1. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị trĩ khi mang thai
Khi mang thai, tĩnh mạch ở chân, đôi khi là ở âm đạo bị giãn nở vì những lý do dưới đây khiến mẹ bầu có nguy cơ bị trĩ:
- Tử cung phát triển gây áp lực lên tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch chủ dưới. Điều này làm chậm sự tuần hoàn máu, tăng áp lực lên tĩnh mạch ở tử cung, hậu môn dẫn tới nguy cơ bị trĩ.
- Táo bón thai kỳ: táo bón cũng là một trong những triệu chứng phổ biến khi mang thai và đây cũng chính là tác nhân hoặc góp phần khiến bệnh trĩ trở nên nặng hơn.
- Ngoài ra, sự gia tăng lượng progesterone trong khi mang thai làm thành mạch dễ bị sưng, giãn nỡ. Bên cạnh đó, progesterone còn làm chậm nhu động ruột và khiến mẹ dễ bị táo bón.
2. Những triệu chứng của bệnh trĩ
- Chảy máu hậu môn: đây là triệu chứng sớm và thường gặp của bệnh trĩ. Lúc đầu, máu chảy không nhiều, chỉ dính trong giấy vệ sinh hay lẫn trong phân. Nhưng nếu để lâu, máu sẽ ra nhiều hơn, mạnh hơn và thậm chí có thể chảy thành giọt.
- Sa búi trĩ: ban đầu, búi trĩ sa xuống có thể tự động co lại nhưng khi kích thước búi trĩ quá to do bị sưng hay viêm thì phải cần thêm sự hỗ trợ của ngoại lực. Nếu không kịp thời điều trị thì búi trĩ có thể nằm ra ngoài ống hậu môn gây bất tiện cho đi lại và sinh hoạt.
- Sưng đỏ quanh ống hậu môn: thường gặp khi mẹ bầu bị trĩ ngoại. Vùng niêm mạc sưng phồng và nổi lên những bọng máu, có thể kèm theo viêm nhiễm.
- Đau rát hậu môn: triệu chứng này thường xảy ra khi đi vệ sinh. Lúc này tĩnh mạch rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, khi đi vệ sinh hay có tác động sẽ gây ra tình trạng đau rát hậu môn.
3. Biến chứng của bệnh trĩ như thế nào?
- Chảy máu gây mất máu mãn tính hay mất máu cấp tính nếu lượng máu chảy ra nhiều.
- Máu bị vón cục và viêm tắc tĩnh mạch hậu môn
- Vỡ búi trĩ
- Nghẹt búi trĩ
- Các bệnh thứ phát kèm theo như nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn trực tràng…
4. Làm thế nào để mẹ bầu ngăn ngừa bị trĩ khi mang thai?
Tránh táo bón: táo bón là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ và cũng là tác nhân làm bệnh trĩ trầm trọng hơn. Vì vậy, cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp để hạn chế táo báo như bổ sung nước ép trái cây, trà thảo dược hay sử dụng thực phẩm nhiều chất xơ.
Bổ sung đầy đủ lượng nước đầy đủ cho cơ thể từ 2,5 – 3 lít/ngày. Điều này vừa hạn chế táo bón, vừa hạn chế đau rát hậu môn vì nước sẽ làm phân mềm và giúp cơ thể đào thải ra bên ngoài dễ dàng hơn. Tránh ngồi xổm khi đi ngoài vì có thể gây áp lực lên trực tràng và ruột.
Đừng quên những tín hiệu đi ngoài mà cơ thể cảnh báo, nếu cố gắng nhịn trong thời gian dài có thể gây áp lực cho trực tràng và ruột. Bên cạnh đó, nhịn lâu sẽ làm phân cứng hơn, tĩnh mạch ở hậu môn rất dễ bị tổn thương.
Đảm bảo một chế độ ăn uống hiệu quả và cân bằng: mẹ bầu nên sử dụng thực phẩm giàu chất xơ, chất thô, trái cây, rau xanh, yến mạch ngũ cốc… giúp cho phân mềm mại, dễ di chuyển ra ngoài tránh gây tổn thương lên trực tràng và hậu môn.
Luyện tập thể dục như tập yoga, đi bộ, bơi lội sẽ giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh và hạn chế được nhiều bệnh lý trong thai kỳ. Tránh căng thẳng khi đi vệ sinh, mẹ bầu cần có tâm lý thư giãn, thoải mái.
Bị trĩ khi mang thai là một vấn đề thường gặp, tuy nhiên mẹ bầu không được vì thế mà chủ quan vì bệnh lý này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mẹ bầu. Vì vậy, để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu hãy thực hiện những biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Yeutre.vn chúc mẹ bầu có một thai kỳ an toàn và hiệu quả!
Bùi Phường tổng hợp