Bệnh hậu sản là gì và những biểu hiện của bệnh bạn không nên bỏ qua

banner ads

Bệnh hậu sản là gì
Bệnh hậu sản là gì chúng ta nên tìm hiểu kỹ. Ảnh Internet

1. Bệnh hậu sản là gì

Sau khi sinh con, cơ thể bạn sẽ trải qua một số vấn đề thông thường như chảy máu, mệt mỏi, căng thẳng,…và bạn chỉ cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc là khắc phục được những tình trạng này.

Hầu hết phụ nữ đều có thể phục hồi một cách nhanh chóng sau khi sinh con. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các vấn đề thông thường diễn biến nghiêm trọng do thể trạng mẹ yếu, hoặc các căn bệnh đặc trưng sau sinh nở gây ảnh hường đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của mẹ, chúng được gọi chung là bệnh hậu sản. Chúng ta có thể kể đến một số tình trạng phổ biến như: băng huyết, đau đầu, đau bụng dưới, sốt, khó thở, tăng huyết áp, táo bón, trầm cảm,…

Mẹ ôm bé
Trong một số trường hợp các vấn đề sức khỏe mẹ sau sinh trở nên nghiêm trọng được gọi chung là bệnh hậu sản. Ảnh Internet

2. Một số bệnh hậu sản phổ biến

2.1 Những bệnh hậu sản nguy hiểm bạn cần được trợ giúp y tế ngay lập tức

Nếu có những biểu hiện hoặc triệu chứng sau, bạn nên gọi xe cứu thương hoặc đến khoa cấp cứu của bệnh viện ngay lập tức:

2.1.1 Băng huyết

Băng huyết là tình trạng xuất huyết nhiều và đột ngột, hoặc gia tăng mất máu (kể cả các cục máu đông).

banner ads

Nếu bạn bị băng huyết sau sinh , bạn có thể mất 500ml máu trở lên rất nhanh và cần được điều trị khẩn cấp.

Nếu bạn bị chảy máu nhiều trong vòng 24 giờ sau sinh, bạn có khả năng phải nằm viện để được can thiệp.

Băng huyết
Băng huyết là bệnh hậu sản cực kỳ nghiêm trọng. Ảnh Internet

Nếu bạn đã được xuất viện về nhà và bắt đầu có dấu hiệu chảy máu nhiều, hãy gọi xe cứu thương nếu:

  • Bạn gia tăng chảy máu đột ngột và nhiều, thấm hơn một miếng băng vệ sinh một giờ.
  • Bạn ra nhiều cục máu đông lớn.
  • Bạn bị lả đi hoặc chóng mặt.
  • Tim bạn đập nhanh hơn hoặc đập một cách bất thường.
2.1.2 Đau đầu dữ dội hoặc kéo dài

Tình trạng đau đầu dữ dội hoặc kéo dài sau sinh có thể là biểu hiện của biến chứng sản giật. Bạn nên gọi xe cấp cứu ngay nếu thấy đau đầu kèm theo các dấu hiệu sau:

  • Mờ và hoa mắt
  • Nôn
  • Ợ nóng nghiêm trọng
  • Mắt cá chân bị sưng

Các triệu chứng của sản giật thường xuất hiện trong vòng 72 giờ sau sinh.

Đau đầu
Đau đầu dữ dội có thể là biểu hiện của biến chứng sản giật. Ảnh Internet
2.1.3 Đau bụng trên

Có một tình trạng hiếm gặp với mẹ sau sinh gọi là hội chứng HELLP có thể phát triển trong lúc bạn mang thai cho đến sau sinh một tuần. Nó gần giống với biến chứng sản giật với các biểu hiện:

  • Đau bụng trên hoặc phía trên bên phải bụng
  • Cảm giác ốm yếu, mệt mỏi và kiệt sức
  • Đau đầu

Hội chứng HELLP có thể ảnh hưởng đến chức năng gan và sự đông máu . Vì vậy bạn cũng cần được can thiệp y tế ngay nếu cơ thể có các triệu chứng trên.

Đau bụng trên
Đau bụng trên gần giống với biến chứng sản giật. Ảnh Internet
2.1.4 Khó thở và/ hoặc đau ngực

Nếu bạn bị khó thở và đau ngực sau khi sinh thì rất có thể bạn bị thuyên tắc phổi. Tình trạng này xảy ra khi một mạch máu trong phổi của bạn bị chặn bởi cục máu đông. Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng của bạn vì vậy bạn cần được đến cơ sở y tế một cách nhanh chóng để được can thiệp kịp thời.

2.1.5 Sốt cao (trên 38 độ)

Sốt cao có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng huyết, đây là bệnh nhiễm trùng lan truyền từ một phần đến toàn bộ cơ thể bạn (ví dụ như từ nhiễm trùng tuyến sữa).

Sốt cao
Sốt cao có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng huyết. Ảnh Internet

Khi bị sốt bạn có thể cảm thấy rùng mình và thở gấp. Tùy thuộc vào vị trí bắt đầu nhiễm trùng, bạn sẽ có một trong các triệu chứng khác như:

  • Đau bụng dữ dội hoặc đau vùng háng và không thấy cải thiện dù bạn đã uống thuốc giảm đau.
  • Dịch tiết âm đạo của bạn có mùi.
  • Ngực đau và mềm.
  • Vết mổ sưng đỏ và đau, đồng thời tiết dịch có mùi.
  • Đau khi tiểu tiện, tiểu rắt và nước tiểu có mùi.

Tình trạng nhiễm trùng huyết có thể làm bạn yếu đi rất nhanh, vì vậy bạn cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời.

Nước tiểu có mùi
Bạn đi tiểu rắt và nước tiểu có mùi. Ảnh Internet

2.2 Những bệnh hậu sản bạn cần được tư vấn và trợ giúp y tế trong cùng ngày xuất hiện triệu chứng

Đối với một số bệnh hậu sản sau, bạn có thể trao đổi với bác sỹ hoặc nữ hộ sinh để được tư vấn bước tiếp theo, bao gồm:

2.2.1 Đau bắp chân

Nếu bạn bị đau bắp chân (thường chỉ ở một chân) thì có thể là triệu chứng của tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Chân của bạn cũng có thể bị sưng đỏ và ấm khi bạn chạm vào.

DVT có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu cục máu đông di chuyển đến phổi của bạn gây thuyên tắc phổi.

Khá nhiều phụ nữ bị đau và mỏi chân sau thai kỳ, nhưng DVT có thể phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu bạn thấy có bất kỳ biểu hiện nào của tình trạng này thì nên luôn luôn kiểm tra nó.

Đau bắp chân
Bạn bị đau bắp chân. Ảnh Internet
2.2.2 Sự thay đổi đột ngột về sức khỏe tâm thần

Trong tháng sau sinh, nhiều bà mẹ trải qua sự thay đổi mạnh mẽ về cảm xúc và tinh thần. Nếu bạn bị ảo giác, bối rối, trầm cảm, bị kích động hoặc thay đổi tâm trạng thất thường thì rất có thể đó là khởi đầu của một tình trạng hiếm gặp gọi là rối loạn tâm thần sau sinh.

Rối loạn tâm thần sau sinh có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ nào dù trước đó họ có bị bệnh về tâm thần hay không. Các triệu chứng nhẹ có thể phát triển thành bệnh tâm thần nghiêm trọng rất nhanh trong vài giờ, do đó điều quan trọng là bạn phải được can thiệp càng sớm càng tốt.

Tình trạng trên có thể là trải nghiệm đáng sợ cho tất cả những ai gặp phải nhưng phụ nữ thường phục hồi được hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời.

Sức khỏe tâm thần
Sức khỏe tâm thần của bạn thay đổi đột ngột. Ảnh Internet
2.2.3 Có ý nghĩ tự sát

Nếu bạn có ý nghĩ về việc làm hại chính mình bao gồm cả tự tử thì nên tìm sự giúp đỡ ngay khi có thể vì bạn có khả năng bị trầm cảm nghiêm trọng sau sinh. Việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả bạn và em bé nếu bạn không được điều trị kịp thời.

Việc có suy nghĩ tự sát không có nghĩa bạn là bà mẹ tồi hoặc con bạn sẽ bị tách khỏi bạn nếu bạn nói cho người khác biết. Vì vậy bạn đừng ngại liên lạc với nữ hộ sinh, bác sỹ hay nói chuyện với các thành viên khác trong gia đình và bạn bè. Bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để chăm sóc bản thân và em bé.

2.2.4 Không thể đi tiểu trong vòng sáu giờ sau sinh

Nếu bạn không thể đi tiểu trong vòng sáu giờ sau khi sinh, có thể bạn đã bị bí tiểu nghĩa là dù bàng quang bạn đầy, bạn rất muốn đi tiểu nhưng không thể thải nước tiểu ra ngoài. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của quá trình chuyển dạ gây căng giãn và làm bàng quang mất trương lực cũng như kém nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy. Bí tiểu sẽ làm cho bạn thấy cực kỳ khó chịu và nếu không được điều trị nó sẽ gây đau đớn, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến thận của bạn.

Khi bạn không thể đi tiểu, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của nữ hộ sinh hoặc bác sỹ nhé.

Bí tiểu sau sinh
Sau sinh bạn bị bí tiểu. Ảnh Internet
2.2.5 Đau đầu dữ dội do gây mê hoặc gây tê

Nếu bạn được gây tê màng cứng khi chuyển dạ hoặc sinh mổ thì bạn có thể bị đau đầu nghiêm trọng trong tuần đầu sau sinh.

Tình trạng đau đầu xảy ra do kim gây mê làm thủng lớp màng quanh tủy sống của bạn. Cảm giác đau thường giống một cơn đau nửa đầu và trở nên tồi tệ hơn khi bạn ngồi hoặc đứng lên. Bạn cũng có thể thấy đau cổ, khó chịu và không thích đèn sáng.

2.3 Những bệnh hậu sản nào bạn vẫn có thể đợi đến sáng hôm sau để đến bác sỹ hoặc bệnh viện

Nếu bạn trải qua những triệu chứng dưới đây, bạn có thể đợi đến ngày hôm sau để gọi cho bác sỹ của bạn:

2.3.1 Bạn có xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng nhưng không sốt

Các triệu chứng của nhiễm trùng có thể gồm:

  • Cảm giác khó chịu, dịch tiết âm đạo có mùi: bạn có thể bị nhiễm trùng âm đạo hoặc trong tử cung.
  • Vết mổ sinh sưng đỏ, đau và chảy dịch: bạn có thể bị nhiễm trùng vết mổ .
Đau vết mổ sau sinh
Nếu bạn đau vết mổ sau sinh có thể chờ đến sáng hôm sau để đi bác sỹ. Ảnh Internet
  • Bụng mềm: có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tử cung.
  • Đau một bên người và khi đi tiểu: có thể là nhiễm trùng đường tiểu.
  • Ngực sưng và mềm: có thể là nhiễm trùng tuyến vú.
  • Đau, sưng và có tiết dịch ở khu vực giữa âm đạo và hậu môn: có thể là nhiễm trùng vết rạch tầng sinh môn
2.3.2 Bạn bị rò rỉ phân

Tình trạng này thường xảy ra ở những phụ nữ sinh thường. Vì sinh qua ngả âm đạo có thể khiến vòng cơ kiểm soát nhu động ruột bị tổn thương gây mất tự chủ trong việc đại tiện.

2.3.3 Bệnh trĩ sau sinh

Trĩ là bệnh lý thường gặp đối với những phụ nữ mang thai và tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau khi sinh. Đặc biệt bệnh trĩ sau sinh thường gặp ở cá mẹ sinh thường. Vì trong quá trình sinh, thao tác rặn đẻ sẽ làm bệnh trĩ trầm trọng hơn. Theo đó, búi trĩ sưng to và nặng hơn là chảy máu, gây đau đớn khi bạn đi đại tiện.

Bị trĩ sau sinh
Trĩ là bệnh lý rất thường gặp với phụ nữ mang thai và sau sinh. Ảnh Internet
2.3.4 Hội chứng “baby blue” – lo lắng sau sinh

Sau khi sinh con, bạn thường trải qua cảm giác lo lắng, căng thẳng vì cơ thể còn yếu cộng với áp lực khi làm quen với việc chăm sóc em bé. Những cảm giác này sẽ biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên nếu sau khoảng thời gian này bạn vẫn thấy chán nản và không muốn đón nhận vai trò làm mẹ, đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh .

Bệnh trầm cảm sau sinh sẽ khiến bạn thấy lo lắng mọi lúc, hoảng loạn, lo lắng về mọi thứ hay không thể tập trung được vì quá thất vọng, hãy liên lạc với bác sỹ hoặc đến bệnh viện để được tư vấn và giúp đỡ.

Hội chứng Baby Blue
Hội chứng Baby Blue cần điều trị để không chuyển thành trầm cảm nặng sau sinh. Ảnh Internet

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi bệnh hậu sản là gì một cách cụ thể. Bạn có thể thấy những căn bệnh này đều khá nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ sau sinh cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu không được can thiệp đúng lúc, chúng có thể gây hậu quả tiêu cực đến bản thân bạn và tệ hơn là em bé mới sinh. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến những biểu hiện của cơ thể và đừng ngại nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh mình. Có như vậy bạn mới có thể giảm được áp lực đối với bản thân và chăm sóc mình và bé một cách tốt nhất.

Theo Baby Centre

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI