Bệnh thuỷ đậu ở trẻ em - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh thủy đậu ở trẻ em là một trong những căn bệnh phổ biến thời thơ ấu, xảy ra đặc biệt ở các bé dưới 12 tuổi. Bệnh do virus gây nên, khiến khắp cơ thể trẻ ngứa ngáy xuất hiện cùng một số triệu chứng khó chịu khác. Hôm nay, Yeutre.vn xin gửi đến bố mẹ những thông tin về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, và cách điều trị, cũng như chăm sóc trẻ khi mắc loại bệnh lây nhiễm này.

banner ads

1. Triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em

1.1. Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh thủy đậu

nốt ban đỏ trên da bé
Dấu hiệu nổi ban đỏ trên da bé mắc bệnh thủy đậu - Ảnh Internet

Bệnh thủy đậu ở trẻ, hay còn gọi là trái rạ, thường bắt đầu với triệu chứng sốt, nhức đầu, đau họng, hoặc đau bụng, chứ chưa xuất hiện nốt ban ngay. Các dấu hiệu này có thể kéo dài trong vài ngày, với nhiệt độ cơ thể khi sốt có thể lên đến 38.3 - 38.8 độ C.

Triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ trên da thường bắt đầu ở vùng bụng, hoặc sau lưng, sau đó, hầu như lan rộng khắp mọi bộ phận khác trên cơ thể - bao gồm cả da đầu, miệng, cánh tay, chân, và bộ phận sinh dục.

Biểu hiện phát ban bắt đầu bằng nhiều nốt nhỏ màu đỏ giống mụn nhọt hoặc vết cắn côn trùng. Chúng lần lượt xuất hiện ồ ạt từ 2 đến 4 ngày, sau đó, phát triển thành nốt bọng chứa mủ bên trong. Khi các bọng mủ này vỡ ra sẽ để lại vết loét, cuối cùng là lớp vỏ bên dưới khô lại thành vảy sần sùi, có màu nâu.

banner ads

3 giai đoạn phát ban thủy đậu - nổi nốt ban đỏ, chuyển thành bọng nước, đóng vảy nâu - sẽ xuất hiện trên cơ thể bé cùng lúc. Với trẻ có hệ miễn dịch yếu, hoặc mắc các bệnh như chàm, bội nhiễm da, thì quá trình phát sinh ban đỏ có thể diễn ra nhanh hơn, lan rộng hơn, với tính chất nghiêm trọng hơn.

1.2. Khi nào bố mẹ nên đưa con đến bác sĩ?

cặp nhiệt kế cho bé nổi ban đỏ
Trẻ mắc bệnh thủy đậu có thể sốt cao đột ngột lên đến 38.8 độ C - Ảnh Internet

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều không cần điều trị đặc biệt. Đôi khi, với một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, hãy gọi bác sĩ khi con xuất hiện những dấu hiệu dưới đây:

  • Sốt kéo dài hơn 4 ngày, hoặc tăng đột ngột lên 38.8 độ C
  • Ho nghiêm trọng, hoặc khó thở
  • Có một vùng phát ban sưng đỏ, nóng ấm, gây đau, hoặc các bọng mủ bị vỡ, chảy dịch vàng đặc
  • Đau đầu nghiêm trọng
  • Buồn ngủ một cách bất thường, hoặc khó chịu khi thức dậy
  • Có vấn đề khi nhìn vào đèn sáng
  • Khó giữ thăng bằng, đi đứng khó khăn
  • Có vẻ bứt rứt, khó chịu, bực bội
  • Cảm giác muốn nôn ói, muốn đổ bệnh
  • Cổ cứng

1.3. Bệnh thủy đậu có gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ không?

Bệnh thủy đậu ở trẻ rất dễ lây lan, phần lớn trẻ mắc bệnh cũng sẽ có anh chị ruột nhiễm bệnh theo (nếu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin) sau đó khoảng 2 tuần. Virus thủy đậu truyền nhiễm qua không khí (triệu chứng ho và nhảy mũi), qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nhầy hoặc dịch mủ từ bọng nước. Khi nhiễm bệnh, khoảng 2 ngày sau trẻ mới phát ban, sau đó là xuất hiện các bọng mủ bị vỡ ra.

bé nổi ban đỏ
Sau giai đoạn phát ban thủy đậu, các bọng mủ bắt đầu xuất hiện trên da, vỡ ra, và khô lại đóng vảy - Ảnh Internet

Các triệu chứng của bệnh thủy đậu thường nhẹ, và không gây ra bất kì vấn đề nghiêm trọng nào, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, đôi khi có thể để lại các biến chứng phổ biến khi phát bệnh ở những đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai, những người hút thuốc nhiều, trẻ sơ sinh dưới 4 tuần tuổi, những người có hệ miễn dịch yếu - ví dụ như người nhiễm HIV, người lạm dụng liều cao steroid, hoặc đang áp dụng hóa trị liệu. Một số biến chứng có thể kể đến như:

  • Nhiễm trùng da

Da trẻ mắc bệnh thủy đậu có thể bị nhiễm khuẩn, nhất là khi bé bị trầy xước tại các nốt rạ, bọng nước. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng da ở trẻ gồm: da sưng đỏ, gây đau đớn và mềm, dễ tổn thương. Bố mẹ có thể dùng kháng sinh để trị nhiễm trùng cho con, nếu nặng hơn thì phải đến bác sĩ.

  • Viêm phổi

Trong một số trường hợp, virus bệnh thủy đậu có thể lan sang phổi và gây viêm phổi ở trẻ. Các triệu chứng gồm: ho dai dẳng, khó thở, tức ngực, đồ mồ hôi, run. Nếu trẻ viêm phổi nặng, có thể sẽ phải nhập viện để theo dõi và điều trị nội trú.

bé trai mắc bệnh thủy đậu đang ngủ
Trường hợp nặng, trẻ mắc bệnh thủy đậu sẽ được điều trị nội trú tại bệnh viện chuyên khoa Nhi - Ảnh Internet

  • Viêm não

Trong số ít trường hợp, bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn ở não và tủy sống. Cụ thể, nó có thể gây ra trạng thái thiếu năng lượng, buồn ngủ, nhầm lẫn, động kinh, nôn ói, đau đầu, cổ cứng, thay đổi hành vi, khó khăn khi đi đứng, giữ cân bằng, nói chuyện.

1.4. Phân biệt trẻ bệnh thủy đậu với bệnh zona

Các triệu chứng của bệnh zona bao gồm ngứa ngáy, hoặc đau ở một vùng nào đó trên cơ thể, tiếp theo là phát ban đỏ và nổi bọng nước. May mắn thay, trẻ nhỏ và vị thành niên mắc bệnh này hầu như chỉ với mức độ nhẹ, còn trường hợp nghiêm trọng hơn thì thường xuất hiện ở người cao tuổi.

Một trẻ mắc bệnh zona có thể lây lan bệnh thủy đậu (chứ không phải bệnh zona) cho những bé chưa từng mắc thủy đậu, hoặc chưa tiêm vắc xin ngừa bệnh. Bệnh zona chỉ có thể phát triển ở những người đã từng mắc bệnh thủy đậu.

2. Trẻ mắc bệnh thủy đậu nguyên nhân do đâu?

virus varicella zoster
Bệnh thủy đậu ở trẻ em do virus varicella-zoster gây nên - Ảnh Internet

Bệnh thủy đậu ở trẻ là do virus varicella-zoster, đây đồng thời cũng là loại virus gây nên các vết ban đỏ đau đớn của bệnh zona. Khi một trẻ từng mắc bệnh thủy đậu, virus sẽ "ngủ yên" trong hệ thần kinh trong suốt quãng đời còn lại, dù các triệu chứng bệnh đã biến mất. Virus này có thể được kích hoạt lại ("thức dậy") sau đó và gây nên bệnh zona.

Trẻ em nếu được tiêm ngừa thủy đậu đầy đủ thường sẽ không mắc bệnh zona khi lớn lên. Trong trường hợp mắc bệnh, triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn và ít gây biến chứng hơn so với những bé không được tiêm phòng.

3. Cách điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em

3.1. Điều trị trẻ mắc bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu ở trẻ thường có tính chất nhẹ, có thể điều trị tại nhà. Hầu hết trẻ sẽ hồi phục lại sau khi được chăm sóc đúng cách trong vòng 1 tuần. Hiện tại, không có phương pháp chữa trị cho căn bệnh này, mọi hình thức điều trị đều nhắm đến mục tiêu làm giảm các triệu chứng, giúp cơ thể bé chống lại nguy cơ bị nhiễm trùng. Điều quan trọng nhất là, gia đình cần phối hợp với các đơn vị y tế để phòng ngừa lây lan bệnh thủy đậu.

bệnh thủy đậu ở trẻ em
Thuốc chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng ở trẻ mắc bệnh thủy đậu, chứ không chữa khỏi - Ảnh Internet

Để chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu tại nhà, bố mẹ có thể thực hiện một số gợi ý sau:

  • Dùng paracetamol khi con có dấu hiệu sốt cao, hoặc cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Loại thuốc này an toàn với hầu hết mọi người, kể cả phụ nữ mang thai và trẻ em trên 2 tháng tuổi. Đặc biệt ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, có thể dùng thuốc dạng lỏng để bé dễ hấp thu hơn.
  • Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm cho trẻ - như ibuprofen, hay bất kì loại thuốc nào khác mà không có chỉ định của bác sĩ điều trị. Đồng thời, không dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi, vì nó có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của các bé.
  • Khi nhận toa thuốc từ bác sĩ, luôn đọc tờ hướng dẫn đi kèm thuốc để kiểm tra mức độ phù hợp của loại thuốc đó với con mình, và cần dùng với liều lượng bao nhiêu, vào thời điểm nào. Khi cảm thấy không chắc chắn, nhất là với thuốc bôi Methylen, đừng ngần ngại hỏi lại bác sĩ.

thuốc viên aspirin
Không tự ý dùng thuốc aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi - Ảnh Internet

  • Với những trẻ được cảnh báo có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu nặng, có thể bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng virus có tên aciclovir, hoặc được điều trị với globulin miễn dịch, nhằm làm cho các triệu chứng ít tiến triển nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, dù áp dụng hình thức nào, bố mẹ cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện tại nhà.

Một số bố mẹ làm theo kinh nghiệm dân gian, tự ý cho trẻ tắm nước lá khi mắc bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, đây là cách làm sai lầm, và các chuyên gia y tế không hề khuyến khích việc này. Một số loại lá có thể khiến trẻ bị dị ứng, tăng khả năng nhiễm khuẩn vì lá không sạch, khiến tình trạng bệnh của trẻ càng trầm trọng hơn. Thậm chí, các bác sĩ Nhi khoa cũng khuyên mẹ không nên dùng nghệ tươi bôi lên vết sẹo của bé khi vừa trải qua bệnh thủy đậu. Để được tư vấn cụ thể, khoa học hơn về các phương pháp điều trị theo dân gian, bố mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.

3.2. Hướng dẫn vệ sinh thân thể

Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, nên cho bé ở nhà nghỉ ngơi cho đến khi qua giai đoạn nổi rạ và các vết phồng rộp khô lại. Quá trình này kéo dài khoảng 1 tuần.

bé nổi ban đỏ đang nằm ngủ
Cho bé mắc bệnh thủy đậu ngủ nghỉ ở nơi thoáng khí, quần áo rộng thoải mái, tránh chà xát vào các vết ban, bọng nước - Ảnh Internet

Bố mẹ cần thực hiện những lưu ý dưới đây để vệ sinh thân thể cho con trong thời gian nghỉ bệnh:

  • Trẻ mắc bệnh thủy đậu thường được khuyên nên cho nghỉ ngơi đầy đủ, tắm nước ấm để giảm ngứa ngáy.
  • Không cho trẻ cào xước vết nổi ban, dù biết bé đang cực kì khó chịu và ngứa ngáy. Hãy thử tập cho con vỗ nhẹ ngón tay vào vùng ngứa, chứ không gãi hay chà xát mạnh, vì hành động này sẽ gây nhiễm trùng, thậm chí là để lại sẹo. Hoặc, dùng bột yến mạch để mát lạnh, mua tại hiệu thuốc, và thoa nhẹ lên vùng da ngứa của con để giảm khó chịu.
  • Mặc quần áo cotton rộng rãi, thoải mái cho da bé thoáng khí.
  • Có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng một số thuốc giúp giảm bớt cảm giác ngứa ngáy cho con như Benadryl, Calamine.
  • Nhiệt độ cơ thể cao và mồ hôi tiết ra có thể khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy hơn. Khi đó, hãy dùng khăn tắm mát, ẩm đắp ở những vùng ngứa nhất để làm dịu da của bé. Tuyệt đối không dùng nước lạnh, tắm nước lạnh khi bé mắc bệnh thủy đậu.

3.3. Chế độ ăn uống cho trẻ

bé gái mắc bệnh thủy đậu ăn lựu
Có thể cho trẻ mắc bệnh thủy đậu ăn lựu để tăng cường vitamin C - Ảnh Internet

  • Quy tắc cần nhớ đầu tiên là cho con uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng để tránh mất nước. Tốt nhất là cho bé ăn các loại thực phẩm mềm, mát, như súp để nguội, cháo đậu xanh, cháo đậu đỏ ý dĩ, cháo đậu thịt heo,...
  • Tăng cường một số loại trái cây giàu vitamin C cho trẻ như cam, bơ, kiwi, dâu tây,...cùng các loại rau quả như rau sam, rau dền, rau má, cải bắp, bồ ngót,...
  • Tránh các loại thực phẩm cứng, mặn, khó tiêu hóa, hoặc cay, nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo, các loại hải sản, trái cây nóng như nhãn, vải, xoài,...Vì chúng có thể làm miệng bé thêm trầy xước, đau rát.
  • Nếu bé đang trong giai đoạn cho con bú, hãy duy trì cho bé bú thường xuyên để cung cấp dưỡng chất, lượng nước đầy đủ cho cơ thể con.

4. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ em

  • Nếu con mắc bệnh thủy đậu, hãy cách li bé tránh xa nhà trẻ, trường học, hoặc nơi làm việc cho đến khi các vết rộp khô lại, bong ra hết. Dấu hiệu này thường xảy ra trong 5 - 6 ngày sau khi phát ban lần đầu. Đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc kiêng cữ cho trẻ mắc bệnh thủy đậu để hạn chế lây lan người khác.

vắcxin varicella
Cần tiêm phòng đầy đủ ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ - Ảnh Internet

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu.
  • Tập bé rửa tay đúng cách, thường xuyên, giữ vệ sinh cơ thể cẩn thận để phòng ngừa các bệnh lây nhiễm. Đồng thời, làm sạch đồ chơi, quần áo, nhà cửa để ngăn ngừa bệnh thủy đậu lây lan.
  • Tiêm phòng đầy đủ ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em là một trong những bệnh có khả năng lây lan cao, cần được áp dụng chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, vệ sinh thân thể, điều trị tại nhà phù hợp. Điều này nhằm tránh biến chứng nguy hiểm về sau. Bố mẹ cũng cần phân biệt loại bệnh này với bệnh zona ở trẻ, để biết cách phòng ngừa, xử lý kịp thời.

Trúc Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI