1. Cách nấu bún Thái chua cay ngon chuẩn vị
Như đã giới thiệu, bún Thái vốn là món tomyum được biến tấu lại cho phù hợp khẩu vị của người Việt. Do đó, bạn có thể áp dụng công thức tomyum truyền thống cho món ăn này.
1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 500 gram bún tươi (chân nước sôi, để ráo)
- 400 gram tôm sú tươi (tách riêng đầu và thịt tôm, đem rửa sạch)
- 100 gram mực tươi (đã bỏ râu, ruột)
- 200 gram nghêu tươi (rửa sạch, để ráo)
- 100 gram thịt nạc bò (xát muối, rửa sạch, thái mỏng vừa ăn)
- 50 gram nấm kim châm (cắt gốc, ngâm nước muối khoảng 10 phút)
- 150 gram cà chua (rửa sạch, thái múi cau)
- 10 gram gừng tươi
- 500 gram sa tế (điều chỉnh theo khẩu vị)
- 15 gram hành tím băm
- 30 gram sả tươi băm
- 50 ml nước cốt me
- 3 lá chanh tươi
- 10 gram riềng (cạo vỏ, thái sợi)
- 1 lít nước lọc
- Gia vị nêm nếm thông thường
1.2. Cách làm món bún Thái chua cay ngon đơn giản tại nhà
1.2.1. Cách nấu nước dùng bún Thái hải sản ngon nhất tại nhà
- Trong nồi lớn, cho đầu tôm, gừng, 1/2 thìa cà phê muối, nước lọc vào, bật lửa nhỏ. Hầm đầu tôm khoảng 30 phút cho ra chất ngọt. Trong lúc nước dùng sôi, nhớ vớt sạch bọt trắng nhé. Sau thời gian hầm, rây lại nước dùng và bỏ xác.
- Đun nóng 20 ml dầu ăn trong nồi khác. Cho hành tím băm, riềng và sả vào nồi, xào đều cho đến khi dậy mùi thơm. Trút cà chua vào chảo, đảo đều cho chín thì thêm sa tế vào, xào đều.
- Chế nước hầm đầu tôm vào nồi cà chua, thêm lá chanh, đậy kín nắp. Vặn lửa vừa, nấu cho nước dùng sôi. Cho nước cốt me, 15 gram muối, 10 gram bột nêm, 40 gram đường trắng, 20 ml nước mắm vào nồi, quấy đều. Nêm nếm gia vị lại cho nước dùng có vị chua ngọt vừa miệng. Nấu sôi khoảng 30 giây thì tắt bếp.
1.2.2. Hấp hải sản và thưởng thức bún
- Xếp tôm, mực, nghêu lên một dĩa sạch, chịu được nhiệt. Rải đều một ít gừng thái sợi bên trên, cho dĩa hải sản vào xửng hấp khoảng 10 - 12 phút cho chín tới.
- Lấy hải sản ra, tắt bếp. Đun sôi lại nước dùng.
- Chia bún ra tô, trang trí ít rau sống bên trên cùng với hải sản đã hấp. Cho thịt bò, nấm kim châm vào nồi nước dùng sôi, trụng nhanh cho chín tới thì gắp ra tô bún.
- Chan nước lèo vào tô bún và thưởng thức ngay cho nóng. Với hải sản, bạn có thể chấm nước mắm tắc ớt hoặc muối ớt xanh tùy theo khẩu vị nhé. Bún Thái nấu theo cách này hứa hẹn là một trong những món bún ngon đậm đà và lạ miệng mà nhà bạn ai cũng thích.
2. Cách nấu bún Thái chay
2.1. Nguyên liệu
- Đậu phụ chiên: 250 gram
- Nước cốt me: 50 - 70 ml
- Lá chanh (rửa sạch): 4 - 5 lá
- Ớt sừng tươi: 1 trái
- Bún tươi: 1 kg
- Dầu thực vật: 2 muỗng canh
- Nước lọc
- Rau ăn kèm: húng quế, rau ngổ, rau muống (nhặt và rửa sạch, để ráo)
Nguyên liệu nấu nước dùng:
- 400 gram dứa tươi (đã gọt vỏ, cắt mắt và thái nhỏ)
- 150 gram hành tây (bóc vỏ, thái múi cau)
- 250 gram quả bắp ngọt
- 60 gram sả to
- 1 lít nước dừa tươi
- 750 ml nước lọc
- 2,5 muỗng canh muối
- 1 muỗng canh đường trắng
Gia vị nấu sốt chua:
- 120 gram cà chua chín (rửa sạch, thái hạt lựu)
- 15 gram sả tươi băm
- Ớt tươi băm: 2 trái
- Hành khô băm: 2 củ
- 1,5 muỗng canh ớt sa tế
- 150 gram nấm sò (cắt chân, ngâm nước muối 10 phút, tước sợi)
- 80 gram nấm đùi gà (sơ chế như nấm sò, thái lát)
- 1 muỗng canh nước tương
2.2. Cách nấu bún Thái dành cho người ăn chay
2.2.1. Cách nấu nước dùng bún Thái chay
- Ép dứa tươi lấy nước cốt, bỏ xác. Với bắp ngọt, đem rửa sạch, rồi cắt khúc vừa ăn, để ráo. Sả tươi đem đập dập, thái khúc.
- Đun nóng 1 muỗng canh dầu thực vật trong nồi lớn, cho hành tây vào xào đến khi dậy mùi thơm và hơi xém cạnh. Cho bắp ngọt và sả vào nồi, đảo đều vài phút.
- Chế nước dừa tươi vào nồi cùng 500 ml nước lọc, đậy nắp. Nấu đến khi nước dùng sôi nhẹ thì cho nước ép dứa vào nồi, nấu sôi trở lại. Nhớ vớt sạch bọt cho nước dùng trong hơn nhé. Vặn lửa nhỏ nhất, nấu nước dùng thêm 45 phút nữa cho đặc lại, nêm nếm gia vị vừa ăn thì tắt bếp, vớt bỏ phần cái trong nồi.
- Nấu sốt chua: Đun nóng 1 muỗng canh dầu thực vật trong chảo. Cho sả, hành khô và ớt băm vào chảo, xào thơm, rồi cho cà chua vào, đảo đều. Có thể thêm 1/2 muỗng canh nước lọc vào chảo nấu để không bị khô. Cho sa tế vào chảo, đảo chung với nguyên liệu. Kế đến, cho nấm sò vào xào 1 phút. Trút nấm đùi gà vào chảo, xào thêm 1 phút nữa cho các nguyên liệu chín mềm.
- Cho sốt chua vừa nấu cùng đậu phụ rán vào nồi nước dùng, đun sôi trở lại.
2.2.2. Hoàn thiện món chay và thưởng thức
- Vò nhẹ lá chanh, cho vào nồi nước dùng cùng với ớt tươi thái lát. Tiếp đến, chế nước cốt me vào nồi, khuấy đều.
- Nước dùng sôi, tắt bếp, để nghỉ khoảng 15 phút cho đặc vị lại. Khi nào chuẩn bị thưởng thức với bún thì bạn đun sôi trở lại nhé. Nêm nếm gia vị lần nữa cho nước dùng có vị chua ngọt cay vừa ăn.
- Thưởng thức: Chia bún ra tô. Xếp rau muống, rau ăn kèm lên trên bún. Múc đậu hũ vào tô bún, chan nước dùng nóng và thưởng thức, chấm kèm nước tương đã chuẩn bị. Món bún chay không chỉ làm giàu thực đơn các món chay ngon , còn dùng để đổi vị những lúc chán ăn rất lý tưởng.
Vốn được biến tấu lại từ tomyum, nên cách nấu bún Thái của người Việt cũng gồm các bước tương tự công thức tomyum truyền thống, với hương vị đặc trưng đến từ 3 loại thảo mộc: sả, riềng, và lá chanh. Những loại thảo mộc này có thể được thưởng thức kèm theo bất kì loại thịt hay hải sản nào. Bởi vì không chỉ giúp món ăn thêm hương vị thơm ngon, mà chúng còn giúp khử mùi tanh thực phẩm sống rất hiệu quả, đem đến cảm giác cay dịu kích thích vị giác tuyệt vời. Tùy theo khẩu vị, hãy chọn cho mình công thức bún Thái hải sản hoặc bún chay đã hướng dẫn trên đây để thưởng thức cùng gia đình mình nhé.
Trúc Nguyễn