Bệnh dị ứng ở trẻ em - tình trạng, nguyên nhân, hướng điều trị và phòng tránh

banner ads

Bệnh dị ứng ở trẻ
Bệnh dị ứng ở trẻ em là một trong các bệnh cần được phụ huynh quan tìm hiểu. Ảnh Internet

1. Về bệnh dị ứng ở trẻ em

1.1. Tình trạng bệnh dị ứng trên thế giới

Trong những năm gần đây, theo thống kê, tỉ lệ trẻ em trên thế giới bị dị ứng hoặc bị ảnh hưởng, biến chứng do dị ứng tăng trên dưới 30%. Theo các chuyên gia và bác sỹ khoa nhi, dị ứng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh tật ở trẻ.

Dù dị ứng có khuynh hướng là do gen di truyền, nhưng các chất gây dị ứng từ môi trường sống, từ tiếp xúc trong sinh hoạt hàng ngày cũng là những yếu tố gây dị ứng ở trẻ rất rõ rệt, cụ thể biểu hiện ở các bệnh phổ biến liên quan mà trẻ mắc phải như bị các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, về da,....

1.2. Tình trạng bệnh dị ứng ở trẻ em tại Việt Nam

Nếu như nhiều năm trước đây, bệnh dị ứng ở trẻ em tại Việt Nam chỉ xoay quanh cách tình trạng phổ biến như các bệnh về da là chủ yếu, thì vài năm trở lại đây, tình trạng dị ứng không còn đơn giản như thế.

Bệnh dị ứng ở trẻ không đơn giản
Bệnh dị ứng ở trẻ em ngày nay không hề đơn giản. Ảnh Internet

Theo thống kê từ các bệnh viện nhi hay các chuyên khoa nhi ở nhiều bệnh viện, con số các bệnh nhi bị bệnh dị ứng ngày càng có dấu hiệu tăng. Trong đó, bệnh dị ứng không chỉ liên quan đến da trẻ, mà còn có các bệnh dị ứng về thời tiết, thực phẩm. Và, điều kiện sống, môi trường sống học tập vui chơi của trẻ được xem là một trong các tác nhân lớn nhất, khiến tình trạng bệnh dị ứng ở trẻ em tăng lên, hoặc có mức độ phức tạp hơn so với trước.

banner ads

Trước tình hình này, là phụ huynh, chúng ta cần phải làm gì để phòng tránh cho trẻ, hoặc khi trẻ gặp phải bệnh thì cần xử lý hay ứng phó ra sao, nhằm kiểm soát hiệu quả và giúp con mau hồi phục. Trả lời cho các câu hỏi này, Yeutre.vn mời cha mẹ cùng tham khảo những chia sẻ khá chi tiết liên quan đến bệnh dị ứng ở trẻ em như dưới đây.

2. Chúng ta đã thực sự hiểu về bệnh dị ứng ở trẻ em?

Từ trước đến nay, hầu như chúng ta thấy các biểu hiện ở trẻ như bị ngứa, bị rôm sảy hay làn da trẻ bị tấy đỏ, thì có thể kết luận đơn giản là trẻ bị dị ứng. Dĩ nhiên, hiểu cặn kẽ về dị ứng - hẳn là thực tế rất nhiều cha mẹ hãy còn khá mơ hồ.

Trẻ bị rôm sảy
Nổi mẩn, rôm sảy là một trong những triệu chứng phổ biến của dị ứng. Ảnh Internet

Liên quan đến bệnh dị ứng, chúng ta có thể hiểu đơn giản là, dị ứng ở người nào đó chính là phản ứng mà hệ thống miễn dịch của họ phản ứng lại những thứ vô hại với hầu hết mọi người. Tức, hệ miễn dịch của những người này lầm tưởng rằng chất mà cơ thể tiếp nhận (bình thường với người khác) hay gặp phải đang gây hại cho cơ thể họ.

Các chất gây ra dị ứng khá đa dạng có thể là một số thực phẩm, bụi, phấn hoa hoặc thuốc.

Theo con số thống kê của Hoa Kỳ - một trong các nước có tỉ lệ bệnh dị ứng rất cao, trong số khoảng 50 triệu người Mỹ bị dị ứng thì trẻ em chiếm khoảng 1 triệu. Và thực tế, theo thống kê từ các trường học, bệnh dị ứng ở nước này là nguyên nhân hàng đầu gây ra khoảng 2 triệu ngày nghỉ học ở trẻ hàng năm.

Như vậy, bệnh dị ứng ở trẻ em thực ra cũng là một trong số các bệnh rất đáng phải quan tâm tới, vì nó cũng không khác gì các bệnh dịch khác mà trẻ đối mặt mỗi năm.

