Bệnh thủy đậu
Trẻ mắc bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu thường bùng phát dịch vào mùa xuân, do virus varicella-zoster (VZV) gây ra. Bệnh rất dễ lây lan và trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh này tấn công nhất.
Triệu chứng bệnh thủy đậu
Đây là những triệu chứng bệnh thủy đậu điển hình để mẹ phân biệt với các loại phát ban khác:
- Sốt nhẹ, đau nhức đầu hoặc chóng mặt thường bắt đầu từ 1 hoặc lâu hơn trước khi xuất hiện phát ban.
Phát ban là một trong các dấu hiệu của bệnh thủy đậu
- Phát ban: Sau khi sốt, trên da của trẻ sẽ xuất hiện các ban đỏ. Từ vị trí các ban đỏ sẽ phát triển thành mụn nước nhỏ và gây ngứa chỉ sau 1-2 ngày ban đỏ xuất hiện và có mặt ở bất cứ nơi nào trên cơ thể. Tuy nhiên, các mụn bóng này thường mọc trước hết ở thân, sau lan đến mặt và tay chân. Ở một số trẻ chúng chỉ xuất hiện tập trung với một số mụn nhỏ. Ban đầu, mụn bóng chứa dịch trong nhưng sau đó khoảng 1 ngày, dịch sẽ chuyển sang màu đục giống như mụn mủ. Khoảng 2-3 ngày kế tiếp, mụn sẽ bắt đầu tạo vảy nhưng những mụn bóng mới sẽ lại mọc tại vị trí mụn đã tạo vảy và tróc đi, làm thành các vết dát đỏ và gây ngứa rát.
- Chán ăn hoặc bỏ bú: Đối với các trẻ nhỏ, triệu chứng bệnh thủy đậu còn khiến trẻ mất đi cảm giác ngon miệng và không hứng thú với chuyện bú mớm hoặc ăn uống.
Một số trẻ sẽ sau vài ngày nhiễm bệnh có thể thấy khỏe hơn và chỉ sau 1 tuần, khi các mụn bóng khô đi, tróc vảy và nhạt màu dần, trẻ sẽ khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên, vì bệnh khá phổ biến, các triệu chứng bệnh thủy đậu cũng rất dễ nhầm lẫn với các dạng sốt phát ban khác và thời gian bệnh tương đối ngắn nên nhiều bố mẹ thường xem nhẹ bệnh. Kết quả là trẻ có thể không nhận được sự chăm sóc đúng cách và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng bệnh thủy đậu
Nếu xem nhẹ, các biến chứng bệnh thủy đậu có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là các trẻ nhỏ
Trước hết, cần nói rằng, bệnh thủy đậu không phải là một bệnh nhẹ và nếu xem nhẹ, các biến chứng của bệnh có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là các trẻ nhỏ. Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ nhiễm bệnh thủy đậu không được chăm sóc đúng cách:
- Xuất huyết ở các mụn bóng thủy đậu và biến thể thành "thủy đậu xuất huyết". Đây là tình trạng rất trầm trọng.
- Bội nhiễm, tức nhiễm thêm các vi khuẩn khác. Khi rơi vào tình trạng này, các mụn nước sẽ bị vi khuẩn tấn công, làm mụn sưng to thêm và gây ngứa. Lúc này, trẻ sẽ gãi nhiều, làm tróc da, chảy nước dịch và để lại sẹo xấu. Ngoài ra, vi khuẩn từ mụn nước có thể sẽ tiếp tục xâm nhập vào máu và dẫn đến các bệnh nguy hiểm trên tim, gan, thận… Trong đó, chứng "nhiễm khuẩn huyết" có mức độ nguy hiểm chết người.
- Viêm phổi cũng có thể xuất hiện do thủy đậu. Mặc dù ít có khả năng nhưng một khi đã mắc phải, bệnh rất nặng và khó can thiệp.
- Chứng viêm não là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu và nó không phải là trường hợp hiếm. Triệu chứng của viêm não sau thủy đậu là trẻ bỗng dưng vật vã, co giật, quờ quạng chân tay và rơi vào hôn mê. Trẻ có biến chứng này thường khó qua khỏi, nếu may mắn vẫn mang những di chứng nặng nề như điếc, động kinh, khờ khạo…
- Ngoài ra, với những trẻ mắc thủy đậu bẩm sinh (mẹ nhiễm thủy đậu trong thai kỳ trước 6 tháng), tức sinh ra đã có tổn thương da dạng thủy đậu thường đi kèm theo các dị tật như bệnh đục thủy tinh thể ở mắt, teo cơ tay chân…
Trên đây là các triệu chứng bệnh thủy đậu điển hình và các biến chứng thủy đậu nguy hiểm. Mong rằng chúng sẽ nguồn thông tin hữu ích để một lần nữa mẹ nhìn nhận đúng tính chất và sự nghiêm trọng của bệnh này để có thể can thiệp kịp thời.
Yeutre.vn (Tổng hợp)