1. Nguyên nhân của bệnh chảy máu cam ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em. Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây ra tình trạng này là do:
- Viêm mũi dị ứng : Khi bị dị ứng, các mô dọc theo mũi của trẻ bị sưng, kéo theo tình trạng các mao mạch giãn ra, gây chảy máu. Máu có thể chảy thành những vệt nhỏ khi trẻ hắt hơi, xì mũi.
- Hắt hơi thường xuyên : Tình trạng hắt hơi nhiều lần và kéo dài sẽ có thể gây ra các vết loét hoặc làm vỡ các mạch máu trên mặt trước của vách ngăn bên trong mũi, dẫn đến hiện tượng trẻ bị chảy máu cam.
- Thiếu dưỡng chất : Thiếu vitamin C cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh chảy máu cam ở trẻ em. Bởi lẽ, đây là loại vitamin có ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của trẻ, góp phần giúp các con chống lại những bệnh truyền nhiễm. Việc thiếu hụt vitamin C sẽ khiến cho đề kháng của trẻ suy yếu; các cơ quan, đặc biệt là hệ hô hấp cũng dễ bị vi khuẩn tấn công, gây tổn thương vùng mạch máu.
- Mất cân bằng độ ẩm không khí : Những trẻ bị lệch vách ngăn bên trong mũi rất dễ bị chảy máu cam, nhất là khi gặp điều kiện khí hậu khô, khắc nghiệt. Chỉ cần có sự chà xát nhẹ như khi trẻ hắt hơi hoặc dụi mũi cũng có thể khiến máu trong mũi chảy ra.
- Do ngoáy mũi không đúng cách : Trường hợp trẻ bị sổ mũi, bố mẹ thường dùng tăm bông hoặc dụng cụ hút rửa mũi. Tuy nhiên, nếu vệ sinh mũi cho trẻ không đúng cách, phụ huynh vô tình đã làm cho niêm mạc mũi của trẻ bị tổn thương, gây ra tình trạng chảy máu cam.
- X uất hiện khối u trong mũi : Trường hợp bên trong mũi xuất hiện khối u cũng rất dễ khiến trẻ bị chảy máu cam. Nếu bố mẹ phát hiện con mình chảy máu mũi màu đậm, có mùi hôi thì phải lập tức đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.
- Va đập gây tổn thương mũi : Trong lúc chơi đùa, trẻ có thể bị va đập với một số vật dụng như bàn ghế, đồ chơi… Điều này rất dễ dẫn đến bệnh chảy máu cam ở trẻ em. Vì thế, các bố mẹ hãy hết sức cẩn thận, luôn theo sát con, tránh để nhóc yêu nhà mình tiếp xúc với các vật dụng nguy hiểm, đặc biệt là không để con đưa bất cứ vật gì vào trong mũi. Thành mũi của bé còn đang rất yếu và nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương, chảy máu.
2. Biến chứng nguy hiểm nếu bệnh chảy máu cam ở trẻ em kéo dài
Nếu bệnh chảy máu cam ở trẻ em xảy ra kéo dài mà không được chữa trị đúng cách sẽ co nguy cơ dẫn đến bệnh u xơ mũi hầu.
- Triệu chứng ban đầu là chảy máu cam, tái phát nhiều lần, số lượng máu chảy ngày càng nhiều. Sau một thời gian, nếu không được điều trị, khối u trong mũi trẻ sẽ phát triển lớn, xuất hiện thêm triệu chứng tắc mũi, ù tai. Khối u thường phát triển rất nhanh, lan vào các hốc mũi, xoang mặt, lan xuống vùng họng, miệng, hốc mắt. Tình trạng chảy máu cam nặng thường kèm theo nhiễm trùng, gây thiếu oxy, thiếu máu, kém ăn, mất ngủ, gầy gò, xanh xao…
- Trường hợp thiếu phương tiện cầm máu, hồi sức hoặc khi u xâm lấn nền sọ, trẻ có thể gặp nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong ngay cả khi nó không phải là u ác tính.
- Nếu bệnh diễn tiến nặng nặng, u xơ còn có thể khiến mắt trẻ bị lồi. Trong một số trường hợp, u xơ có thể phát triển dưới họng, khiến trẻ không thể thở bằng mũi, phải thở bằng miệng. Lúc này, họng bé thường sưng viêm, môi khô rát.
3. Cách xử lý bệnh chảy máu cam ở trẻ em
- Nếu trẻ bị chảy máu cam chỉ một lượng ít thì bố mẹ có thể lấy một túi nước đá hoặc khăn lạnh chườm lên trán và cổ nhằm mục đích để các mạch máu co lại, giảm lượng máu chảy.
- Bố mẹ hãy dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt mũi trẻ trong khoảng 5 phút để ngăn không cho máu tiếp tục chảy. Lúc này, như một phản xạ tự nhiên, bé sẽ thở bằng miệng, nên bố mẹ cũng đừng quá lo lắng. Động tác bóp mũi này có tác dụng ép chặt lên điểm chảy máu ở vách ngăn mũi, giúp máu ngừng chảy.
- Đặt trẻ ngồi ở tư thế đầu cao hơn tim trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ. Lưu ý là bố mẹ không nên chọc ngoáy mũi trẻ, vì như thế dễ khiến mũi con bị sung huyết. Nếu tình trạng chảy máu cam tái diễn, để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Bệnh chảy máu cam ở trẻ em nếu kéo dài thường xuyên có thể khiến trẻ phát triển chậm hơn, so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Nguyên nhân là do lượng máu chảy ra nhiều, mất cân bằng với lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Trẻ thường bị hoa mắt, chóng mặt, thiếu máu, lười bú, lười ăn, thậm chí gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng … Vì thế, bố mẹ tuyệt đối không nên chủ quan khi con mình gặp phải tình trạng này. Với những thông tin đã cung cung cấp ở trên, Yeutre.vn hy vọng rằng có thể giúp các bậc phụ huynh nhận biết bệnh sớm, để từ đó có cách điều trị thích hợp, hiệu quả cho con.
Mỹ Tiên tổng hợp