Tại Việt Nam, con số trẻ bị dị ứng không được thống kê một cách cụ thể, nhưng dấu hiệu tăng dần ở các năm gần đây cũng khiến chúng ta phải tỉnh táo và nên hiểu rõ về bệnh. Điều này nhằm bảo đảm con em mình tránh được, hoặc chúng ta biết cách xử lý, chữa trị đúng, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Góp phần làm được điều này, chúng ta nên bắt đầu từ việc tìm hiểu dị ứng diễn ra như thế nào, nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ cụ thể trong tình hình hiện nay ra sao nhé.

Trẻ bị dị ứng
Tỉ lệ trẻ em bị dị ứng khá cao và ngày càng tăng. Ảnh Internet

3. Dị ứng xảy ra trong cơ thể như thế nào?

Tình trạng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của chúng ta phản ứng quá mức với các chất dị ứng. Hệ miễn dịch coi các chất dị ứng này như một kẻ xâm lược gây hại và sẽ cố gắng chống lại chúng. Quá trình phản ứng này có thể gây ra cho cơ thể chúng ta nhiều triệu chứng khác nhau từ khó chịu đến rất nghiêm trọng và thậm chí có thể nghiêm trọng đến mức làm đe dọa đến tính mạng.

Trong quá trình nỗ lực bảo vệ cơ thể khỏi những kẻ "xâm lược", hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể IgE (immunoglibulin E). Kháng thể IgE sẽ làm cho một số tế bào phải giải phóng các hóa chất chống lại những kẻ xâm lược kia.

Sự giải phóng các hóa chất gây ra phản ứng dị ứng. Và phản ứng này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như mắt, mũi, họng, phổi, da và đường tiêu hóa.

Đến đây, có lẽ chúng ta cũng hình dung cơ bản, tại sao khi bị dị ứng, trẻ sẽ thường bị nổi mẩn ở da, bị đau bụng, tiêu chảy,...rồi phải không nhỉ.

Về những kẻ "xâm lược" bị nghi ngờ hoặc bị kết án là gây nguy hại cho cơ thể, chúng rất đa dạng hiện hữu quanh trẻ từ môi trường sống, trong không gian sinh hoạt đến thực phẩm, thuốc trẻ uống,...

Hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch coi các chất dị ứng như kẻ xâm lược và sẽ ra sức chống lại chúng. Ảnh Internet

4. Tác nhân gây bệnh dị ứng ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ em bao gồm cả các yếu tố ngoài trời, trong nhà, khói, hương thơm, đến thực phẩm hay thuốc mà trẻ tiếp nhận và tiêu thụ.

  • Ngoài trời : các yếu tố gây dị ứng có thể là phấn hoa, lá cây, nhựa cây, côn trùng cắn hoặc chích.
  • Trong nhà : lông vật nuôi, lông thú nhồi bông, bụi, sơn, các nguyên vật liệu làm đồ chơi của trẻ, nấm mốc,...
  • Chất kích thích : khói thuốc lá, mùi nước hoa, nến hay sáp thơm, xà phòng, khí thải xe hơi,...
  • Thực phẩm : đậu phông, trứng, sữa và các chế phẩm sữa, một số loại đậu, một số loại hải sản, một số loại thịt,...
Đậu phộng
Đậu phộng - một trong các tác nhân khiến trẻ em bị dị ứng rất phổ biến ở phương Tây. Ảnh Internet

5. Các bệnh cụ thể liên quan đến dị ứng ở trẻ

5.1. Viêm mũi dị ứng và nghẹt mũi

Viêm mũi dị ứng được xem là một trong các bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh dị ứng. Triệu chứng của bệnh bao gồm chảy nước mũi, trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi hoặc nghẹt mũi . Trong đó, tình trạng nghẹt mũi ở trẻ do dị ứng gây ra có thể trở thành mãn tính. Nghẹt mũi tưởng chừng là tình trạng đơn giản nhưng tác hại là không nhỏ. Cụ thể, khi trẻ bị nghẹt mũi, trẻ sẽ phải thở bằng miệng và dễ bị mất ngủ. Một khi trẻ thở bằng miệng kéo dài mà không được điều trị dứt điểm, việc thở bằng miệng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của răng và xương hàm mặt.

5.2. Nhiễm trùng tai

Bệnh dị ứng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng tai ở trẻ. Sự tích tụ chất lỏng trong tai sẽ khiến trẻ bị ngứa tai, đau tai. Nếu không được điều trị, dễ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nặng và làm cho trẻ bị giảm thính lực. Một khi trẻ bị giảm thính lực sẽ ảnh hưởng đến khả năng nói, phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Nhiễm trùng tai ở trẻ
Dị ứng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng tai ở trẻ. Ảnh Internet

5.3. Dị ứng thực phẩm

Cũng theo thống kê của Hoa Kỳ, tại đất nước này có khoảng 8% trẻ em bị dị ứng thực phẩm - một con số không hề nhỏ.

Về thực phẩm, sữa và đậu phộng là nhóm thực phẩm dễ khiến trẻ bị dị ứng nhất. Tiếp theo đó, các thực phẩm ở nhóm dễ gây dị ứng xếp thứ 2 là trứng, cá, cua, tôm, đậu nành và một số loại hạt như hạt điều, hạt óc chó, hạt hồ đào và nhóm cuối cùng ít phổ biến hơn hai nhóm vừa đề cập là lúa mì.

Dị ứng thực phẩm ở trẻ có thể tồn tại theo suốt cuộc đời của trẻ. Và con phải tránh các loại thực phẩm này trong toàn bộ thực đơn hàng ngày của mình.

Do, dị ứng thực phẩm có khả nâng gây ra tình trạng sốc phản vệ - một phản ứng có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ với các biểu hiện như làm cho trẻ khó thở, giảm huyết áp đột ngột khiến cơ thể bị sốc.

Trẻ bị sốc phản vệ
Sốc phản vệ - một tình trạng khá nghiêm trọng có thể xảy ra do dị ứng. Ảnh Internet

5.4. Dị ứng với lông vật nuôi và bụi

Lông vật nuôi hay lông thú nhồi bông hoặc bụi cũng là một trong số các tác nhân gây dị ứng rất phổ biến ở trẻ. Triệu chứng diễn ra thường là trẻ bị ho, có thể khó thở, phát ban, sổ mũi, hắt hơi.

5.5. Dị ứng với phấn hoa, mùi thơm, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, sơn, nấm mốc và khói

Các tác nhân này cũng hoàn toàn có thể khiến trẻ bị dị ứng. Triệu chứng khi trẻ bị dị ứng phấn hoa, mùi thơm hay nấm mốc, hoặc khói cũng gần tương tự như dị ứng với lông vật nuôi và bụi. Trẻ sẽ cảm thấy khó thở, bị ho, khô mũi hoặc sổ mũi và có hoặc không kèm theo hắt hơi.

Trẻ bị dị ứng phấn hoa
Phấn hoa cũng có thể khiến nhiều trẻ bị dị ứng. Ảnh Internet

5.6. Dị ứng côn trùng

Thông thường chúng ta thấy nhiều trẻ bị côn trùng cắn hoặc đốt có thể chỉ bị đỏ, sưng tấy nhẹ nhưng với trẻ bị dị ứng côn trùng thì khác. Các trẻ này dị ứng với nọc độc côn trùng rất mạnh mẽ. Một khi bị côn trùng cắn hoặc đốt, một vết đốt/ chích nhỏ cũng có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng nghiêm trọng chẳng hạn như vết chích/ đốt có thể nhanh mưng mủ dẫn đến nhiễm trùng nặng, hay trẻ sẽ bị khó thở, sốt hoặc nặng hơn có thể bị sốc phản vệ.

5.7. Dị ứng thuốc

Thuốc kháng sinh được cho là gây dị ứng cao nhất ở trẻ, tuy nhiên các loại thuốc không kê toa bất kỳ đều có thể là tác nhân khiến cho trẻ bị dị ứng. Khi bị dị ứng thuốc, con có thể bị phát ban, ngứa, nổi mẩn, sưng mặt hay tay chân, nghẹn họng hay đau họng, khò khè, khó thở, buồn nôn và choáng váng.

Trẻ bị dị ứng thuốc
Trẻ bị sưng mặt và tay chân vì bị dị ứng thuốc. Ảnh Internet

6. Triệu chứng chung thường gặp của bệnh dị ứng ở trẻ em

Khi bị dị ứng, trẻ có thể có các biểu hiện khá phổ biến như:

  • Nổi mẩn ở da hoặc nổi mề đay (có thể là viêm da dị ứng hoặc chàm)
  • Sưng mặt, sưng tay chân
  • Khó thở (có thể là hen suyễn)
  • Hắt hơi, ho, sổ mũi hoặc ngứa mắt
  • Đau dạ dày
  • Đau bụng, trẻ bị tiêu chảy , nôn
  • Tụt huyết áp, chóng mặt hoặc mất ý thức
Trẻ bị tiêu chảy
Trẻ có thể bị tiêu chảy khi bị dị ứng. Ảnh Internet

7. Xác định nguyên nhân và hướng điều trị dị ứng ở trẻ

Để kiểm soát tình trạng dị ứng ở trẻ, cần phải tìm được nguyên nhân. Liên quan đến việc xác định nguyên nhân của dị ứng, dựa vào triệu chứng của dị ứng, bệnh sẽ được khoanh vùng và bác sỹ thường sẽ cho tiến hành làm các xét nghiệm khác nhau để tìm ra nguyên nhân chính xác. Các xét nghiệm này có thể là xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu.

Về việc điều trị với bệnh dị ứng, hiện nay chưa có cách chữa dị ứng cụ thể nhưng người ta có thể kiểm soát tình trạng này ở trẻ. Với các bệnh liên đới do dị ứng gây ra, trẻ sẽ được điều trị theo phác đồ thực tế của bệnh.

Nếu con có các biểu hiện dị ứng, mẹ cần mang con đi bác sỹ để tìm và xác định đúng nguyên nhân, nhằm có cách kiểm soát tình trạng dị ứng một cách hiệu quả nhất. Mẹ cũng lưu ý về việc tự chữa dị ứng cho trẻ tại nhà, vì tình trạng này nếu mẹ không hiểu rõ, có thể khiến trẻ bị nặng thêm và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Bác sỹ khám cho trẻ
Mang trẻ đi bác sỹ để xác định tình trạng dị ứng và có hướng kiểm soát hiệu quả. Ảnh Internet

8. Phòng tránh bệnh dị ứng ở trẻ em

  • Với trẻ sơ sinh, chúng ta cần giúp trẻ tránh triệt để các tác nhân có thể khiến con bị dị ứng.
  • Với các trẻ lớn, cha mẹ cần hướng dẫn cho con từ sớm và nhắc nhớ thường xuyên về các tác nhân có thể khiến con bị dị ứng. Đồng thời, cho trẻ biết các phản ứng có thể xảy ra với con nếu con tiêu thụ hoặc tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Đặc biệt với trẻ đã được xác định dễ bị dị ứng do tác nhân cụ thể nào, thì cha mẹ càng cần chỉ dạy cho con rõ ràng, cũng như giúp con ghi nhớ về tình trạng dị ứng của mình, cẩn trọng phòng tránh cao nhất có thể trước các tác nhân này.
  • Giữ vật nuôi tránh xa phòng ngủ của trẻ.
Vật nuôi
Không để trẻ tiếp xúc vật nuôi nếu con bị dị ứng lông vật nuôi. Ảnh Internet
  • Luôn giữ không gian sống thoáng sạch không bị bụi bẩn.
  • Nếu trẻ bị dị ứng với phấn hoa hãy đóng cửa sổ khi mùa hoa nở rộ và nên cho con đi tắm, thay quần áo mỗi khi ra ngoài về.
  • Giữ con tránh xa các khu vực ẩm mốc, nơi nhiều bụi khói.
  • Luôn đọc kỹ nhãn các loại thực phẩm xem có chứa chất khiến con bị dị ứng hay không.
  • Cha mẹ nên thông báo cho những người chăm sóc trẻ liên quan, từ người thân trong nhà đến bạn bè của trẻ, giáo viên của trẻ,...về đặc điểm dị ứng của con (nếu có) để mọi người biết rõ, có thể giúp trẻ phòng tránh, cũng như biết cách sơ cứu nhanh kịp thời cho trẻ trong trường hợp con bị dị ứng.
Dạy trẻ về dị ứng
Chỉ dẫn cho trẻ kỹ lưỡng về tình trạng dị ứng để tự trẻ cũng có thể phòng tránh khi không có cha mẹ ở bên nhắc nhở. Ảnh Internet

Một cách sơ lược, chúng ta có thể thấy bệnh dị ứng ở trẻ không đơn giản như chúng ta từng nghĩ hay từng biết. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm và hệ miễn dịch của con còn non yếu, vì thế việc phòng tránh dị ứng cho con là việc làm rất cần thiết. Yeutre.vn mong rằng, cha mẹ hãy lưu ý và thật cẩn thận, kiểm tra môi trường sống sinh hoạt của trẻ thường xuyên, để chủ động phòng tránh dị ứng cho trẻ. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi mọi tác nhân có thể gây dị ứng cho con, giúp con sống khỏe và chính chúng ta cũng an tâm hơn.

Nguồn tham khảo: ACAAI, Kids Health và NCBI

Cát Lâm tổng hợp và lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI