Bệnh thủy đậu ở trẻ em và những điều cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe cho con

Bệnh thủy đậu ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm, chủ yếu qua đường hô hấp, do virus varicella zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Mặc dù bệnh thủy đậu ở trẻ em hầu hết là lành tính, nhưng vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan, viêm phổi… đặc biệt là ở những trẻ có hệ miễn dịch kém, thậm chí gây tử vong.

banner ads

Khi có con mắc bệnh thủy đậu, các mẹ thường hết sức lo lắng không biết phải xử lý thế nào. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các chị em những thông tin cần thiết về bệnh thủy đậu ở trẻ em để giúp các mẹ an tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe con cái.

bệnh thủy đậu ở trẻ
Bệnh thủy đậu ở trẻ em có nguy hiểm không? Ảnh: Internet

1. Triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Tùy vào từng giai đoạn, bệnh thủy đậu có những triệu chứng khác nhau:

Giai đoạn khởi phát: Bé có biểu hiện sốt, đau đầu, uể oải, đau cơ, đôi khi không có triệu chứng báo trước. Cần lưu ý là sau khoảng 10 – 20 ngày ủ bệnh, bé mới có dấu hiệu sốt cao 38 – 39 độ C, viêm họng đỏ... Các mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để biết chính xác vì những triệu chứng trên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh siêu vi thường gặp.

Giai đoạn biểu hiện: Đây là giai đoạn xuất hiện các vết phỏng nước lan dần trên khắp cơ thể. Lúc này, da của trẻ nổi nốt hồng ban đỏ và sau 1-2 ngày thì xuất hiện các mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể dưới nhiều dạng: mụn nước trong, mụn nước đục…, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Bé mắc trái rạ sẽ có cảm giác ngứa, khó chịu nhưng tuyệt đối các mẹ phải giữ không cho bé gãi, cào cấu gây vỡ các mụn nước, sẽ khiến mụn mọc nhiều hơn, dễ để lại sẹo sâu và rất có khả năng gây biến chứng nguy hiểm. Đây cũng là giai đoạn dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu bé không có sức đề kháng tốt. 

triệu chứng nổi mụn đỏ
Khi bị thủy đậu, da bé sẽ xuất hiện các mụn nước đỏ. Ảnh: Internet

Giai đoạn phục hồi: Đây là giai đoạn mụn nước đóng vảy. Trong trường hợp bình thường, những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 5 - 10 ngày. Các bé sẽ dần giảm sốt, giảm tình trạng đau họng, mệt mỏi.

Chú ý : Các mẹ cần phân biệt rõ bóng nước của thủy đậu với bóng nước của bệnh tay chân miệng để tránh nhầm lẫn:

  • Nếu bóng nước ở bệnh tay chân miệng rất đồng đều thì bóng nước trong bệnh thủy đậu có nhiều kích cỡ khác nhau (do thời điểm xuất hiện bóng nước khác nhau).
  • Khác với bóng nước trong bệnh tay chân miệng (thường xuất hiện khu trú ở những vị trí đặc trưng như lòng bàn tay, lòng bàn chân, ổ miệng hoặc vùng mông, vùng khớp gối), bóng nước thủy đậu lại xuất hiện toàn thân.
  • Bóng nước trong bệnh tay chân miệng thường không gây ngứa và ấn không đau, còn bóng nước của bệnh thủy đậu thường gây ngứa và đau khi ta ấn lên vùng da có bóng nước.  

2. Biến chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Mặc dù bệnh thủy đậu ở trẻ em thường là lành tính, sẽ tự khỏi trong vòng khoảng từ 1 - 2 tuần, nhưng nếu chủ quan, không chăm sóc đúng cách, bệnh có thể bị nặng hơn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm: 

Nhiễm trùng nốt rạ (thủy đậu) dẫn đến tình trạng da bé bị lở loét. Nếu không được điều trị tích cực và đúng cách có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn trên da của bé.

biến chứng thủy đậu
Bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Internet

Nhiễm trùng huyết làm suy sụp sức khỏe của bé. Biến chứng này vô cùng nghiêm trọng vì nếu bé không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

Biến chứng viêm não, viêm màng não hiếm gặp nhưng thường để lại những di chứng nặng nề như bại não, điếc, chậm phát triển tâm thần, động kinh..., gây ra gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội.

Một số trường hợp bệnh thủy đậu ở trẻ em tránh gây ra biến chứng bệnh viêm phổi nặng, rất khó trị.

3. Chăm sóc trẻ em bị thủy đậu

Trước hết, các bố mẹ nên cách ly bé tại nhà trong phòng riêng, thoáng khí cho tới khi các nốt mụn nước khô vảy hoàn toàn. Ngoài ra, các mẹ nên cho bé uống nhiều nước, bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần mỗi ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý nồng độ 0.9%. Mẹ nên lưu ý:

  • Cho bé mặc quần áo vải mềm , dễ thấm hút mồ hôi, tắm rửa sạch sẽ hằng ngày bằng nước ấm, đảm bảo vệ sinh da cho bé, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
  • Không làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì bệnh thủy đậu ở trẻ em dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
tắm cho bé bị thủy đậu
Để đảm bảo vệ sinh, các mẹ nên tắm sạch sẽ cho bé bằng nước ấm. Ảnh: Internet
  • Nên giữ móng tay cho bé sạch sẽ hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay bé nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do bé gãi, gây trầy xước các nốt mụn nước.
  • Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã bị vỡ.
  • Trong trường hợp bé bị sốt cao, các mẹ có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khi thấy bé có biểu hiện khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, lên cơn sốt co giật , hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ thì lúc này, mẹ nên đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. 
đưa bé đi khám bác sĩ
Khi thấy bé có dấu hiệu nặng, phải đưa bé đến bác sĩ ngay. Ảnh: Internet

Bệnh thủy đậu ở trẻ em rất dễ lây qua đường hô hấp, nhất là khi trẻ tiếp xúc với người bệnh mà hít phải giọt nước bọt bắn ra của người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi… Để bảo vệ sức khỏe cho con cũng như có thể xử lý đúng cách khi có mắc bệnh, các mẹ cần nắm rõ các nguyên tắc phòng bệnh, các triệu chứng và cách chăm sóc nói trên nhé. Chúc các mẹ thành công!

Mỹ Tiên tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI