Bệnh trĩ khi mang thai và những điều mẹ bầu cần biết

banner ads
Bệnh trĩ khi mang thai
Bệnh trĩ khi mang thai thường được coi là nỗi ám ảnh của hầu hết mẹ bầu. Ảnh Internet

1. Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh lòi dom, xảy ra do các đám rối tĩnh mạch ở các mô xung quanh hậu môn (búi trĩ) bị sa giãn quá mức. Trong trạng thái bình thường, các mô này giúp kiểm soát lượng phân thải ra nhưng khi bị viêm các nó sẽ sưng phồng lên khiến cho người bệnh cảm thấy đau rát và khó chịu.

1.1 Bệnh trĩ được chia làm 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại

  • Trĩ nội: Khi búi trĩ nằm ở phía trên đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn - trực tràng) thì được gọi là trĩ nội. Trĩ nội thường chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa.
  • Trĩ ngoại sẽ xảy ra nếu búi trĩ nằm ở phía dưới đường lược. Trĩ ngoại rất dễ bị ma sát gây chảy máu và tổn thương nên cần được chữa trị sớm.

1.2 Bệnh trĩ thường diễn ra theo 4 cấp độ và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

  • Trĩ độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn, đi đại tiện sẽ thấy máu.
  • Trĩ độ 2: Có hiện tượng sa trĩ nhưng sẽ tự co lại.
  • Trĩ độ 3: Búi trĩ sa quá mức, phải dùng tay tác động để đẩy búi trĩ vào.
  • Trĩ độ 4: Búi trĩ nằm hoàn toàn ngoài ống hậu môn, rất dễ bị nhiễm trùng và hoại tử.
bệnh trĩ
Bệnh trĩ thường diễn ra theo 4 cấp độ và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh Internet

Trĩ được coi là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn - trực tràng. Tỷ lệ bệnh nhân hiện khoảng 25-40% dân số, trên cả nam và nữ. Đặc biệt, hơn 50% phụ nữ bị trĩ khi đang mang thai .

2. Tại sao mẹ bầu lại dễ bị trĩ?

Như đã nói ở trên, bệnh trĩ rất dễ gặp ở phụ nữ mang thai. Nhất là, bệnh rất dễ gặp ở ba tháng cuối của thai kỳ, nguyên nhân là do:

  • Kích thước của thai nhi ngày càng lớn sẽ đè lên vùng bụng làm chèn ép các mạch máu, tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu. Điều này làm các tĩnh mạch trong thành ruột bị phình và căng hết cỡ khiến chúng bị yếu đi, dẫn đến trĩ.
  • Táo bón được coi là tình trạng khá phổ biến khi mang thai. Khi bà bầu bị táo bón , sẽ thường có xu hướng căng cơ khi phải gắng sức rặn để đi vệ sinh gây áp lực cho hậu môn, lâu dài sẽ chuyển sang trĩ.
  • Khi mang thai, nồng độ nội tiết tố progesterone cũng sẽ gia tăng đáng kể khiến các thành tĩnh mạch dễ bị sưng. Bên cạnh đó, Progesterone còn làm chậm nhu động ruột và khiến mẹ bầu dễ bị táo bón.
táo bón
Lượng Progesterone tăng khi mang thai cũng sẽ làm chậm nhu động ruột và khiến mẹ bầu dễ bị táo bón. Ảnh Internet

Ngoài ra còn các yếu tố khác cũng làm tăng cơ hội mắc bệnh trĩ, như:

  • Căng thẳng khi mang thai
  • Ngồi hoặc đứng lâu trong thời gian dài.
  • Mẹ bầu đã có tiền sử bị trĩ rất có khả năng chúng sẽ phát triển thêm.
  • Phụ nữ bị giãn tĩnh mạch âm hộ thường rất dễ bị bệnh trĩ.
  • Những phụ nữ thừa cân, mang đa thai, ít vận động sẽ có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn.

3. Những triệu chứng đặc trưng của bệnh trĩ mà mẹ bầu cần nắm rõ

Việc nắm rõ những triệu chứng đặc trưng của bệnh trĩ sẽ giúp mẹ bầu sớm tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Những triệu chứng này bao gồm:

  • Nếu bị trĩ trong sẽ rất khó để phát hiện, mẹ chỉ có thể biết thông qua một chút máu có trong phân hoặc giấy vệ sinh.
  • Còn trĩ ngoài sẽ tạo cho mẹ cảm giác vướng xíu, khó chịu đặc biệt khi đi vệ sinh và có vật gì đó phình to ra khỏi hậu môn như cục thịt thừa.
trĩ
Trĩ ngoài sẽ tạo cho mẹ cảm giác vướng xíu, khó chịu đặc biệt khi đi vệ sinh và có vật gì đó phình to ra khỏi hậu môn như cục thịt thừa. Ảnh Internet

Bên cạnh đó, nó cũng có một số triệu chứng khác như:

  • Thường xuyên có cảm giác ngứa, nóng rát ở hậu môn
  • Chảy máu và đau âm ỉ khi đi đại tiện
  • Chảy dịch lạ từ hậu môn.
  • Cảm giác đau nhói xung quanh búi trĩ khi quan hệ tình dục

4. Mẹ bầu bị bệnh trĩ có nguy hiểm gì không

Với nguy cơ bị bệnh trĩ khá cao nên nhiều mẹ bầu tỏ ra rất lo lắng, vì không biết bệnh trĩ khi mang thai có ảnh hưởng gì đến sức khỏe đặc biệt là thai nhi hay không.

Theo các bác sĩ thì bệnh trĩ sẽ không gây ảnh hưởng gì đến thai nhi và mẹ vẫn có thể áp dụng được phương pháp sinh thường khi đến ngày vượt cạn nếu mức độ trĩ của mẹ nhẹ. Còn những mẹ bầu mắc bệnh trĩ ở cấp độ nặng hơn thì nên áp dụng phương pháp sinh mổ, vì trong quá trình sinh mẹ phải rặn nhiều gây tác động xấu đến sức khỏe sau sinh của mẹ.

 Mẹ bầu bị bệnh trĩ có nguy hiểm gì không
Mẹ bầu bị bệnh trĩ có nguy hiểm gì không? Ảnh Internet

Mặc dù không gây ảnh hưởng gì đến thai nhi nhưng nếu bệnh trĩ khi mang thai có chuyển biến phức tạp hơn, sẽ có những ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ như:

  • Thiếu máu: Khi hình thành các trĩ, các đám rối ở tĩnh mạch có niêm mạc mỏng nên rất dễ bị chảy máu. Tình trạng này nếu kéo dài mà không được khắc phục sớm sẽ gây nên tình trạng thiếu máu trầm trọng cho mẹ bầu.
  • Tâm lý của mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng: Khi bị trĩ, tâm lý của mẹ cũng sẽ bị tác động nhiều bởi sự đau rát, vướng víu ở hậu môn gây nên tình trạng mất ngủ, lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, không dám đi vệ sinh, ăn uống thất thường,... gây ảnh hưởng không nhỏ đến đồng hồ sinh học của mẹ và làm chậm sự phát triển của thai nhi.
  • Gây biến chứng nguy hiểm: Nếu mẹ bầu bị trị ở cấp độ nặng và không được chữa trị kịp thời có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: Tắc nghẽn ống trực tràng do búi trĩ phát triển lớn, áp xe hậu môn, hoại tử hậu môn,...

5. Phương pháp chữa bệnh trĩ khi mang thai

5.1 Phương pháp chữa bệnh trĩ ở mức độ nhẹ

Thông thường, bệnh trĩ ở mức độ nhẹ mẹ có thể áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà, với nhiều cách điều trị khác nhau như:

  • Chữa dứt điểm tình trạng táo bón - nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai.
  • Những bài thuốc từ cây dấp cá, hoa hòe, hoa mướp,... cũng rất hữu ích cho việc chữa bệnh trĩ cho bà bầu. Trong đó, dùng dấp cá được hay mướp được xem là cách giúp mẹ đối phó với bệnh trĩ khi mang thai vô cùng phổ biến. 
  • Sử dụng thuốc bôi trơn nếu mẹ đang gặp khó khăn trong việc đi đại tiện.
  • Dùng đá hoặc túi lạnh để chườm lên vùng hậu môn nhiều lần trong ngày nhằm giảm đau và hạn chế tình trạng sưng tấy.
túi đá
Dùng đá hoặc túi lạnh để chườm lên vùng hậu môn nhiều lần trong ngày nhằm giảm đau và hạn chế tình trạng sưng tấy. Ảnh Internet
  • Giữ hậu môn luôn sạch và khô bằng cách dùng khăn ấm để lau nhẹ nhàng. Mẹ cũng có thể dùng khăn ướt không cồn hoặc loại khăn chuyên dụng cho những người bị trĩ.
  • Nếu bị ngứa, mẹ có thể sử dụng baking soda ướt hoặc khô để bôi.
  • Mát-xa vùng hậu môn nhẹ nhàng để giảm cảm giác khó chịu, nóng rát. Và chú ý không nên gãi mạnh hoặc làm trầy xước vùng da này để phòng ngừa viêm nhiễm hậu môn.
  • Hạn chế tối đa việc khiêng đồ nặng. Điều này không chỉ làm tăng áp lực lên vụng chậu mà còn không tốt cho thai nhi.
  • Tình trạng trĩ của mẹ có thể bị nặng hơn nếu mẹ ăn những thực phẩm quá mặn hoặc nhiều gia vị.
  • Nên ngủ nghiêng hẳn về một bên, đặc biệt là bên trái. Nó sẽ giúp mẹ giảm bớt tình trạng ứ máu tại vùng hậu môn.
  • Đặc biệt, mẹ không được tự ý uống thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, vì điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng không đáng có cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Nếu tình trạng đau rát hậu môn xảy ra khiến mẹ quá khó chịu thì tốt nhất là mẹ nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kê thuốc phù hợp.

5.2 Mẹ phải làm sao khi bị trĩ ở mức độ nặng hơn?

trĩ nặng
Mẹ phải làm sao khi bị trĩ ở mức độ nặng hơn? Ảnh Internet

Nếu mức độ trĩ của mẹ ở mức độ nặng hơn không thể điều trị bằng thuốc thông thường và cần phải được phẫu thuật, các bác sĩ cũng có những khuyến cáo rằng:

Không nên thực hiện trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Bởi vì trong giai đoạn này, thai nhi còn khá yếu, việc phẫu thuật sẽ làm ảnh hưởng và có nguy cơ gây sẩy thai.

Và tương tự như vậy, trong 3 tháng cuối, mẹ cũng không được thực hiện phẫu thuật cắt trĩ. Vì những tác động của dao kéo có thể khiến mẹ bầu sinh non.

Do đó, nếu muốn thực hiện phẫu thuật cắt trĩ, tốt hơn hết mẹ nên lựa chọn phương pháp phẫu thuật này sau khi sinh xong.

6. Cách phòng tránh bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai

Để có thể phòng tránh tình trạng bị trĩ khi mang thai , thì ngay từ bây giờ mẹ nên nắm rõ các biện pháp phòng ngừa, được nêu ra ngay dưới đây:

cách phòng tránh
Để có thể phòng tránh tình trạng bị trĩ khi mang thai, thì mẹ nên nắm rõ các biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ. Ảnh Internet

6.1 Những điều mẹ nên làm

  • Đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu, mẹ nhé.
  • Ăn nhiều chất xơ như từ các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây, rau,... để hạn chế tình trạng táo bón.
  • Mẹ bầu cần uống đủ nước và tiêu chuẩn của mẹ là 3 lít nước mỗi ngày.
  • Mẹ nên tập các bài tập thể thao nhẹ nhàng chẳng hạn như đi bộ, những bài tập có liên quan đến xương chậu hoặc tập Kegel dành cho bà bầu. Điều này sẽ giúp tăng cường các cơ sàn chậu và cải thiện lưu thông ở vùng trực tràng tốt hơn.
  • Tắm nước ấm mỗi ngày, mẹ có thể ngâm mình trong nước ấm khoảng vài phút để thư giãn và kích thích lưu thông máu.
  • Vệ sinh sạch sẽ hậu môn sau khi đi vệ sinh bằng khăn mềm và không mùi.

6.2 Những điều mẹ không nên làm

  • Cố gắng không đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài đặc biệt là những mẹ bầu đang làm công việc văn phòng.
  • Mẹ không nên ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu, điều này sẽ gây áp lực lên trực tràng và hậu môn của mẹ.
nhà vệ sinh
Cố gắng không đứng hoặc ngồi trong một thời gian quá lâu, mẹ nhé. Ảnh Internet
  • Mẹ nên tránh ăn nhiều thịt đỏ, bánh mì trắng và thực phẩm đã chế biến kĩ.
  • Không được dùng quá sức để rặn. Điều này chỉ làm mẹ nhanh bị trĩ hơn thôi.
  • Khi mang thai, mẹ không được sử dụng thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón. Vì nó có thể gây mất nước và kích thích các cơn co thắt ở tử cung.

Mẹ đừng cảm thấy xấu hổ nếu bị bệnh trĩ khi mang thai nhé, và hãy đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy mình có những triệu chứng được nêu trên để có được phương pháp điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên cân bằng chế độ dinh dưỡng hẳng ngày của mình, bổ sung nhiều chất xơ để hạn chế tối đa tình trạng táo bón - tác nhân gây trĩ hàng đầu khi mang thai, mẹ nhé.

Hiền Anh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI