Hút mũi cho con lợi bất cập hại

Như một quán tính, nhiều mẹ thấy con sổ mũi, nghẹt mũi thường tùy tiện đưa miệng hút mũi hoặc dùng dụng cụ hút mũi thông đường thở cho con. Việc làm này theo các bác sĩ chỉ lợi bất cập hại.

banner ads

Vì sao trẻ hay nghẹt mũi và sổ mũi?

Trẻ nhỏ rất nhạy với những kích ứng nên thường gặp vấn đề hô hấp khi thời tiết thay đổi.

Ở trẻ nhỏ, do đường thở rất nhạy với những kích ứng, sung huyết nên khi thời tiết đột ngột thay đổi nền nhiệt, nhất là vào những lúc giao mùa những bệnh về đường hô hấp trở nên rất phổ biến. Và hiện tượng sổ mũi hay nghẹt mũi là một tình trạng viêm nhiễm do vi trùng hoặc vi rút tấn công trẻ gây nên.

Đối với những trẻ mắc bệnh hen suyễn, trẻ thường thở khó do đàm gây tắc nghẽn cuống phổi khiến không khí đi qua phổi khó khăn tạo nên tiếng khò khè. Điều này có thể khiến trẻ bị suy hô hấp. Khi đến khám ở các bệnh viện, bé sẽ được bác sĩ chỉ định làm vật lý trị liệu để tống đàm ra ngoài, giúp thông thoáng đường thở cho bé. Sau đó, bé sẽ thở khí dung (ventolin) theo liều chỉ định để cắt cơn hen.

banner ads

Các mẹ cần phân biệt giữa tiếng khụt khịt khi trẻ nghẹt mũi với tiếng thở khò khè do bệnh hen suyễn tạo nên để tránh cho mình những lo lắng thái quá.

Những cách hút mũi sai lầm của các mẹ

- Nhiều người mẹ sợ con đau do vắt nước mũi làm tổn thương phần da mỏng manh của trẻ nên đã dùng miệng hút lấy phần nước mũi trẻ đang xụt xịt. Cách làm đầy yêu thương này hóa ra lại là một sai lầm. Bởi lẽ khi hệ miễn dịch của trẻ đang bị virus, vi trùng xâm nhập sẽ trở nên rất yếu. Trong khi đó, khoang miệng của người lớn lại tồn tại nhiều virus, vi trùng và cả mầm bệnh có khả năng theo tuyến nước bọt tấn công vào hệ miễn dịch của trẻ khiến tình trạng viêm nhiễm càng trở nên tồi tệ hơn.

- Tương tự, sẽ rất sai lầm cho trường hợp móc họng để bé ói đờm nhớt ra ngoài. Nó có thể làm xây xát vùng hầu họng, khi bé ói lại dễ bị sặc ngược vào đường thở rất nguy hiểm.

- Số khác lại lạm dụng nước rửa hoặc bình xịt để rửa mũi thường xuyên cho bé ngay cả khi bé không gặp vấn đề về hô hấp.Theo các bác sĩ, việc làm này có thể vô tình làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn hô hấp và khứu giác của trẻ.

- Không ít trường hợp bố mẹ còn sử dụng chai nước rửa mắt để rửa mũi cho trẻ hoặc dùng nước rửa mũi Naphazolin 0,025%, 0,05%, 0,1%... để giúp trẻ thông mũi nhưng kết quả ngược lại khiến trẻ bị ngộ độc. Phần lớn những ca ngộ độc này sẽ có biểu hiện như vã mồ hôi, tay chân lạnh, người lừ đừ, nhịp thở yếu, có thể dẫn đến hôn mê. Nặng hơn là khi tim đập không đều, ngưng thở từng cơn rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cách xử trí đơn giản

Cho bé uống nhiều nước giúp long đàm hiệu quả

Để giải quyết vấn đề nghẹt, sổ mũi, đàm nhiều ở trẻ, lời khuyên tốt nhất cho các mẹ là vệ sinh mũi và cho bé uống nhiều nước trong ngày. Nếu bé còn bú mẹ nên tăng cường bú mẹ.

Việc bạn cung cấp đầy đủ nước cho bé cũng đồng nghĩa với việc bạn thực hiện một biện pháp làm long đàm cho trẻ rất hiệu quả.

Nếu trẻ nghẹt nhiều gây khó thở nên dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Dung dịch này sẽ làm loãng dịch mũi để bạn dễ dàng vệ sinh mũi.

Khi vệ sinh, bạn không dùng tăm bông vì loại bông này không đủ hút nước. Hơn nữa bông cứng sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi. Tốt nhất chỉ lấy giấy thấm sạch, loại có độ mềm, dai vo theo chiều dài nhọn giống sâu kèn. Sau đó đưa vào mũi bé để thấm ướt. Cách này có thể làm bé tự nhạy mũi và hỉ chất nhớt ra ngoài theo cơ chế tự nhiên. Cách này còn tốt hơn nhiều so với việc bạn sử dụng dụng cụ hút mũi để lấy nhớt đàm. Đây là cách làm vừa nhẹ nhàng vừa rất an toàn, có thể áp dụng cho trẻ nhỏ.

Tuyệt đối không sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không sử dụng các cách làm dân gian để làm nặng thêm tình trạng viêm.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI