: “Hình như con rất buồn bực vì cả con và bạn đều muốn đóng vai thuyền trưởng trong trò chơi nhỉ. Vậy chúng ta sẽ giải quyết như thế nào đây con?”

Trẻ có thể đưa ra dự định của mình và tùy mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột, bạn hãy góp ý về mặt tích cực và tiêu cực của giải pháp để trẻ lựa chọn và quyết định. Bạn lưu ý rằng, cách giải quyết hiệu quả là theo hướng tích cực cho cả trẻ và bạn chúng. Bạn hãy đứng ở vị trí trung lập chứ đừng quá ngả về phía con mình. Vì người đối diện với các mối quan hệ đang gặp vấn đề cũng như người sẽ tiếp tục mối quan hệ đó là trẻ chứ không phải bạn.

Đôi khi sự xung đột xảy ra do kết quả của việc trẻ bị quá đói, quá mệt hay bị kích thích quá mức. Điều trẻ cần lúc này chỉ là một khoảng thời gian tạm nghỉ. Hai đứa trẻ rời trường mầm non trong tình trạng giận dỗi, có thể lại vui vẻ thân thiết trở lại vào ngày hôm sau. 

Bố đọc sách cùng con
Bạn hãy khuyến khích con tự giải quyết vấn đề cũng như can thiệp, giúp đỡ con khi cần thiết. Nguồn ảnh: Raising Children Network 

2.2. Dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách đưa ra các ví dụ minh họa

Việc đưa ra các ví dụ minh họa cũng có thể giúp bạn trong cách dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề. Trẻ có thể học được rất nhiều thứ khi bạn nói với chúng về những gì bạn đã xem hoặc những gì bạn đang xây dựng.

Nhiều chương trình truyền hình có nội dung khá hữu ích đối với trẻ. Chúng có thể nói về việc chia sẻ, thay phiên nhau, đợi đến lượt, tha lỗi giữa các bạn bè đồng trang lứa với nhau. Bạn hãy cùng coi với con những tập phù hợp. Cùng thảo luận về cách các nhân vật lựa chọn, cảm giác của họ và cách họ giải quyết các vấn đề xã hội như thế nào. 

2 bé trai đọc sách
Việc đưa ra các ví dụ minh họa cũng có thể giúp bạn trong cách dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề. Ảnh Pixabay 

2.3. Sửa lỗi là cách dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả

Giúp trẻ sữa chữa sai lầm là bước quan trọng trong cách dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề. Như lời của một bài hát về cách cùng chơi (Find a way to play together – Tìm ra cách để cùng chơi của Daniel Tiger) thì “Đầu tiên hãy nói xin lỗi, sau đó là “Mình có thể làm g?””.

Nếu lựa chọn của trẻ đã khiến một người nào đó bị tổn thương về mặt thể chất hay tinh thần, hãy giúp con nghĩ cách làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn. Trẻ có thể bắt đầu từ việc nói/ viết thư xin lỗi sau đó là sửa sai bằng hành động. 

Hãy giúp trẻ biết nói xin lỗi sau đó sửa lỗi
Hãy giúp trẻ biết nói xin lỗi sau đó là sửa lỗi. Nguồn ảnh: BabyCenter 

2.4. Cách nói lên sự bất đồng của mình một cách hòa nhã và tôn trọng

Khi trẻ có điều gì bất đồng ý kiến với bạn bè, bạn có thể nhắc nhở con rằng điều đó là bình thường. Đôi khi bạn bè cũng không cùng ý kiến với chúng ta về một vấn đề gì đó. Ngay cả những người rất thân thiết với nhau cũng có thể có suy nghĩ, sở thích khác nhau.

Nhưng ngay cả khi có sự bất đồng ý kiến xảy ra, chúng ta vẫn cần thể hiện nó một cách hòa nhã và tôn trọng đối với người khác.

Điều đó nghĩa là chúng ta không xúc phạm họ, hét vào mặt họ, lờ họ đi hay đánh họ.

Mà điều đó nghĩa là chúng ta tìm ra giải pháp tích cực cho cả hai phía, ta xin lỗi khi làm họ tổn thương và ta vẫn đối xử thật tử tế với họ. 

Trẻ ở lớp học
Khi trẻ có điều gì bất đồng ý kiến với bạn bè, bạn có thể nhắc nhở con rằng điều đó là bình thường. Ảnh Pixabay 

Cách dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng giải quyết vấn đề không phải là việc có thể dễ dàng thực hiện. Cũng như bất kì kỹ năng nào khác, trẻ cần có thời gian để học hỏi. Trẻ cũng có thể phải trải qua một vài tình huống thực tế, hoặc mất đi một vài mối quan hệ để rút ra được bài học cho mình. Tuy nhiên, đó là điều cần thiết, vì không có điều gì là hoàn hảo. Chúng ta không thể học được điều gì có ích, hay sẽ không thể biết trân trọng những điều đáng giá nếu không có trải nghiệm thực tế. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng hay áp đặt trẻ. Hãy đồng hành cùng con như một người bạn để chia sẻ và giúp con học hỏi và rèn luyện kỹ năng này một cách hiệu quả hơn nhé.

Theo PBS

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI