5 cách dạy trẻ 5 tuổi về trách nhiệm - các cha mẹ nên áp dụng ngay

Cách dạy trẻ 5 tuổi như thế nào là việc các cha mẹ có con trong độ tuổi này rất cần lưu ý. Trẻ ở độ tuổi lên 5 đã sắp đến trường tiểu học. Do vậy, trẻ cần được rèn luyện nhiều kỹ năng, trong đó tinh thần trách nhiệm là một trong những kỹ năng khá quan trọng.

banner ads

Vậy làm thế nào để dạy con về vấn đề này, các cha mẹ hãy cùng tìm hiểu qua nội dung chia sẻ sau đây nhé.

Cách dạy trẻ 5 tuổi về trách nhiệm
Cách dạy trẻ 5 tuổi về tinh thần trách nhiệm là rất cần thiết. Ảnh Internet

Chúng ta thấy rằng càng ngày, thế hệ trẻ càng lớn lên trong một thế giới tràn ngập sự hài lòng và sự được hưởng quyền lợi từ rất sớm. Các bậc cha mẹ thường phàn nàn rằng, họ phải chăm sóc trẻ từng li từng tí, cũng như làm những việc nhỏ nhặt trong suốt những năm đầu đời của con.

Những bậc cha mẹ có con dưới 10 tuổi thì hay mong mỏi con mau đến tuổi tự lập. Vì vậy, đây là lý do chúng ta nên dạy trẻ về trách nhiệm từ sớm, để trẻ có thể ý thức hơn về những việc mình nên làm, từ việc nhỏ nhất là tự thức dậy vào buổi sáng, đến việc tự quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình sau này.

Dạy trẻ về tinh thần trách nhiệm từ sớm
Hãy dạy trẻ về trách nhiệm từ sớm để trẻ sớm có ý thức hơn về những việc mình nên làm. Ảnh Internet

Dưới đây là 5 cách đơn giản các cha mẹ có thể tham khảo để áp dụng trong việc dạy trẻ.

1. Hãy hướng dẫn trẻ tự chăm sóc bản thân

Ở độ tuổi lên 5, trẻ đã nên thành thạo việc tự chọn trang phục cho mình, tự để quần áo bẩn vào thùng giặt và tự dọn dẹp.

Sau một ngày dài ở trường, có thể cha mẹ rất muốn làm những việc này để mọi thứ được thực hiện nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, bạn nên để trẻ tự làm để trẻ hiểu rằng dù có mệt mỏi, vẫn nên hoàn thành công việc của mình.

Trên thực tế, không phải cha mẹ nào cũng đủ kiên nhẫn cương quyết trong vấn đề này. Vì chúng ta thường cho rằng, trẻ còn quá nhỏ, hoặc trẻ rất vụng về, để con tự làm không bằng người lớn làm cố. Suy nghĩ này sẽ dần làm trẻ ỷ lại và thoái thác những việc đáng ra trẻ có thể làm được. Và theo thời gian, nếu bạn yêu cầu trẻ tự làm những việc liên quan đến bản thân, con sẽ miễn cưỡng coi đó là việc làm giúp cha mẹ , chứ không phải trách nhiệm của mình.

Do vậy, bạn hãy kiên nhẫn dạy trẻ, có thể từ sớm hơn để trẻ rèn luyện dần đến khi con tự làm tốt mọi việc.

Trẻ xếp thìa
Hãy kiên nhẫn dạy trẻ, từ từ con sẽ làm tốt nhưng gì bạn dạy. Ảnh Internet

2. Hãy để trẻ tham gia nấu ăn cho gia đình

Hầu hết trẻ 5 tuổi sẽ rất hào hứng nếu được giúp bạn trong bếp. Có nhiều nhiệm vụ đơn giản mà mẹ nên dạy trẻ 5 tuổi như trẻ nhặt, rửa rau, lau chén đĩa, dọn bàn…Mặc dù trẻ có thể hơi vụng về và gây ra sự chậm trễ hoặc rủi ro (như vỡ chén đĩa, đổ thức ăn…) nhưng đây sẽ là một cách tuyệt vời để dạy trẻ về các quy trình, làm theo hướng dẫn và toán học.

Việc phụ giúp bạn nấu ăn cũng sẽ làm cho trẻ có cảm giác mình đang nuôi dưỡng gia đình vậy. Bạn hãy khen ngợi những nỗ lực của trẻ và chỉ ra những món có sự góp công của trẻ, để con thấy vui vẻ và tự hào hơn.

Sau mỗi bữa ăn, bạn hãy khuyến khích trẻ mang chén đĩa bẩn vào bếp.

Bạn cũng có thể yêu cầu trẻ tự đóng gói bữa trưa hoặc bữa ăn nhẹ cho mình. Bạn hãy cho trẻ chọn trong số những món mà bạn đã chuẩn bị. Như vậy, bạn vẫn kiểm soát được thực đơn bữa trưa hay bữa xế của con, nhưng trẻ sẽ cảm thấy mình được trao quyền lựa chọn theo ý muốn của mình.

Trẻ nấu ăn cùng bố
Hãy cho trẻ phụ bếp và dạy con, con sẽ rất hào hứng. Ảnh Internt

3. Hãy để trẻ tự giác về việc học tập

Thay vì cằn nhằn về bài tập về nhà của trẻ, bạn hãy để trẻ tự chịu trách nhiệm về hậu quả của việc không làm bài.

Ban đầu bạn có thể hỏi trẻ có bài tập về nhà hay không và nhắc con nên hoàn thành trước bữa tối, hoặc trước một thời điểm nào đó (phù hợp với lịch sinh hoạt của gia đình bạn).

Sau hai hoặc ba tuần, bạn hãy để trẻ tự quyết định về thời điểm hoàn thành bài tập của mình. Bạn có thể ngồi xuống và giúp đỡ trẻ nếu trẻ yêu cầu, nhưng nên đưa ra ý kiến của bản thân hoặc kinh nghiệm xử lý tình huống hơn là kiến thức chuyên môn, vì tốt nhất nên để phần này cho giáo viên của con, hoặc những loại sách tham khảo. Như vậy, bạn vừa khuyến khích con đọc sách để tìm hiểu vấn đề, vừa giúp con mạnh dạn nêu ra những điều mình còn thắc mắc. Điều này sẽ rất có lợi cho trẻ trong quá trình học tập cũng như làm việc sau này.

Nếu trẻ không thực hiện trách nhiệm học tập của mình tại nhà, bạn có thể trao đổi với thầy cô giáo và cho phép họ thực hiện những hình phạt phù hợp, để rèn luyện trẻ. Bằng cách này, trẻ sẽ sớm nhận thức được học tập là trách nhiệm của mình chứ không phải học cho ba mẹ hay ai khác. Bạn áp dụng cách thực hành này càng sớm thì trẻ sẽ hình thành được thói quen học tập chăm chỉ, tự giác, và khi đến các kì kiểm tra hoặc thi cử quan trọng, việc học sẽ không còn gây áp lực nhiều cho trẻ.

Trẻ làm bài tập
Dạy trẻ sớm nhận thức được học tập là trách nhiệm của mình, lợi ích cho bản thân mình chứ không phải cho ai khác. Ảnh Internet

4. Hãy dạy trẻ cách đối mặt và xử lý những rắc rối

Một đứa trẻ 5 tuổi chắc chắn sẽ gây ra những “tai nạn” nho nhỏ trong ngày như: làm đổ ly sữa, đánh nhau với bạn hay anh chị em,…Thay vì tức giận hay khiển trách trẻ, bạn hãy dạy trẻ thế nào là đúng sai cũng như cách xử lý mọi việc.

  • Nếu trẻ làm đổ sữa hay đồ ăn : Hãy yêu cầu trẻ lau dọn.
  • Nếu trẻ giành đồ chơi của anh/ chị/ em/ bạn mình : Hãy hỏi trẻ sẽ thấy thế nào nếu người khác cũng làm như vậy với trẻ và những gì trẻ nên làm trước tiên

Việc cung cấp các hướng dẫn sẽ giúp trẻ xử lý được tình huống khi bạn không có mặt bên cạnh trẻ. Bạn đừng ép trẻ xin lỗi , hãy giúp trẻ ý thức được rằng, một lời xin lỗi chân thành sẽ có ý nghĩa rất nhiều đối với người khác, để trẻ tự nguyện nói ra hơn là bạn ép buộc trẻ phải xin lỗi.

Trẻ lau sàn
Nếu trẻ làm đổ đồ ăn, bạn đừng tức giận hay khiển trách mà chỉ cần nhẹ nhàng yêu cầu trẻ lau dọn. Ảnh Internet

5. Hãy dạy trẻ về việc chịu hậu quả cho lỗi của mình

Sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ là dọa trẻ về việc phải chịu một hậu quả hay hình phạt nào đó, nhưng lại không thực hiện chúng. Việc chịu trách nhiệm cũng như vậy. Nếu những mối đe dọa của cha mẹ không bao giờ trở thành hiện thực khi trẻ phạm lỗi, thì trẻ sẽ dần trở nên vô trách nhiệm và thực hiện mọi thứ một cách vô tội vạ.

Khi bạn nói với trẻ rằng, trẻ sẽ không được chơi đồ chơi nếu không dọn dẹp sau trò giải ô chữ thì hãy thực hiện như vậy. Đây có thể chỉ là những trận chiến nhỏ nhặt giữa bạn và trẻ, bạn có thể thấy không đáng phải chấp nhặt trẻ. Tuy nhiên, đó lại là bước đệm quan trọng chuẩn bị cho những vấn đề lớn hơn, mà trẻ có thể gặp phải trong trường học và cuộc sống sau này. Do vậy, việc trẻ học được cách chịu trách nhiệm cho một hành động nào đó là vô cùng quan trọng.

Cô bé đang giận mẹ
Nếu trẻ mắc lỗi, hãy để trẻ nhận hậu quả liên quan hoặc một hình phạt tương ứng. Ảnh Internet

Qua 5 cách dạy trẻ 5 tuổi về trách nhiệm ở trên, hy vọng rằng, các cha mẹ có thể áp dụng với trẻ một cách kiên nhẫn và nhất quán. Vì, dạy trẻ có trách nhiệm với những nhiệm vụ trong học tập, trong gia đình sẽ giúp trẻ trở nên tự tin, linh động để giải quyết khi mọi việc không diễn ra như kế hoạch. Việc giúp trẻ học được những kỹ năng sống quan trọng này, sẽ giúp bạn nuôi dạy những công dân biết sống có trách nhiệm, cũng như biết quan tâm, tôn trọng người khác trong tương lai.

Theo CBC

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI