1. Bé chậm nói có phải kém thông minh – chuyên gia nói gì về vấn đề này
Nếu có con nhỏ đã đến tuổi nhưng chưa nói, bạn sẽ rất dễ tự vấn mình bé chậm nói có phải kém thông minh? Mặt khác, nhiều người lại cho rằng trẻ chậm nói là biểu hiện của “hội chứng Einstein”, liệu điều này có đúng không?
Theo tiến sĩ Stephen Camarata – một chuyên gia về lĩnh vực ngôn ngữ và rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em , hiện đang làm việc tại trung tâm y tế đại học Vandebilt, Nashville, Tennessee, Hoa Kỳ - thì có những trẻ chậm nói đã trở thành thiên tài, ví dụ như Albert Eisntein.Ngược lại thì phần lớn những đứa trẻ chậm nói cũng không có trí thông minh xuất chúng.
Tuy nhiên, chắc chắn có nhiều trường hợp được ghi nhận cho thấy rằng có thể có sự đánh đổi giữa phát triển sớm (về khả năng suy luận, phân tích) và sự phát triển của kỹ năng nói. Những đứa trẻ chậm nói sáng sủa này có khả năng bị chẩn đoán nhầm là mắc hội chứng tự kỷ hoặc một số tình trạng nghiêm trọng khác. Điều này khiến trẻ không bao giờ nhận ra được tiềm năng trí tuệ của mình do những phương pháp điều trị sai hướng. Việc điều trị trong trường hơp này ngăn cản sự sáng tạo và tư duy đổi mới của trẻ.
Tất cả chúng ta đều hiểu rằng một số trẻ nói sớm có thể không giỏi toán học hay kỹ thuật. Điều này cũng đúng với những trẻ nói muộn.
Điều quan trọng chúng ta cần nhớ là không có gì không ổn đối với những trẻ có kỹ năng phân tích cao, ngay cả khi chúng chậm nói hay kém hơn về mặt ngôn ngữ, và ngược lại.
Nhiều trẻ trong số những trẻ chậm nói đạt thành tích cao khi trưởng thành, nổi tiếng là những trẻ có ý chí mạnh mẽ và tinh thần phản kháng cao khi còn nhỏ.
Nhìn chung, không cha mẹ nào nên tự động cho rằng trẻ chậm nói là biểu hiện của thiên tài. Mặt khác, những dấu hiệu của trí thông minh và khả năng phân tích cao cũng không phải không thể xuất hiện ở những đứa trẻ chậm nói. Và chúng ta không nên để những biểu hiện bên ngoài làm chệch hướng việc nuôi dưỡng những năng khiếu trí tuệ ở những đứa trẻ này.
2. Phụ huynh không nên cho rằng con chậm nói là lỗi của mình
Đối với các bậc cha mẹ có con chậm nói, ngoài nỗi băn khoản bé chậm nói có phải kém thông minh, họ có thể cho rằng tình trạng này của con là do lỗi của mình. Đó là tâm lý chung của cha mẹ khi đang ở trong tâm trạng lo lắng cho con cái.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng trẻ chậm nói không phải do bạn nuôi dạy con kém, do trẻ được tiêm chủng, do độc tố môi trường hay do con thiếu dinh dưỡng như axit béo thiết yếu hay vitamin B12.
Trên thực tế, có khá nhiều cách giải thích khác nhau đối với tình trạng nói muộn của trẻ. Đây có thể chỉ là trẻ phát triển ở một tốc độ riêng, và giai đoạn chậm nói là giai đoạn phát triển trẻ trải qua mà không có hậu quả bất lợi lâu dài. Cũng có trường hợp chậm nói là biểu hiện của những thách thức kéo dài hoặc thậm chí cả cuộc đời của trẻ. Vi dụ, trẻ khiếm thính có thể nói muộn và thường tụt hậu so với các bạn đồng lứa về học thức cũng như kĩ năng giao tiếp. Chậm nói cũng có thể là triệu chứng của hội chứng phổ tự kỷ hay các dạng chậm phát triển trí tuệ khác.
Việc đánh giá tình trạng chậm nói của trẻ chỉ được đưa ra một cách chính xác bởi các chuyên gia, trong các lĩnh vực có liên quan mật thiết với nhau về quá trình phát triển của trẻ, bao gồm các kĩ năng từ ngôn ngữ đến trí tuệ và vận động. Đây là một quá trình tinh vi, phức tạp và để nhận định đúng. Các chuyên gia phải dựa vào nhiều biểu hiện, triệu chứng của trẻ qua thời gian và các môi trường khác nhau. Bên cạnh đó, sự phát triển của một con người vẫn còn nhiều điều bí ẩn khoa học chưa thể giải đáp và dự đoán.
Vì vậy, bạn cần hiểu rằng bạn không gây ra tình trạng chậm nói ở con mình. Cảm giác lo lắng và tội lỗi không những không giúp ích gì cho việc nuôi dạy trẻ, mà còn phản tác dụng trong việc giúp trẻ học hỏi.
3. Bạn hãy đặt câu hỏi để đề phòng bé bị chẩn đoán sai
Khi bạn đang lo lắng liệu bé chậm nói có phải kém thông minh mà bác sĩ lại chẩn đoán theo hướng đó thật, thì chắc chắn bạn sẽ vô cùng thất vọng.
Trên thực tế, không hiếm trường hợp trẻ chậm nói bị “dán nhãn” sai là bị các tình trạng khác liên quan đến phát triển trí tuệ hoặc các hội chứng, vì người đánh giá sử dụng các bài kiểm tra không phù hợp.
Để chống lại tình trạng này, bạn cần hiểu về tình trạng chậm nói và đặt câu hỏi trực tiếp với chuyên gia thực hiện việc đánh giá trẻ.
Nhiều bác sĩ tiến hành dạng chẩn đoán “xác nhận”. Họ bắt đầu với ý tưởng việc trẻ chậm nói là triệu chứng của hội chứng tự kỷ. Từ đó họ tìm kiếm các dấu hiệu hoặc triệu chứng, và chỉ cần xác định được 1 – 2 dấu hiệu ở trẻ, họ đã đi đến kết luận mà không hoàn thành chẩn đoán phân biệt.
Chúng ta thấy rằng, các hành vi ở trẻ hai tuổi như nổi cơn tam bành, phớt lờ cha mẹ, đi trên đầu ngón chân, kén ăn, đầu to,…khá phổ biến ở trẻ đang phát triển và được xem là bình thường. Tuy nhiên, khi đứa trẻ có những biểu hiện này lại chậm nói, thì chúng liền bị chú ý và quy vào mắc hội chứng tự kỷ.
Rõ ràng, một số phòng khám hoặc bác sĩ cho rằng trẻ nói muộn đều liên quan đến tự kỷ. Trong khi trên thực tế, chỉ một phần nhỏ trẻ chậm nói thực sự mắc hội chứng này.
Như vậy, để hạn chế việc trẻ bị chẩn đoán sai, bạn nên hỏi bác sĩ về cách kiểm tra khả năng của trẻ nói muộn. Cũng như phương pháp này có được áp dụng đối với trẻ khác không chậm nói hay không.
4. Việc can thiệp sớm có ý nghĩa như thế nào
Với nỗi lo lắng bé chậm nói có phải kém thông minh, có lẽ không bậc cha mẹ nào không nghĩ đến việc can thiệp sớm để giúp cải thiện tình trạng này cho con.
Việc can thiệp và điều trị sớm sẽ rất hữu ích trong việc giúp cải thiện tình trạng chậm nói, và quan trọng hơn là các ảnh hưởng lâu dài mà nó có thể gây ra. Đặc biệt là khi các hậu quả này liên quan đến kỹ năng học tập và giao tiếp của trẻ.
Tuy nhiên, để việc điều trị được thực sự hiệu quả và mang lại lợi ích cho trẻ, trẻ cần được chẩn đoán chính xác. Vì một sự chẩn đoán sai sẽ dẫn đến điều trị sai hướng, và có thể làm sai lệch sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Bé chậm nói có phải kém thông minh là câu hỏi khó đưa được đáp án chính xác. Vì để đánh giá sớm mặt trí tuệ của một đứa trẻ đang trong quá trình phát triển không phải là việc làm dễ dàng. Trẻ cần được các bác sĩ có chuyên môn quan sát, theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định, ở các môi trường khác nhau, đối mặt với nhiều loại tình huống khác nhau để đi đến kết luận. Khả năng nói ở trẻ rất quan trọng, nhưng các kĩ năng khác giúp trẻ diễn đạt ý muốn của mình cũng quan trọng không kém. Cha mẹ không nên chỉ dựa vào biểu hiện chậm nói của trẻ mà vội đi đến bất kì kết luận nào. Hãy tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia, và yêu cầu họ giải thích cặn kẽ về cách thức họ tiến hành chẩn đoán. Để từ đó, trẻ có thể nhận được sự giúp đỡ phù hợp và đúng đắn.
Theo The MIT Press Reader
Lily Nguyễn lược dịch